You are here

Trung Quốc thông

Trung Quốc thông
Càng ngày Trung Quốc coi bộ càng có nhiều ưu thế trên mọi lãnh vực. Chỗ nào cũng thấy China thật sự không ít thì nhiều làm chúng ta ngứa mắt. Cái này là nói thật lòng. Nhưng đứng ở một góc cạnh chừng mực mà nhận xét, nước Tàu thô đại, dân chúng đông nghịt, chiếm đến 20% dân số thế giới, lại có nền văn hóa lịch sử lâu đời như thế mà không phải là lực lượng ưu thế thì đúng là sự thất bại lớn cho nhân loại này rồi.
Do đó, thừa nhận sự hiện diện của nước Tàu coi như là một biện pháp sinh tồn không phải là biết người biết ta trăm trận trăm thắng hay sao? Tuy gần gũi láng giềng nhưng nhận thức về nước Tàu đối với Việt Nam không có sự phân phối đồng đều. Xu hướng bài Hoa, tránh Hán, hoặc bài tất cả những thứ gì liên quan đến Trung Quốc có một giá trị quan trọng trong việc định hình đặc tính dân tộc Việt Nam. Nhưng lại cũng đứng ở một góc cạnh khác mà nhận xét, nước Tàu cũng là dòng văn hóa chủ lưu của thế giới. Bài được rồi thì Việt Nam phải làm sao cho khỏi đụng hàng để đi tiếp trên con đường bài Hoa tránh Hán.
Gần đây mình lên facebook, gặp một cô em cựu du học sinh từ Trung Quốc. Cô mới tâm sự rằng học tiếng Tàu dễ bị ăn đạn từ hai phía. Quốc Gia hay Cộng Sản gì cũng hay ném đá mấy người học tiếng Tàu hoặc là du học bên Tàu về à... cứ coi như là cam tân tình nguyện đi học văn hóa của kẻ thù truyền kiếp.
Cô này có nghệ thuận diễn đạt ngữ văn hay lắm (mình nghi là học từ trường Tàu), viết đoạn nào đoạn nấy như xem tranh thuỷ mạc tạo cho độc giả nhiều khám phá đặc sắc về tất cả các chủ đề liên quan từ diễn biến hòa bình đến thái bình công chúa, từ hồng vệ binh cho đến hồng tím nâu vàng. Chỉ cần phác họa vài nét miêu tả dù chỉ là đồ ăn bán lẻ trên đường là thấy cả sự gợi ý xa xôi tới tận biên cương, sông ngòi, phong tục của một nước Trung Quốc to lớn bành vè. Tao nhã có, thô lỗ có, phong lưu có, gợi tình có. Từng nơi cô đã đi qua sau mấy năm ăn ở bên đất Tàu trở thành một vốn liếng văn hóa vun bồi cho sự hiểu biết về nước Tàu đang lên như diều - mà độc giả Việt Nam đang thiếu hụt hoặc chỉ hiểu chút sơ sài qua các bài thơ Đường của hàng ngàn năm trước, hay là qua các bộ phim hiện nay thường mang tính cường điệu siêu thực.
Điểm thú vị nữa, sau này cô ấy sang Pháp ở. Do đó, đối với chiều sâu văn hóa, sự va chạm này quá đặc biệt, có khả năng vun bồi cho sự nhận thức Việt Nam - Trung Tây văn hóa, Pháp Việt đề huề mà học giả Phạm Quỳnh từng chỉ ra.
Cô tên là Lê Anh Thư, một kết hợp hơi văn hóa bị hiếm hiện nay vì vừa biết cả chữ Tây, chữ Tàu, và chữ Quốc Ngữ. Nếu khai thác triệt để khả năng, cô ta có thể mở ra nhiều chìa khóa về việc hình thành ngôn ngữ dân tộc Kinh hay là đọc được cả những tấm bản đồ từ thời thực dân phong kiến. 
Hôm trước, thấy cô viết nhiều bài trên facebook quá hay, mình mới nhờ cô viết một bài về Trung Quốc cho blog của mình trên RFA. Mình tính dựng blog của mình mang tính chuyên trị về chủ đề Trung Quốc có chút đa chiều và xác thực hiện nay chứ không thể man mác mơ hồ kiểu chữ Nho, thơ Đường này nọ. Thế rồi, cô gởi lại o mình một bài viết về Vạn Lý Trường Thành. Cứ tưởng thế nào cũng có câu "Bất Đáo Trường Thành Phi Hảo Hán" làm đặc sản ngữ văn. Nhưng không, tới đoạn cuối mới té ghế về vua Càn Long…
Bây giờ mới nghĩ lại, hèn chi trong lịch đại vương triều, Càn Long nhất định đòi cho được Quang Trung Nguyễn Huệ sang chầu… May mà không sang nhé, gởi người đóng thế vai.
Xin mời đọc bài của Lê Anh Thư lần đầu tiên đăng trên RFA blog của mình. Độc giả nào muốn đọc bài thú vị hơn như kiểu Khang Hy có nâng ly, Bánh mỳ nhúng nước suối (nói về Tân Cương), Mỳ Ý sốt bò băm thì vào facebook nhà Anh Thư với địa chỉ http://www.facebook.com/anhthu.le1.

1. Trường thành đẹp nhất: Sơn Hải Quan. Cái tên này có nghĩa là Cảnh núi biển, đây là đoạn Trường Thành duy nhất tựa lưng vào núi và nhìn ra biển. Trong khi các đoạn Trường Thành khác chỉ vắt trên núi đồi hoang mạc hùng vĩ, chứ không có được cảnh biển bao la mát mắt   như Sơn Hải Quan. Năm 2002 tôi có dịp đi thực tập du lịch vùng này với các bạn Trung Quốc. Trời nóng 35 độ mà chúng tôi phải leo Trường Thành, tập thể lớp 40 người hôm ấy chỉ có mình tôi đi..dép xỏ ngón cho mát. Còn các bạn khác đi giày hết. Sau một ngày dài leo hàng nghìn bậc thang Trường Thành dưới ánh nắng gay gắt, tối về chân tôi phỏng rộp mụn nước, còn các bạn Trung Quốc vô sự. Kỷ niệm nhớ đời. Mặc lòng, Trường Thành Sơn Hải Quan quá đẹp, nhìn ra mặt nước  bao la của bờ biển Bắc Đái Hà, vừa có thể leo thành, vừa có thể xuống nô giỡn sóng nước.
Bên cạnh Trường thành Sơn Hải Quan là tòa miếu thờ nàng Mạnh Khương khóc đổ Trường Thành. Nàng là ai? Tục truyền xa xưa nhà họ Mạnh có trồng 1 giàn bí xum xuê mọc thò qua tường, leo sang cả sân nhà họ Khương bên cạnh. Đoạn bên nhà họ Khương , ra một trái bí to lạ thường. Bổ ra bên trong xuất hiện một.. bé gái sơ sinh rất bụ bẫm trắng trẻo. Vợ chồng già nhà họ Mạnh hiếm muộn, mừng rỡ ẵm về nuôi, vì quả bầu nằm giữa hai nhà nên đặt tên là Mạnh Khương. Càng lớn càng xinh đẹp thông minh, cần cù. Năm đến tuổi cập kê, nàng kết hôn với chàng thư sinh tuấn tú Phạm Hỷ Lương xóm dưới. Vợ chồng ăn ở chưa được bao lâu thì Tần Thủy Hoàng ra lệnh nạp phu xây Trường Thành, quan quân ngày đêm lùng bắt dân đen làng trên xóm dưới , Phạm Hỷ Lương cũng bị bắt đi. Nàng Mạnh Khương gạt nước mắt ở nhà làm lụng, phụng dưỡng mẹ chồng già và bố mẹ đẻ . Thu qua đông lại không thấy tin chồng, thư viết chả có hồi âm, nàng quyết ra đi tìm chồng, tay nải có cả chiếc áo bông may cho chàng mặc chống rét. Ròng rã qua bao núi đồi hiểm nguy, nàng đến nơi nghe bạn phu dịch nói chàng đã chết vì mệt mỏi đói khát. Thi thể ư? Người chết nhiều quá chôn không xuể, bọn cai ra lệnh ném chung vào một hố bên Trường Thành. Nàng đau đớn mò đến hố chôn tập thể, không quản tanh hôi mò ra cho được thi thể chồng. Nàng ôm nắm xương tàn mà khóc lóc thảm thiết vang động đất trời, đến độ đoạn Trường Thành mới xây hồi sáng đổ sập xuống. Tần Thủy Hoàng ở kinh đô nghe tin báo sự lạ, tức giận thân chinh đến định bụng trừng phạt ả tiện dân dám làm sập đổ công trình. Nhưng vừa thấy nàng, y liền trở nên ngơ ngẩn trước dung nhan tươi đẹp như hoa. Tần Thủy Hoàng đang đằng đằng sát khí, bỗng giở giọng an ủi mà mơn trớn rằng người chết đằng nào cũng đã mất rồi. Chi bằng nàng hãy lo thân, cùng y về cung sánh duyên tận hưởng vinh hoa phú quý. Nàng Mạnh Khương đứt từng khúc ruột, căm giận hôn quân bạo tàn, nhưng cố gạt lệ mà rằng;
 
-Hoàng thượng phải đáp ứng ba yêu cầu của thần thiếp: thứ nhất, xây mộ lập bia đàng hoàng cho chồng thiếp. Thứ hai, cử hành tang lễ trọng thể. Thứ ba: đưa thiếp lên thuyền rồng đi vãn cảnh biển 3 ngày..Trở về mới thành thân. Nhược bằng không đáp ứng thì thôi, thiếp đập đầu vào đá chết cùng chồng.
 
Ba yêu cầu chứ trăm yêu cầu Tần hoàng đế cũng đáp ứng nàng. Xây mộ lập bia , tang lễ xong, y đưa nàng u sầu lên thuyền rồng đi ngắm cảnh. Ba ngày gần qua mà nàng vẫn lạnh lùng xa cách, ngày cuối , thuyền ra giữa biển.., nàng ra trước mũi thuyền rồi bất ngờ gieo mình xuống biển. Trời đất bỗng nổi gió lớn, biển dậy sóng to nuốt lấy nàng. Tần Thủy Hoàng hoảng hốt sai người lặn xuống vớt nàng lên, nhưng nào thấy bóng chim tăm cá. Té ra Long Vương động cảm thương cảm người con gái kiên trinh, đã tạo cơn sóng lớn đón nàng xuống Long Cung sinh sống, khỏi bị Tần thủy Hoàng làm ô nhục. Tần Thủy Hoàng sau hối hận, lệnh cho xây miếu thờ nàng, hương khói hàng ngày cho đến tận ngày nay.
 
Trường Thành Sơn Hải Quan nằm trên hòn đảo tên rất lạ: đảo Tần Hoàng. Sao lại thế? Bởi chính nơi này, Tần Thủy Hoàng đã làm lễ tế trời đất, rồi ra lệnh cho 1000 nam thanh nữ tú xinh đẹp thông minh dong thuyền ra biển khơi đi tìm đảo tiên và thuốc trường sinh. Không tìm thấy về sẽ mất đầu. Hôn quân vô đạo khiến lòng dân oán thán , đoàn thuyền này đã cập đến một hòn đảo có người sinh sống, gọi là Bồng Lai(chính là Nhật Bản hiện nay) và không bao giờ trở về nữa. Chính họ đã mang nhiều nét văn hóa Trung Quốc đến cho đời sống bản địa.
 
2. Trường Thành đông khách nhất: Trường Thành Bát Đạt lĩnh( dãy núi Bát Đạt). Nằm cách trung tâm Bắc Kinh 80km, đoạn Trường Thành này rất đông khách bởi cự ly gần, đường xá thuận lợi. Vào những ngày đẹp trời, khách du lịch tứ xứ trong nước ngoài nước đổ về đây, đủ mọi màu tóc, ngôn ngữ.., Trường Thành lúc này người lên xuống nhộn nhịp trông càng giống con rồng đang chuyển động.
 
3. Trường Thàng modern nhất: Trường Thành Mộ Điền Cốc( khe Mộ Điền).
 
 Đây là đoạn Trường Thành tân kỳ trẻ trung nhất, ngoài công trình Trường thành cổ kính ra, còn có hệ thống cáp treo thuận tiện, và hệ thống trượt lòng máng toboggan uốn lượn. Có nhiều ý kiến cho rằng cáp treo và trượt lòng máng làm mất đi vẻ đẹp uy nghiêm của Trường Thành..Liệu có cực đoan quá không, khi bắt mọi đoạn Trường Thành đều phải rập khuôn cổ kính ..và nhàm chán như nhau? Và kết quả là hệ thống cáp treo đã thu hút được nhiều người già , trẻ em,khách tàn tật. Hệ thống trượt lòng máng thì mang lại cảm giác mới phiêu lãng cho du khách. Năm đó chúng tôi một đám thanh niên Việt Nam leo trường thành Mộc Điền Cốc rạc cả chân, chiều xuống ..trượt lòng máng. Cảm giác bay vèo vèo từ đỉnh núi xuống, hai bên sườn đồi hoa đào đỏ, hoa mận trẳng nở tung..thật sảng khoải.
 
4. Trường thành..giả, rất mi-nhon: đây là một đoạn Trường Thành giả, nhỏ xíu, xây ngay trong trong vườn của Hòa Thân( Cung vương Phủ). Có lẽ Hòa Thân lộng quyền cũng muốn ôm trọn giang sơn vào lòng, nên mới dám xây một góc Trường Thành mô phỏng trong vườn. Tội khi quân chứ chả chơi. Càn Long có biết không? Chắc là biết nhưng bỏ qua. Bởi thì mà là Hòa Thân vốn là người tình đồng tính bí mật của Càn Long đó. Vua yêu chúa dấu nó sướng thế đấy.
 
Lê Anh Thư