You are here

Nhà Báo & Nhà Nước

Ảnh của tuongnangtien

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Nhà nước ta quả là nhiều sáng kiến và tận tâm với bạn vàng xâm lược.
-Hà Sĩ Phu

Từ lâu, tôi vẫn ước ao (có lúc) sẽ trở thành nhà báo. Mộng ước này (bỗng) trở thành ác mộng, ngay sau khi tôi xem cảnh hai ông Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long bị một trận đòn tơi tả.
Họ bị công an và côn đồ đánh bầm dập, ở Văn giang. Rồi lại bị đồng nghiệp đập cho một trận te tua nữa, trên internet. Sau đó, chính họ cũng  “tự cầm gậy phang vào mặt mình”  – theo như cách nhìn của bác Trương Duy Nhất
“Không có gì nhục hơn khi cầm tấm thẻ nhà báo hành nghề lại bị ví von mỉa mai rằng: bị đánh mà không dám ‘ẳng lên một tiếng. Còn khi đã ‘ẳng’ lên, khi ‘tấm lòng vị tha’ của hai nhà báo đã biết ‘ẳng’ lên để quyết định không yêu cầu khởi tố hình sự những kẻ côn đồ, thì lần này họ lại tự cầm gậy phang vào mặt mình.
 Có thể, không ai nhớ nổi một tác phẩm báo chí nào của hai anh. Nhưng cái tên Nguyễn Ngọc Năm – Hán Phi Long thì nhiều người nhớ. Nhớ về một sự hèn nhục mang tên Nguyễn Ngọc Năm – Hán Phi Long. Chưa bao giờ, thân phận nhà báo nhục đến thế. Chưa bao giờ câu ‘Đ.M mày! Nhà báo cũng đánh cho chết mẹ mày đi’ lại ăng ẳng’ ê chề đến thế.”
“Ê chề” thiệt! Thôi, tui chả thiết làm nhà báo nữa đâu. Chớ không làm nhà báo thì làm nhà gì? Chớ không lẽ cứ làm làm thường dân hoài vậy sao, cha nội?
Hay là nhẩy vô làm cán bộ nhà nước đi, chịu không?
Tui cũng không chịu luôn vì e là không phải lúc. Tình cảnh nhà nước bây giờ, xem ra, cũng (thê thảm) không kém gì nhà báo. Bị nước lạ nó bắt nạt đều đều – vẫn theo như ghi nhận của Trương Duy Nhất:
“Sau khi thành lập thành phố Tam Sa, bầu cử lập chính quyền, thành lập lực lượng đồn trú và Bộ tư lệnh vũ trang Tam Sa, Trung Quốc tiếp tục huy động một lực lượng hùng hậu trên 2 vạn (23.268) tàu cá ùn ùn tràn xuống biển Đông, mở màn chiến dịch ‘biển người trên biển’. Thậm chí không thèm giấu diếm khi công khai ý định cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho 10 vạn ngư dân.”
 “Dư luận quốc tế sôi sùng sục. Tổng thống Philippines tuyên bố sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ lãnh hải, mua tàu chiến Mỹ và công khai đề nghị Washington hỗ trợ ‘kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố sẵn sàng huy động lực lượng phòng vệ đáp trả. Bộ Ngoại giao Mỹ ngay lập tức ra tuyên bố về vấn đề biển Đông, cùng lúc Thượng viện Mỹ cũng ngay tức thời thông qua ‘nghị quyết biển Đông bày tỏ rõ thái độ trước những động thái mới của Trung Quốc. Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap News gọi động thái này của Trung Quốc thực tế là chiến thuật ‘biển người trên biển.
Chưa bao giờ biển Đông nóng đến thế.
Dân tình sục sôi. Nhân sĩ trí thức đệ đơn đòi nhà nước cho phép tổ chức biểu tình. Trong khi từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng đến Bộ Ngoại giao, Quốc phòng đều im lặng.”
Ủa, sao kỳ vậy cà?
Sao nhà nước hành sử (ngó bộ) giống y chang như nhà báo, vậy Trời? Cả hai, dù bị quần cho tơi tả, đều không dám “ẳng” lên một tiếng nào hết trơn hết trọi.
Mà ngó thì có vẻ (giống) vậy thôi, chớ không hẳn vậy đâu. Hai ông nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long, ít ra, cũng còn giữ được chút lòng tự trọng. Họ đã không lên tiếng “ca ngợi” những kẻ đã bạt tai và đá đít mình. Đám nhà nước, tiếc thay, không có được cái liêm sỉ (tối thiểu) như thế.
Họ khiếp nhược  đến độ mà blogger Đinh Tấn Lực, nhân dịp Olympic 2012, đã đề nghị nên trao huy chương (“môn chạy Việt Dã bằng đầu gối”) cho rất nhiều nhân vật lãnh đạo nhà nước hiện nay:
“Trong lúc nhà nước TQ dồn sức nâng cấp hành chánh và Quân ủy Trung ương Trung Quốc cho phép thành lập bộ tư lệnh của đơn vị quân sự đồn trú tại thành phố Tam Sa; TQ điều động chiến hạm đổ bộ đến Trường Sa; TQ đòi khai thác đảo Ba Bình; TQ tập trận bắn đạn thật tại Trường Sa; TQ tung y sĩ dỏm và hối phiếu giả vào Việt Nam v.v… thì báo QĐND đã liên tục khai thác chủ đề ‘Làm thất bại diễn biến hòa bình’, không ngớt răn đe những người VN yêu nước báo động hiểm họa Bắc thuộc lần thứ 5.
Phản ứng kế tiếp là …diễn tập chống khủng bố, bạo động.
Vẫn thấy chưa đủ hiển thị tấm lòng hiếu hạnh, Bộ Quốc phòng VN đã hoành tráng tổ chức buổi gặp mặt đại biểu các thế hệ cán bộ QĐNDVN được đào tạo tại Trung Quốc qua các thời kỳ, long trọng chào mừng đồng chí Khương Tái Đông và đoàn đại biểu TQ, nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã kính cẩn phát biểu: ‘Chúng tôi luôn trân trọng, ghi nhớ và mãi biết ơn sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa, to lớn có hiệu quả mà Đảng, Chính phủ, nhân dân và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã dành cho Việt Nam’.
Ủy viên BCT kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã có những nỗ lực phấn đấu xứng đáng nhận lãnh huy chương vàng bộ môn chạy Việt Dã bằng đầu gối. Huy chương bạc hẳn phải về tay Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Còn huy chương đồng nên trao cho Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN. Dự khuyết của huy chương đồng bộ môn này chính là Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN, với đôi lời tâm tình khai mạc từng làm vui lòng khách đến vừa lòng khách đi, như sau: ‘Đây là dịp để chúng ta ôn lại những kỷ niệm sâu sắc, ghi nhớ những tình cảm quý báu, cao đẹp, sự giúp đỡ to lớn, chí nghĩa, chí tình có hiệu quả, mà Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã dành cho Đảng, Nhà nước, nhân dân và QĐNDVN trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Đại hội (Ảnh: Khánh Lan)
Tưởng cũng nên thêm một huy chương vàng nữa cho Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân, người đã để lại một dấu ấn khó phai trong lòng mọi người khi vẫn tha thiết nhắc đến “phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt” – dù nước bạn láng giềng đã trở thành ... nước lạ từ lâu!
Ngoài ra, nếu huy chương không thiếu, xin đề nghị một mớ huy chương đồng cho “Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, Quốc Hội và Chính Phủ đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại HộiHội Hữu Nghị Việt Nam – Trung Quốc.”

Biểu diễn văn nghệ ca ngợi tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nguồn ảnh: BBC.
Nói tóm lại là tuy đầu bị làm nhục nhưng nhà báo (rõ ràng) đã tỏ ra đỡ khiếp nhược hơn nhà nước rất nhiều.
Tại sao?
Lý do, có lẽ, vì mấy ông nhà báo đã được đề nghị sự đền bù vật chất tương xứng với sự nhục nhã mà họ phải chịu đựng, cùng với ít nhiều đe doạ (hoặc hứa hẹn) về tương lai chính trị nên họ đã lựa chọn thái độ chịu đấm ăn xôi. Đám nhà nước cũng thế nhưng ngoài xôi hẳn còn có thịt (rất nhiều thịt) nên phải chịu đấm nhiều hơn, nghĩa là phải tỏ ra hèn nhát và khiếp sợ hơn. Thái độ của họ khiến cho một người vốn ôn hoà và nho nhã như bác Nguyễn Quang Lập cũng phải (suýt) buột miệng chửi thề:”Chúng ông chỉ muốn bảo vệ chế độ thôi, Tổ quốc mất còn kệ cha nó.”
 
 
 
 

Bài bình luận

Bài viết quá xá hay,đọc nghe đã ngứa... Chịu đấm ăn xôi thì cũng đở được phần nào,còn nhà nước thì ăn cái gì của nước lạ ? Nhà cao cửa rộng,tiền tài danh vọng,mấy em chân dài mướt rượt .Nhưng nếu không chịu ăn thì ăn đạn đó mấy bác à ...Khổ lắm nói mãi.Mấy bác tưởng "nàm" nhà nước sướng "nắm" sao Lúc nào cũng phải quỳ mọp trước mặt thiên triều phương bắc,thật tội cho tụi tui "nắm" các bác ạ ...!!!

Nào, can đảm lên! Cũng "ẳng" nhé!