You are here

Hội Nhà Văn & Văn Đoàn Độc Lập

Ảnh của tuongnangtien

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến 

“TS Nguyễn Xuân Tụ không đơn độc. Sự an toàn của anh sẽ được mọi người có lương tri theo dõi và góp sức bảo vệ.” 
Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự

 
Tôi vừa nhận được một món quà nho nhỏ, gửi qua đường bưu điện: Trọn bộ Chuyện Kể Năm Hai Ngàn (ấn bản đặc biệt, không bán, tái bản năm 2013) của Bùi Ngọc Tấn. Xin được trân trọng gửi lời cảm ơn đến vị ân nhân ẩn danh.
 
Nơi bìa sau cuốn sách, ngoài những tác phẩm chính đã xuất bản của tác giả, còn có in tựa bản thảo “những sáng tác bị công an tịch thu” (gồm ba cuốn tiều thuyết, hai tập thơ, một tập truyện ngắn, và một kịch bản phim truyện) khi họ đến bắt ông tại nhà – vào năm 1968.
 
Gần nửa thế kỷ qua, Hội Nhà Văn Việt Nam chưa bao giờ đặt câu hỏi về chuyện giam giữ Bùi Ngọc Tấn, và những sáng tác bị tịch thu (vĩnh viễn) kể trên. Trong bài tham luận, đọc tại thành phố Hải Phòng, vào ngày 25/11/2005, Bùi Ngọc Tấn đã kết luận bằng một “đề nghị” nhỏ:

“Vấn đề cuối cùng tôi muốn nói ở đây là ý kiến về Hội Nhà văn. Hội Nhà văn là một hội chính trị, nghề nghiệp như điều lệ Hội đã định rõ. Việc bảo vệ hội viên của mình nằm trong trách nhiệm của Hội. Giờ đây bộ tiểu thuyết Chuyện kể năm 2000 của tôi ra đời và bị thu hồi tiêu huỷ đã được hơn năm năm, một thời gian đủ để có thể thẩm định về nó.
 
Tôi đề nghị Hội Nhà văn đứng ra tổ chức hội thảo về quyển tiểu thuyết của tôi, để có một đánh giá chuẩn xác hơn về mặt chính trị cũng như nghệ thuật, minh oan cho một vụ án sách oan sai. Một vụ án người oan sai có thể bị lãng quên, nhưng một vụ án sách oan sai thì đời đời còn đó.”
 
Tuy “đề nghị” nhỏ xíu và giản dị vậy thôi nhưng rõ ràng vẫn cứ (quá) lớn đối với chức năng vô cùng khiêm tốn Hội Nhà Văn Việt Nam. Sự nhu nhược của cái hội này, cùng với thái độ ngang ngược cố hữu của nhà đương cuộc Hà Nội – phần nào – giải thích được nguyên do khiến cho tác giả Bùi Ngọc Tấn (cùng sáu mươi đồng nghiệp khác) đã đứng tên trong danh sách của những người cầm bút “Tuyên Bố Thành Lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam.”
 
 Xin ghi lại toàn văn để rộng đường dư luận:
 
Sau năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Tiếc thay công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc.

Những người viết văn tiếng Việt không thể nói rằng mình hoàn toàn không có phần trách nhiệm về thực trạng đó. Một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học là thức tỉnh lương tri và bồi đắp đạo đức xã hội. Trong bước ngoặt lớn này của lịch sử, văn học Việt Nam đã không làm đúng được vai trò của mình.

Văn chương Việt Nam yếu kém có nguyên nhân chủ quan trước tiên thuộc chính người cầm bút là sự thờ ơ đối với trách nhiệm xã hội, vô cảm trước thời cuộc, quan trọng hơn nữa là thiếu độc lập tư duy, từ đó mà tự hạn chế năng lực sáng tạo. Về mặt khách quan, một xã hội như chúng ta đang có, trong đó các quyền tự do cơ bản của con người thực tế bị vi phạm trầm trọng, đương nhiên đè nặng lên tâm lý sáng tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng. Quyền tự do sáng tác và tự do công bố tác phẩm đang là đòi hỏi sống còn của từng nhà văn và của cả nền văn học. Không có những quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có một nền văn học đàng hoàng.

Một thể chế tổ chức đời sống văn học nặng tính quan liêu và bao cấp càng làm nặng nề thêm tình hình, đồng thời lại không tạo được mối liên kết lành mạnh giữa những người viết để nâng đỡ và thúc đẩy nhau trong công việc, hỗ trợ nhau trong khó khăn.

Trước tình cảnh kéo dài và nay đã trở nên cấp bách đó, chúng tôi, những người cầm bút ký tên dưới đây, quyết định vận động thành lập một tổ chức độc lập của các nhà văn viết bằng tiếng Việt ở trong nước và ngoài nước, lấy tên là Văn đoàn độc lập Việt Nam , với mong muốn góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi.

Hoạt động của Văn đoàn độc lập Việt Nam nhằm vào những nhiệm vụ cụ thể sau đây:

  • Đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn tiếng Việt trong và ngoài nước.
  • Tạo điều kiện nâng cao về nghề nghiệp, thúc đẩy sáng tạo cá nhân, khuyến khích đổi mới trong sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học và ngôn ngữ.
  • Bảo vệ mọi quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm, cũng như quyền tự do tiếp cận tác phẩm văn học của mọi người.

Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước.

Điều lệ và Chương trình hành động cụ thể của Văn đoàn sẽ được hình thành và công bố trong quá trình vận động. Mọi liên lạc xin gửi về email: nhavandoclap@gmail.com.
 
Hà Nội ngày 3 tháng 3 năm 2014
 
 TM Ban vận động Nguyên Ngọc.
 
Sự kiện khá bất ngờ này đã được đón nhận với không ít hân hoan bởi rất nhiều người, trong cũng như ngoài nước. Phóng viên Kính HoàMặc Lâm (RFA) coi đây như là “một bước tiến của xã hội dân sự” hay là một hình thức “khôi phục nền văn học tự do.” Nhà báo Nguyễn Mộng Hoài, dù đã bước vào tuổi tám mươi, chợt có cảm tưởng “mình như được trẻ lại.”
 
Cùng lúc, cũng có người không dấu được sự thất vọng não nề:
 
Sáng nay 4/3/2014 khi lên mạng thấy cái đầu để to đùng "Tuyên bố thành lập Văn Đoàn độc lập Việt Nam" trên các trang Anh Ba sàm, Bô-Xít, thì mình mừng rơn lao đầu vào đọc, đọc đi, đọc lại, đọc cả bản tiếng Anh (xem có đến nỗi tệ như bản dịch đĩa hát chào mừng 1.000 năm Thăng Long của cái Hội táp nham âm nhạc Xè-Gòn không!?) và theo dõi 61 cái tên “lừng danh” (một thời) để rồi.. …thất vọng tràn trề ...:
 
- không có một chữ nào lên án ai? đường lối nào, nghị quyết nào đã “chuyên chính vô sản” tư tưởng tình cảm con người,
- không có một chữ nào nêu tên ai đã chỉ đạo cả ăn, ở, yêu, ghét, theo đúng lập trường đảng bảo là phải yêu, phải ghét,
- không có một chữ nào nêu tên ai đã cầm tù không án nhà văn, cấm nhà văn cầm bút, cấm phổ biến tác phẩm, …
và ai, cho đến nay vẫn đã thà chết chứ không bỏ quyền lãnh đạo toàn diện cái mặt trận tư tưởng này! Một chữ cũng không(!?)
 
Nghĩa là rất “có võ”, tránh hết mọi động chạm đến những bộ máy chuyên chính văn nghệ, những cá nhân vua, quan, thượng thư…… đã cấm chỉ báo chí, cấm xuất bản tự do, đã bỏ tù những ai viết sai đường lối của bất cứ một anh chị, cha căng, chú kiếc nào đó được giao chăn dắt lữ “trí thức khó bảo nhất” trong xã hội bầy đàn này!
 
Những câu phê phán về nguyên nhân của một nền văn học đang đi xuống hố chỉ là:
 
...Về mặt khách quan, một xã hội như chúng ta đang có, trong đó các quyền tự do cơ bản của con người thực tế bị vi phạm trầm trọng, đương nhiên đè nặng lên tâm lý sáng tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng. Quyền tự do sáng tác và tự do công bố tác phẩm đang là đòi hỏi sống còn của từng nhà văn và của cả nền văn học. Không có những quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có một nền văn học đàng hoàng.Một thể chế tổ chức đời sống văn học nặng tính quan liêu và bao cấp càng làm nặng nề thêm tình hình, đồng thời lại không tạo được mối liên kết lành mạnh giữa những người viết để nâng đỡ và thúc đẩy nhau trong công việc, hỗ trợ nhau trong khó khăn...
RỒI HẾT!
 
(Tô Hải – Nhật ký mở lần thứ 80: NIỀM HỨNG KHỞI CUỐI ĐỜI CỦA MÌNH ĐANG BAY BỖNG GIỮA TRỜI BỖNG…“XÌ HƠI”!)
 
Tôi hoàn toàn chia sẻ cái tâm cảm “bỗng xì hơi” của nhạc sĩ Tô Hải. Tuy nhiên, theo thiển ý, sự việc mới bắt đầu chứ không phải là “rồi hết” đâu.Và vạn sự khởi đầu nan.  Ngôn ngữ mềm mỏng (hơi quá mức cần thiết) trong bản Tuyên Bố Thành Lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Namhẳn đã được cân nhắc kỹ, và tất phải có lý do.
  
Tưởng cũng nên nhắc lại – trước đây chưa lâu, vào ngày 20 tháng 10 năm 2006 –  cũng đã có một số nhân vật “Tuyên Bố Thành Lập Công Đoàn Độc Lập Việt Nam.” Số phận của họ ra sao chắc mọi người còn nhớ: hai mươi ba năm tù cho Đỗ Thị Minh Hạnh,  Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, và Nguyễn Tấn Hoành.
 
Lê Trí Tuệ  thì đột nhiên “biến mất.” Theo bản tin của HRW, đọc được vào hôm 4 tháng 5 năm 2009: “Người ta nghĩ rằng công an Việt Nam đã bắt cóc ông Lê Trí Tuệ, một trong những sáng lập viên của Công đoàn Độc Lập Việt Nam. Ông Lê Trí Tuệ mất tích vào tháng Năm năm 2007 sau khi đào thoát sang Căm-Bốt để xin tị nạn. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã long trọng ghi nhận trong bản báo cáo 2008 về tình trạng nhân quyền Việt Nam rằng: ‘ông Lê Trí Tuệ hiện vẫn biệt tích… và theo một số lời đồn mật vụ của chính quyền Việt Nam đã giết ông ta.”
 
Không cần phải là thầy bói, ai cũng có thể đoán được trước là việc thành lập Văn Đoàn Độc Lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam (rồi ra) cũng sẽ khó mà thuận buồm xuôi gió. Bởi vậy, cách diễn đạt quan điểm của Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam ra sao không phải là điều quan trọng lắm. Vấn đề chính là ở thái độ của những thành viên của hội, khi phải trực diện với những lực cản (chắc chắn) sẽ xuất hiện trong tương lai gần – bằng mọi hình thức và mọi thủ đoạn, kể cả những thủ đoạn đê tiện nhất –  từ nhà nước toàn trị XHCNVN.
 
Và mọi người không phải chờ lâu. Công Luận vừa biết đến Thư Khước Từ “Làm Việc” của ông Hà Sĩ Phu, một thành viên của Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam, với phần mở đầu như sau:
 
“Ngày 20-3-2014 tôi lại nhận được “Giấy mời” của cơ quan An ninh điều tra, “mời” nhưng YÊU CẦU phải có mặt đúng giờ (mời đến lần thứ 3 chắc chuyển sang Triệu tập?) . Trong hơn 20 năm nay tôi không thể nhớ được đây là “Giấy mời” lần thứ bao nhiêu nữa?
 
 Tôi vốn không muốn kể những tai họa mà cá nhân mình phải chịu đựng, dù rất vô lý, nhưng nay tôi đã già yếu, 75 tuổi với đủ thứ bệnh tật, tôi buộc phải có thái độ dứt khoát để yêu cầu chấm dứt những phiền toái vô lý kéo dài hết năm này đến năm khác như vậy...”
 

 
 
 Tình trạng cá nhân của Hà Sĩ Phu, với hơn bốn trăm lần hỏi cung và làm việc với công an trong hai mươi năm qua – xem ra –  còn tệ hại hơn của Bùi Ngọc Tấn hồi cuối thế kỷ trước rất nhiều. Tuy nhiên, thế kỷ trước đã qua. Thời vàng son của chuyên chính vô sản cũng đã qua luôn rồi. Thời đó mà còn không bẻ gẫy được chiếc đũa Nguyễn Xuân Tụ thì nay còn hơi sức đâu mà “vơ” nguyên nắm đũa là Văn Đoàn Độc Lập mà ông sĩ phu Bắc Hà chỉ  là một thành viên.
  

Bài bình luận

Vừa qua, trên trang www.rfa.org có đăng bài “Văn đoàn độc lập, một bước tiến của xã hội dân sự” của Kính Hòa, phóng viên RFA. Vậy, thực chất cái gọi là “một bước tiến của xã hội dân sự” là gì và “Văn đoàn độc lập” là tổ chức như thế nào ? Theo wikipedia.org, “xã hội dân sự” cấu thành từ tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện mà các tổ chức này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực của một nhà nước (bất kể hệ thống chính trị của nhà nước này thuộc kiểu gì) và các thể chế thương mại của thị trường. Bên cạnh đó còn có nhiều định nghĩa về xã hội dân sự. Liên minh vì sự tham gia của công dân (CIVICUS 2005) định nghĩa: Xã hội dân sự là diễn đàn giữa gia đình, Nhà nước và thị trường, nơi mà con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung. Theo cuốn “Chế độ dân chủ, Nhà nước và xã hội” của N.M. Voskreenskaia và N.B.Davletshina” thì xã hội dân sự là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân thực hiện mối liên hệ giữa công dân với Nhà nước, không để cho Nhà nước áp bức các công dân của mình. Như vậy, xã hội dân sự thực chất là các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò xây dựng cộng đồng, trợ giúp Nhà nước. Gần đây vấn đề xã hội dân sự (XHDS) được nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước quan tâm, bàn luận. Xã hội dân sự được cộng đồng quốc tế xem như một nhân tố của xã hội hiện đại và trên thực tế xã hội dân sự cũng không phải xa lạ đối với Việt Nam chúng ta. Hiện nay luật về quyền lập hội của người dân theo Hiến pháp 2013 tuy chưa có, song quyền đó cũng đã được hướng dẫn thực hiện bằng nhiều luật khác nhau và văn bản dưới luật. Nhiều tổ chức xã hội dân sự tự nguyện, tự chủ về mọi mặt đã ra đời và có đóng góp tích cực trên các lĩnh vực xã hội, là người phản biện đối với chủ trương, chính sách của Nhà nước một cách ôn hòa và có trách nhiệm. Nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng đã có mặt tại Việt Nam. Những tổ chức này không chỉ được thừa nhận mà còn được Nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ. Nhà nước cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các tổ chức hội, đoàn thể, nhân dân tham gia góp ý xây dựng chính quyền. Theo tuyên bố của những người vân động thành lập, “Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước”…Thật là điên rồ! Ngay từ khi loài người còn sống theo kiểu bầy đàn nguyên thủy tự do nhưng đều có luật lệ riêng của bầy, đàn. Ngày nay, mọi tổ chức hình thành và hoạt động trong phạm vi một quốc gia đều hoạt động theo Hiến pháp, quy định của pháp luật của chính quốc. Đã là tổ chức xã hội, ắt hẳn “Văn đoàn độc lập” của các vị chắc chắn cũng sẽ không nằm ngoài quy luật đó, đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Cái gọi là “Văn đoàn độc lập” hoạt động “hoàn toàn độc lập với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong nước”… Như vậy sao gọi là “một bước tiến của xã hội dân sự”??... Đây là bước lùi thì có…Các vị trong ban vận động thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập” hãy suy nghĩ cho kỹ, các vị tuổi đã xế chiều rồi, được biết trong các vị cũng có người đã từng đạt nhiều giải thưởng quốc gia trong sự nghiệp của mình, cuối đời rồi cũng nên giữ uy tín và thể diện cho chính mình trong những ngày còn lại, đừng để con cháu phải nặng lời. Các vị hãy quay đầu lại, còn kịp đấy ! LẮM CHIÊU

Vừa qua, trên trang www.rfa.org có đăng bài “Văn đoàn độc lập, một bước tiến của xã hội dân sự” của Kính Hòa, phóng viên RFA. Vậy, thực chất cái gọi là “một bước tiến của xã hội dân sự” là gì và “Văn đoàn độc lập” là tổ chức như thế nào ? Theo wikipedia.org, “xã hội dân sự” cấu thành từ tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện mà các tổ chức này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực của một nhà nước (bất kể hệ thống chính trị của nhà nước này thuộc kiểu gì) và các thể chế thương mại của thị trường. Bên cạnh đó còn có nhiều định nghĩa về xã hội dân sự. Liên minh vì sự tham gia của công dân (CIVICUS 2005) định nghĩa: Xã hội dân sự là diễn đàn giữa gia đình, Nhà nước và thị trường, nơi mà con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung. Theo cuốn “Chế độ dân chủ, Nhà nước và xã hội” của N.M. Voskreenskaia và N.B.Davletshina” thì xã hội dân sự là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân thực hiện mối liên hệ giữa công dân với Nhà nước, không để cho Nhà nước áp bức các công dân của mình. Như vậy, xã hội dân sự thực chất là các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò xây dựng cộng đồng, trợ giúp Nhà nước. Gần đây vấn đề xã hội dân sự (XHDS) được nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước quan tâm, bàn luận. Xã hội dân sự được cộng đồng quốc tế xem như một nhân tố của xã hội hiện đại và trên thực tế xã hội dân sự cũng không phải xa lạ đối với Việt Nam chúng ta. Hiện nay luật về quyền lập hội của người dân theo Hiến pháp 2013 tuy chưa có, song quyền đó cũng đã được hướng dẫn thực hiện bằng nhiều luật khác nhau và văn bản dưới luật. Nhiều tổ chức xã hội dân sự tự nguyện, tự chủ về mọi mặt đã ra đời và có đóng góp tích cực trên các lĩnh vực xã hội, là người phản biện đối với chủ trương, chính sách của Nhà nước một cách ôn hòa và có trách nhiệm. Nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng đã có mặt tại Việt Nam. Những tổ chức này không chỉ được thừa nhận mà còn được Nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ. Nhà nước cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các tổ chức hội, đoàn thể, nhân dân tham gia góp ý xây dựng chính quyền. Theo tuyên bố của những người vân động thành lập, “Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước”…Thật là điên rồ! Ngay từ khi loài người còn sống theo kiểu bầy đàn nguyên thủy tự do nhưng đều có luật lệ riêng của bầy, đàn. Ngày nay, mọi tổ chức hình thành và hoạt động trong phạm vi một quốc gia đều hoạt động theo Hiến pháp, quy định của pháp luật của chính quốc. Đã là tổ chức xã hội, ắt hẳn “Văn đoàn độc lập” của các vị chắc chắn cũng sẽ không nằm ngoài quy luật đó, đều phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Cái gọi là “Văn đoàn độc lập” hoạt động “hoàn toàn độc lập với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong nước”… Như vậy sao gọi là “một bước tiến của xã hội dân sự”??... Đây là bước lùi thì có…Các vị trong ban vận động thành lập cái gọi là “Văn đoàn độc lập” hãy suy nghĩ cho kỹ, các vị tuổi đã xế chiều rồi, được biết trong các vị cũng có người đã từng đạt nhiều giải thưởng quốc gia trong sự nghiệp của mình, cuối đời rồi cũng nên giữ uy tín và thể diện cho chính mình trong những ngày còn lại, đừng để con cháu phải nặng lời. Các vị hãy quay đầu lại, còn kịp đấy ! LẮM CHIÊU