You are here

Tròn 2 năm cuộc chiến: Đằng sau bộ mặt cường quốc

Ảnh của nguyenhuuvinh

Ngày hôm nay, 24/2, kỷ niệm tròn 2 năm ngày Cộng hòa Liên Bang Nga phát động cuộc tấn công xâm lược toàn diện vào Ukraine, một đất nước có chủ quyền. Hàng trăm ngàn quân lính Nga, cùng với những thiết bị quân sự - được tự xưng là “Hiện đại, tinh vi nhất thế giới” của một “Cường quốc quân sự” đứng hàng đầu thế giới - đã ngang nhiên vượt qua biên giới tấn công một đất nước láng giềng.

Putin, một tổng thống Liên bang Nga đã nuốt lời, liếm lại bãi nước bọt vừa nhổ ra bằng những lời thề thốt trước cả thế giới, rằng Nga không xâm lược, không tấn công Ukraine mới rời khỏi miệng để tiến hành một cuộc chiến xâm lược một thành viên Liên Hợp Quốc, dù Nga là một thành viên là Ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp Quốc.

Trắng trợn và bất chấp luật pháp

Ukraine một quốc gia thành viên của Liên bang Xô Viết, sau khi liên bang tan rã, đã xây nền độc lập của mình trong sự chính danh, được sự công nhận của cả thế giới, trong đó có Liên bang Nga. Đường biên giới giữa hai nước, lãnh thổ hai quốc gia này đã được xác đinh rõ ràng. Bằng chứng không thể chối cãi, là căn cứ hải quân Sevatopol của Nga phải thuê lãnh thổ, lãnh hải của Ukraine trên bán đảo Cremia.

Thế rồi, bằng những trò bẩn thỉu, láu cá vặt chẳng qua mặt được ai, năm 2014, Putin chơi trò tháu cáy đánh cướp bán đảo Cremia của Ukraine trước những phản ứng yếu ớt của thế giới. Những phản ứng khi đó, một phần là do cái danh xưng Cường quốc quân sự hàng đầu thế giới với đủ loại vũ khí tinh vi, hiện đại và vô địch làm thế giới phải lo ngại khi làm mất lòng Nga chứ chưa nói đến việc đối đầu. Những đòn trừng phạt qua loa, lấy lệ và chẳng có mấy tác hại đối với Nga đã làm Putin tự thấy mình to lớn, thấy mình vĩ đại và vô địch.

Nhưng âm mưu xâm lược và bành trướng của Putin không chỉ dừng ở bán đảo Cremia. Dù cái miệng Putin leo lẻo cách nào, thì nó cũng không thể đánh lừa cả thế giới. Và mới đây, Putin đã huỵch toẹt ra rằng: Lẽ ra Nga đã tấn công toàn bộ quốc gia Ukraine từ 2014, nhưng khi đó chưa thể tiến hành vì Nga chưa có vũ khí siêu thanh và“nước Nga cần phải có nền tảng kinh tế vững vàng để sẵn sàng cho một chiến dịch quân sự quy mô lớn”. Putin cho rằng: “Kết quả sản xuất nông nghiệp tốt trong giai đoạn 2021-2022 và sự tiến bộ của các lĩnh vực tài chính trong nước là điều kiện thích hợp cho một chiến dịch như vậy” do đó Putin đã lập tức tiến hành cuộc chiến xâm lược.

Điều đó, cũng có nghĩa là vấn đề chính nghĩa, vấn đề mà Putin cho rằng bị đe dọa, vấn đề an ninh quốc gia của Nga… chỉ là lý do bịa đặt che đậy âm mưu xâm lăng vẫn luôn tồn tại. Nó sẽ biến thành hành động lúc có đủ điều kiện theo sự đánh giá của Putin.

Điều đó, cũng có nghĩa là một nước Nga hùng mạnh, vững vàng là mối đe dọa cho hòa bình và an ninh của các quốc gia lân bang và cả thế giới nhất là các quốc gia yếu thế, bé nhỏ lân cận.

Điều này, người Việt Nam cũng nghe quen quen với cách hành xử của anh bạn láng giềng Phương Bắc của mình.

Người ta còn nhớ rất rõ rằng: Ukraine đã từng là một quốc gia sở hữu một khối lượng rất lớn vũ khí hạt nhân, với số lượng đứng thứ 3 trên thế giới, sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Và người ta đặt câu hỏi rằng: Nếu Ukraine vẫn giữ nguyên số đầu đạn hạt nhân đó, liệu Nga có dám coi thường và tấn công ngang nhiên bất chấp luật pháp quốc tế hay không?

Câu hỏi được đặt ra trong sự tiếc nuối của người dân Ukraine vì đã quá tin lời quân kẻ cướp.

Bởi Nga, cũng chính là một bên đã ký kết thỏa thuận chính trị tại hội nghị OSCE ở Budapest, Hungary vào ngày 05/12/1994 nhằm cung cấp đảm bảo an cho Ukraine và một số quốc gia tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Theo đó, Nga, Mỹ và Anh cam kết "tôn trọng độc lập và chủ quyền cũng như các biên giới hiện có của Ukraine". Bản ghi nhớ có đoạn: "Liên bang Nga, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tái khẳng định nghĩa vụ kiềm chế không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của Ukraine, và rằng sẽ không có vũ khí nào của họ được sử dụng để chống lại Ukraine ngoại trừ để tự vệ hoặc theo cách khác phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc."

Cụ thể, bản ghi nhớ đó cũng ghi rõ: Nga, Anh, Mỹ "tái khẳng định cam kết tìm kiếm hành động ngay lập tức của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để cung cấp hỗ trợ cho Ukraine, với tư cách là Quốc gia không sử dụng vũ khí hạt nhân, nếu Ukraine trở thành nạn nhân của một hành động xâm lược hoặc bị đe dọa xâm lược trong đó vũ khí hạt nhân được sử dụng."

Thế rồi, chính Nga, một bên tham gia bản thỏa thuận, ghi nhớ đó đã tấn công Ukraine bằng các loại vũ khí và sức mạnh tổng lực nhằm xóa sổ chính quyền, nhà nước Ukraine độc lập để sáp nhập Ukraine vào lãnh thổ của mình.

Đó là thái độ, bộ mặt trơ trẽn, phản trắc mà các nhà cầm quyền Cộng sản thường có, bất chấp lẽ phải, bất chấp liêm sỉ hay luật pháp, nguyên tắc của xã hội loài người.

Để giải thích việc xua quân xâm lược Ukraine, Putin nói rằng: "Vì sao ư? Bởi vì chúng ta đã bị tấn công trước. Đầu tiên, họ tìm cách tấn công Crimea, sau đó đến Donbass ". Hài hước thay, cái “Chúng ta” của Putin nói ở đây, là lãnh thổ của Ukraine mà Liên bang Nga đã trịnh trọng công nhận từ xưa và mới nhất là năm 1991, nhưng chỉ vì ở đo có cộng đồng nói tiếng Nga. Bởi người ta cũng nghe điều tương tự khi Đặng Tiểu Bình xua quân xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc ngày 17/2/1979 cũng với lý do “Để dạy cho Việt Nam một bài học trong vấn đề Nạn kiều”.

 Xem ra, lời lẽ của quân cướp thì ở đâu cũng có một mùi, một dạng như nhau. Đặc biệt, lời lẽ từ miệng cái nòi Cộng sản thì càng không mấy khác nhau vì có chung bản chất.

Hai năm cuộc chiến: Thui ra mới biết béo gầy

Nếu không có cuộc chiến xâm lược toàn diện với Ukraine, thì chắc giờ đây trên thế giới, người ta vẫn cứ nhắc nhở nhau cẩn thận và kính nể một Đại Cường quốc đứng hàng đầu thế giới là Liên bang Nga với diện tích 17.098.246,00 km2, rộng nhất thế giới về lãnh thổ và gần 145 triệu dân.

Ở đất nước ấy, có một Tổng thống được người dân yêu quý nên không nỡ thay đổi đã mấy chục năm nay, tài danh vẹn toàn. Những hình ảnh Tổng thống Nga cởi trần tắm băng, cở trần cưỡi ngựa, cưỡi gấu, phóng xe máy… làm thổn thức nhiều triệu trái tim đàn bà trên thế giới. Tổng thống ấy, “nói nhiều người nghe, đe cả thế giới sợ” chứ không bỡn.

Dưới sự lãnh đạo tài giỏi của Tống thống ấy, nước Nga đã liên tục trải qua các trận chiến ở ngoài biên giới và trận nào cũng đã xuất quân là chiến thắng. Bởi Nga và chư hầu Nga vẫn tự cho rằng Nga có nền kinh tế vững vàng, nền quốc phòng hiện đại và tinh vi với nhiều vũ khí mà khi nói đến, thì cả thế giới đã xanh mắt mèo.

Đặc biệt, tại các quốc gia “chư hầu” những quốc gia phản dân chú mà lãnh đạo là những nhà độc tài như Việt Nam, Bắc Hàn… thì dàn Dư luận viên. Đội quân ba xu, an ninh mạng… tha hồ tâng bốc và tô vẽ lên tận mây xanh. Mà không chỉ có mấy đứa Dư luận viên hay An ninh mạng, đến cả như Lê Văn Cương, tướng Công an, đã từng là Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an vẫn cứ ngước nhìn “Cụ Putin sĩ quan KGB 71 tuổi” như một thánh sống và dùng những lời lẽ trên mây để ca ngợi hoặc chỉ biết tấm tắc bởi không còn từ ngữ nào để ca ngợi sự lớn mạnh, tinh nhuệ và vô địch của quân đội Nga.

Thậm chí với những sự cuồng tín và bất chấp phải trái, đúng sai, đám Lê Văn Cương, Lê Thế Mẫu… còn bỏ qua những lẽ phải đơn giản nhất để biện hộ cho cuộc xâm lược của Nga chiếm Cremia năm 2014 là bởi vì: “Nga là một “cường cuốc” nhưng không có đường ra biển, các đồng chí ơi” - Lê Văn Cương đã gào lên như vậy.

Thế rồi, khi xua quân qua biên giới và tấn công thẳng vào Kiev, Putin chắc mẩm rằng cuộc chiến chỉ cần 72 tiếng đồng hồ để quân và dân Ukraine có đủ thời gian đón tiếp đội quân hùng mạnh của đại đế Putin sang Ukraine “diệt tân phát xít”. Thậm chí, truyền thông còn cho biết rằng trong đội quân xâm lược ấy, còn có cả đoàn quân lễ nghi của Nga để chuẩn bị cho cuộc diễu binh mừng chiến thắng của quân đội Nga tại Kiev.

Cả thế giới sửng sốt, bàng hoàng bởi sự trở mặt và dã man của đội quân Nga lúc bấy giờ. Người ta chỉ biết ái ngại cho Ukraine, một đất nước đã không may phải sống cạnh một láng giềng bẩn thỉu và tham lam với mưu đồ bành trướng không thể giấu diếm và sức mạnh gấp bội.

Thậm chí, Hoa Kỳ còn gợi ý sẽ giúp đỡ Tổng thống Ukraine một cuộc bỏ chạy ra nước ngoài an toàn rồi mọi chuyện tính sau.

Thế rồi,cả thế giới lại sửng sốt trước thái độ của người Ukraine từ Tổng thống đến người dân. Tổng thống Ukraine nói: “Chúng tôi cần vũ khí chứ không cần chuyến xe đi nhờ”“Nếu quân thù đến đây, chỉ thấy mặt chúng tôi chứ không phải cái lưng”.

Từ đó, cả đất nước Ukraine đứng dậy chống chiến tranh xâm lược bảo vệ bờ cõi bằng cuộc chiến hy sinh, gian nan, nhưng anh dũng.

Và những gì Nga đã nhận được hai năm qua, không chỉ là bài học cho sự ngông cuồng của Putin mà là tấm gương tày liếp cho những thế lực bành trướng khác đang nhăm nhe lãnh thổ láng giềng bởi sự phản ứng không chỉ của Ukraine mà của cả thế giới.

Công cuộc của người dân Ukraine trong việc chống xâm lược từ Nga như câu chuyện “châu chấu đá xe” đã tạo nên những kỳ tích buộc thế giới phải kính nể.

Về quân sự, đến nay, đội quân có “sức mạnh vô địch, tinh vi và hiện đại của một cường quốc” ấy đi đấu với một đội quân không tên tuổi như quân đội Ukraine được coi là một sự khập khễnh lớn mà Nga có thể ăn tươi nuốt sống ngay lập tức. Chính Putin năm 2014 đã mạnh mồm tuyên bố: “Nếu muốn, tôi chiếm cả Kiev trong hai tuần”.

Nhưng hại thay, quân đội vô địch kia đã tự chứng minh cho cả thế giới biết rằng cái mớ vũ khí tinh nhuệ, hiện đại và vô địch ấy, thực chất chỉ là một đống bầy hầy những sản phẩm của truyền thông tuyên truyền tự sướng. Hàng ngàn xe tăng, hàng trăm máy bay đã đưa theo gần nửa triệu lính Nga bỏ xác trên chiến trường Ukraine là một minh chứng không cần nhiều lời. Hệ lụy của nó, là Nga không đủ thịt để đưa ra chiến trường, buộc phải huy động nhân lực  bằng mọi cách, báo hại hàng loạt thanh niên, trai tráng Nga chạy tán loạn ra nước ngoài và cuối cùng thì Putin đại đế đã phải sử dụng thịt của tù nhân đem ra chiến trường để “Chiến đấu cho chính nghĩa”.

Những thực tế sinh động này tại chiến trường Ukraine, đã làm cho các quốc gia xưa nay vẫn tin tưởng mà mua các thiết bị quân sự của Nga đãng phải đứng ngồi không yên.

Một cường quốc quân sự đã đến lúc phải cậy nhờ những tên “côn đồ quốc tế” mạt hạng như Iran, Bắc Hàn thì đủ biết cái gọi là “Sức mạnh Nga” chỉ là con gấu bằng giấy bồi mà thôi.

Hạm đội Biển Đen xưa nay được nhắc đến với những lời thầm thì vì muôn cái “Nhất”, đã buộc phải bỏ cả đại bản doanh của mình ở căn cứ Sevastopol để tránh nạn sau khi các chiến hạm lừng lẫy đã bị nhấn chìm chôn thây dưới Biển Đen đã vài ba chục chiếc thuộc hàng hiện đại, vô địch nhất. Khu vực Biển Đen một thời Nga làm mưa làm gió như sân nhà của mình, đã trở lại yên tĩnh cho tàu bè Ukraine qua lại xuất lương thực đi ra thế giới.

Và điều mà Nga không bao giờ muốn, Nga hành động bằng mọi cách để “ngăn chặn từ xa” là không để biên giới NATO đến gần Nga, thì ngay sau cuộc xâm lược tỏ rõ bản chất của mình, NATO có thêm 1.400 km biên giới chung với Nga sau khi Phần Lan đã tỉnh ngộ để từ bỏ chính sách trung lập mấy chục ăm qua, cảnh giác trước trò ăn cướp của Nga mà gia nhập NATO. Đồng thời, hành động của Nga cũng đã đẩy Ukraine gia nhập vào khối kinh tế Châu Âu và cơ hội gia nhập NATO lớn hơn bao giờ hết.

Chưa hết, khối NATO đã có thời rệu rã đến mức được TT Pháp coi là “Chết não”, và TT Mỹ Donald Trump định rút ra khỏi khối này, thì nay đã đoàn kết và lớn mạnh hơn bao giờ hết trong việc kết nạp thêm các thành viên mới.

Về mặt ngoại giao, cuộc xâm lược của Nga đã để cho ít nhất là 141/193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc không ngần ngại thẳng thừng yêu cầu Nga rút quân đội và dừng ngay thói ăn cướp. Những quốc gia còn lại, hoặc “há miệng mắc quai” như Việt Nam, hoặc là những quốc gia cơ hội như Trung Quốc im lặng để nhân cơ hội loạn lạc chiến tranh này mà kiếm chác, thì người dân vẫn hướng về sự ủng hộ cho Ukraine chính nghĩa. Tại diễn đàn Liên hợp Quốc, Nga bị khai trừ ra khỏi Hội đồng Nhân quyền thế giới, các quốc gia đàn em trước nằm dưới trướng Nga đã dần dần tách khỏi chiếc ô rách nát chẳng có tác dụng gì của Nga.

Điều hài hước nhất là “Con gấu Nga” Putin đã bị nhốt trong chiếc lồng vô hình sau khi có lệnh truy nã của Tòa án hình sự Quốc tế. Có lẽ đây là một nỗi nhục cho một thành viên của Hội đồng bảo an Liên hợp Quốc, một “Cường quốc quân sự” một đất nước leo lẻo là yêu hòa bình, tự do như họ đã tụng niệm xưa nay.

Về kinh tế, 16.500 lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây, từ khắp thế giới, đã buộc Nga vào tình thế “tự cung tự cấp” là mô hình của xã hội “Cộng sản nguyên thủy” mà chủ nghĩa Mác – Lenin đã định nghĩa. Điều đặc biệt, là Châu Âu đã tự cắt được cơn nghiện năng lượng Nga mà Nga đã sử dụng như một thứ vũ khí để khống chế châu Âu mấy chục năm qua một cách hiệu quả. Nga mất đi mỏ vàng tự nhiên có đã mấy chục năm khai thác này và đối diện với hàng loạt sự trừng phạt nghiêm khắc khi muốn xuất khẩu món “Vàng đen” chủ lực là dầu mỏ. Hàng trăm tỷ đola bị phong tỏa, bị đá ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế. Hàng ngàn doanh nghiệp nước ngoài bỏ của chạy lấy người, các hãng hàng không Nga rơi vào tình thế tự cung tự cấp và bay loanh quanh trong lãnh thổ Nga.

Những hậu quả mà Nga đã nhận được từ cuộc chiến này, không chỉ về Chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao mà là lòng người dân khắp thế giới biết rõ tường tận tâm địa kẻ cướp của Nga mà luôn luôn cảnh giác.

Và điều ác hại hơn cả, là ngày nay, Nga hầu như không có lối ra tại Ukraine.

Không có lối ra, bởi sự kiêu ngạo, sự ngạo mạn mà Putin đã xây dựng xưa nay cho mình trên sự hão huyền về “Sức mạnh Nga”.

Không có lối ra, bởi âm mưu xâm lược đã rõ, ngay cả khi rút ra khỏi cuộc chiến, phần lãnh thổ cướp được cũng không thể giữ lại được cho mình.

Và càng sa lầy vào cuộc chiến, thì bộ mặt của một “Cường quốc” ngày càng thảm hại.

Và đó cũng là bài học cho những thế lực bành trướng khác, đang ngày đêm nhòm ngó lãnh thổ của láng giềng.

24.02.2024

J.B Nguyễn Hữu Vinh