You are here

Nhìn nhận về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông hiện nay

 


Kami
-
Vấn đề quan hệ Việt nam - Trung quốc trong những ngày gần đang ngày càng dần bộc lộ bản chất thật của nó, đó là bằng mặt nhưng không bằng lòng. Không chỉ riêng chuyện chính quyền Việt nam bật đèn xanh cho cuộc biểu tình chống Trung quốc lần thứ 2, ngày 8.7.2012 một cách công khai, hay đồng thời với việc Ban Tuyên giáo Trung ương ra lệnh cho báo chí và các phương tiện truyền thông của họ đồng loạt phản đối Trung quốc. Để kiểm chứng điều này, bạn có thể dễ dàng search trên mạng google cụm từ "phản đối Trung quốc" sẽ có khoảng 18.200.000 kết quả trong 0,28 giây.

Nếu khi chúng ta tổng hợp các sự kiện liên quan gần đây một cách có hệ thống, thì sẽ dễ dàng thấy điều đó, đặc biệt là việc một Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng CSVN phát biểu trong cuộc họp Bộ Chính trị, chiều ngày 06.7.2012 khi nhận định rằng “… trong thời gian tới sẽ có tranh luận và phản đối qua con đường ngoại giao và truyền thông. Sẽ có những chuyện ầm ĩ và thậm chí là va chạm trên biển, nhưng chỉ mang tính sự vụ nhỏ lẻ, tranh chấp có giới hạn. Nhà cầm quyền lạ tiếp tục thăm dò, thử thách và vu khống, bóp méo thông tin về ta…”“… các đồng chí sẽ ngạc nhiên về số lượng và tốc đô hiện đại hoá trang bị vũ khí của chúng ta, ngay cả anh em ở đơn vị cũng không ngờ ta mua sắm nhiều thế, bây giờ ta chỉ lo là anh em không kịp làm chủ pphương tiện kỹ thuật mới để có thể tác chiến hiệu quả ngay…”. Qua đó để thấy vấn đề cũng đã khá rõ ràng, Việt nam đã hiểu và lường trước mối hiểm họa lấn át của Trung quốc trong vấn đề chủ quyền trên biển, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng sa – Trường sa.
Tuy nhiên do hậu quả của việc thông tin không minh bạch trong một thời gian kéo dài, đã khiến dư luận xã hội cộng đồng người Việt nam trong và ngoài nước vẫn có các suy đoán khác nhau và đặt nhiều câu hỏi nghi ngờ về quan điểm của chính quyền Việt nam trong vấn đề này. Có luồng dư luận ở mức độ nhẹ thì cho rằng Việt nam sợ Trung quốc, ở mức độ nặng hơn thì cho rằng chính quyền Việt nam bạc nhược, dâng biển bán đảo cho Trung quốc? Trên thực tế, không sợ sao được khi Trung quốc hiện nay là một cường quốc nặng ký, với lực lượng quân sự áo đảo nếu so sánh với Việt nam. Đơn cử với ngân sách cho quốc phòng chính thức năm 2011 của Trung quốc khoảng 100 tỷ USD (1,7% GDP) so với Việt nam 27.000 tỷ đồng năm 2008 (1,8% GDP) theo công bố của Sách Trắng Quốc phòng 2009. Với số lượng binh lính quân số thường trực (TQ) 2.250.000 người so với 482.000 người (VN), quân số dự bị (TQ) 0,8 triệu người so với (VN) 5 triệu  người. Tuy nhiên trong thời đại toàn cầu hóa, sức mạnh quân sự của mỗi quốc gia không còn là yếu tố quyết định như thời kỳ trước đây. Chắc chắn việc nổ ra chiến tranh trên Biển Đông là một điều khó xảy ra, đặc biệt là đối với một quốc gia có nền kinh tế khổng lồ như Trung quốc.
Người Trung quốc phải công nhận rằng đánh chiếm Trường Sa thì dễ, nhưng giữ được Trường Sa thì lại vô cùng khó, họ đã tự đặt câu hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra đối với các phương tiện quốc phòng, tàu điện cao tốc hay ngành công nghiệp điện tử v.v… của Trung quốc sẽ không có phụ tùng và thiết bị thay thế cần thiết trong thời gian bị cấm vận trong vòng 03 năm và Trung quốc sẽ xử lý việc chở dầu từ Trung Đông về mỗi năm hơn 200 triệu tấn dầu bằng cách nào khi mà cửa ngõ phía tây nam thông qua Myanmar đã bị Mỹ đóng cửa? Hơn nữa vào thời điểm này phía Trung quốc cũng chưa hội đủ mọi điều kiện để phát động chiến tranh, đặc biệt là mặt chuẩn bị điều kiện quân sự. Ví dụ Trung quốc thừa nhận máy bay hiện đại nhất của họ vừa đến Trường Sa sẽ phải quay về nếu không được tiếp dầu, có nghĩa họ phải rút ngắn cự ly bằng việc cải tạo mở rộng và hoàn thành sân bay trên các đảo hoặc trang bị thêm các tàu sân bay. Điều mà ai cũng biết rằng không phải sẽ dễ thực hiện được trong vòng thời gian ngắn.
Do đó có thể nói, chiến tranh lớn trên Biển Đông sẽ khó có khả năng xảy ra trong thời gian gần đây, cho dù hơn 30 năm qua, người dân Trung quốc đã được truyền thông nhuộm đen cách nhìn của họ về Việt nam, khi họ ngang nhiên nói rằng Việt nam chiếm đất, chiếm biển của họ. Mà thay vào đó sẽ là các tranh chấp mang tích tranh chấp cục bộ về chủ quyền giữa các quốc gia trong khu vực, chủ yếu là giữa Trung quốc và các quốc gia Asean có liên quan đến vấn đề tranh chấp. Có lẽ chính vì lẽ đó mà ngày 7/7, tại Bắc Kinh, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã buộc phải xuống giọng khi nói, Trung Quốc sẽ tiếp tục xử lý ổn thoả những bất đồng, cọ xát với nước hữu quan, cùng giữ gìn toàn cục ổn định quan hệ với các nước xung quanh và trong khu vực trên cơ sở kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Trung quốc. Điều đó cũng đúng khi mọt số ý kiến cho rằng những biến cố trên Biển Đông gần đây do phía Trung quốc tạo nên chủ yếu phục vụ cho mục đính dọn đường cho việc ông Tập Cận Bình lên nắm vị trí số 1 của Trung quốc trong đại hội đảng CSTQ vào cuối năm nay.
Trên mặt trận ngoại giao, phía Việt nam cũng đã có những kết quả thành công nhất định trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Tuy còn khá xa mới đến được chỗ các bên ký kết COC – Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông, nhưng như vậy đã là một động thái khá tích cực khi Trung quốc chịu ngồi vào bàn đàm phán với các nước Asean có xung đột để bàn tiếp từ DOC – Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (gọi tắt Quy tắc Hướng dẫn DOC) sang COC tại diễn đàn thường niên ASEAN tổ chức tại Phnom Penh ngày 09.7.2012.
Mặc dù chiến tranh trên Biển Đông khó có thể nổ ra, nhưng ban lãnh đạo đảng CSVN đã tính tới khả năng không cần chiến tranh, nhưng giả sử Trung quốc triển khai khoảng  1 triệu quân ở biên giới Việt – Trung, thì khi đó chắc chắn phía Việt nam cũng phải triển khai không ít hơn 500 ngàn quân dọc biên giới. Hãy so sánh khi 1,2 tỷ dân Trung quốc nuôi 1 triệu quân  và hơn 80 triệu  người Việt nam nuôi 500 ngàn quân ở chế độ sẵn sàng chiến đấu trong thời gian dài thì điều gì sẽ xảy ra, nếu không nói là khi ấy ăn mày sẽ đầy đường? Do vậy, bài học cách hành xử với Trung quốc là không thể nôn nóng để dàn trận mà đánh trực diện vào mặt kiểu phiêu lưu như nhiều người muốn được, mà phải vận dụng triệt để điểm yếu của họ, lựa thời cơ chín mùi để đánh cho tan tác như hồi 1979. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay Việt nam không còn lựa chọn khác trong vấn đề Biển Đông, có chăng là hy vọng vào chuyến thăm Việt nam ngày mai 10.7.2012 của bà Ngoại trưởng Hoa kỳ Hilary Clinton mà có nhiều đánh giá cho rằng sẽ có những sự thỏa thuận và mặc cả rõ ràng hơn giữa hai quốc gia vốn từng là cựu thù.
Có người đạt câu hỏi vậy tại sao chính quyền Việt nam có cách ứng xử kiểu một quốc gia, hai chế độ trong các cuộc biểu tình chống Trung quốc trong thời gian gần đây. Thả cửa ở Hà nội nhưng đóng cửa ở Sài gòn? Ngoài yếu tố lo ngại về sự bất ổn chính trị hoặc sức ép hay quan điểm khác nhau của các cơ quan an ninh, các nhà bảo thủ trong đảng và các phần tử thân Trung quốc, thì câu trả lời sẽ là phía chính quyền có cách ứng xử như vậy nhằm mục đích chuyển thông điệp tới các bên trong và ngoài nước rằng họ đang làm chủ cuộc chơi, nghĩa là mở hay đóng “cuộc chơi dân chủ” là quyền trong tay họ. Cũng không thể không nhắc đến sự bất phục tùng mang tính cát cứ của các các quan chức địa phương trong việc đi ngược lại chủ trương của chính quyền trung ương. Điều này trùng hợp với các sự kiện àn áp các phong trào tôn giáo độc lập, như phong trào Tin lành, phong trào Thiên Chúa giáođiển hình là vụ Giáo điểm Con cuông – Vinh xảy ra ngay trước chuyến thăm Hà nội của Ngoại trưởng Mỹ. Còn chuyện đối xử với blogger Huỳnh Thục Vi trong mấy ngày vừa qua được giới đánh giá phân tích cho rằng, đó chỉ là chuyện mượn gió bẻ măng, nhằm nắn gân để thử lửa đối với một blogger nữ vừa thành hôn. Vì đơn giản họ nghĩ rằng blogger Huỳnh Thục Vi khi có gia đình mới cô ấy sẽ an phận và giã từ “vũ khí” để trở về với một cuộc đời mới yên lặng như cô Lê Thị Công Nhân trước đây. Nhưng họ đã nhầm.
Sự vận động của lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt nam hầu như gắn chặt với sự o ép của Trung quốc, không kể tới nghìn năm Bắc thuộc. Có điều mà con người ta không tự chọn được là người sinh ra mình, cũng giống như một dân tộc không thể chọn được anh bạn láng giềng.  Dẫu láng giềng họ có xấu xa đến mấy mình cũng cứ phải ở với nó, đời đời kiếp kiếp, không thể li dị hay tách nhau ra được. Vậy cho nên trong lịch sử ông cha ta phải lựa chiều đối phó vì sự tồn vong của dân tộc cho đến hôm nay, theo nguyên tắc bị ép quá thì phải bật lại, nhưng khi đánh xong rồi lại phải sang cầu hòa, điều đó bất kể triều đại nào cũng đã từng làm nhiều lần. Do vậy, việc chính quyền Việt nam để cho các nhà thầu Trung quốc trúng thầu hầu hết các công trình như thuỷ điện, nhiệt điện, hay để người Trung quốc được phép nuôi trồng hải sản khắp nơi, cho thuê rừng đầu nguồn biên giới v.v… thực chất là một hình thức triều cống hòng mong yên ổn.  Nhưng đến mức Trung quốc ỷ mạnh đòi đảng CSVN Việt nam và chính quyền của họ phải cống nốt vùng biển Trường sa và các khu vực xung quanh là không thể được. Vì chấp nhận đòi hỏi này là chấp nhận tự sát. Bởi lịch sử Việt nam cho thấy, bất kỳ triều đại nào chấp nhận sự thống trị của ngoại bang thì sẽ không có khả năng tồn tại, vấn đề chỉ là thời gian nhanh hay chậm. Chỉ khi đó nó sẽ tạo thành ngòi nổ cho một cuộc cách mạng, dưới hình thức khởi nghĩa nông dân hay dưới một hình thức khác. Những người lãnh đạo đảng CSVN họ ý thức được điều đó và luôn tỏ ra thận trọng trong việc nhún nhường khi hành xử trước tham vọng của Trung Quốc.
Tham vọng bành trướng kiểu bá quyền Đại Hán luôn tồn tại gắn liền với lịch sử của Trung quốc, không phải chúng ta cứ lùi bước thông qua việc triều cống các lợi ích kinh tế ở Việt nam như thời gian vừa qua mà đảng CSVN và chính quyền của họ đã làm. Với hy vọng để cho họ (Trung quốc) thôi không gây sự nữa là suy nghĩ sai lầm và lạc hâu. Không phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay. Vì Việt nam dù có có nhún nhường hay lùi mãi, dẫu cho họ hết thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế nằm trong 200 hải lý đi chăng nữa thì Trung quốc vẫn tiếp tục gây sự. Vì từ ngàn đời nay Trung quốc chỉ muốn người dân Việt biến khỏi dải đất hình chữ S, điều đó cho thấy mục đích lâu dài của họ là đất đai chứ không phải đơn thuần là tranh chấp biển Đông. Do vậy biện pháp duy nhất để thoát khỏi hiểm họa này là Việt nam phải nhanh chóng tiến hành cải cách và thực thi dân chủ, trước hết để huy động và tập hợp sức mạnh đoàn kết của toàn thể nhân dân Việt nam trong và ngoài nước. Sau đó là tranh thủ được sự ủng hộ của gần 150 quốc gia đang có quan hệ và ủng hộ Việt nam, trong số đó đặc biệt là Hoa kỳ.
Nhưng có lẽ không thể bỏ qua yếu tố con người, là một trong những yếu tố quan trọng mang tính quyết định mà phía Việt nam đang có những lỗ hổng lớn. Cụ thể ở đây là những người lính Hải quân Nhân dân Việt nam họ có suy nghĩ và hành động như thế nào trước hiểm họa mất biển, mất đảo vào tay Trung quốc. Vì hiện nay tình trạng tiêu cực phổ biến trong các đơn vị Hải quân Việt nam thường trực trên biển là một nguy cơ lớn cần phải khắc phục khẩn trương. Đó là tình trạng các cấp chỉ huy tự ý rút bớt các chuyến tàu tuần tra trên biển hoặc cho tàu tuần tra đỗ nghỉ xa bờ, một mặt cho bộ đội nghỉ tự túc làm kinh tế lấy tiền đóng cho đơn vị. Còn các sĩ quan rút dầu bán chác để chia nhau là một hiện tượng rất phổ biến
Những việc tưởng chừng nhỏ, nhưng đây nó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, nếu không kịp thời chấn chỉnh thì sẽ là một hậu họa khó lường hết.
Ngày 09 tháng 7 năm 2012
© Kami
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.