S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Loạt bài về “Trại Giam Cổng Trời” (qua lời nhân chứng) của biên tập viên Mặc Lâm – RFA – được mở đầu bằng lời của giáo sư Phùng Văn Tại:
“Ngày 24 tháng 12 năm 1959 tức là chiều hôm trước chuẩn bị trang trí nhà thờ chính tòa để đón Noel, thì Ủy ban Liên lạc Công giáo, tức là Ủy Ban Đoàn Kết Công giáo đến gây chuyện… Tranh giành như thế cha chính Vinh cho kéo chuông. Hai cái tháp nhà thờ Chính Tòa của Hà Nội có 6 quả chuông cha chính Vinh cho ca đoàn lên kéo cùng một lúc, cứ như thể một cuộc báo động lớn năm 1959 cho nên kinh khủng lắm, và họ hô nhau đến bắt cha chính Vinh... Cha chính Vinh bị bắt và cuối cùng ngài bị đày lên Cổng Trời. Cổng Trời là một cái địa ngục nhốt cho đến chết thì thôi....”
Cái địa ngục nhốt cho đến chết thì thôi này ở đâu, vậy Trời? Ngó bộ cao à nha. Mà cao thiệt, theo như Mặc Lâm cho biết:
”Trại giam này rất hiếm người biết tới, kể cả những người tù lâu năm nhất cũng chỉ nghe kể lại vì muốn lên đó phải có bị kêu án 15 năm đối với tù hình sự, còn đối với tù chính trị thì phải là gián điệp, biệt kích hay các linh mục, tu sĩ. Điểm đặc biệt của trại giam Cổng Trời là độ cao của nó. Không ai biết chính xác trại nằm ở độ cao bao nhiêu nhưng từ 2.000 cho đến 2.500 mét là con số được nhiều tù nhân dùng để diễn tả.”
Người tù Trần Nhật Kim, tác giả cuốn Cuộc Chiến Chưa Tàn cho biết thêm:
”Từ trại giam Cổng Trời đi đường bộ xuống Thị xã Hà Giang chừng 36 cây số. Ngược lên phía Bắc là huyện Quản Bạ nằm sát biên giới Việt Trung, chỉ cách trại khoảng 10 cây số. Qua đỉnh núi, phía bên kia là biên giới. Mặt trước của trại Cổng Trời hướng về đường lộ, hai bên là vách núi thẳng đứng tiếp xúc với những cánh rừng già trải rộng dưới chân. Phía sau trại dựa vào sườn đồi tiếp nối với rặng núi cao.Một vùng đất rộng sau trại được dùng làm nghĩa trang mang tên ‘đồi Bà Then’ nơi vùi lấp những người xấu số.Cho tới nay những điều mà người ngoài biết về trại giam Cổng Trời vẫn còn rất hạn chế.”
Đường lên trại Cổng Trời. Ảnh: baothuathienhue.vn
Và cuộc sống bên trong Cổng Trời đã được ông Nguyễn Hữu Đang, một trong những người tù nổi tiếng nhất miền Bắc, tóm gọn như sau:
“Trại này có truyền thuyết là ‘vào thì không ra’, đến đây là phải bỏ xác chớ không hy vọng gì để trở về với gia đình. Trại Cổng Trời là một lò sát sinh đầy bí mật, tàn bạo và khoa học của Hà Nội. Trại này đã bí mật chôn vùi 300 anh em tù biệt kích miền Nam và hàng ngàn tù chính trị, tu sĩ và linh mục Công giáo cũng như giới trí thức chống chủ nghĩa CS của chính miền Bắc.”
Cái cách mà “lò sát sinh bí mật” này “chôn vùi” con người, xem chừng, cũng giản đơn thôi. Trước hết là giá rét. Hãy nghe Mặc Lâm so sánh:
“Những trang sách trong tác phẩm Quần Đảo Ngục Tù của Aleksandr Soltzhenitsyn diễn tả cái lạnh giá mà người tù nước Nga phải chịu đựng suốt mùa đông đã đánh động con tim nhân loại bao nhiêu, thì khi nghe người tù trại giam Cổng Trời kể lại chính bản thân họ chịu đựng cái lạnh của đất trời Hà Giang sẽ khiến người nghe chạnh lòng đến rơi lệ bấy nhiêu.”
Rồi đến đói khát:
-"Ăn thì ăn đói không có gì cả. Đói điên cuồng, đói quá hóa điên. Ai trải qua rồi thì mới thấy nó khủng khiếp. Có những thanh niên không chịu được đói đập đầu vào tường để tự tử. Có người dùng mảnh chai cắt veine để cho máu chảy ra mà chết. Tôi chứng kiến nhiều trường hợp như thế, đói một cách kinh khủng.” (Nguyễn Chí Thiện)
- "Chúng tôi đói đến nỗi phải sàng phân mà ăn. Là vì ăn hạt bo bo của Ấn Độ, mà bo bo thì cứng lắm thanh niên như tôi mà nhai còn nhủng nhẳng thì huống chi mấy ông già, nhai kỹ bao nhiêu thì vẫn còn phân nửa. Một nửa còn lại nguyên si nó vào xong nó lại đi ra. Mà phân thì lại không có mắm muối, cá thịt gì nên không hôi thối. Do đó các người đói quá sau khi những người tù đi ngoài thì họ vào họ xúc phân đó. Những toán đi ra ngoài đồng đem xuống suối rửa sạch rồi hầm lại và ăn lại cái bo bo đó!”(Đặng Chí Bình)
Và đòn cuối là sự cách ly:
"Án bao nhiêu năm chẳng quan trọng, chẳng đáng kể. Không một mối liên hệ với bên ngoài, không thư từ, không thăm nom, không tiền hay quà hay lương thực gửi tới – không, anh không nhận được chút gì của bạn bè hay gia đình. Anh không có quyền nhận thăm nom, không tiếp xúc với bên ngoài.Anh chỉ sống chuyên giữa các anh với nhau, những người tù, những tù nhân chính trị. Thế giới của anh, nhân loại đối với anh là 200 người tù – không có những người đồng tổ quốc, đồng công dân; với anh, không có gì hết, chỉ có 200 người đồng ngục cùng một số phận…" (Nguyễn Hữu Đang)
Cổng Trời được giải toả, vào năm 1978, trước khi Trung Cộng tấn công Việt Nam. Tù nhân được chuyển về trại Thanh Cẩm. Đây là một tin vui giữa giờ tuyệt vọng – vẫn theo như ghi nhận của Mặc Lâm:
“Cái ngày nó bị xóa sổ đến rất bất ngờ và những tù nhân trong trại chào đón tin này với một niềm hân hoan tột độ. Người tù biết rằng mặc dù họ không được trả tự do nhưng sẽ không phải tiếp tục sống trong cái địa ngục trần gian này. Hy vọng đó đã làm cho hầu hết tù nhân thắp lại niềm tin sống sót mà bao nhiêu năm qua đã tắt ngúm trong lòng họ.”
Những kẻ sống sót này, mãi cho đến hôm nay, vẫn “chiêm bao hàng đêm về cuộc sống quá lâu và quá tàn bạo trong trại giam mang tên Cổng Trời.” Tuy thế, theo lời Mặc Lâm:
“Chưa từng có người nào đứng ra đòi công lý khi chính họ hoặc thân nhân của họ bị cầm giữ trong các trại tù mà không qua xét xử. Nhà nước dửng dưng như không phải chính mình ra lệnh đàn áp và vì vậy chưa có bất cứ một động thái nào có thể nói là làm dịu bớt nỗi đau của những nạn nhân này.”
.....
“Trong khi chuẩn bị cho bài viết này chúng tôi đã phỏng vấn rất nhiều người, nói chuyện với những nạn nhân và gia đình họ trong và ngoài nước. Đã sử dụng hàng trăm trang tài liệu chỉ với mục đích duy nhất là trả lại sự thật cho một giai đoạn lịch sử. Giai đoạn mà người cộng sản Việt nam bị trượt theo đà tiến của cơn lốc cách mạng Xô Viết đến từ nước Nga xa xôi.”
Cơn lốc cách mạng Xô Viết đã qua. Tuy thế, cú “trượt” của những người cộng sản Việt Nam, xem chừng, vẫn còn dài lắm – theo như tin đã loan, của RFI, nghe được vào hôm 17 tháng 1 năm 2012:
“Từ giữa năm 2011 đến những ngày cuối năm, tại Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ bắt giữ người bất ngờ, không thông qua các thủ tục được pháp luật quy định. Trong số những người bị bắt, có nhiều người theo đạo Thiên chúa.”
Ảnh những người bị bắt (từ trái qua phải, từ trên xuống dưới)
Trần Vũ Anh Bình, Tạ Phong Tần, Trần Minh Nhật, Thái Văn Dung, Hồ Văn Oanh, Nguyễn Văn Duyệt, Nguyễn Xuân Anh, Nông Hùng Anh, Lê Sơn, Chu Mạnh Sơn, Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương, Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu, Nguyễn Văn Oai. Ảnh hrw.org
Blogger Hoàng Quân cho biết thêm:
“Khi bắt, không có văn bản giấy tờ của bất cứ cơ quan trách nhiệm nào.Điểm chung tiếp theo là, kể từ khi bị bắt, gia đình thân nhân họ không được thông báo bất cứ thông tin nào, ngay cả khi gia đình họ đôn đáo tìm hỏi khắp nơi thì các cơ quan từ địa phương đến chóp bu đều chối quanh, hoặc chỉ nói lòng vòng.”
Nghe cứ y như lời tường thuật của ông Kiều Duy Vĩnh, một người tù ở Cổng Trời, hồi giữa thế kỷ trước:
"Mẹ tôi đến Bộ Công An ở phố Trần Bình Trọng hỏi về anh con bị tù. Gác cửa không cho vào. Nhưng từ nhà tôi ở chợ Hôm ra hồ Thiền Quang chưa đến 1 km nên hầu như liên tục khi nào mẹ tôi đi đâu là mẹ tôi lại tạt vào Bộ Công An quấy rầy họ. Đến nỗi người thường trực cứ trông thấy mẹ tôi là tránh mặt không tiếp.
Mẹ tôi cứ đến hỏi. Hỏi mãi. Riết rồi họ phải trả lời. Nhưng cũng mất hơn 3 năm họ mới cho mẹ tôi cái địa chỉ trại tù Cổng Trời: Công Trường 75A Hà Nội. Mẹ tôi lại hỏi tiếp: Thế cái công trường này nó ở chỗ nào ở cái đất Hà Nội này? Họ bảo họ không biết...”
Tuy thế, theo Mặc Lâm:
“So với Kiều Duy Vĩnh thì người tù Lưu Nam còn bi thảm hơn, ông không bao giờ được gặp mặt gia đình cho tới khi chết mặc dù con cái hết lòng tìm kiếm. Con trai của ông là ông Lưu Đức Tâm kể:
"Ông bố ở trại giam Quyết Tiến ở Hà Giang, còn gọi là trại giam Cổng Trời. Trong 10 năm đó gia đình không có tin tức gì thì dẫu biết cũng không thể đi thăm được. Cho đến năm 1961 gia đình nhận được một bức thư của ông cụ gửi về nên mới biết ở trại đó.
Lúc bấy giờ gia đình cũng không có điều kiện để ra đi thăm được bởi vì mẹ ở nhà ốm đau bệnh tật, con cái thì còn nhỏ thành ra không đi thăm được, cho nên có gửi lên cho ông bố một ít quà qua cái địa chỉ đó. Gửi bằng con đường bưu điện nhưng không biết ông cụ có nhận được hay không, tới năm 1962 thì ông cụ mất...”
Không biết còn bao nhiêu người khác (nữa) cũng đã “mất tích”, theo kiểu tương tự, ở trại Cổng Trời. Dù vậy, sự tàn bạo và bất nhân – của chế độ hiện hành – không vì vậy mà ngưng lại. Ở Việt Nam, hiện nay, vẫn có hàng ngàn (hay hàng vạn?) người vợ và người mẹ ngày đêm, tất tả ngược xuôi, tìm kiếm chồng con – một cách vô vọng – nơi những trại tù không tên, như trại Cổng Trời, hồi năm mươi năm trước.
Có người, mãi cho đến khi nhắm mắt vẫn không có cơ hội nhìn thấy lại được mặt con – theo như tin vừa loan của VRNs:
“ Bà Maria Đỗ Thị Tần, mẹ của phóng viên Paulus Lê Sơn đã qua đời lúc 5:00, sáng nay, ngày 21.04.2012, tại Thanh Hoá. Trong tháng 2 năm 2012 vừa qua, khi luật sư Trần Thu Nam báo tin mẹ của Paulus Lê Sơn lâm trọng bệnh, những người bạn đã đưa bà Maria Đỗ Thị Tần ra Hà Nội chữa trị. Nhiều người hảo tâm và chuyên môn đã góp công góp của lo chữa chạy cho bà. Khi trở về lại Thanh Hoá, tình trạng sức khoẻ của bà có cải thiện hơn. Nhưng do đau buồn lâu ngày, vì người con duy nhất và vô tội của của mình bị bắt giam cách bất công, sức khoẻ bà yếu dần.Khi lâm trọng bệnh, bà Maria mong gặp Lê Sơn và mong con bình an, dù phải như thế nào.”
Paulus Sơn và thân mẫu, bà Đỗ Thị Tần. Ảnh: Dân Làm Báo
Bài bình luận gần đây