You are here

Dễ trăm lần không dân cũng chịu...

Có lẽ ít người Việt trưởng thành nào mà không từng nghe câu nói, nó gần như ngạn ngữ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
 
Mà ngẫm lại từ cổ chí kim, điều này mấy khi sai. Nhất là những việc dính đến cộng đồng hay quốc gia, đại sự.
 
Câu này nguyên không phải của Hồ Chí Minh, nhưng được cộng sản Việt Nam truyền tụng như danh ngôn của ông. Đôi lần ông thanh minh câu này có nguồn gốc từ “trong báo cáo của đảng bộ tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình gửi ra”, ông chỉ đọc lại thôi. Nhưng các đồng chí, các học trò, các hậu duệ của ông kiên quyết không nghe, nên từ di chúc, ngày sinh, ngày mất, giờ đọc bản tuyên ngôn… của ông, họ đều cố tính bóp méo, sửa đổi, xuyên tạc. Đến mức, bây giờ thật giả lẫn lộn, mà khổ nỗi, giả nhiều hơn thật.
 
Nhiều câu nói khác được ông dẫn lại, họ cũng gán ghép cho ông như vậy, xem như ông đạo văn. Đúng là, “gậy ông đập lưng ông”. Các môn đệ tuyên truyền của ông quả là “xuất sắc”.
 
Trở lại câu nói tưởng như ngạn ngữ kia, nhiều người thấy nguồn từ đây. Năm 1948, trong bài thơ (đúng hơn: bài vè) có tên Dân no thì lính cũng no của nhà thơ Thanh Tịnh (1911-1988), có nội dung như sau:
 
Trông lên thì thấy đầy sao
Nhìn quanh thì thấy đồng bào mến thân
Dễ trăm lần không dân cũng chịu
Khó vạn lần dân liệu cũng xong
Thóc thuế mà có dân đong
Trăm công nghìn việc ngược dòng cũng xuôi
Đêm nằm nghĩ lại mà coi
Liệu còn thằng giặc đứng ngồi sao yên?
Nhân dân là bậc mẹ hiền
Cơm gạo áo tiền thì mẹ phải lo
Dân no thì lính cũng no
Dân reo lập nghiệp, lính hò lập công...
(Dẫn lại theo báo Thế giới - phụ san báo Quốc tế, số 251 (38), ngày 19/9/2006)
 
Cũng có thêm nhiều nguồn cứ liệu khác cho thấy bài vè này là của Thanh Tịnh, trong tinh thần hừng hực cách mạng thời bấy giờ, ai cũng muốn góp một tay xây dựng. Nhiều câu tưởng chừng ca dao thì cũng có xuất xứ như vậy.
 
Di sản bị phản bội
Nhìn vào cách hành xử của nhà cầm quyền với các hoạt động yêu nước tự phát, tự chủ của người dân, của các trí thức, văn nghệ sĩ… gần đây thì đủ thấy cái di sản “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” mà những người Cộng sản đã dày công tâng bốc đã bị chính họ phản bội nghiêm trọng.
 
Mà nghiêm trọng nhất là lòng yêu nước.
 
Lâu nay, và chắc dài lâu về sau cũng thế, lòng yêu nước luôn là chuyện của người dân; hoặc là, phải phụ thuộc rất nhiều vào lòng dân, sức dân. Thế nhưng, cái cách mà nhà cầm quyền đang ứng xử đã cho chúng ta thấy rằng họ đang muốn “độc quyền/ toàn trị sự yêu nước”.
 
Người dân biểu tình chống Trung Quốc gây hấn về biển Đông, nhà cầm quyền cũng giành: để đó bọn tôi lo.
 
Người dân lên tiếng về dân oan mất đất, nhà cầm quyền cũng giành: để đó bọn tôi lo.
 
Người dân phản đối đàn áp tự do tín ngưỡng, tôn giáo, nhà cầm quyền cũng giành: để đó bọn tôi lo.
 
Người dân lên tiếng bất bình về cách hành xử thiếu dân chủ, thiếu lễ độ với văn nghệ sĩ, trí thức… thì họ cũng giành: để đó bọn tôi lo.
 
Thử nhìn mà xem, xung quanh cuộc sống của chúng ta hiện nay, có cái gì mà nhà cầm quyền Việt Nam không giành, không giật.
 
Khi nhà nước giành những quyền thuộc về phẩm chất của người dân, thì đương nhiên, di sản “không dân cũng chịu” đã bị phản bội.
 
Mà nếu giành mà lo được, độc quyền kiểu Singapore chẳng hạn, thì dân đỡ khổ biết bao nhiêu. Ở đây giành theo kiểu “đem con bỏ chợ”, “cha chung không ai khóc”… nên dân mới rơi vào vòng luẩn quẩn. Tự dân lo thì bị cấm đoán, mà nhà nước thì bất lực, lo không được. 
 
Duy chỉ có một điều mà họ không giành, đó là quyền và nghĩa vụ phải đóng thuế. Người dân trả lương và bổng lộc cho họ qua thuế, họ yên lặng nhận mà không bao giờ có ý giành để trả ngược lại.
 
Ước chi mà họ giành luôn cái quyền tự lao động và đóng thuế; hoặc tự trọng chút đỉnh, giành cái quyền tự nuôi mình, thì người dân đỡ khổ biết bao. Gần 90 triệu dân lo cung phụng cho hơn 3 triệu đảng viên mà toát mồ hôi, luôn sống trong tâm trạng “dân nghèo nước yếu”, thiếu hụt trước sau.
 
Những mầm mống được manh nha…
Khi thành lập nhà nước cộng sản và XHCN tại Việt Nam, có vô số cái của nhân dân, như Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Nhà sách nhân dân… riêng có một số thứ thuộc về nhà nước, như: Ngân hàng nhà nước, Kho bạc nhà nước… Rõ ràng nhà nước ngay từ đầu đã có ý giành một số thứ thuộc về bổng lộc, tiền tài từ nhà nước vốn được họ tuyên truyền do dân và vì dân. Đây là những cái kho do nhân dân đóng góp. Mà dân gian mình thường nói, “ăn không lo của kho cũng hết”.
 
Quả thật, các mảnh đất ấy cũng lắm người nhiều ma, ít mật lắm ruồi… thành ra họ phải giành sang những lĩnh vực khác như tự do tín ngưỡng, lòng yêu nước, chủ quyền nhà đất, tự do tư tưởng, tòa án lương tâm… Giành để làm sang; giành vì lo đến nồi cơm hũ gạo của riêng nhà mình… chứ không phải giành vì đủ sức đảm đương, cáng đáng.
 
Xa hơn một chút, cuộc lật đổ chính quyền non trẻ hồi 17-19/81945 - Chính phủ Trần Trọng Kim với những nhân vật nổi tiếng thời bấy giờ - cũng được xem là “Việt Minh cướp chính quyền”. Chữ “cướp” được dùng đầy tự hào trong lịch sử chính thống của Việt Nam hiện tại rất nhiều lần.
 
Mà cướp, giật, giành… thì cũng khá giống nhau, dù cấp độ có khác nhau.
 
Một nhà nước được thiết lập từ cướp, giật, giành… mà không biết thức tỉnh, sửa đổi, thì có đáng để tồn tại dài lâu hay không?
 
Lộ niềm vui
Tuy nhà nước mà giành hết mọi thứ về mình là việc không đáng có, là tai họa cho cả tổ quốc, nhưng bù lại, nó cũng lộ rõ sự bất lực từ bộ máy quản lý.
 
Đáng lý những việc như biểu tình phản đối Trung Quốc là thuộc về người dân, nhà nước chỉ ngấm ngầm quản lý, nay giành về mình… thì dân sẽ buông. Khi người dân buông lỏng hết các công việc vốn thuộc về mình, thì nhà nước chắc chắn bị quá tải, ngày tàn chắc sắp đến.
 
Việc của người dân bây giờ, một mặt phải tranh thủ giữ các quyền thuộc về mình, để mình không bị mất tự do thân thể và tinh thần; một mặt phải đẩy những thứ thuộc về nghĩa vụ của bản thân (mà bị nhà cầm quyền giành) cho nhà cầm quyền, để xem họ ứng xử như thế nào?
 
Để đến ngày tàn nay mai, họ có cơ hội hiểu ra một câu nói mà họ cứ tuyên truyền ra rả, nhưng người dân không được ứng dụng: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
 
Đúng là thế nước của Việt Nam đang ở cái ngưỡng “không dân cũng chịu”, vì nhân tài, bi, trí, khí, dũng… đều không được trọng dụng, nên họ phải tự tìm cách “bán mình” cho những nơi mua được giá hơn.
 
Cái niềm vui lộ ra trong thế nước bấp bênh của Việt Nam giống như nụ cười chua chát trong các vở bi kịch.

Bài bình luận

Công cuộc chống tham nhũng theo Đảng nhận định là rất khó khăn. Cũng vì không cho dân tham gia nên mới khó. Phải chi có cơ chế cho dân tham gia thì... xong rồi. Ngẫm lại mới thấy TW rất coi trọng vai trò của nhân dân

Đảng CS tham nhũng thì rõ như ban ngày Chống tham nhũng là Đảng CS đang tự chống lấy chính mình