Sau gần một thập niên giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo đã hạ ... cánh an toàn, và để lại (hơi) nhiều điều tai tiếng. Người kế nhiệm, ông Nguyễn Đức Chung, tuy mới nhận việc chưa lâu nhưng đã được dân chúng và nhiều ban ngành đoàn thể “hoan nghênh” và “ngợi khen” không ngớt – theo như nguyên văn cách dùng từ của giới truyền thông thuộc nhà nước Việt Nam:
Hôm nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung sẽ ký quyết định tuyển dụng đặc cách vợ của phi công Trần Quang Khải vào dạy tại trường Chu Văn An.
Trước nỗi đau, mất mát to lớn về con người sau khi sự ra đi của phi công, Đại tá Trần Quang Khải (thuộc Trung đoàn không quân 923, Quân chủng Phòng không - Không quân, đóng tại sân bay Sao Vàng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) gặp nạn khi luyện tập nghiệp vụ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có quyết định kịp thời để động viên, chia sẻ với thân nhân gia đình phi công Trần Quang Khải vơi đi nỗi đau, vượt lên khó khăn trong cuộc sống...
Trước việc làm kịp thời của người đứng đầu chính quyền UBND TP Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đạo tạo cũng hết sức ghi nhận và hoan nghênh về chủ trương rất kịp thời này của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cùng các sở, ban ngành liên quan.
Sau khi biết được chủ trương rất kịp thời từ Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, nhiều bạn đọc đã gửi những lời cảm ơn, chia sẻ về nghĩa cử cao đẹp đáng ngợi khen của vị lãnh đạo này.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung (trái) nhận lời chúc mừng của người tiền nhiệm Nguyễn Thế Thảo. Ảnh và chú thích: báo Kinh Doanh
Công luận, buồn thay, vẫn có dăm ba điều tiếng (eo sèo) về “nghĩa cử cao đẹp đáng ngợi khen của vị lãnh đạo này.”
“Rõ ràng đây là việc làm cảm tính, không phân biệt chuyện công tư, và quan trọng là không dựa vào điều luật nào cả. Việc này ban đầu tưởng hay nhưng hóa dỡ, nó sẽ khiến nhiều người không phục, không công bằng, nó giống như một sự ban ơn, sẽ tạo một tiền lệ không tốt.
Một câu hỏi được đặt ra là, vậy người thân của những phi công hi sinh trên chiếc Casa có được đặc cách gì đó không? Rồi những người lính khác hi sinh trong khi làm nhiệm vụ sẽ thế nào? Hay như những ngư dân “cột mốc sống bảo vệ chủ quyền” bị bắn chết trên biển ai tiếc thương họ? ai vinh danh họ? ai trợ giúp gia đình họ?”
“Trong lúc gia đình liệt sĩ Khải đau đớn, tang gia bối rối, tập trung hết tình cảm, sức lực vào lo đám tang, thì mọi sự thông cảm, giúp đỡ hay thực hiện chính sách [nên làm] sao cho tế nhị, không làm xáo động tâm trạng tang gia…
Nếu ông Chủ tịch Hà Nội quan tâm, thì đến thăm viếng, chia buồn và nói riêng, hoặc để lại dòng chữ cho vợ liệt sĩ, rằng xin chị an lòng, sẽ sắp xếp chị vào làm giáo viên Hà Nội… Việc gì ông phải tuyên bố rùm beng, đưa vào trường Chu Văn An, rồi cho báo đài đưa tin ầm ĩ? Người ta có quyền nghĩ, ông lợi dụng việc này để quảng cáo cho ông là chính!”
Tôi thât tiếc là đã không thể đồng tình với những ý kiến (trái chiều) thượng dẫn. Theo Wikipedia tiếng Việt thì ông Nguyễn Đức Chung hiện đang là Ủy Viên Trung Ương Đảng khóa XII mà Đảng thì có nguyên cả một đội ngũ dư luận viên chuyên “đánh bóng lư đồng.” Chủ Tịch Thành Phố Hà Nội, do đó, cần chi phải tự vái mình – trừ trường hợp ông có chu cầu muốn “quảng cáo” thêm (cho nó chắc ăn) như vị Chủ Tịch Nước, với bút danh Trần Dân Tiên, ngày trước.
Tôi cũng rất tiếc là Đảng đã không trao cho Nguyễn Đức Chung những trọng trách lớn lao hơn – ở tầm mức quốc gia – để cả nước được nhờ (chứ không riêng gì vợ con của phi công Trần Quang Khải) vào “quyết định kịp thời” và “nghĩa cử cao đẹp đáng ngợi khen" của ông.
Xin đơn cử một thí dụ, một "quyết định muộn màng." Ngày 29 tháng 3 năm 2016 vừa qua, báo Quân Đội Nhân Dân hân hoan thông báo:
“Từ ngày 1-1-2016, các chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế được quy định tại Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc...
Các đối tượng đáp ứng đủ các điều kiện thì được hưởng chế độ trợ cấp một lần; chế độ bảo hiểm y tế và chế độ trợ cấp mai táng phí. Trợ cấp một lần từ 2 đến 3,5 triệu đồng…
Dưới 1 năm, mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng; đủ 1 năm đến dưới 2 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng; từ đủ 2 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng…”
Nữ dân công hỏa tuyến & nhiệm vụ quốc tế. Ảnh: tạp chí Tài Chánh
Tôi sinh trưởng ở miền Nam, nơi mà người ta chỉ cần làm ngày là đủ, chớ không ai phải tranh thủ làm đêm (làm thêm giờ nghỉ) và phải làm luôn “nhiệm vụ quốc tế” (nữa) nên không biết chi về công tác của lực lượng “dân công hoả tuyến” cả. Lò mò tìm hiểu thì được ông Hà Xuân Định, Chính Trị Viên Đại Đội Dân Công Hỏa Tuyến Mặt Trận B5, cho biết như sau:
“Nhiệm vụ đầu tiên của dân công hỏa tuyến lúc bấy giờ là tiếp tế đạn trực tiếp cho chiến trường, nơi diễn ra các trận đánh ác liệt, giằng co giữa ta và địch...
Riêng đoàn dân công Quảng Bình phục vụ vận chuyển đã đạt 135% kế hoạch đề ra. Trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu xuất hiện những tập thể, cá nhân tiêu biểu như Đại đội 2 do đồng chí Hồ Thị Thu Hiền chỉ huy liên tục vận chuyển gạo, đạn, tải thương phục vụ chiến đấu đạt hiệu suất cao, sau đợt phục vụ chiến dịch, đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; đồng chí Dương Văn Tiên (xã Phú Trạch) thường xuyên gùi hàng với mỗi chuyến 100 kg; đoàn xe đạp thồ của tỉnh Thanh Hóa đạt năng suất vận chuyển cao.
Chiếc xe đạp thồ của anh Nguyễn Đức Thọ (huyện Đông Sơn – Thanh Hóa) chở mỗi chuyến trên 500 kg… Những chiến công của lực lượng dân công hỏa tuyến các địa phương Quân khu 4 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi lịch sử của chiến dịch Đường 9 – Nam Lào...”
Qúi đồng chí Hồ Thị Thu Hiền, Dương Văn Tiên, Nguyễn Đức Thọ ... nếu còn sống sót, và vẫn còn giữ được những huân chương chiến công (làm bằng) thì họ sẽ là đối tượng của Quyết Định số 49 (ký vào ngày 14 tháng 10 năm 2015) và sẽ được hưởng chế độ trợ cấp một lần ... từ 2 đến 3,5 triệu đồng” …
Thiệt là tình nghĩa và tử tế hết biết luôn. Thảo nào mà ông nhà báo Duy Đức phải thốt nên đôi lời cảm kích:
Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ mang đậm tính nhân văn, phù hợp đạo lý, truyền thống dân tộc, thoả lòng mong ước của hàng vạn dân công hoả tuyến qua các thời kỳ trong cả nước. Những chàng trai cô gái tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy nay đã vào tuổi 60, thậm chí có cả những người đến tuổi “xưa nay hiếm.”
Sự “cảm kích” của ông Đức khiến tôi nhớ đến những câu thơ, viết về những cô Thanh Niên Xung Phong, của thi sĩ Anh Ngọc:
Có những người leo núi
Vượt qua dốc Cổng Trời
Là những cô con gái
Qua tuổi mình ba mươi…
Cơn sốt rét triền miên
Tóc mọc rồi lại rụng
Mùa xuân thành báo động
Đoá hoa nhầu trên tay…
Đi qua tuổi ba mươi
Nhọc nhằn và lặng lẽ
Bao ước mơ giản dị
Mà sâu thẳm không cùng
Hơn mọi sự anh hùng
Là điều này nhỏ bé
Làm vợ và làm mẹ
Tuổi ba mươi chối từ …
Dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong san lấp hố bom do địch bắn phá tại đường Trường Sơn. Chú thich: Báo Tin Tức. Ảnh: Hữu Ngôi-TTXVN
Sau cuộc chiến – nếu sống còn – những “đoá hoa nhầu,” hay những quả chanh khô (theo như cách nói bạc bẽo của đời thường) có tên gọi là nữ TNXP đều trở thành những con số không tròn trĩnh: không chồng, không con, không nhà, và không chế độ!
Ông Nguyễn Đức Chung còn khá trẻ, hoạn lộ còn dài. Hy vọng, sẽ có lúc vị CTUBNDTPHN được giữ chức Thủ Tướng để “kịp thời” ký một cái Quyết Định về "chính sách được hưởng chế độ" cho đám TNXP. Họ đã "đi qua tuổi ba mươi, nhọc nhằn và lặng lẽ." Phần lớn (nay) đang bước vào tuổi bẩy mươi, cũng lặng lẽ và nhọc nhằn không kém mà vẫn chưa được hưởng chế độ gì ráo trođi - dù chỉ một lần, và rất tượng trưng!
Bài bình luận gần đây