You are here

Lố bịch như luật nhà văn!

Nếu chọn mấy chuyện khôi hài về văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam vào đầu tháng 11/2011 thì việc dự định lập luật nhà văn, cấm sách Nguyễn Vĩnh Nguyên và phập phù luật biểu diễn của Chế Linh là đáng nhắc đến. Trong bài này, tôi nói về cái luật nhà văn này trước.
 
Ngày 2/11, đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An và cũng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam - ông Nguyễn Minh Hồng - đã đề xuất với quốc hội về việc xây dựng Luật Nhà văn - gọi đầy đủ hơn là Luật phát triển văn học.
 
Luận điểm của ông như sau:“Thực trạng văn học đặt ra nhiều vấn đề như: viết về lịch sử như thế nào thì không bóp méo, xuyên tạc lịch sử; Xử lý tranh chấp bản quyền, hồi ký ra sao; Căn cứ nào phân giải hiện tượng đạo văn; Làm sao bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền thừa kế cho nhà văn ra sao... Rồi có người hỏi, thế nào là nhà văn? Có thẻ Hội Nhà văn có phải nhà văn không? Có người viết văn rất nhiều nhưng không có thẻ thì có gọi là nhà văn? Hoặc có giáo viên dạy chuyên văn thì có thể gọi là nhà văn?... Như thế là phải có luật”.
 
“Sáng kiến này không phải của tôi. Đó là trong một hội nghị của Hội Nhà văn, đồng chí Hữu Thỉnh đề xuất và tôi có hứa sẽ trình trước quốc hội. Vì vậy tôi chỉ là người làm cầu nối để trình ý tưởng của Hội Nhà văn thôi”, ông Hồng cho biết thêm.
 
Việc làm của ông Hồng và những ông như Hữu Thỉnh cho thấy mấy điều khôi hài sau đây:
 
1.
Mấy ông này cứ vờ tưởng rằng Việt Nam có rất nhiều tự do cho nhà văn, đến mức họ sống buông tuồng, cẩu thả, nên cần phải ra luật để điều chỉnh. Trong khi, Việt Nam là một trong những quốc gia xâm hại bậc nhất đến quyền tự do tư tưởng và con người, dù nói ra hay không, ai cũng biết. Chỉ còn le lói đôi chút ánh sáng để hi vọng thì mấy ông ăn sẵn bổng lộc từ thuế nhân dân như Hữu Thỉnh lại muốn tước đi mất.
 
Đại biểu quốc hội Trần Du Lịch (TP.HCM) bày tỏ quan điểm của mình: “Tôi không hiểu dự án Luật Nhà văn chế định cái gì, điều chỉnh cái gì mà lại được đưa vào chương trình. Chẳng lẽ lại bắt ông kia làm thơ, ông này không được làm? Trong khi những luật rất cần như Luật Quản lý vốn kinh doanh nhà nước được đề nghị từ khóa trước nhưng đến nay vẫn còn nợ cử tri”.
 
Riêng ông Lương Xuân Đoàn, Vụ phó về Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo trung ương thì cho rằng:“Ở nước ta, luật chung cho văn học nghệ thuật còn chưa có, làm sao có thể làm luật riêng cho từng lĩnh vực văn học nghệ thuật?! Nếu có thì chỉ nên xây dựng một bộ luật chung cho văn học nghệ thuật và luật hành nghề tự do để khoảng cách giữa nhà nước và người nghệ sĩ không còn bị nới rộng thêm nữa, bức tranh văn học nghệ thuật nước nhà không còn ảm đạm nữa…”.
 
Sự ảm đạm đã quá rõ, gần 70 năm kể từ năm 1945, đối với văn học nghệ thuật Việt Nam, nhà cầm quyền làm mấy việc: Thứ nhất, vùi dập những ngòi bút khác đường lối, tư tưởng, dù tài năng của họ có lớn lao cỡ nào đi nữa. Thứ hai, xiển dương kiểu văn học phải đạo, viết vô thưởng vô phạt… nhằm minh họa cho đường lối chính sách và tuyên truyền nhạt nhẽo. Thứ ba, định hướng bằng giáo dục nhằm thay đổi chân giá trị của văn học nghệ thuật bằng những thứ “cận văn học”, hòng kiểm soát và tẩy não của các lớp độc giả kế tục.
 
Cách làm này rõ ràng đã khiến cho phần đông ngòi bút vì e ngại cường quyền mà giảm thiểu sức sáng tạo. Nếu nền văn học nghệ thuật cách mạng mà sinh ra được tài năng lớn thì làm gì có chuyện họ lại cãi nhau như mổ lợn khi tìm người để trao giải nhà nước, giải HCM. Ngay cả các tác giả trong phong trào Nhân văn - Giai phẩm, vốn bị nhà cầm quyền vùi dập không thương tiếc, nếu còn sống đến sau này thì phần nhiều đã được trao giải nhà nước, giải HCM rồi. Điều này giúp chứng tỏ môi trường sáng tạo ở Việt Nam là mất tự do cỡ nào rồi, cần gì đến luật nhà văn để kiềm kẹp thêm nữa.
 
2.
Rõ ràng những ông như Hữu Thỉnh đang nghĩ rằng quốc hội là cái chợ trời mà mua bán lậu cái gì ở đó cũng được. Chỉ cỡ như Hữu Thỉnh (chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) cần có luật để quản lý nhà văn cho dễ (trong khi nhà văn thì không cần) là có ngay một ông đại biểu tấu trình lên quốc hội, làm như quốc hội không có chuyện gì để làm. Có vẻ như họ đang muốn “cả vú lấp miệng em”, vờ như đang bận rộn, để tránh né bùa rìu dư luận về bao nhiêu tắc trách, bao nhiêu oan ức và yêu cầu cấp thiết của người dân đang cần quốc hội giải quyết.
 
“Có rất nhiều vấn đề quan trọng mà người dân đang quan tâm. Tôi chỉ nêu ba trong số đó: Thứ nhất là chất lượng giáo dục, hiện vẫn ở mức rất đáng lo ngại; thứ hai là chất lượng khám chữa bệnh đang ở mức vi phạm pháp luật và đạo đức trầm trọng; thứ ba là chất lượng các dịch vụ công. Cả ba chuyện này đều cực kỳ cấp bách và đã tới giới hạn sức chịu đựng của người dân”, nhà văn Tạ Duy Anh nói về những bức bách của người dân mà dường như quốc hội cũng bế tắc và thả nổi.
 
Ở Việt Nam hiện nay, người dân đã quá quen với cách hành xử kiểu “luật rừng”, vì thể chế này thích hình thức, nên ngoài soạn ra một “rừng luật”, nhưng chẳng thể áp dụng công minh, rốt ráo.
 
Nhà văn Tạ Duy Anh bình luận: “Có luật là một chuyện, nhưng việc thi hành luật mới là vấn đề cốt lõi. Khi vẫn còn một bộ phận siêu công dân, tức là tự có luật riêng; khi vẫn còn những văn bản có thể cao hơn cả điều luật... thì luật pháp chưa thể nào nghiêm được.
 
Luật pháp không nghiêm thì có cả rừng luật vẫn không thể gọi là có luật thực sự và tất yếu đẻ ra luật rừng. Luật rừng có ba loại: Loại thứ nhất của những kẻ ngồi trên luật, không coi luật ra gì và họ có tiền, có quyền để thực thi điều đó. Loại thứ hai của những kẻ không trông gì được vào luật pháp, lại không có tiền, không có quyền nhưng luôn mong muốn một sự công bằng nào đó. Loại thứ ba là của những kẻ chống lại luật pháp một cách lén lút. Cả ba loại này đều nguy hiểm như nhau, nhưng loại thứ hai và thứ ba tồn tại được là nhờ có loại thứ nhất”.
 
Nhà thơ Bùi Chí Vinh đồng tình:“Thật vớ vẩn và khôi hài, xúc phạm đến công việc sáng tạo vốn có ý nghĩa thiêng liêng với người cầm bút. Tôi không tin quốc hội sẽ đồng ý thông qua dự luật này. Còn bao nhiêu vấn đề phải lo, những người đứng đầu không phải vô công rỗi nghề để lo những việc kiểu nhàn cư vi bất thiện như vậy”.
 
3.
Hệ thống kinh tế quốc doanh tại Việt Nam thua lổ từ mấy chục năm về trước nhưng nhà nước không mấy suy siểng là vì có dân gánh chịu thay. Đơn cử như vụ Vinashin vừa rồi, làm hỏng ngân khố quốc gia rất lớn, vậy là bắt mấy chục triệu dân lao động phải trả nợ giúp. Cái thủ thuật bóc lột mỗi lúc một ít là đỉnh cao của nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay, nó đánh lừa người dân, khiến họ có thể tăng cường sức chịu đựng qua năm tháng.
 
Trở lại chuyện luật nhà văn, cũng như bao nhiêu luật khác, đa số được biên soạn không phải để khích lệ hay bảo vệ quyền nhân thân của từng công dân, mà cốt yếu (có thể giấu vào bên trong) là để bóc lột thêm hiệu quả. Nhìn bên ngoài thì việc đệ trình việc lập luật là có tính thượng tôn pháp luật, nhưng thực chất, là để tìm kiếm quyền lợi cho một nhóm người.
 
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói:“Có lẽ quốc hội đã bắt đầu có những người thông minh thích đùa. Sáng tạo không phải là công việc có thể bao cấp. Việc kiểm duyệt, quản lý đã có luật xuất bản rất chi tiết rồi cần thiết gì đến luật nhà văn? Các nước tiến bộ trên thế giới còn không có chuyện can ngăn sáng tạo nữa là. Còn có quá nhiều vấn đề thiết thực hơn thì lại không lo bàn tới, Luật Nhà văn mà ban hành thì cũng chỉ làm cho bộ máy quản lý cồng kềnh thêm chứ chẳng lợi gì cả”.
 
Quả là đất nước ngày càng có nhiều chuyện lố bịch, nực cười.