Có lần, tôi (trộm) nghe giáo sư Đỗ Mạnh Tri nói rằng: "Rồi chế độ toàn trị sẽ chấm dứt tại Việt Nam. Nhưng người Việt Nam không thể xây dựng đất nước bằng cách phủ định thực tại Việt Nam. Trong thực tại ấy, có Mác."
Thế còn Mao? Học thuyết Marx - Lénine, tư tưởng Mao Trạch Đông và tác phong Hồ Chí Minh mà. Chính Mao (chứ không phải là Hồ) mới là soạn giả của thảm kịch Cải Cách Ruộng Đất, và là tác giả của của cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với sản phẩm phụ là vô số những từ ngữ thô bạo phát sinh ngay sau khi ĐCSVN phóng tay phát động quần chúng:
"Cán bộ:'Tại sao thằng hào Thức nó lại sướng cao độ thế?'
Chị cốt cán: 'Nó sướng cao độ thế là vì nhà nó đi bóc lột nhân dân.'
Cán bộ: 'Thế tại sao chị lại khổ cao độ thế?'
Chị cốt cán:'Em khổ cao độ thế là vì em bị nó bóc lột em trên một cái vấn đề đi ở cho nó mười mấy năm.' 'Hôm nay em không đi họp được vì nhà em nó cứ khống chế em.'
Chúng ta không được phóng tay lỏng lẻo, mà phải phóng tay chặt chẽ.
Bần cố nông là con đẻ Cụ Hồ, dân nghèo là con nuôi thôi, nên mới đề ra chiếu cố.
Vì giai cấp địa chủ bóc lột mấy nghìn năm nay nên chị Phước mới bị toét mắt." (Trần Dần – Ghi chép về Cải cách Ruộng đất ở Bắc Ninh 1955-1956. Phạm Thị Hoài biên soạn).
Ở thời điểm này, có lẽ, vì ngôn ngữ cách mạng chưa kịp đi sâu vào lòng quần chúng nên mẫu đối thoại thượng dẫn (nghe) vẫn còn hơi ngọng nghịu. Với thời gian, cùng với cuộc chiến giải phóng miền Nam, ngôn từ chiến tranh mới trở nên phổ cập và mỗi lúc một thêm... nhuần nhuyễn:
"Có một lần từ mặt trận đường 9 ghé về thăm nhà, tôi gặp đúng đêm máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội. Còi báo động từ Nhà hát Lớn rú vang. Quầng sáng ánh đèn điện phía nội thành bỗng như dụi tắt bớt. Rồi những chùm đạn phòng không đỏ lừ thun thút lao lên vòm trời. Rồi bom nổ phía Yên Viên, Cầu Giát…
Còi báo yên, đàn chó trong làng vẫn sủa râm ran, đường làng ngõ xóm vẫn rậm rịch bước chân người, không một ai ngủ lại cả. Các cô các chị thức thẳng từ lúc đó cho tới lúc quẩy gánh rau húng, rau thơm tới các phiên chợ sớm. Người làng Láng chia sẻ âu lo với người nội thành như thế đấy!
Giữa phút tĩnh lặng, nghiêm trang ấy tôi bỗng nghe có tiếng gì động mạnh như tiếng ai đập chiếu trên mặt ao, tiếng đổ vỡ loảng xoảng, ngay sau đó là tiếng kêu la của một người đàn bà:
“Ối bà con xã viên đội một, đội hai, đội ba, đội bốn ơi! Lão chồng tôi tàn ác, thâm độc như đế quốc thực dân. Nó đánh tôi trường kỳ, gian khổ như thế này làm sao tôi chịu nổi?”
...
Đêm sau máy bay Mỹ tiếp tục đánh phá Hà Nội. Đúng vào giây phút không ai chợp mắt nổi ấy, bà Hin lại chạy bổ ra đường la hét váng động cả xóm:
“Ới bà con xã viên ơi! Chiều nay lão chồng tôi không nấu cơm cho tôi ăn. Nó còn giấu biệt hòm gạo đi. Nó rắp tâm triệt hạ kinh tế tôi đấy mà!” (Tô Hoàng - "Nỗi Buồn Lâu Qua." Talawas blog).
Chiến lược, cũng như chiến thuật, trong trận chiến giữa bần nông và phú nông Việt Nam được chỉ đạo sát sao từ nước XHCN anh em Trung Quốc. Cuộc chiến Bắc/Nam cũng vậy. Không ít lương thực, vũ khí, đạn dược, cùng vô số những từ ngữ (mới) cũng đều được chi viện từ nước bạn láng giềng: bảo quản, bồi dưỡng, cải thiện, đại trà, đăng ký, đề xuất, đột xuất, động viên, kiểm điểm, kiểm thảo, hộ khẩu, hộ chiếu, hộ lý, khẩn trương, nhất trí, quản lý, sư trưởng, sự cố, tham quan, thiết kế, tranh thủ, trợ lý, xuất khẩu, xử lý ...
Nguồn ảnh: nhabe.hochiminhcity.gov.vn
Nhà phê bình văn học & văn hoá Vương Trí Nhàn cho rằng: “Cái mà ta gọi là giáo dục miền Bắc chỉ là sự kéo dài của lối phát triển giáo dục trong chiến tranh... Giáo dục chiến tranh, do dó, luôn luôn là một nền giáo dục dở dang chắp vá, mà lại vẫn phải khoác cho mình cái chức danh lớn lao của một nền giáo dục mới mẻ, cách mạng...”
Đôi lúc, tôi còn nghĩ thêm là tiếng nói của miền Bắc (trong nhiều thập niên qua) cũng thế, cũng là thứ ngôn từ của thời chiến chinh, cũng “chắp vá, mà lại vẫn phải khoác cho mình cái chức danh lớn lao ... cách mạng.”
Chiến cuộc rồi tàn. Bắc/Nam thống nhất. Nam/Bắc hoà lời ca. Nhiều triệu người dân (ở vùng địch tạm chiếm) ca không nổi nên đã liều mạng đâm xầm ra biển, hoặc ù té bỏ chạy thục mạng qua biên giới xứ người.
Họ chết bờ, chết bụi, chết dấm, chết dúi, chết đói, chết khát, chết đâm, chết chém, chết đạn, chết mìn, chết chìm, chết nổi, chết trôi, chết đuối (ôi thôi) nhiều vô số kể! Đám này chết “cũng tốt thôi” vì toàn là những kẻ thuộc thành phần “bất hảo, cặn bã của xã hội, ma cô, đĩ điếm, trộm cướp, trây lười lao động, ngại khó ngại khổ, chạy theo bơ thừa sữa cặn… ” - theo như nguyên văn lời giải thích của Chính Quyền Cách Mạng với dư luận thế giới bên ngoài, và với lũ cột đèn (còn) kẹt lại.
Không hiểu những người vượt biên đã hành nghề ma cô, đĩ điếm và tổ chức trộm cướp ra sao - nơi đất lạ quê người - nhưng số lượng "bơ thừa sữa cặn" mà họ gửi về cố hương đã (lắm phen) cứu được toàn dân, cũng như toàn Đảng thoát chết ... vì đói khát!
Từ đó, Đảng mới “dũng cảm” đổi mới tư duy và – đồng thời – đổi giọng. Những kẻ phản bội tổ quốc (qua đêm) bỗng trở thành “khúc ruột xa ngàn dặm,” và là “thành phần không thể thiếu trong đại gia đình dân tộc." Nghị Quyết số 36-NQ/TƯ - về “Công Tác Ðối Với Người VN Ở Nuớc Ngoài”- đã ra đời (hơi muộn) vào ngày 26 tháng 3 năm 2004, dựa trên cơ sở đó.
N.Q này, tiếc thay, không phát huy được chút hiệu quả nào ráo nạo. Những khúc ruột xa ngàn dặm vẫn nhất định giữ nguyên thái độ xa cách, và coi mọi thứ "ma zê in" Việt Nam (Bộ chính Trị, Chính Phủ, Nhà nước, Quốc Hội... ) đều không khác gì những nùi giẻ rách - kể cả những hạn từ trong tiếng nói hằng ngày mà họ gọi một cách miệt thị là chữ Vẹm hay chữ Việt Cộng:
Chúng ta nói là “phát ngôn viên” thì chúng nói là: “người phát ngôn”
Chúng ta nói là “thăm viếng” thì chúng nói là “tham quan”
Chúng ta nói là “ghi danh” thì chúng nói là “đăng ký”
Chúng ta nói là “đá bóng” thì chúng nói là “bóng đá”
Chúng ta nói là “yếu điểm” thì chúng nói là “điểm yếu”
Chúng ta nói là “trở ngại” thì chúng nói là “sự cố”
Chúng ta nói là “xuất cảng” thì chúng nói là “xuất khẩu”
Chúng ta nói là “liên lạc” thì chúng nói là “liên hệ”
Chúng ta nói là “hiểu rõ” thì chúng nói là quán triệt”.
Chúng ta nói là “viên chức” thì chúng nói là “quan chức”.
Chúng ta nói là “chuyển âm” thi chúng nói là “lồng tiếng”.
Chúng ta nói là“dẫn giải” thì chúng nói là “thuyết minh”.
Nguồn ảnh: tếu.blogspot.com
Tôi vốn tính hơi ba phải nên rất sợ chuyện chia phe; đã thế, khi nhìn thấy một đường ranh rạch ròi, phân chia bạn/thù (quyết liệt) giữa "chúng ta/chúng nó" thì không khỏi sinh lòng ái ngại, cùng với đôi chút băn khoăn.
Uả, chớ "chúng" là ai vậy – hả Trời?
Chúng có phải là vài chục triệu đồng bào miền Bắc, những nạn nhân đầu tiên của chế độ hiện hành, những kẻ đã bị tra tấn không ngừng - từ hai phần ba thế kỷ qua - bởi cả một cái hệ thống truyền thông (loa/ đài/ sách/ báo) của ĐCSVN không?
Chúng - không chừng - cũng dám là ông hay bà hàng xóm, những người cùng đi chung chuyến vượt biên với chúng ta (hai ba mươi năm trước) chớ ai? Chúng ta nhờ may nên đến được Bangkok, còn họ vì xui nên phải vào ngồi (bóc lịch) ở Băng Ki.
Và chúng có phải là những người trẻ cỡ tuổi con cháu của chúng ta, sinh ra và lớn lên "trong lòng cách mạng," chưa bao giờ có dịp tiếp xúc với một thứ ngôn từ nào khác ngoài tiếng Vẹm (hay tiếng Việt Cộng) không?
Ngôn ngữ có đời sống và tuổi thọ riêng của nó. Sinh mệnh của cái được gọi là tiếng Vẹm; tuy thế, tuỳ thuộc không ít vào sự tồn vong của chế độ hiện hành.
Tiếng Việt Cộng chỉ thôi phổ cập, và dần bị đào thải, sau khi chế độ này không còn có thể tiếp tục hoành hành nữa. Và việc dứt điểm nó sẽ không thể xẩy ra nếu mọi người vẫn cứ giữ khư khư cái lằn ranh phân chia bạn/thù ("chúng ta/chúng nó") giữa lòng dân tộc.
Bài bình luận gần đây