You are here

Thăng trầm quan hệ Việt - Triều (tiếp theo)

Nguyễn Tường Thụy

 

Trong 20 năm chiến tranh Việt Nam 1955-1975, tuy nghèo nhưng Triều Tiên cũng có nhiều nỗ lực giúp đỡ Việt Nam. Triều Tiên tham gia trực tiếp vào chiến tranh, gửi khoảng 100 phi công sang VN để huấn luyện, chiến đấu. Có 14 phi công Triều Tiên tử trận tại chiến trường Bắc VN khi đối đầu với không quân Mỹ, hiện vẫn còn chôn cất ở Việt Nam.

Có nguồn tin cho biết Triều Tiên còn huy động ít nhất 2 trung đoàn pháo phòng không để bảo vệ vùng trời Hà Nội. Ngoài ra còn có lực lượng bộ binh tham chiến trực tiếp cùng quân đội Bắc Việt.

Triều Tiên viện trợ cho Việt Nam những mặt hàng dân dụng như thuốc men, phân bón, xi măng, sắt thép... Triều Tiên còn viện trợ cho Việt Nam cả gạo là mặt hàng thiết yếu hàng đầu mà Triều Tiên luôn luôn thiếu. Gạo Triều Tiên gần giống như nếp chiêm của VN, ăn dẻo và thơm ngon. Thời kỳ 1974, lính chúng tôi bị hạ tiêu chuẩn xuống 0,61 kg/ngày (trước đó là 0,74 kg/ngày). Tiêu chuẩn đã thấp mà gạo Triều Tiên lại không nở nên đói rạc người. Có lúc lính trốn, chúng tôi 3 đứa được ăn cả một mâm 6 nhưng vẫn hết.

Theo RFI thì giá trị hàng viện trợ của Triều Tiên cho Việt Nam thời kỳ 1966-1969 lên đến 20 triệu rup mỗi năm. Đây là khoản tiền đáng kể đối với một nước nhỏ và nghèo như Triều Tiên.

Vào thời kỳ 1969 – 1970, bộ đội phải mặc quần áo may bằng vải Triều Tiên, rất xấu. Nghe nói Triều Tiên viện trợ vải này để lau súng, nhưng vì thiếu thốn nên quân nhu dùng may quần áo cho bộ đội mặc, như kiểu hạt bo bo Liên Xô, Ấn Độ viện trợ (hoặc bán) để chăn nuôi nhưng người phải ăn. Tân binh mới vào phải mặc quần áo Triều Tiên cũ của lớp đi chiến đấu trước để lại. Xong khóa huấn luyện tân binh, đi B (vào Nam) thì được phát quần áo mới, để lại quần áo cũ cho lớp tân binh sau. Tôi từng được phát 2 bộ quần áo Triều Tiên cũ, sau được bổ sung 1 bộ mới. Trong chiến tranh, các nước XHCN đều nhận đào tạo sinh viên cho VN. Triều Tiên cũng thế, có khoảng vài trăm sinh viên VN sang học các ngành khác nhau.

Sau này (vào những năm 199x), Triều Tiên gặp nạn đói, thiếu lương thực trầm trọng, Việt Nam cũng nhiều lần viện trợ cho Triều Tiên, mỗi lần từ 1000 đến 5000 tấn gạo. Đó là gạo cho tặng. Năm 1996 Triều Tiên mua của VN 2 vạn tấn gạo nhưng vẫn chưa thanh toán. Số tiền lãi và gốc đến nay lên gần 20 triệu Mỹ kim. Khoản này có lẽ cho qua vì Triều Tiên không có khả năng trả, còn Việt Nam thì nghĩ đến ân tình trước đây Triều Tiên đã viện trợ cho mình.

Tuy nhiên, quan hệ Việt Nam - Triều Tiên không ít thăng trầm. Ở đây chỉ nhắc về quan hệ chính trị.

Thời kỳ vàng son của phe XHCN giữa thế kỷ trước nhanh chóng qua đi để bước vào giai đoạn rạn nứt trong khối này. Chủ nghĩa Mác - Lê Nin bắt đầu bộc lộ những điểm yếu không thể lấp liếm và khối XHCN đi đến tan rã.

Vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, mâu thuẫn nội tại trong phe XHCN bắt đầu biểu hiện công khai trước hết là giữa Liên Xô và Trung Quốc và mâu thuẫn giữa các nước XHCN khác với nhau cũng nảy sinh xung quanh mâu thuẫn này. Những mâu thuẫn đó lúc thì gay gắt, lúc tạm hòa hoãn. 

Việt Nam theo Trung Quốc chống chủ nghĩa xét lại ở Liên Xô, Việt Nam chống lại sự áp đặt của Trung Quốc về các vấn đề như đường lối chiến tranh với miền Nam, với Khmer đỏ. Với Triều Tiên thì quan hệ cũng lắm thăng trầm.

Khi ngồi vào đàm phán với Mỹ ở Paris năm 1968, Việt Nam bị Triều Tiên phản đối. Triều Tiên muốn thành lập khối quốc gia cộng sản riêng cho Châu Á do Trung Quốc đứng đầu nhưng không được Việt Nam ủng hộ. Triều Tiên không muốn Liên Xô thông qua Việt Nam để với bàn tay xuống phía Nam. Đây cũng là ý muốn của Trung Quốc, nên họ gọi Liên Xô là đại bá, Việt Nam là tiểu bá, Việt Nam là tên lính xung kích của Liên Xô ở khu vực Đông Nam Á.

Mâu thuẫn giữa hai nước căng thẳng nhất là khi Việt Nam tiến hành chiến tranh biên giới Tây Nam lật đổ nhà nước Campuchia dân chủ do đồ tể Pol Pot cầm đầu. Cùng với Trung Quốc, Triều Tiên đã phản đối rất mạnh mẽ, không công nhận Cộng hòa Nhân dân Campuchia do Việt Nam dựng lên. Lúc này, Quốc vương lưu vong Norodom Sihanouk tị nạn tại Bình Nhưỡng. Tại đây, Norodom Sihanouk lên truyền thông kịch liệt phản đối Việt Nam, ủng hộ Khmer Đỏ, thậm chí kêu gọi Liên Hiệp Quốc đem quân đến Campuchia để đuổi quân Việt Nam về nước. Thời điểm đó, báo chí Việt Nam dùng những cụm từ họ đã “bán linh hồn cho quỷ dữ” ám chỉ Triều Tiên, cho việc Triều Tiên để cho Sihanouk sử dụng truyền thông lên án Việt Nam là “làm ảnh hưởng đến uy tín của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên”. Cũng như với Liên Xô, Việt Nam kiềm chế tới mức đó, chứ không gay gắt vạch mặt chỉ tên, dàn quân đánh nhau chí tử như với Trung Quốc và Khmer Đỏ.

Khi Việt Nam tiến hành đổi mới vào năm 1986 và đạt được một số thành tựu kinh tế thì Việt Nam và Triều Tiên đi theo 2 con đường khác nhau. Nếu Việt Nam cho phép phát triển kinh tế thị trường nhiều thành phần và mở cửa với các nước thì Triều Tiên vẫn trung thành với mô hình kinh tế tập trung và khép kín. Theo đường lối mở cửa, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao (1992) và hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc (kẻ thù của Triều Tiên) trên nhiều lĩnh vực làm Triều Tiên rất cay cú, cho là bị Việt Nam phản bội. Việt Nam phải từ bỏ “người anh em sinh đôi” để theo đuổi con đường của mình chứ không thể ngồi chờ đợi, “anh đi đằng anh tôi đằng tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi”. Tuy vậy, quan hệ này chưa bao giờ dẫn tới đối kháng quyết liệt như quan hệ Việt - Trung.

Trong dịp Kim Jong Un sang thăm Việt Nam đầu tháng 3/2019, báo chí Việt Nam cũng điểm lại quan hệ giữa hai nước trong 7 thập niên qua nhưng những mảng tối, những câu chuyện buồn đầy nước mắt trong mối quan hệ này thì tuyệt nhiên không nhắc đến. Đó là đặc thù của truyền thông XHCN.

Ít năm sau khi khối XHCN sụp đổ, tới cuối thế kỷ 20, quan hệ Việt - Triều dần dần trở lại bình thường. Có lẽ, sự cô đơn của mấy nước cộng sản khiến họ thương nhau hơn, tuy không được nồng ấm như hồi Việt Nam có chiến tranh với Mỹ. Chuyến thăm Việt Nam của Kim Jong Un vừa qua nhằm củng cố quan hệ giữa hai nước, dẫu chỉ là kết hợp cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, một công đôi việc. Có lẽ, cả đôi bên đều cần giữ lại người đồng chí hiếm hoi còn sót lại, để có thể nói với quốc tế rằng, trên thế giới này, cộng sản đâu chỉ mình tôi.

 

HẾT

5/3/2019