Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được tổ chức long trọng tại Philadelphia vào hôm Chủ Nhật (17-6-2012). Ngày này được xem là một trong những truyền thống sinh hoạt quan trọng nhất trong cộng đồng người Việt tại đây.
Với sự tươm tất và trịnh trọng của ban tổ chức, ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã đặc biệt thu hút không những người cựu quân nhân mà cả các giới nhân sĩ khác trong vùng đều nhiệt tình tham gia và góp sức.
Trong hội trường của nhà hàng Sài Gòn Maxim, người ta cho hạ hết các trang trí của nhà hàng để dành toàn bộ không gian cho các lực lượng binh chủng của thời Việt Nam Cộng Hòa trang trí theo chủ đề các binh chủng. Theo ông Huỳnh Văn Phú từng là đại đội trưởng đại đội 1 trinh sát sư đoàn I bộ binh, "để có được một chương trình long trọng như thế này, các anh em trong đội ngũ cựu quân nhân phải chuẩn bị trước gần cả năm trong việc thuê mướn hội trường". Nói chung lại, công việc tổ chức được mang tính liên tục trong các sinh hoạt cựu quân nhân để ngày Quân Lực luôn luôn được trang trọng và hoàn chỉnh ở mức độ cao nhất.
Dù không gian mang nặng nét tưởng nhớ, hoài niệm của một thời trai trẻ của các cựu quân nhân nhưng vượt lên góc cạnh trầm tư của một quân lực Việt Nam Cộng Hòa hào hùng ngày xưa, tuổi trẻ của họ như được níu lại. Những nghi thức và những khúc ca hào hùng, lãng mạn của một thời ca tụng các chiến sỹ Việt Nam Cộng Hòa thực sự đã trở thành nét văn hóa chủ lưu của người Việt hải ngoại nhất là trong lãnh vực âm nhạc. Không thể nào chối cãi, qua những dịp tưởng nhớ như thế này, người ta càng nhận rõ, sức lôi cuốn của văn hóa Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn vang mãi.
Ở thành phố Philadelphia, ngày Quân Lực cũng đã trở thành một gạch nối quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Mỗi năm đến ngày này, các vị từng là cựu quân nhân VNCH mặc lại các quân phục xưa cũ, bỗng dưng thấy họ trở nên trang trọng và hoạt bát hẳn lên. Trong diện mạo này, niềm tự hào của một thời cầm súng vẫn chưa hề dứt.
Có những người đã vượt qua ngưỡng cửa thất tuần nhưng vẫn hăng say giải thích các binh chủng ngày xưa như là một di sản không thể nào quên. Dấu vết của tuổi già gần như biến mất trong phút chốc. Có người chỉ đội một cái mũ nồi ghi lại phù hiệu ngày xưa nhưng toát lên một phong thái quân nhân của một thời trai trẻ.
Khó lắm ban tổ chức mới mời được ca sĩ Mỹ Lan đến từ California vì trong dịp này cô thường bận rộn với các chương trình tưởng niệm ngày Quân Lực ở các nơi. Như là người kế thừa mảng văn hóa “nhạc lính", do người chồng quá cố của cô là nhạc sỹ Trần Thiện Thanh. Tiếng hát lời ca của một thời vẫn gây xúc động và toả ngát lòng người khi nghĩ về một thời binh biến khói lửa mà Việt Nam Cộng Hòa chỉ còn lại trong tâm tư và ký ức.
Ngày Quân Lực ở Philadelphia mặc nhiên trở thành một ngày mang tính nghi lễ và hội ngộ trong tình huynh đệ chi binh. Ở Philadelphia, tất cả những xu hướng khác biệt trong cộng đồng đều có thể dàn hòa trong ngày này. Có nhiều hội đoàn có xu hướng không thích nhau nhưng phải “gặp nhau” - chỉ cần một cái vỗ vai của một người áo lính tự dưng mọi ân oán giang hồ có thể tan biến.
Cũng theo ông Huỳnh Văn Phú, "ai ai cũng biết rằng ngày Quân Lực có một ý nghĩa to lớn trong binh sử của Việt Nam Cộng Hòa. Ra tới ngoài này, tuy tuổi đời chồng chất, sự kế thừa di sản này không biết sẽ còn bao lâu đến các thế hệ con cháu nhưng các anh em sỹ quan coi đây là những gạch nối có thể an ủi nhau lúc cuối đời. Nếu có người nằm xuống thì họ cũng nằm xuống trong tư cách của một cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Huỳnh Văn Phú hy vọng mọi người tưởng nhớ và trân quý Ngày Quân Lực hào hùng của một thời và coi đây là động lực kết nối tình cảm con người và cũng là sứ mệnh văn hóa lịch sử mà mọi người trân trọng và gìn giữ. Ngày Quân Lực cũng là ngày tưởng nhớ những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã nằm xuống mà những nấm mồ bia mộ vẫn còn bị nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay chà đạp. Đây cũng là ngày các cựu quân nhân ở Hoa Kỳ đề ra những chương trình giúp đỡ thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa đang còn sống trong tình trạng nghèo khổ lây lất ở Việt Nam.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?art...
Bài bình luận
Cha tôi nơi đâu ???
Xuan Ha
Gởi cháu Phương Thảo
QLVNCH anh hùng
Cám ơn Trần Đông Đức
NHỮNG MỐC LỊCH SỬ QUAN TRỌNG KHỞI TỪ THẬP NIÊN 1940