You are here

Trao đổi về bài viết "Sự thay đổi chóng mặt...(!)" của Trần Hoàng Lan

Kami.
Hôm nay tôi có điện thoại gọi đến thông báo cho biết có bài viết "Sự thay đổi chóng mặt…(!)"  của tác giả là Trần Hoàng Lan. Không biết người khác thế nào, tôi có thói quen mỗi khi đọc một bài viết, nhất là các bài về đề tài Chính trị - Xã hội thường là phải đọc tên tác giả trước khi xem . Vì thời gian nhiều năm lăn lộn với báo mạng thì cũng cho mình biết việc chọn bài để đọc cũng như chọn món ăn, mà đơn giản nhất là xem tên tác giả thì cũng biết đâu là hạng sắn đâu là hạng khoai. Với bài viết "Sự thay đổi chóng mặt…(!)" có đề tên tác giả là Trần Hoàng Lan, xem ra quen quen, không biết có phải là  Trần Hoàng Lan bên Tập hợp TNDC của Nguyễn Tiến Trung, người trước hay có bài viết trân trang Talawas hay không? Thôi chuyện đó bỏ qua, không quan trọng khi mà họ đang góp ý và nhận xét với mình.

Bài viết mang tính phản biện, nhận xét góp ý mang tính xây dựng và đối thoại này của tác giả Trần Hoàng Lan không quá dài dễ đọc, ước khoảng dưới 3.000 chữ, đại ý xoay quanh 3 ý chính, đó là:

  1. Về lý do hiện nay ở Việt Nam chưa thể có cách mạng Hoa Nhài
  2. Về các tổ chức đấu tranh dân chủ và về  câu hỏi : “Một khi chính quyền Trung quốc hiện nay sụp đổ, chính quyền Việt nam chấp nhận đàm phán để đa nguyên đa đảng. Xin hỏi họ sẽ đàm phán với ai?
  3. Về sự thay đổi chóng mặt về mặt chính trị của đảng CSVN hiện nay.

Xin được nói trước, bài viết “Nghĩ về một cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Việt nam”, chỉ là một bài trong loạt bài tôi đang viết về cuộc Cách mạng Hoa Nhài, bạn đọc có thể xem thêm bài viết "Vì sao chưa thể có một biến cố như Tunisia ở Việt nam" sẽ rõ hơn. Để tránh dài dòng tôi xin đi lướt qua hai vấn đề đầu tiên và sẽ dành phần nhiều cho  phần sự thay đổi chóng mặt về mặt chính trị của đảng CSVN.
1. Về lý do hiện nay ở Việt Nam chưa thể có cách mạng Hoa Nhài
Tác giả cũng đồng ý với tôi nguyên nhân vì “theo tôi người dân Trung quốc, Ai cập hay người dân Tunisia và nhất là người dân Libya không có cái sự vô cảm và thờ ơ với cộng đồng giống người Việt nam ta. Ở các nước đó, dân chúng có ý thức và biết đoàn kết để đòi lại những quyền của họ bị nhà cầm quyền tước đoạt dưới sự lãnh đạo của lực lượng tri thức cấp tiến, điều đó ngược hẳn với ở Việt nam hoàn toàn không có ” và cho rằng  khá nhiều người cũng đã đánh giá về người Việt Nam hiện nay như vậy. Nhưng tác giả Trần Hồng Lan còn chỉ ra nhà nước cộng sản là thủ phạm gây nên, vấn đề này xin được gửi tới tác giả Trần Hồng Lan lời phát biểu của nữ nhà văn Phạm thị Hoài "Chẳng lẽ cái thói chạy chọt, vây cánh, cửa quan, cửa quyền, bợ đỡ… rất nổi tiếng từ thời cụ Ngô Tất Tố cũng tại cộng sản hay sao? Chẳng lẽ văn chương Việt Nam cả một thế kỷ 15 chỉ được một ông Nguyễn Trãi, cả một thế kỷ 16 hầu như cũng toàn nhạt nhẽo và trung bình cả thì cũng tại cộng sản hay sao?" — Phạm thị Hoài (Tư cách trí thức Việt Nam).
Người ta nói, tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Người dân hiện nay có cái sự vô cảm và thờ ơ với cộng đồng  mà chúng ta đổ cho nhà nước cộng sản gây nên thì thử hỏi hơn 1.000 năm Bắc thuộc thì chúng ta đổ cho ai? Hay chung quy chỉ tại Vua Hùng? Sự quy kết của tác giả có thể đúng một phần nhưng không phải hoàn toàn như vây, có lẽ nhận xét này xuất phát từ sự ác cảm vốn có đối với cộng sản?
Nhưng có lẽ để dễ xác định chính xác lý do vì sao hiện nay ở Việt Nam chưa thể có cách mạng Hoa Nhài thì xin mời bạn đọc bớt chút thời giờ đến các chùa chiền, miếu mạo hoặc các địa điểm tín ngưỡng tâm linh, nơi hội tụ của đủ loại thành phần dân chúng thì sẽ thấy rõ, khi mà người ta nói nhau trong tiếng xít xoa khấn vái cầu lộc cầu tài của một rừng người rằng"Tiên sư mày, khấn be bé vừa thôi định xin hết phần của người khác àh!".
2. Về các tổ chức đấu tranh dân chủ và câu hỏi : “Ai sẽ đàm phán với CS?
Trong một thời điểm nào đó trong tương lai không xa, trước sức ép và áp lực từ nhiều phía cả trong nước và quốc tế. Đặc biệt là trước áp lực của thành phần cấp tiến trong nội bộ Ban lãnh đạo của đảng CSVN sẽ buộc họ phải thay đổi, nhưng thay đổi ra sao, thế nào thì chắc chắn họ không thể hiểu được bằng những người đối lập, hơn nữa để biểu thị thái đọ hòa hợp và khẳng định sự cải cách cần thiết đó không gì tốt hơn là một hội nghị bàn tròn như đã xảy ra tại Ba lam những trước đây. Cũng có thể những người cộng sản đã biết các bước cải cách cần phải làm như tác giả đã nêu như " trung lập hóa quân đội, công an, các quyền tự do dân chủ, thả hết các tù chính trị, sửa đổi hiến pháp, tổ chức bầu cử tự do lúc đó những đại diện ưu tú của nhân dân Việt Nam bất kể đảng phái, tổ chức sẽ nắm quyền điều hành đất nước". Nhưng những yêu cầu trên không đơn giản nếu đơn phương một phía tiến hành, mà nó cần phải có một lộ trình đã đượ các bên định sẵn và cam kết thực hiện, cần thiết cần có sự giám sát của quốc tế. Do đó việc các tổ chức xã hội, các hội đoàn chính trị, các tôn giáo đối lập trong nước và hải ngoại phải có sự liên minh, liên kết dưới một Mặt trận liên minh thống nhất dân tộc ngay từ hiện nay. Cần hiểu rằng  Mặt trận liên minh thống nhất dân tộc này là một tổ chức rộng khắp, bao trùm lên tất cả các tổ chức xã hội, các hội đoàn chính trị, các tôn giáo đối lập trong nước và hải ngoại có một cương lĩnh, chính sách riêng và sẽ kết thúc vai trò trước khi có Tổng tuyển cử tự do đa đảng. Đây chính là tổ chức đủ mạnh để có thể đối trọng với đảng CSVN, tổ chức Mặt trận liên minh thống nhất dân tộc này sẽ là tiếng nói chung cho tất cả các tổ chức xã hội, các hội đoàn chính trị, các tôn giáo đối lập trong nước và hải ngoại do vậy, việc đàm phán sẽ không trục lợi cho riêng tổ chức hay phe phái nào. Nhưng hiện nay  các tổ chức xã hội, các hội đoàn chính trị, các tôn giáo đối lập trong nước và hải ngoại không và chưa hiểu đúng hết tầm quan trọng của nó, còn sợ ảnh hưởng tới chủ trương đường lối khác biệt, đặc biệt là quyền lợi của mỗi tổ chức khi chia phần quả thực sau này.
Đây là một tử huyệt của đảng CSVN, nếu chúng ta đánh đúng thì họ không chết thì cũng bị thương. Chỉ cần ta tổ chức được một Hội nghị hiệp thương của tất cả các tổ chức xã hội, các hội đoàn chính trị, các tôn giáo đối lập trong nước và hải ngoại để tiến tới thành lập  Mặt trận liên minh thống nhất dân tộc này là một tổ chức rộng khắp, bao trùm lên tất cả các tổ chức xã hội, các hội đoàn chính trị, các tôn giáo đối lập trong nước và hải ngoại thành công. Làm được điều này sẽ tạo ra một bước ngoạt mới cả về thế và lực của phong trào đối lập trong và ngoài nước. Trong lịch sử cận đại, bài học Mặt trận Việt minh tiến tới thành công trong Cách mạng tháng 8 hay Mặt trận Dân tộC Giải phóng Miền Nam Việt nam với Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa  Miền Nam Việt nam là hai ví dụ thành công của Mặt trận liên minh thống nhất dân tộc.
3. Về sự thay đổi chóng mặt về mặt chính trị của đảng CSVN hiện nay ( Hay là ai không nhìn thấy sự thay chóng mặt của đảng CSVN thì là những nạn nhân đang bị đảng CSVN đánh lừa)

Nhận định này của tôi không phải là mới, mà nó đã có từ trong bài "Vì sao chưa thể có một biến cố như Tunisia ở Việt nam", nhận định này đã vấp phải không ít phản ứng của độc giả ở hải ngoại khi tôi có viết rằng "Thử nhìn lại sau 25 năm đổi mới thì chính trị Việt nam đã có những bước tiến rất nhanh và dài hơn cả những gì các tổ chức hội đoàn chính trị trong và ngoài nước đã làm được...". Họ cho rằng tôi đã nhận định sai lầm và hình như có ý ca ngợi cho thành tựu của đảng CSVN, nhiều người còn thắc mắc không hiểu sau 25 năm đổi mới thì chính trị Việt nam đã có những bước tiến rất nhanh và dài là những thành tựu gì? Xin thưa nó là một câu hỏi không quá khó đối với những ai có một kiến thức tương đối đầy đủ về chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và theo dõi diễn biến của tình hình chính trị Việt nam trong vòng 25 năm qua (1986-2011). Cụ thể:
3.1. Thay đổi cơ bản về lý luận, không coi CN Marx-Lenin làm kim chỉ nam cho mọi hành động và dùng làm nền tảng tư tưởng

  • Về kinh tế: Hoàn toàn đoạn tuyệt học thuyết kinh tế của Chủ nghĩa Marx-Lenin, chuyển từ nền Kinh tế tập trung sang Kinh tế thị trường định hướng XHCN (cái mà chả ai hiểu nó là cái gì. Chấp nhận bóc lột và cho phép đảng viên tham gia bóc lột.
  • Về quan hệ sở hữu: Không coi trọng công hữu hóa sở hữu toàn dân , nên hiểu đặc trưng của chủ nghĩa xã hội là “Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất” (có nghĩa: máy móc dùng để sản xuất và đất đai thuộc về Nhà nước). Nay đã được sửa lại thành: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” (có nghĩa một cách lờ mờ rằng: 3 khâu trong “quan hệ sản xuất” (1) không nhất thiết đều nằm trong tay Nhà Nước, và có thể thay đổi tùy theo sự tiến bộ về ý thức và nhu cầu). Sự sửa đổi này quan trọng. Nó có thể mở đường cho quyền tư hữu đất đai. Theo Marx máy móc và đất đai dùng để sản xuất (không kể sức người) là công hữu mới tránh được tư bản bóc lộc và người cộng sản biết từ lâu thuyết “công hữu tư liệu sản xuất” là nguyên nhân của sự trì trệ kinh tế trong các nước cộng sản, nhưng họ không thể thay đổi một cách nhanh chóng hoặc khi thực tế buộc phải thay đổi họ chỉ thay đổi nửa chừng và không công nhận trên lý thuyết. Chính sự dùng dằng này đã đẻ ra cụm từ “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Với hơn 65% đại biểu bỏ phiếu chấp nhận sự thay đổi chứng tỏ đảng cộng sản Việt Nam đang dọn đường để thoát ra khỏi sự ràng buộc của chủ nghĩa.

3.2. Về quan hệ đối ngoại: Từ một nền ngoại giao chỉ hợp tác toàn diện với các nước phe XHCN, đóng cửa với thế giới bên ngoài. Đến nay đã mở cửa hợp tác làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới, sao nhãng trong quan hệ với các nước cộng sản anh em. Từ coi Hoa kỳ, tên đầu sỏ của phe đế quốc chủ nghĩa, là cựu thù nay chuyển sang đồng minh và đối tác tin cậy.
3.3. Về công tác tổ chức nội bộ và Điều lệ đảng:

  • Một thay đổi đáng nói trong Điều lệ đảng là thay đổi quan hệ giữa Đảng và các lực lượng vũ trang gồm quân đội và công an: Từ chỗ nguyên tắc trong Điều lệ đảng: “Đảng lãnh đạo quân đội và công an” nay đã được sửa lại thành “Đảng quyết định những vấn đề cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Nhà nước thống nhất quản lý đối với Quân đội, Công an và sự nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”. Từ sự sửa đổi này cho thấy rằng hình như Đảng đang giao các lực lượng vũ trang cho Nhà Nước quản lý như đòi hỏi của các nhà đấu tranh dân chủ.
  • Về nhân sự hẳn chúng ta không ai ngạc nhiên thấy một số khuôn mạt trẻ thuộc thành phần con ông cháu cha được vào Trung ương Đảng. Theo đánh giá đó là một tín hiệu mới của Đảng CSVN: Con cái của đảng viên cao cấp có công với Đảng sẽ được ưu tiên, nâng đỡ như thừong thấy ở các nền chính trị dân chủ.
  • Nói đến chuyện tổ chức nội bộ và Điều lệ đảng mà không nhắc tới chuyện con rể và con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng Ủy viên Bộ Chính trị thì thật thiếu sót lớn. Từ xưa tới nay, để được kết nạp vào đảng CSVN thì đối tượng phải có lý lịch ba đời trong sạch, không dính dáng tới bóc lột hay thành phần phản động. Vậy mà gia đình ông Thủ tướng, Ủy viên Bộ Chính trị như vậy thì đã đủ làm chúng ta chóng mặt hay chưa?

Nói về sự thay đổi chóng mặt của đảng CSVN thì nói mãi cũng không hết, mà chỉ cần hiểu rằng đảng CSVN từ một chính đảng của giai cấp vô sản theo chủ nghĩa cộng sản, lấy chủ nghĩa Marx-Lenin làm nền tảng tư tưởng. Tới nay  họ đã hạ thấp vai trò của quần chúng công nông xuống ngang hàng với người bóc lột và những nguyên tắc cơ bản nhất của chủ nghĩa Marx-Lenin là công hữu tư liệu sản xuất và chống bóc lột để theo đuổi đường lối Kinh tế thi trường TBCN. Điều đó về nguyên tắc có thể khẳng định không thể coi đảng CSVN hiện nay là một đảng cộng sản đúng nghĩa của nó. Đây rõ ràng là một sự phản bội về mặt lý luận chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tuởng Hồ Chí Minh, vì theo Hồ Chí Minh và cũng là chủ nghĩa Marx-Lenin là “Không bóc lột người. Đảng chống chế độ “người bóc lột người”. Lẽ tự nhiên, ai bóc lột người thì không thể làm đảng viên” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, tr.237)”. Chính điều này đã làm cho Ban lãnh đạo đảng CSVN hết sức lo sợ, vì nếu sự thật này bị xé toang và vạch trần thì đảng của họ không còn cái gì là cộng sản. Nhưng do về chính trị vẫn muốn duy trì hệ thống độc đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội, nên bằng mọi cách đảng CSVN vẫn luôn tỏ ra họ là một đảng cộng sản thực thụ. Nghĩa là những ai không nhận thấy sự thật này, không nhìn thấy sự thay chóng mặt của đảng CSVN thì là những nạn nhân đang bị đảng CSVN đánh lừa thành công.
Còn việc tác giả Trần Hoàng Lan có trích dẫn cái mà tác giả gọi là một số dẫn chứng “hùng hồn” gửi tới độc giả, trong đó có dẫn các vấn đề đường lối, nhân sự và đặc biệt là lời tuyên bố của ông Đinh Thế Huynh khi nói rằng “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng” để khẳng định đảng CSVN vẫn không có sự đổi mới khi vẫn kiên định với chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ông Nguyễn Văn Thiệu cựu Tổng thống VNCH để lại một câu nói bất hủ thuộc dạng di sản mà đã trở thành chân lý mà ai ai cũng biết và thừa nhận chính xác, đó là "Hãy xem những gì cộng sản làm, mà đừng tin những gì cộng sản nói". Không lẽ tác giả Trần Hoàng Lan quên điều này, mà coi các nghị quyết, chủ trương đường lối hay những lời phát biểu là những điều những người cộng sản sẽ phá lệ "Nói một đằng làm một nẻo?". Đó là một sự ngộ nhận hơi ấu trĩ và đánh giá họ (cộng sản) cao hơn khả năng của họ.
Cổ nhân thường nói, lẽ ở đời kẻ nào không có hay sợ một điều gì thì họ thường hay nhắc đến điều ấy, điều đó cho thấy vấn đề đường lối, nhân sự và đặc biệt là lời tuyên bố của ông Đinh Thế Huynh khi nói rằng “Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng” như tác giả Trần Hoàng Lan dẫn ra là những điều thực chất đảng CSVN đang rất lúng túng và lo sợ. Người có tầm nhìn phải hiểu và biết đánh giá được như vậy.
Kết:
Trong lúc viết những dòng này, theo bản tin sáng của đài truyền hình tin tức 24 h TTN thông báo cho biết tình hình chính trị các nước Bắc Phi và Trung đông đang vãn hồi trở lại bình thường, giá dầu thô đang giảm nhanh chóng. Tin này làm tôi mừng vì giá dầu giảm kinh tế sẽ khá hơn, nhưng không vui vì sự đã lỡ chuyến con tàu mang tên Hoa Nhài mà không ít người nuôi hy vọng rằng sự lan tỏa của nó sẽ mang lại một sự thay đổi cho nền chính trị Việt nam. Nhất là trong thời điểm kinh tế Việt nam khủng hoảng như hiện tại, mặc dù cuộc cách mạng ấy nó cũng là mong muốn của cá nhân tôi, nhưng rồi cũng đổ vỡ nhưng may mắn tôi đã tỉnh táo để phán đoán và lường trước nên cũng không gây thất vọng cho bản thân mình.
Muốn ăn quả thì phải trồng cây, làm cách mạng chứ không phải thuyết vạn vật hấp dẫn mà Issac Newton do vô tình mà khám phá được, chỉ khác muốn có một cuộc cách mạng màu (hoa gì cũng được) phải do sự chuẩn bị tổ chức có bài bản, chu đáo, tỷ mỉ và lâu dài (3-5 năm). Thời gian đang đợi ở phía trước cùng với sự suy đối của chính thể hiện tại, nếu bản thân họ không có các cải cách triệt để và tích cực về mọi mặt, đặc biệt là thể chế chính trị. Cơ hội không chỉ có duy nhất một lần, nó sẽ đến một lần nũa. Nhưng cách mạng có thành công hay không là do tài năng và phương pháp của người lãnh đạo tổ chức.
Hà nội ngày 08/3/2011
© Kami
——————-
*Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA