Kami
-
Giới trẻ ở Việt nam mình thời nay thường có tâm lý ghét và khinh thường Trung quốc ra mặt, không tin bạn hãy thử nói chuyện gì liên quan tới Trung quốc với các bạn trẻ thử xem. Câu trả lời đầu tiên của các bạn trẻ đó mà tôi tin tới 90% sẽ nói là "Ôi dào, bọn Khựa ấy mà nói làm gì?". Tôi phát hiện ra điều này và chủ tâm để ý theo dõi qua nhiều năm, ở nhiều nơi không chỉ riêng ở Vệt nam, thì thấy hầu hết các bạn trẻ người Việt đều có suy nghĩ như thế . Hình như thế hệ trẻ bây giờ họ ghét Trung quốc nói chung ở mọi lĩnh vực và rồi dẫn tới ghét cả người dân Trung quốc thì phải?
Thế hệ chúng tôi không như thế, đặc biệt cá nhân tôi thì càng không. Ngày nay, nếu bỏ qua chuyện tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung quốc, hay chuyện sản xuất hàng dzởm, hàng giả, hàng hóa kém chất lượng để xuất cảng của chính quyền Trung quốc thì tôi vẫn nghĩ tốt và có thiện cảm đối với người Trung quốc. Cho dù chính quyền Trung quốc duy trì một thể chế chính trị theo xu hướng mang màu sắc cộng sản giống như Việt nam, nghĩa là luôn dùng bạo lực để bóp nghẹt quyền tự do dân chủ của dân chúng, các quan chức thì cũng tham nhũng, trong xã hội khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội quá lớn v.v... Nhưng cả Việt nam và Trung quốc cùng theo một kiểu các cai trị độc đoán, nhưng người Trung quốc họ đã thành công về mặt kinh tế một cách vẻ vang, họ đang là một trong những cường quốc hàng đầu trên thế giới, đồng thời họ đang là chủ nợ lớn của Hoa kỳ sắp tới là EU. Trung quốc là như thế còn Việt nam ta thì sao? Chúng ta cũng có những nhược điểm không khác gì Trung quốc, vì ngươi ta hay nói Việt nam là một bản sao (rất) tồi của Trung quốc, nhưng không hiểu lý do gì về kinh tế thì Việt nam trái ngược hoàn toàn, nó đang quá tồi tệ, và cụ thể là chúng ta đang một trong bốn quốc gia có chỉ số lạm phát cao nhất thế giới trong thời gian này.
Tôi từ khi sinh ra đến khi có trí nhớ thì đã sống chung với cộng đồng người Trung Quốc. Chắc hẳn bạn sẽ hỏi tôi sinh ra ở Trung Quốc? Không, tôi sinh ra và lớn lên ở Hà nội. Nhưng có lẽ ít người biết, ngày xưa ở Hà nội người Trung quốc nhiều lắm. Nghe nói họ đã đi theo quân đội Trung Hoa dân quốc của Tưởng Giới Thạch vào Việt nam để thay mặt quân Đồng minh giải giáp quân đội Nhật rồi sau đó ở lại, từ sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ 2 . Ai còn nhớ câu chuyện "Người đàn bà Tàu" của nhà văn Nguyên Hồng, tác phẩm văn học mà chúng tôi được học trong môn giảng văn với cái tựa đổi thành "Người đàn bà Trung quốc" cũng đã miêu tả được phần nào nỗi khổ của họ, trong sự di dân của những người dân Trung quốc. Nghe kể lại, vào năm 1946, ông bà tôi đã đốt cả một khu biệt thự rất đẹp bao gồm cả nhà xưởng của mình ở Hà nội để theo cách mạng lên Việt bắc theo chủ trương vườn không nhà trống. Mãi đến ngày giải phóng thủ đô (năm 1954) khi trở về thì khu biệt thự đó thì đã đầy người Trung quốc đến cư ngụ. Cho đến khi lớn, biết nghĩ thì trong khu biệt thự ấy vẫn còn 3-4 gia đình người Trung quốc ở, cũng vì bất đắc dĩ họ không có điều kiện tìm chỗ khác để ở nên ông bà tôi cho họ ở trong các dãy nhà kho, nhà bếp. Số khác thì ông bà tôi cho họ ít tiền để họ kiếm chỗ ở mới ở những nơi khác.
Lúc còn bé, mấy đứa trẻ con con nhà Trung quốc ở nhờ như thằng A - Dìn, con A - Lùi... cùng trang lứa với chúng tôi cũng chơi cùng với nhau. Khi ấy còn bé thì bọn tôi rất vô tư không nghĩ tới chuyện hơn kém về giai tầng, địa vị, nhưng khi lớn lên lắm lúc nghĩ lại thì hình như chúng nó khi ấy có vẻ vẫn kiêng nể chúng tôi là con cháu chủ nhà. Bố mẹ hay ông bà của bọn họ cũng vậy, họ cũng là những người lao động tay chân, làm thuê làm mướn nên xem thái độ của họ cũng e dè và cung kính với chủ nhà lắm. Rồi lại tiếp những năm chiến tranh, khi máy bay Mỹ ném bom Hà nội, bọn trẻ chúng tôi phải đi sơ tán, nhưng những người Trung quốc họ vẫn ở lại. Không phải họ không sợ bom đạn mà cái chính là họ biết đi sơ tán ở đâu, khi họ là những Hoa kiều.
Thời gian ở cạnh với người Trung quốc cũng giúp tôi khám phá ra nhiều điều thú vị, ví dụ người Trung quốc hàng ngày ăn cháo trắng, không mấy khi thấy họ ăn cơm như người Việt mình, hỏi họ thì mới biết ngàn đời nay dân Trung quốc đông, gạo thì ít do vậy phải nấu cháo ăn cho no, nghĩ lại thì làm người Việt mình cũng còn hạnh phúc lắm, còn có gạo mà thổi cơm để ăn. Hay là chuyện người Trung quốc hình như rất yêu nghệ thuật, chiều tối mỗi ngày thấy họ kéo nhị, thổi sáo và hát những bái ca bằng tiếng Hoa, ò. e. í. e... mình cũng chả hiểu mô tê gì cả. Một cái nữa không thể không nói là người Trung quốc họ ở bẩn và luộm thuộm, vào nhà họ thì sẽ rất dễ nhận thấy. Nhưng nói chung, người Hoa kiều là những người tốt, cần cù chịu khó và giỏi làm ăn. Tôi khi bé cũng quý họ và họ cũng quý bọn trẻ con như bọn tôi, có quà bánh họ cũng chia cho chúng tôi cùng ăn. Thế rồi chiến tranh kết thúc khoảng 2-3 năm, hình như năm 1977 hay 1978 hồi có chiến dịch bài người Hoa của nhà nước Việt nam, họ bị buộc phải xuống tàu theo kiểu vượt biên sang Hongkong, mấy đứa cùng lứa với tôi cũng không tránh khỏi số phận, cũng phải bỏ lại tất cả để ra đi và từ đấy cũng bặt tin họ luôn.
Tưởng thế là hết, nhưng những năm đầu thập kỷ 90, sau khi xuất ngũ (ra khỏi quân đội) tôi có điều kiện đi học tiếp ở Thái lan thì cuộc sống của mình lại một lần nữa có dịp sống cùng với người Trung quốc. Nhưng địa vị thì khác, mình bây giờ là khách và người Trung quốc bấy giờ là chủ. Họ là chủ apartment nơi tôi trú ngụ, đó là một chung cư 7 tầng cho thuê ở thủ đô Băng kok. Bà chủ có tên gọi là A. Nghếch, một người phụ nữ gốc Hoa khoảng 65 tuổi, nói tiếng Thái rất sõi. A. Nghếch sinh ra ở Thái lan, là người gốc Triều châu , bố mẹ bà ta di cư đến Thái lan từ lúc họ còn bé lắm, bắt đầu tay trắng từ nghề làm thuê. Vậy mà chỉ mấy chục năm định cư ở Thái lan, theo bà ta kể gia đình A.Nghếch đã có hàng chục mẫu ruộng cho thuê, có một cơ sở sản xuất giày dép và chủ của apartment này. Một thời gian sống ở đó, bà chủ Nghếch biết tôi là người Việt nam thì bà ta tỏ ra rất quý, A. Nghếch thường bảo tôi rằng người Việt nam giống người Trung quốc ở chỗ chịu khó, cần cù làm ăn hơn người Thái bản xứ, chỉ khác người Việt chúng mày không biết đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau, nên không có mấy người giàu.
Biết tôi cũng là dạng học trò nghèo tiền thuê nhà nhiều khi cũng chậm trả, những lần như thế bà ta thường chủ động bảo đừng lo gì, tôi hiểu hoàn cảnh của anh, có khi nào trả cũng được. Có lần tiền hết, ở nhà chậm gửi tiền sang cả tuần lễ chỉ ăn mỳ ăn liền, không hiểu sao A. Nghếch biết liền cho con đến đưa cho tôi 5.000 baht (khoảng 200$) để tiêu và bảo bao giờ có thì trả. Trong 3 năm học ở Thái, mỗi lần Tết nguyên đán (T-rút Chin) bao giờ A. Nghếch cũng cho con đến đón tôi về nhà bà ăn Tết mà theo bà là để cho vui và đỡ nhớ nhà. Cũng có lẽ do vậy tôi luôn có cảm tình với người Trung quốc khi ở nước ngoài.
Thỉnh thoảng A.Nghếch mới đảo qua apartment kiểm tra công việc kinh doanh, nhưng mỗi khi gặp tôi thì bà thường dành thời gian nói chuyện hỏi thăm. Nhớ có một lần A. Nghếch khoe với tôi bà ấy mới đi về thăm quê ở Trung quốc về, thấy vậy tôi hỏi đùa rằng bà có định về ở hẳn Trung quốc không? A. Nghếch cười và lắc đầu nguây nguẩy và bảo "Không bao giờ, Trung quốc nó là communist, độc đoán và nghèo, dân còn khổ lắm, không có tự do như bên đây". A.Nghếch còn nói vui với tôi nếu có thì sẽ cho con trai bà về đầu tư kinh doanh nhà vệ sinh công cộng ở Trung quốc, mà theo bà bên đó người đông mà các nhà vệ sinh công cộng quá ít và rất bẩn thỉu.
Thời gian đó, học trên tôi một khóa cũng có một cô bạn người Đài loan gốc Việt lớn tuổi hơn, còn nhớ lần đầu gặp cô ta trong thang máy, cô ta chủ động hỏi tôi "Anh là người Việt nam à?" bằng tiếng Việt. Sau hỏi ra mới biết cô ta là Kim Tiểu Mai người Cần thơ, mẹ là người Việt, bố là người Đài loan, gia đình cô ấy cũng bỏ nước ra đi những năm cuối thập kỷ 70, khi ấy cô ta cũng đã lớn nên nói tiếng Việt khá thành thạo. Trong trường Đại học Chulalongkorn khi đó chỉ có hai người Việt nam học cao học, tuy quốc tịch khác nhau nhưng chúng tôi quý nhau lắm, cũng vì lúc đó người Thái không mấy thiện cảm với người Việt như tôi, cũng vì lý do là communist. Chả hiểu thế nào, một thời gian sau cô Mai ngỏ ý muốn về thuê phòng ở apartment nơi tôi đang ở với lý do cô ta có xe ô tô riêng hàng ngày sẽ cho tôi đi nhờ xe của cô ta để đến trường cho thoải mái và đỡ tốn tiền xe bus. Hồi ấy, tuy ở mỗi người mỗi phòng mà thấy cô ấy tỏ ra chăm sóc tôi chu đáo lắm, hầu như ngày nào cô ấy cũng mua đồ ăn thức uống cho, khi ấy nghĩ chắc cô ấy thông cảm cho là mình nghèo nên giúp đỡ (mà khi ấy mình nghèo thật) nên cũng chỉ nhận một vài lần và cảm ơn. Rồi một hôm , tôi chủ động bảo cô bạn đừng làm như thế vì cũng sợ người khác khinh mình. Cô Mai thì chỉ cười và bảo "Em biết các anh trong nước sang học, còn vất vả và thiếu thốn, em chỉ giúp anh vì em cũng là người Việt, em có điều kiện hơn. Anh đừng suy nghĩ gì nhé". Câu nói đó là tôi nhớ mãi mãi, người Việt mình đấy sao họ có suy nghĩ tốt đẹp như thế?
Hôm nay viết về chuyện quan hệ giữa người Trung quốc và người Việt nam ở trong nước hay khi ở nước ngoài, để thấy mọi người họ sống và đối xử với nhau có cái tình con người, cái tình giữa kẻ có và kẻ khó. Ở Việt nam lúc tôi còn bé cũng thế mà sau này lớn lên đi học ở nước người cũng vậy. Khi còn bé gia đình tôi cưu mang giúp đỡ những người Trung quốc kia lúc họ khó khăn và lớn lên tôi cũng lại được những người Trung quốc khác, là đồng bào của họ giúp đỡ san sẻ cho mình lúc là anh học trò nghèo. Nghĩ theo triết lý của đạo Phật thì hình như việc lấy ân sẽ được trả ân, hay đạo Thiên Chúa thì đong cho họ bằng đấu nào thì họ sẽ đong trả bằng đấu ấy trong trường hợp của tôi là rất đúng.
Cũng bởi mấy ngày vừa qua có hai cái tin ở Trung quốc mà ai biết cũng phải bức xúc và tự hỏi sao người Trung quốc Đại lục bây giờ họ vô cảm và nhẫn tâm như thế? Đó là tin vụ tai nạn của em bé Wang Yue, thường được gọi là YueYue, đã gặp tai nạn khi hai chiếc xe tải lần lượt cán qua người em, và không xe nào chịu dừng lại để cứu giúp. Nhưng còn tệ hơn vậy, là đã không một ai trong số 18 người đi ngang qua, đã dừng lại để cứu giúp hay đem Yue Yue tới bệnh viện. Sự vô tâm và coi thường mạng sống của những người nầy đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ khắp toàn cầu, nhưng nhiều nhất là ở tại Trung Quốc và kết cục là sau một vài ngày điều trị bé gái này đã thiệt mạng vì các chấn thương quá nặng. Còn chuyện thứ hai là chuyện vụ tai nạn tại thị trấn Lư Châu, Tứ Xuyên, phía Tây Trung Quốc khiến một bé trai mới 5 tuổi thiệt mạng. Điều đáng nói là người tài xế sau khi đâm bị thương cháu bé mới 5 tuổi đang trên đường đi học đã cố tình lùi xe để chẹt chết em với hy vọng có đền thì chỉ đền 1 lần và không phải chăm sóc em trong bệnh viện đến suốt đời.
Khoan hãy nói tới lý do và nguyên nhân của hai vụ việc trên ở Trung quốc, để nói tới những chuyện tương tự đã xảy ra ở Việt nam. Mới đây, tại TP HCM xảy ra vụ “xe điên” gây tai nạn liên hoàn làm 2 người chết, 17 người bị thương. Trong khi đó, một số người đi đường không những không ra tay cứu giúp mà còn xông vào “hôi của” lấy hết tài sản của nạn nhân. Hay là chuyện xảy ra vào ngày 23/7 tại Cầu Giấy (Hà Nội), khi hàng trăm người đi đường bình thản đứng nhìn hai cha con anh Nguyễn Công Vinh tay không chống trả bọn cướp mà không ai vào cuộc giúp đỡ. Theo anh Vinh là nạn nhân kể, hai cha con anh đang đứng đón xe buýt thì bị một thanh niên móc ví. Khi tên này chuyền tay chiếc ví cho đồng bọn, anh Vinh phát hiện và chộp được tay của hắn. Ngay lập tức đồng bọn kẻ cướp lao vào đánh khiến con trai anh gãy hai chiếc răng. Có hàng trăm người đứng xem mà không ai ra tay giúp đỡ. Cuối cùng anh Vinh đành buông tay để mặc bọn cướp tẩu thoát cùng với chiếc ví. Rồi chuyện hành khách trên xe bus ở Hà nội khóc và van xin kẻ cắp để lấy lại chiếc ví trong đó chỉ có chiếc bằng lái xe trước sự chứng kiến của rất nhiều hành khác có mặt trên xe v.v...
Kể ra thì nhiều, nhiều lắm không thể kể hết được.
Nhưng tất cả đều do sự vô cảm của con người với đồng loại của người dân ở Trung quốc và người dân ở Việt nam đang sống trong một xã hội - Xã hội Chủ nghĩa mà nhà cầm quyền ở đó họ cho là một mô hình xã hội tốt đẹp nhất trong lịch sử nhân loại. Một câu hỏi phải đặt ra là tại sao, nguyên nhân gì đã dẫn tới tình trạng thái độ vô cảm của con người với con người đã và đang diễn ra ở khắp nơi, mọi lĩnh vực trong xã hội của cả hai nước Việt nam và Trung quốc hiện nay? Tại sao cũng người Trung Quốc, cũng người Việt nam nhưng khi họ được sinh sống trong một môi trường khác, ở các nước khác họ không có thái độ vô cảm như vậy?
Đây không chỉ là vấn đề ý thức hay trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà nó là là vấn đề đạo đức của cả một tổ chức xã hội. Tôi không đồng ý với ý kiến của Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình khi cho rằng "...tình trạng này là do đang có sự chuyển mình giữa một bên là nền văn minh nông nghiệp lúa nước và một bên là văn minh công nghiệp. Vì thế mà xã hội đang có sự đứt gãy về hệ thống giá trị sống, tính huyết thống, lối sống hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau bị nhạt nhòa đi, trong khi trình độ văn minh tiến bộ vẫn chưa định hình rõ ràng...", đó là ý kiến mang nặng tính chất bao biện đổ tội cho các yếu tố khách quan, mà có lẽ vì sợ mà ông TS. Trịnh Hòa Bình đã không dám chỉ rõ.
Đó là ở Việt nam và Trung quốc có lẽ có cùng một nguyên nhân, mà sự vô cảm đối với đồng loại của người dân theo tôi chỉ là hệ quả của một món tạp phí lù giữa cái gọi là chủ thuyết mà hai quốc gia này đang theo đuổi đó là học thuyết Marx - Lenin và nền Kinh tế thị trường mang tính tư bản hoang dã. Cái đó đã không giải quyết tận gốc của sự nghèo đói, mà sự nghèo đói, bất bình đẳng và tính nghiêm minh của luật pháp không được thượng tôn nó chính là nguyên nhân đã biến quan hệ giữa con người và con người như chó sói. Nó hình thành cho mỗi con người cái ý thức muốn tồn tại thì phải biết sống chết mặc bay.
Mà cái có thể giải quyết vấn nạn nói trên chắc chắn sẽ phải dùng vấn đề tôn giáo để giải quyết, vì hàng ngàn năm nay mọi tôn giáo, tôn giáo nào cũng vậy luôn hướng ý thức của con người ta đến việc thiện (hướng thiện), dạy con người biết nhường nhịn và chia sẻ. Đó chính là hạn phúc thực sự của con người, chính vì thế mà xã hội con người còn tồn tại và phát triển không ngừng đến ngày nay.
Còn cái khẩu hiệu "Hạnh phúc là đấu tranh" nó chỉ tồn tại trong một xã hội giành giật, khi mà người ta cố tình xuyên tạc, tô vẽ cho một nhân vật mới qua đời mới vài chục năm nay thành một thần tượng, thành một ông thánh của một thứ tà giáo để làm nền tảng đạo đức xã hội. Khi mà người đã chết không được chôn mấy chục năm, bỗng dưng bị người ta dựng dậy rồi nhét cho cái xác một cái tư tưởng để bắt mọi người học tập, trong khi một mặt thì đàn áp và truy bức các tôn giáo khác hòng để duy trì sự độc trị thứ tà giáo đó. Trong bối cảnh các thông tin tốt hay xấu, hư hay thực về "ông thánh" đó đã và đang bị phơi bầy hàng ngày, hàng giờ trên các phương tiện truyền thông. Vậy mà nó đã không được phép tranh luận hay phản biện một cách công khai, nghiêm túc và khoa học thì kết quả là cái mà hôm nay ai, ai cũng thấy.
Đó là sự vô cảm với đồng loại trong ý thức của mỗi người dân.
.
Hà nội, ngày 03 tháng 11 năm 2011
----------------------
*Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận
Lý do có sự vô cảm ở VN và TQ
Tôn giáo & CS
toi thi lai thay hoi khac
Câu trả lời về lập luận :" đâu cũng có.."
vang! xin cam on!
Về sự vô cảm (Kami)