You are here

Bà Trương Mỹ Lan sẽ thoát án tử hình?

Ảnh của Gió Bấc

Sau một tháng tròn xét xử, Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên bà Trương Mỹ Lan (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát)  phạm ba tội: Tham ô tài sản, mức hình phạt tử hình, Đưa hối lộ, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức, tín dụng, mỗi tôi 20 năm tù. Tổng hợp hình phạt là tử hình. Hậu quả hành vi của bà Trương Mỹ Lan quá lớn, tử hình nặng hay nhẹ không bàn. Nhưng áp dụng tội danh tham ô dư luận băn khoăn về pháp lý. Tuy nhiên, với nền pháp chế nhân văn thời đốt lò, không cần cải lý, bà Trương Mỹ Lan vẫn có cách đường hoàng vượt qua cửa tử.

Xưa nay người ta quen nghĩ, hiểu, tội tham ô dành cho quan chức, bà Trương Mỹ Lan chỉ là doanh nhân làm sao phạm tội tham ô? Quả đúng là luật hình sự trước đây tội tham ô, nhận hối lộ, chỉ dành cho quan chức nhưng Bộ Luật Hình Sự sửa đổi năm 2015 (có hiệu lực từ năm 2018) đã mở rộng chủ thể tội tham ô cho cả các doanh nhân ngoài nhà nước. Vì vậy, hành vi rút ruột ngân hàng SCB của bà Lan được Viện Kiểm Sát tách thành hai tội theo hai giai đoạn: từ 2012-2017 là vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức, tín dụng. Từ 2018 đến 2022 là tội tham ô.

Nhóm luật sư bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan đề nghị xem xét lại tội tham ô. Vì cùng hành vi, cùng phương thức, thủ đoạn xuyên suốt trong 10 năm nhưng do luật thay đổi mà chia ra hai tội độc lập là "chưa thỏa đáng", làm nặng tình trạng của bà Lan.

Thêm nữa, luật sư cho rằng bà không phạm tội tham ô tài sản bà không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB. Thật vậy, điều 353 BLHS 215 về tội tham ô có quy định. “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý …“ (1)

Viện Kiểm Sát đã bác lại rằng, chủ thể tội này là "người nào có chức vụ, quyền hạn" chứ không phải "có chức vụ và quyền hạn". Thực chất bà Trương Mỹ Lan nắm quyền cao nhất SCB, điều hành các bị cáo có chức vụ khác. Tòa án cũng chấp nhận quan điểm của Viện và kết án tham ô.

Tuy nhiên, về học thuật, pháp lý, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, TP HCM có ý kiến với BBC tiếng Việt. “Theo tôi hiểu thì phía luật sư của bà Lan cho rằng chủ thể của tội tham ô tài sản phải là người có chức vụ, có quyền hạn. Quyền hạn ở đây là quyền hạn được quy định theo luật hoặc theo điều lệ, quy chế hoạt động hoặc theo quyết định trao quyền của người có thẩm quyền tại SCB. Trong khi đó, bà Lan không có chức vụ gì, không được giao quản lý tiền tại SCB và thực tế không quản lý tiền của SCB nên không thể truy tố bà Lan tội tham ô tài sản theo Điều 353 BLHS 2015 được.

"Còn phía Viện kiểm sát thì cho rằng mặc dù về mặt hình thức pháp lý, bà Lan không nắm giữ chức vụ nào tại SCB nhưng trên thực tế bà Lan sở hữu trên 91% tổng vốn Điều lệ của SCB và chi phối toàn bộ các hoạt động của SCB nên bà Lan được xem là người có quyền. Luật không buộc người có quyền phải là người có chức vụ nên chủ thể của tội này không nhất thiết là người có chức vụ. Do đó, theo quan điểm của VKS thì việc truy tố bà Lan tội tham ô tài sản là đúng. Quan điểm này của đại diện VKSND phù hợp với thực tế phổ biến hiện nay.

Theo luật định, tỷ lệ sở hữu của cá nhân tại một tổ chức tính dụng không quá 5% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Vì vậy, để “lách” các quy định về hạn chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông, thành viên góp vốn trong một số ngành nghề, công ty đại chúng,… nhiều cổ đông, nhà đầu tư nước ngoài thường nhờ hoặc thuê người khác đứng tên cổ phần, phần vốn góp

Về mặt pháp lý, những người này không có quyền hành gì nhưng trên thực tế thì lại chi phối toàn bộ việc ra quyết định của công ty. Tuy nhiên, đứng về mặt khoa học pháp lý theo tôi thì không ổn.

Quyền hạn trong tội “Tham ô tài sản” phải được hiểu là quyền hạn này có được trên cơ sở hợp pháp, chứ không phải trên cơ sở phi pháp, nghĩa là hành vi trái pháp luật (nhờ người đứng tên hộ cổ phần của bà Lan) không thể tạo ra được một quyền hạn hợp pháp (bà Lan thành người chi phối SCB)”.

Luật sư Sơn cũng đồng tình cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng không thể tách các hành vi theo từng giai đoạn có hiệu lực pháp luật của BLHS để truy tố các tội danh khác nhau. Về bản chất, bà Lan phạm tội nhiều lần chứ không phải thực hiện những loại hành vi phạm tội khác nhau. (2)

Ở một góc độ khác Luật sư Đặng Bá Kỹ tâm tư trên fb cá nhân về áp dụng tội danh tham ô này. Vận dụng nhiều lý thuyết về pháp lý hình sự, ông đồng tình với việc không căn cứ vào hình thức, chức danh chính thức của chủ thể tham ô mà căn cứ vào người có thực quyền điều hành, quyết định công việc. Tuy nhiên Luật sư Đặng Bá Kỹ cũng nêu lập luận tương đồng với Luật sư Phùng Thanh Sơn là bà Trương Mỹ Lan không có trách nhiệm quản lý tiền bạc của SCB, mà theo luật đây là yếu tố cấu thành tội tham ô. Ông Kỹ viết “Tài sản bị chiếm đoạt phải là tài sản mà người chiếm đoạt có trách nhiệm quản lý. Vậy ai có trách nhiệm quản lý tiền của SCB – Chưa thấy ai hỏi, đương nhiên cũng chưa có ai trả lời!?!

Ông Kỹ cũng băn khoăn về việc áp dụng luật mới cho hành vi cũ. “Nguyên tắc của luật hình sự là không được áp dụng hồi tố một trách nhiệm pháp lý mới, một trách nhiệm pháp lý nặng hơn, đối với những hành vi xảy ra trước khi quy định đó có hiệu lực. Cho nên thiết nghĩ, trong Vụ án này, cần phải phân tách hành vi của Bà Tr.M.L trước và kể từ ngày Bộ luật hình sự hiện hành có hiệu lực, trên cơ sở đó có thể phân hóa được trách nhiệm hình sự cho Bà Tr.M.L, khi kết hợp với việc Bà thừa nhận có quyền lực trong SCB, để có thể thận trọng xem xét lại hình phạt cho Bà. Dẫu sao, trước một án tử, không thể không có những suy tư……”(3)

Cũng phải thông cảm cho Viện, cho Tòa. Do để cho bà Trương Mỹ Lan tự do múa gậy vườn hoang đến 10 năm. Khi vỡ lở Ngân Hàng Nhà Nước phải kiểm soát đặc biệt SCB, phải bơm hàng trăm ngàn tỉ tiền mặt để trả cho làn sóng người gửi tiết kiệm ào ạt rút tiền để tránh đổ vỡ cả hệ thống ngân hàng. Con số 667.000 tỉ đồng thiệt hại của SCB mà Tòa công bố chính là tiền của Ngân Hàng Nhà Nước trả thay cần phải thu hồi. Tòa xử đúng sai không quan trọng mà cái chính là phải thu hồi tiền của nhà nước.

Bản án sơ thẩm đã xác định: sau khi trừ số tiền đã nộp khắc phục, các khoản khấu trừ khác… bị cáo Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm số tiền hơn 673.800 tỉ đồng (tương đương dư nợ 1.243/1.284 khoản vay). (4)

Số tiền này gần 25 tỉ USD, so với tổng GDP cả nước năm 2023 là 430 tỉ USD thì giá trị thiệt hại gần 6% GDP.

Đây chỉ mới là giai đoạn 1 của vụ án, bà Trương Mỹ Lan còn đang phải đối mặt với  bị cáo buộc Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan việc phát hành trái phiếu trái pháp luật từ năm 2018 đến 2020, chiếm đoạt khoảng 30.000 tỷ đồng của hơn 30.000 người dân.

Những con số khổng lồ này là một áp lực rất lớn không chỉ với các cơ quan tố tụng mà còn với cả nền kinh tế của đất nước.

Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã kê biên quản lý hàng ngàn bất động sản, một số lượng cổ phiếu, 1.122 mã tài sản đang thế chấp tại SCB, hội đồng xét xử đề nghị SCB phối hợp với C03 - Bộ Công an để xác minh tài sản nào là của bị cáo Trương Mỹ Lan thì xử lý để đảm bảo việc thi hành án.

Tuy nhiên việc thu hồi các tài sản ấy và chuyển hóa thành tiền không phải dễ dàng; Cục trưởng Thi hành án dân sự TP HCM đề xuất cần cơ chế đặc biệt để thu hồi tài sản vụ án Vạn Thịnh Phát. Khó khăn đầu tiên khi thu hồi tài sản trong đại án Vạn Thịnh Phát là các quy định còn chồng chéo, ông đề nghị các cơ quan sớm sửa đổi pháp luật thi hành án phù hợp thực tế, đảm bảo nhanh, hiệu quả... Ông đề xuất Bộ Tư pháp tăng cường nhân sự, biên chế cho TP HCM để thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát, bởi Cục Thi hành án dân sự đang "rất áp lực". (5)

Hơn thế nữa, trong điều kiện thị trường địa ốc đang đóng băng, thị trường chứng khoán đang phập phù xanh đỏ, giá trị các tài sản thi hành án luôn thấp hơn rất nhiều so với giá trị thật và chiếm tỉ lệ nhỏ so với núi tiền khổng lồ bà Trương Mỹ Lan phải thi hành án.

Trí tuệ của người đốt lò vĩ đại đã thấy trước điều đó nên đã rộng mở chân trời nhân ái nhân văn cho tội phạm tham nhũng, tham ô  được lấy tiền chuộc mạng. Đã có quá nhiều người chết trong vụ án này nên thêm một sinh mạng Trương Mỹ Lan cũng chẳng thêm chút nào cho sự răn đe và phòng ngừa chung của bản án. Bàn lý lẻ, sự phù hợp chính xác về tội danh với bà Trương Mỹ Lan chỉ là chuyện phải làm.

Bản án tử hình là bắt buộc. Mức án tử hình động lực để Trương Mỹ Lan phải lấy tiền chuộc mạng. Lý sự không thể thay đổi bản án tử hình với bà Trương Mỹ Lan nhưng pháp luật đã rộng cửa để bà được ung dung thoát chết.

Khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

…..

c. Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”. (6)

Ước tính cả hai giai đoạn của vụ án, bà Trương Mỹ Lan phải khắc phục hậu quả 700.000 tỉ đồng. Ngoài số tài sản đã bị kê biên, bà Trương Mỹ Lan phải nộp thêm cho dủ ¾ của số tiền này thì sẽ nhận kim bài miễn tử.

Sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa của xứ sở thiên đường là vậy đó. Nhà nước ưu ái rộng cửa cho tội phạm vơ vét tiền của người dân, tài nguyên đất nước trong hàng chục năm trời trở thành đại gia, tỉ phú đô la. Khi bị lộ, pháp luật lại công khai mở cửa cho tội phạm dùng tiền chuộc tôi.

 

1-https://tapchitoaan.vn/quy-dinh-toi-tham-o-tai-san-toi-nhan-hoi-lo-blhs-...

2-https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cq5nlx8npqpo

3https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02DuRhUEbhcQUjwo9...

4-https://tuoitre.vn/vu-van-thinh-phat-toa-buoc-ba-truong-my-lan-boi-thuon...

5-https://vnexpress.net/can-co-che-dac-biet-thu-hoi-tai-san-vu-an-van-thin...

6-https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat...