You are here

Tôi Lậy Mấy Ông

Ảnh của tuongnangtien

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến 

“Xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ nầy không biết đã có CNXH hoàn thiện ở VN hay chưa.”

T.B.T Nguyễn Phú Trọng

Ngày 6 tháng 10 năm 2014, báo Tuổi Trẻ đi tin:

Ông Phạm Hồng Thái (50 tuổi, trú thôn Tân Phong, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị nghi oan  lấy trộm 9,2 triệu đồng của người cùng xóm. 

Trong bức thư viết trên giấy học trò gửi công an huyện Nông Sơn, ông Thái viết: “Tôi mong mấy ông điều tra lại cho kỹ giùm tôi, tôi bị oan, tôi chỉ biết lấy cái chết làm trong sạch mà thôi. Khi mấy ông nhận lá đơn này là tôi đã đi rồi.”

Còn thư gửi người bị mất tiền, ông Thái viết: “Tao chết rồi không phải vì tao lấy tiền của mi đâu. Tao buồn là bạn bè mấy chục năm tan như mây khói. Mấy ổng đánh tao quá, tao phải nhận bừa.”

Nguồn ảnh: phunuonline

Công an Việt Nam dùng nhục hình bức cung hay đánh chết dân là chuyện thường ngày nhưng ngôn ngữ khoan hoà của nạn nhân (qua cả hai bức thư tuyệt mạng) khiến tôi cứ băn khoăn mãi:

“Tôi mong mấy ông điều tra lại cho kỹ giùm tôi, tôi bị oan, tôi chỉ biết lấy cái chết làm trong sạch mà thôi. Khi mấy ông nhận lá đơn này là tôi đã đi rồi” và “Tao chết rồi không phải vì tao lấy tiền của mi đâu. Tao buồn là bạn bè mấy chục năm tan như mây khói. Mấy ổng đánh tao quá, tao phải nhận bừa.”

Đây không phải là lần đầu tiên công luận biết địa danh Nông Sơn.  Trước đây, huyện lỵ này cũng đã được   vnexpress nhắc đến với một mẩu tin (“Ông Lái 82 Tuổi Hầu Toà”) buồn khác:

Hôm nay, TAND tỉnh Quảng Nam mở phiên xét xử Võ Nghĩnh - bị cáo cao tuổi nhất trong lịch sử tố tụng Quảng Nam - về hành vi làm lật đò, gây ra cái chết của 18 học sinh ở bến Nông Sơn ... Cùng đứng trước vành móng ngựa với ông Nghĩnh là người em trai Võ Quang Trang (76 tuổi) - chủ sở hữu con đò...

VKS tỉnh Quảng Nam truy tố bị cáo Nghĩnh - Trang về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy và giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy.

Riêng tờ Việt Báo còn có một phóng sự khá dài, và rất xúc động của phóng viên Trung Việt về cuộc sống một phụ nữ ở (xã Quế Minh) huyện Nông Sơn. Xin trích dẫn vài đoạn ngắn:

Tôi trở lại thăm xã được báo chí phong cho danh hiệu “nghèo nhất nước” sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào năm 1994. Hơn một thập niên đã trôi qua, cái xã ấy vẫn không khác nhiều so với lần tôi đến thăm trước đây.

Tôi ngồi chờ chị Võ Thị Quyến, nhân vật nổi tiếng  xuất hiện  trên các báo thập niên gần cuối năm  90 thế kỷ trước vì ... nghèo nhất xã ! Hồi đó nhà chị là mấy tấm tranh, tệ hơn cái chòi canh rẫy, dựng trên vài ba cái cọc. ..

Chị Quyến có ba sào ruộng, làm không đủ ăn. Ngoài việc làm ruộng chị chằm (khâu) nón. Mỗi ngày chị chằm được một cái nón bán được 1.900 đồng, trừ 500 đồng mua lá, 300 đồng mua tre, 300 đồng mua cước, mỗi ngày chị kiếm được khoảng 800 đồng.

Con  gái lớn học đến lớp 3 thì nghỉ. Thằng nhỏ học lớp 1, đứng trước nguy cơ phải nghỉ học vì không đủ tiền nộp học phí 16.000 đồng tổng giá trị của 20 ngày làm nón không chi tiêu nhịn ăn uống ...

Chị Quyến đã về. Nón lá, áo quần te tua, ốm đen đúa. Chị đi chăn bò trên rẫy.  Con bò xã  giao mới được 2 tháng,  chị được nuôi trong 3 năm, nếu đẻ bò con thì giao con cho xã, chị được bò mẹ. “Có khá hơn lần đó không? “Khá, nhưng... cũng rứa”.

Con gái lớn đã đi lấy chồng. Thằng con trai học đến lớp 7, không đủ tiền nộp học, đã nghỉ, năm nay nó 17 tuổi rồi nhưng cũng chỉ một nghề là... chăn bò. Còn chị, vẫn “tha thiết yêu nghề” làm nón. “Không có nón, lấy chi ăn em”.

Món tiền từ nón, qua ngần ấy năm, đã nhích lên chút đỉnh. Không ngủ trưa, thức khuya, một ngày chị làm được 2 chiếc. Trừ tiền cước, lá, kim chỉ, tre hết 3.000 đồng, chị  lãi được 5.000, đủ mua mắm, rau, ngày nào đi chăn bò cực quá, về phải ngủ, hôm đó coi như treo niêu.

“Có ngày nào đem về được 20.000 đồng chưa?”. “Làm chi có em”. Chị cố nở nụ cười thật tươi, nhưng hình như tôi nghe thấy trong tiếng cười ấy là nỗi khắc khổ đến nhói lòng.

Ngoài những chuyện “khắc khổ” và “nhói lòng” vừa kể, Nông Sơn còn được thiên hạ nhắc đến vì nhiều vụ lùm xùm khác:

-         Khởi Tố Phá Rừng Có Qui Mô Lớn Tại Nông Sơn

-         Trù Dập Người Tố Cáo “Ăn Bớt” Công Trình Đường Bê Tông Nông Thôn 

-         Bắt Giữ Một Vụ Chuyển Vận Ma Túy Tại Nông Sơn

Tôi không rành địa lý và phong thủy nên không thể lý gỉải tại sao dân Nông Sơn làm ăn không khá, và địa phương này lại mang nhiều tai tiếng như vậy. Google thử một phát thì mới biết ra đây là một huyện lỵ thuộc loại tân kỳ, có “cổng thông tin điện tử” đàng hoàng với đầy đủ hình ảnh của cả Ban Lãnh Đạo

Họ đều là đảng viên ráo trọi. Thì toàn “mấy ông” không chớ ai. Và điểm chung của tất cả “mấy ổng” (từ trên xuống dưới) là sự lạc quan vô tận, bất kể tình trạng người dân sống lầm than và khốn khổ ra sao.

Khi còn tại chức, ông Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết tuyên bố: “Ngày nay, chúng ta ngẩng cao đầu, sánh vai cùng cường quốc...”

Người kế vị, đương kim chủ tịch nước Trương Tấn Sang (vào ngày 19 tháng 8 vừa qua) cũng phát biểu gần tương tự:

 “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới mà nhân dân ta đạt được khiến chúng ta hãnh diện và tự hào, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.”

Người dân ở Nông Sơn như chị Võ Thị Quyến, ông Phạm Hồng Thái, Võ Nghĩnh, Võ Quang Trung ... – có lẽ – đều không biết được rằng đất nước quê hương của mình đang “sánh vai cùng cường quốc” và được “bạn bè quốc tế ngưỡng mộ” quá trời, quá đất. Họ chắc cũng không nghe được lời hứa hẹn (cách đây chưa lâu) của một nhân vật lãnh đạo cao cấp khác – ông Nguyễn Sinh Hùng: “Năm 2015 sẽ có một Vinashin mới.”

Trong khi chờ đợi “cái mới” này thì nhà báo Ngô Nhân Dụng lại vừa khám phá ra một  “cái chưa cũ” lắm:

“Hết cái lỗ hổng Vinashin lại đến cái lỗ ALC II! (Ban kiểm toán công ty ALC cuối tháng 10, 2010 cho biết, năm 2009 ALC II lỗ tới 3,004 tỷ đồng bạc Việt Nam (gấp 8.5 lần vốn điều lệ chỉ có 350 tỷ). Công ty ALC II làm thất thoát số tiền của Nhà nước tới 4,617 tỷ đồng. Trong số các món nợ có đến 60% là nợ xấu, tức là người vay không trả được đúng hạn! Trong ba tháng cuối năm 2009, ALC II thiếu 1,763 tỷ đồng không có tiền để trả ai hết; và đến cuối năm 2010 đã thất thoát 4,000 tỷ.)”

Tuy nhiên, theo Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình : “Nợ xấu ngân hàng không đáng ngại.”

Ảnh: facebook.com/VTV.vn

Câu nói hơi khó hiểu (thượng dẫn) được lý giải dễ dàng và gọn gàng bởi một giới chức “dân cử” (Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Luật) Chủ Nhiệm Ủy Ban Pháp luật QH –  Phan Trung Lý: “Tôi thấy ở Hàn Quốc người ta coi nợ xấu là của toàn xã hội, nên kêu gọi người dân đóng góp tiền, vàng để giải quyết nợ xấu.”

Miệng người sang, có gang có thép. Phen này đám dân đen Việt Nam không đóng, ngó bộ, không xong. Câu hỏi đặt ra là đóng bao nhiêu, và đóng làm răng đây hè?

Theo báo Đất Việt :“Đến 9h30 sáng 1/10/2014, nợ công Việt Nam tăng ở mức 84,32 tỷ USD, mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh 930,43 USD nợ công.” Với lợi tức chằm nón là ¼ U.S.D (25 xu) mỗi ngày, nếu bắt đầu nhịn ăn nhịn mặc kể từ hôm nay, chị Võ Thị Quyến sẽ hoàn tất nghĩa vụ đóng góp để thanh toán nợ xấu của toàn xã hội vào năm 2025 – nếu vẫn có thể sống sót đến thời điểm đó.

Lý thuyết mà nói là như vậy nhưng thực tế thì thời gian hoàn tất nghĩa vụ nợ công của chị Võ Thị Quyến rất có thể được rút ngắn hơn nhiều, theo như đánh giá và chỉ đạo (“quyết liệt”) của ông Thủ Tướng – trong phiên họp thường kỳ vào tháng 9 năm 2014 vừa qua, về việc tái cấu trúc nền kinh tế, với nhiều ... khâu đột phá:

“Phát biểu khai mạc tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tình hình kinh tế – xã hội từ đầu năm tới nay tiếp tục chuyển biến tích cực; đà tăng trưởng rõ nét và đồng đều hơn; các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt kết quả tích cực, theo đó, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội giao có 13 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt là chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động và 1 chỉ tiêu chưa đạt là tỷ lệ lao động qua đào tạo, ước đạt 49% trong khi kế hoạch là 51%.

Trên tinh thần phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục phân tích và làm rõ nguyên nhân tất cả những hạn chế, yếu kém, cản trở, chậm trễ để có các biện pháp khắc phục, xử lý.”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Chính phủ tập trung thảo luận, phân tích và đưa ra các giải pháp, biện pháp cụ thể, quyết liệt để tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng suất lao động; tái cơ cấu nền kinh tế và triển khai 3 khâu đột phá chiến lược.”

Tới đây thì cho tôi xin được qùi lậy mấy ông thôi. Chớ biết nói năng làm răng nữa bây chừ?