You are here

Đi Nhờ & Đi Ké

Ảnh của tuongnangtien

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Nhìn những người bạn Phi, tôi đau đớn nhận ra rằng lòng tự hào dân tộc của đồng bào tôi đã và đang bị giam cầm. Và chính vì như thế nó không còn vẹn nguyên, nó chỉ còn là một niềm tự hào dân tộc bị tật nguyền.”
Mẹ Nấm

Vào khoảng thời điểm này, hơn bốn thập niên về trước, một công dân Việt Nam đã đi (quá giang) vào vũ trụ. Nhiều năm sau, khi có dịp nhắc lại chuyến bay lịch sử này, phi hành gia Phạm Tuân vẫn còn thấy bồi hồi:
“Đó là ngày vĩ đại nhất trong cuộc đời tôi…Tôi mang theo quốc kỳ, quốc huy, chân dung của bác Hồ, bản tuyên ngôn độc lập do bác viết, di chúc bác để lại, cùng với một túi đất của quảng truờng Ba Ðình (nơi xây lăng của Hồ Chí Minh) và nhiều phù hiệu nữa...” – theo như tường thuật của BBC (Vietnam Marks Anniversary Of Giant Leap - BBC News) nghe được vào hôm 24 tháng 7 năm 2000.
Phóng viên Nguyễn Dũng Sĩ (báo Tuổi Trẻ Online , số ra ngày 17 tháng 1 năm 2004) còn long trọng cho biết thêm rằng ngoài chân dung bác Hồ, Phạm Tuân còn na theo “một tấm ảnh của Tổng Bí Thư Lê Duẩn” nữa.
Thiệt là quá đã và ... quá tải!
Ngày lên đường của Phạm Tuân, tất nhiên, được tổ chứ vô cùng long trọng. Tuy thế, vẫn chưa long trọng bằng ngày ông trở lại – theo như ghi nhận của báo Công An Nhân Dân, số ra ngày 4 tháng 2 năm 2011:
“Giây phút trở về với mặt đất cũng là những giây phút hạnh phúc thiêng liêng. Ông và Gorbatco trở về trong vòng tay chào đón trìu mến của nhân dân Liên Xô. Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô Brêgiơnhép đã gắn lên ngực ông Ngôi Sao Đỏ và danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lênin.
Ngày ông trở về Việt Nam, người dân đứng suốt dọc con đường từ sân bay Gia Lâm về Hà Nội với những bức ảnh chân dung Phạm Tuân, cờ hoa, biểu ngữ chào đón. Lúc đó ông thấy một cảm xúc xúc động đến nghẹt thở cứ dâng tràn trong lòng.”
Dù không có mặt ở Hà Nội – vào “những giây phút hạnh phúc thiêng liêng” quá xá như vậy – và dù đang sống dấm dúi ở một đầu đường hay xó chợ (nào đó) ở tận miền Nam xa xôi, nhà thơ Bùi Giáng cũng vẫn bị cảm xúc (theo) và đã bật lên hai câu thơ bất hủ:
Hoan hô đồng chí Phạm Tuân
Khi không anh bỗng nhẩy tưng lên trời!
Hai thập niên sau, sau khi thi sĩ Bùi Giáng qua đời – bên này bờ đại dương – mới xuất hiện một người đồng điệu: tiến sĩ Gerard De Groot, tác giả của cuốn Dark Side of the Moon: The Magnificent Madness of the American Lunar Quest, xuất bản năm 2006. Theo ông: “Cho dù với tất cả sôi nổi, bi kịch và thảm kịch, chúng ta vẫn chưa tiếp cận được câu trả lời là làm gì trong không gian” – Despite all the excitement, drama and tragedy, we’re no nearer an answer about what to do in space. (“The Shuttle: a journey through space and time that took us nowhere.” The Telegraph, 23 July 2011).

Down and out: the Shuttle lands after its final voyage Photo: EPA
 Chuyến bay cuối cùng của phi thuyền con thoi Atlantis hạ cánh vào sáng ngày 20 tháng 7 năm 2011. Từ đây, nhân loại (chắc) thôi nhẩy tưng lên trời. Dân Việt, vì thế, cũng sẽ không còn cơ hội nhẩy theo. Báo Người Đưa Tin, đọc được vào hôm 4 tháng năm 2011, cho biết: bác Phạm Tuân nay đã “thanh thản làm một lão nông.” Chuyến đi (nhờ) của ông không còn là một đề tài ăn khách để báo chí Việt Nam có thể làm ... rùm beng nữa.

 Phạm Tuân về vườn. Ảnh: Người Đưa Tin
Cư dân mạng hiện nay đang xôn xao về một chuyến đi (ké) khác, vào ngày 11 tháng 5 vừa qua, của một công dân Việt Nam khác: bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bút danh là Mẹ Nấm. Chúng tôi xin đăng lại nguyên văn bài viết  (Tôi Đi Biểu Tình Ở Phillipines) sau đây:
 “Khó mà so sánh cảm giác khi đứng giữa đoàn biểu tình phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc ở trung tâm tài chính Makati, thủ đô Manila, Philippines, và cảm giác của những ngày hè rực lửa năm ngoái ở bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
 Nhìn các bạn xung quanh hét vang trời ‘China Back Off - Back Off’ thật mạnh mẽ và khí thế, tôi nhớ tiếng hô giữa lòng Hà Nội vào đầu tháng 8 năm ngoái, ‘Phản đối Trung Quốc xâm lược - Phản đối, phản đối’. Tự nhiên thấy mũi cay cay, nước mắt cứ chực trào ra.” 
“Có thể không ai hiểu được cảm giác đó của tôi, cũng như anh bạn người Đức đi bên cạnh an ủi: ‘Đừng khóc, phải đứng thẳng để hô thay cho các bạn Việt Nam khác chứ!’Bạn tôi biết, hôm nay tôi đi biểu tình thay cho rất nhiều người bạn ở nhà.”  
“Trước khi đi anh bạn tôi có nói: ‘Rồi em sẽ thấy, biểu tình ở xứ tự do nó khác xa với lần em đã tham gia ở nhà.’ Ở đây, bày tỏ chính kiến và thái độ đối với quốc gia là điều vui vẻ nhất.”
“Và quả đúng như vậy, người Phi hô khẩu hiệu mạnh mẽ, dứt khoát, và họ cũng hát hò, nhảy múa để bày tỏ lòng yêu chuộng hòa bình của mình.‘Biểu tình không phải là hành vi quá khích, biểu tình là quyền bày tỏ thái độ của con người. Tại sao chính phủ Việt Nam lại cấm công dân mình yêu nước?’ - Florenz đã hỏi với tôi khi nghe tôi bảo rằng, tôi có mặt ở đây vì những người ngư dân Lý Sơn mà tôi đã gặp, vì những người bạn tôi đã bị bắt giam, và vì chính bản thân tôi đã bị giữ trái phép ở đồn công an hơn một ngày khi tôi tuyên bố ‘Với trách nhiệm của một công dân, tôi sẽ đi biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược’ vào ngày 5/06/2011 tại Sài Gòn.”
“ Người Phi không biểu tình vì muốn làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ ngoại giao.Họ biểu tình vì tình yêu với đất nước mình, và để chứng minh cho Trung Quốc thấy, họ yêu hòa bình và đòi hỏi công bằng bằng luật pháp quốc tế.Họ đã cười khi Trung Quốc đưa ra các cảnh báo với công dân của mình không nên đi một mình ở Manila vào trưa hôm nay ngày 11/05/2012. Lãnh sự quán vắng lặng, không có cảnh các nhân viên an ninh thường phục lom lom chỉa máy quay phim chụp hình vào đám đông biểu tình, không có hàng rào và các biển cấm chụp hình. Lực lượng cảnh sát đứng đằng sau và trước đoàn biểu tình từ nhiều phía để làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự giao thông.”
 

Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh ở Manila. Nguồn ảnh: Me. Nâ'm 's Blog
“Một anh cảnh sát dẫn tôi băng qua đường để đi vào đám đông khi anh bạn tôi đẩy tôi ra phía trước: ‘Quỳnh, em phải đi vào chỗ kia kìa. Chụp hình nhiêu đó đủ rồi, em cần đứng trong biển người đó, mới cảm nhận được hết cảm giác của hôm nay’.Và quả thật, tôi thấy mình sắp khóc mấy lần khi đứng giữa đoàn biểu tình ở Philippines mà mơ về Việt Nam.”  

 “Đứng giữa Manila tôi biết rằng mình có mặt hôm nay ở đây để thấy rằng từ trước đến giờ tôi chỉ hiểu thế nào là tự do nhưng không thật sự cảm được tự do. Tôi nghiệm ra rằng: lòng tự hào dân tộc là thứ mà dân tộc tôi không thiếu, nhưng tự do để bày tỏ nó công khai thì lại vô cùng thiếu thốn. Nhìn những người bạn Phi, tôi đau đớn nhận ra rằng lòng tự hào dân tộc của đồng bào tôi đã và đang bị giam cầm. Và chính vì như thế nó không còn vẹn nguyên, nó chỉ còn là một niềm tự hào dân tộc bị tật nguyền.”

Bài viết (đọc) đã buồn, xem qua mấy dòng phản hồi lại (càng) cảm thấy buồn hơn nữa:

phuongha65 wrote on May 10:Philipin là một nước dân chủ , không thể so sánh với Việt Nam. 
-         susumisa wrote on May 11:hạnh phúc thay người dân nước Phi. 
-         giahien wrote on May 12:được một lần thấy được ánh sáng, mình mới thật sự cãm nhận bóng tối bao trùm quanh năm nó ghê gớm như thế nào…
Thật chả bù cho cái cảm giác tự hào sau chuyến đi (nhờ) vào vụ trụ, hồi mấy chục năm về trước, theo như ghi nhận của dân gian:
 “Sau chuyến bay, Phạm Tuân được nghỉ phép. Về đến Hà Nội nhà nước cấp cho ông ta một cái ô tô con đi thăm quê. Giữa đuờng, chả may xe bị hỏng nên ông vẫy một anh nông dân đang đi xe đạp để xin đi quá giang:
- Này đằng ấy cho mình đi nhờ một quãng được không ?
- Không, đèo thêm nguời hại ruột và lốp xe lắm.
- Tớ là Phạm Tuân, nguời vừa từ không gian về đây mà.
- Phạm Tuân cũng mặc. Vỏ và lốp xe nhà nước cung cấp theo tiêu chuẩn, làm gì có tiêu chuẩn đi nhờ.
- Hứ, phi thuyền Liên Xô tao còn đi nhờ được, qúi báu gì cái xe đạp quốc doanh cà khổ của mày mà cũng làm phách.”
Ở một xứ sở mà“đến cái bù lon và cây kim còn phải nhập cảng” thì có cơ hội đi (nhờ)phi thuyền – tất nhiên – là điều rất đáng lấy làm hãnh diện. Nếu có thái độ “hơn hớn tự đắc” đi chăng nữa, theo như cách dùng chữ của ông Hà Sĩ Phu, cũng chả có gì là lố bịch.
Còn sống trong một đất nước Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc mà phải đi biểu tình (ké) ở một quốc gia láng giềng thì lại là chuyện khác. Chuyện này (chắc) phải nói cho tới Tết, hoặc – không chừng – tới chết luôn.