You are here

CSVN trong tiến trình cuối: ăn thịt lẫn nhau!

Nhà báo David Hutt, mới đây viết trên tờ Asia Sentinel rằng nỗ lực tưởng chừng đáng khen nhằm diệt tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), nay đã trở thành trò ăn thịt lẫn nhau thật cay đắng. Mà hình ảnh mới nhất là chuyện Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhân vật hiếm hoi có vẻ là có năng lực nhất trong số quan lại cầm đầu CSVN, vừa bị buộc nghỉ hưu.

Quả vậy, mọi thứ trong nội bộ đảng, là một tiến trình rõ ràng: con thú nào quyền lực nhất, sẽ ăn thịt đồng loại để chiếm chỗ. Vào cuối năm 2015, ngay trước Đại hội XII của CSVN, Nguyễn Phú Trọng đã hất ông Thủ tướng hai nhiệm kỳ Nguyễn Tấn Dũng, để ông ta ngồi vào ghế Tổng bí thư Đảng. Đổi lại là một cam kết ngầm: Dũng sẽ không bị truy tố vì những sai phạm, để rút khỏi chính trường hoàn toàn một cách êm thắm.

Bây giờ, khi Đại hội XIV đang đến gần, các phe phái trong Ba Đình đã biến các quy tắc đạo đức cán bộ thành vũ khí, và không ngừng đẩy những người từng là lãnh đạo của phe chính phủ sang một bên. Những đảng viên bị phát hiện tham nhũng hoặc có tư tưởng sai lệch bị đưa vào thanh trừng. Kể từ năm 2016, hàng ngàn đảng viên đã bị loại bỏ. Theo thống kê của BBC, năm ngoái, 459 cán bộ đảng đã bị kỷ luật vì cái gọi là "tham nhũng".

Ông Trọng hiện đã 80 tuổi và sức khỏe ngày càng yếu đi vì bệnh tật, sắp nghỉ hưu sau ba nhiệm kỳ năm năm lãnh đạo CSVN. Những diễn biến của Ba Đình lúc này cho thấy một sự đồng thuận đang hình thành qua việc "thịt" từng phần, từng người đang được định hướng vào các vị trí lãnh đạo theo ý Trọng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và các đàn em của mình đã dọn đường xong, cho Lâm lên nắm quyền lãnh đạo Đảng.

Những quan chức cấp cao của CSVN được lựa chọn như Nguyễn Tấn Dũng: từ chức hay phải đối mặt với những hình phạt khắc nghiệt hơn. Chọn phương án một, đã có những nhân vật tưởng chừng sẽ vào vị trí cao nhất của CSVN là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch nước kiêm cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; người kế nhiệm Phúc làm Chủ tịch nước, Võ Văn Thưởng và mới nhất là Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.

Tất cả những người này đều bị cáo buộc chung một kiểu tội danh là "không giám sát cấp dưới" đã trục lợi từ các kế hoạch tham nhũng. Cũng không có nỗ lực nào chứng minh rằng những người lãnh đạo này biết về hành vi xấu của cấp dưới.

Vương Đình Huệ từng được coi là ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ cao nhất của đảng/nhà nước, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản. Nhưng đòn ăn thịt nhau của nội bộ cộng sản, đối với Huệ dường như sát ván nhất, bằng cách công khai làm cho hoen ố hình ảnh bởi những hành vi tham nhũng mà cháu trai và trợ lý lâu năm của ông, cũng như loạt các mối quan hệ ngoài luồng được đồn thổi. 

Các nhà phân tích về chính trị Việt Nam có xu hướng coi những vụ cách chức này là sự mở rộng của chiến dịch kéo dài sáu năm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm thanh trừng đảng viên, tách khỏi "những thành phần tham nhũng". Nhưng bối cảnh lúc này, chính Trọng đang mắc kẹt trong chiến dịch "đốt lò" mà ông đề xướng. Vào lúc này, sau hơn 13 năm lãnh đạo đảng, Tổng bí thư cao tuổi  Nguyễn Phú Trọng đã bị cái gọi là cánh quyền lực nhất, nhân danh "tính đảng" cô lập - cay đắng hơn, ông chính là người có thể phải vào thế, buộc phải ủng hộ Bộ trưởng Công an Tô Lâm kế nhiệm chức Tổng bí thư khi Đại hội Đảng XIV họp vào tháng 1 năm 2026, nếu như không muốn chính mình rồi cũng bị ăn thịt.

Carl Thayer, chuyên gia về chính trị Việt Nam ở Úc, đánh giá rằng "Chiến dịch chống tham nhũng của Trọng và trọng tâm vào trách nhiệm giải trình đã mở ra cánh cửa cho phe cứng rắn trong đảng hạ bệ các ủy viên Bộ Chính trị hiện tại, qua đó dọn đường cho những người cứng rắn này đảm nhiệm chức vụ cao hơn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ mười bốn".

Theo nhà báo Việt Nam Diên Luông, viết trên Nikkei Asia vào cuối tháng 3, "Các phe phái trong Đảng Cộng sản có thành trì trong các cơ quan quốc phòng, an ninh và tư tưởng của đất nước đã trỗi dậy kể từ năm 2016. Điều này đã đưa đất nước vào quỹ đạo kiểm soát hà khắc xã hội dân sự và diễn ngôn công khai trên phương tiện truyền thông chính thống và không gian mạng".

Nhà phân tích Zachary Abuza nói với Đài Á Châu Tự Do ngày 24 Tháng Tư rằng, "điều khiến Huệ sụp đổ là chính trị quyền lực và tham vọng", và Tô Lâm, con thú ăn thịt có nanh vuốt hàng đầu của Việt Nam, đang "có quyền điều tra to lớn để xây dựng những vụ án sâu rộng vào các giao dịch kinh doanh và đời sống cá nhân của các đối thủ".

Được BBC phỏng vấn, David Hutt nói thêm rằng "Công an đang dần nắm quyền. Đây không phải là điều tốt đối với người dân Việt Nam… Tôi lo ngại về điều gì sẽ xảy ra sau Đại hội Đảng năm 2026 nếu cuộc thanh trừng tiếp tục. Nhất là những người có thể leo lên đỉnh cao quyền lực như ông Tô Lâm không phải là những người trong sạch".

Sự gia tăng quyền lực của cánh công an trong đảng, cũng gây lo ngại, cả những tác động dây chuyền đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như sự đàn áp các ý kiến chính trị. Từ năm ngoái, rõ ràng là các quan chức cộng sản cấp cao, đặc biệt là những người được giao nhiệm vụ giải ngân vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, đã trở nên cực kỳ miễn cưỡng trong việc chấp nhận rủi ro, vì cũng không muốn bị ăn thịt trong móng vuốt của bộ công an. Thật sự, tiến trình ăn thịt lẫn nhau trong nội bộ Ba Đình đã lên đến đỉnh cao.