You are here

Theo con đường đảng và bác đã chọn

Ảnh của nguyenhuuvinh

Đôi nét về khẩu hiệu tại Việt Nam

Ở Việt Nam, một trong những điều không thể thiếu trong đời sống xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng, là “Khẩu hiệu”.

Có thể nói rằng: Khẩu hiệu là một món ăn tinh thần cho mọi người dân Việt Nam theo đúng nghĩa đen của từ này trong suốt chiều dài dưới sự lãnh đạo của người Cộng sản. Hẳn nhiên, nó cũng là món ăn vật chất cho bộ phận sáng tác, tuyên truyền và phổ biến những câu khẩu hiệu này bằng nhiều hình thức. Bởi tất cả được chi từ tiền dân.

Kể từ khi người Cộng sản cướp được chính quyền, nắm vai trò lãnh đạo đất nước thì khẩu hiệu là món ăn không thể thiếu, nó vừa là công cụ, vừa là liều thuốc bổ trợ cho những phong trào cách mạng của đảng.

Những khẩu hiệu như “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Kiên quyết đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ, nông dân lao động tự làm chủ nông thôn”, “Xóa bỏ quyền chiếm hữu của giai cấp địa chủ, thực hiện người cày có ruộng”… là những động lực và hướng dẫn để cả đất nước lên đồng cơn say cướp phá tập thể và gây nên những nỗi đau kinh hoàng trong lịch sử dân tộc.

Ngoài ra đó cũng là những bước hướng dẫn ban đầu để đưa khái niệm cướp tập thể ngang nhiên, trắng trợn vào văn hóa dân tộc ăn ngay, ở lành. Nhất là hiện tượng như “Hoan nghênh Tòa án nhân dân đặc biệt” là những biểu hiện ban đầu của một chủ nghĩa cướp, giết bằng bạo lực và lấy bạo lực làm sự thỏa mãn cho tập thể, thay thế tình yêu thương được nuôi dưỡng từ ngàn đời trong cộng đồng người Việt từ trước cho đến khi đảng Cộng sản xuất hiện.

Thế rồi theo thời gian, nội dung các khẩu hiệu cũng thay đổi như “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt” hoặc “Thanh niên hăng hái lên đường bảo vệ Tổ Quốc”, hoặc “Kiên quyết tiến công vào nghèo nàn, lạc hậu”, hay “Đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH”…. Những thay đổi đó, phụ thuộc nhiệm vụ cách mạng từng giai đoạn và nhiều khi phụ thuộc vào câu nói hoặc ý nghĩ ngớ ngẩn nào đó từ một lãnh đạo cộng sản.

Chẳng hạn, ở Nghệ An đã có thời nhan nhản những khẩu hiệu như: “Mo cơm, quả cà và tấm lòng Cộng sản đi lên CNXH”, hay “Đưa mạ vào sân, đưa dân vào rú”… trong thời kỳ Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ Tĩnh Trương Kiện hô hào làm thủy lợi, làm ăn lớn đưa Nghệ Tĩnh quyết tiến thẳng lên Chủ nghĩa Xã hội.

Chẳng hạn, người ta vẫn gặp những khẩu hiệu được đúc bằng beton, dựng thành tường, thành bảng dọc theo mọi con đường đất nước cái câu này: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”. Đây là một câu nói hoàn toàn tối nghĩa. Bởi nếu đã là vàng, thì làm gì cũng quý chứ không cần phải “biết bảo vệ và xây dựng” mới “rất quý”. Nhưng, đó là câu nói mà đám tuyên giáo moi được của Hồ Chí Minh trong Bài nói tại Hội nghị Tuyên giáo miền núi, ngày 31/8/1963.

Chẳng hạn, người ta thấy nhan nhản khắp các phố phường, thôn quê và báo chí câu khẩu hiệu: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Đọc câu này, người ta chưng hửng không rõ tác giả định nói về việc thi đua cái gì? Bởi đâu phải cái gì cũng thi đua là yêu nước. Cả đất nước đang thi đua nhau lừa đảo, quan chức thi đua ăn hối lộ, tham nhũng để có tiền rừng bạc biển xây biệt phủ, sắm giang sơn riêng, gửi con ra nước ngoài mua tài sản, thi đua mua quốc tịch nước khác… Vậy có phải là yêu nước?

Tuyên ngôn độc lập Hồ Chí Minh 1945, tố cáo Thực dân Pháp đã “Đầu độc dân ta bằng rượu cồn, làm nòi giống ta suy nhược” bây giờ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tuyên bố: “Trước đây, ma túy bắt được tính bằng gam, nay tính bằng tạ, bằng tấn”. Và trên đường phố xuất hiện khẩu hiệu: “Ma túy không phải là trò chơi của trẻ em” – nghĩa là chỉ của người lớn?

Vậy cái thi đua đó cũng là yêu nước?

Ai cũng biết những câu nói ấy là ngớ ngẩn, vô nghĩa vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt như diễu nhại cả đất nước cứ nhắm mắt học tập, làm theo.

Và cho đến nay, khẩu hiệu vẫn luôn luôn đồng hành với người dân Việt Nam, nhiều khi nói lên ý định của đảng đang hô hào, nhiều khi để tôn vinh một cá nhân, thậm chí nhiều khi để nói lên những sự ngớ ngẩn của một lãnh tụ, một cán bộ nào đó. Những khẩu hiệu như “Thần tốc truy vết” rồi “Chống dịch như chống giặc” hoặc “Việt Nam là điểm đến”… cũng đã góp phần làm nên tội ác của đảng đối với người dân Việt trong đại dịch Covid-19 bằng nhiều hậu quả mà cụ thể nhất là hai đại án “Việt Á” và “Chuyến bay giải cứu”

Thanh niên Việt NamSống, chiến đấu, lao động và học tập…”

Khắp nơi nơi câu khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã trở thành điều không thể thiếu trong các hội trường, đường phố, tường nhà, trước cổng cơ quan, trường học cũng như trở thành khẩu ngữ của các cán bộ tuyên giáo chuyên ngành và tuyên giáo nghiệp dư.

Song song với những câu khẩu hiệu sáo mòn kia, là những câu như “Thanh niên Việt Nam quyết đi theo con đường mà đảng và bác đã chọn”.

Ngẫm lại những câu khẩu hiệu ấy, liên hệ vào một hiện tượng xã hội hiện nay, ta thấy điều gì?

Mới đây, ngày 30/01/2024 hàng loạt báo Việt Nam đăng tin: “Hàng ngàn người đội mưa rét đăng ký thi đi Hàn Quốc lao động”, nội dung như sau:

Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Nghệ An cho hay những ngày qua có khoảng 4.500 - 5.000 người tới trung tâm làm thủ tục đăng ký dự thi tiếng Hàn. Đơn vị tiếp nhận hồ sơ chia theo các huyện, thị xã trong 5 ngày, nhưng do lượng người tới đông nên cán bộ đơn vị phải làm thêm cả ngoài giờ để giải quyết cho người dân.

Nghệ An là tỉnh có số lượng người đi xuất khẩu lao động (nói chính xác là đưa công dân đi làm thuê, làm nô lệ cho nước ngoài) nhiều nhất cả nước. Báo Nhân Dân, cơ quan trung ương của ĐCS hồ hởi đưa tin như sau: “10 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An đã có 20.105 người đi xuất khẩu lao động, tăng gần ba lần so với năm 2021 và tăng gần gấp đôi so với bình quân nhiều năm.

Hiện nay, lao động Nghệ An chủ yếu đi Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Đông… với mức thu nhập khá cao, phổ biến từ 20-40 triệu đồng/người/tháng, gấp nhiều lần lao động nội tỉnh”.

Báo Tiền Phong viết: Trong số hơn 24.000 người đi lao động ở nước ngoài, 11 huyện miền núi đưa đi được 7.643 người, tập trung vào các thị trường chính như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Âu.

Theo thống kê, người lao động đi làm việc ở các nước chuyển về bình quân từ 17 đến 30 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, hơn 75.000 lao động đang làm việc tại nước ngoài gửi về cho người thân khoảng 500 đến 550 triệu USD, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội.

Hẳn nhiên, đây là con số những người đi theo diện nhà nước tổ chức cho công dân đi làm thuê chính thức, ngoài ra, hàng đoàn, hàng loạt các cá nhân tự phát đi “theo con đường của bác” lặn lội ra nước ngoài bằng các đường dây buôn người, bằng container lạnh, bằng vượt biên qua Mexico vào Hoa Kỳ và nhiều nơi khác khắp thế giới thì không tính nổi.

Còn Trung ương Đoàn TNCSHCM thì đã ghi trong nghị quyết rằng phấn đấu đưa 500.000 thanh niên đi xuất khẩu lao động nước ngoài.

Theo gương bác vĩ đại?

Như vậy, đảng CSVN đã bỏ qua những lời mà họ từng thề nguyền, từng dùng để sỉ nhục, chửi bới các quốc gia lân cận không theo Chủ nghĩa xã hội rằng đó là bọn “Chó săn đế quốc”, là những “Con đĩ chính trị”, “Công cụ của bọn tư bản” và ở đó chỉ có thối nát, lạc hậu và hủ bại… như chính hệ thống tuyên truyền đã dày công giáo dục cho thanh thiếu niên Việt Nam hiểu về những ưu việt của Thiên đường XHCN ở Việt Nam với “tính hơn hẳn” ra sao.

Nguyên nhân, chỉ bởi câu nói cha ông để lại: “Đói, đầu gối phải bò”.

Với đảng CSVN, đã phải vứt đi sự ngạo nghễ, tính kiêu ngạo mà muối mặt khi không dám to mồm so sánh “sự ưu việt của Chủ nghĩa xã hội” hay lớn giọng “Ai thắng ai” là một thất bại và là sự đau đớn của hệ thống tuyên giáo vốn quen thói kiêu ngạo cộng sản xưa nay.

Bởi dù vốn không ưa mấy quốc gia dân chủ, dù vốn khẳng định rằng “Chủ nghĩa xã hội sẽ thắng CN Tư bản ở năng suất lao động” và Việt Nam là đất nước đáng sống… nhưng con số 16 tỷ đola kiều hối gửi về chính thức năm 2023 vừa qua quả là con số quá lớn so với khả năng của đảng và nhà nước Việt Nam.

Và với miếng mồi ấy, thì mọi sự liêm sỉ đều vứt bỏ, mọi sự lớn giọng chỉ là tiếng kêu lạc lõng.

Vẫn theo tấm gương Hồ Chí Minh

Trước hiện tượng vừa nêu, đội ngũ Tuyên giáo lúng túng với chính những lời lẽ của mình đã từng kêu gào, đã từng rao giảng và họ thấy bí lối. Tuy nhiên, ngẫm lại thì chỉ vì họ đã không suy nghĩ chín chắn để tìm lối thoát trong tuyên truyền mà thôi.

Bởi ngày nay, thanh niên và công dân Việt Nam vẫn cứ thi đua “sống và làm việc theo gương bác hồ vĩ đại” đấy thôi. Cụ thể là:

Ngày xưa, khi lớn lên Hồ Chí Minh bỏ học dở lớp 5 rồi lên tàu ra nước ngoài làm bồi bàn. Thì ngày nay, thanh niên Việt Nam vẫn “tiếp bước con đường của bác” chẳng cần học hành, trốn vào container lạnh để ra nước ngoài làm thuê kiếm sống.

Điều khác nhau chỉ là ở chỗ: Ngày trước, khi ra nước ngoài, Hồ Chí Minh ở tại Paris đã hành nghề bằng cào tuyết, kiếm tiền chỉ lo nuôi chính bản thân mình. Ngày nay, thanh niên Việt làm đủ mọi nghề nghiệp và công việc, miễn có tiền gửi về nhà nuôi mẹ cha, vợ con ở nhà.  

Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo khẳng định thì khi ở Paris, Hồ Chí Minh đã tham gia làm hàng giả, hàng nhái và chính “bác” đã thực hiện những vụ lừa đảo ở đó như vụ giả đồ cổ, hợp đồng nhận tiền xong là đổi chỗ ở. Ngày nay, nhiều thanh niên Việt Nam theo gương bác, trốn ở lại chui nhủi làm đủ thứ việc bất chấp luật pháp đất nước sở tại. Theo Báo Tuổi trẻ cho biết: “đến nay toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 2.300 người lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc”.

Cũng theo tấm gương ấy, nhiều vụ ăn cắp đồ trong các siêu thị ở nước ngoài đã thành những đường dây làm nổi danh người Việt. Những chuyến vận chuyển hàng ăn cắp về Việt Nam tiêu thụ, hàng loat tiếp viên hàng không Việt Nam bị Nhật Bản bắt giữ gần đây là một ví dụ điển hình.

Đó là chưa nói đến những gian nan, khó khăn, đối với những người Việt Nam khi đến nơi xa lạ, khác biệt về văn hóa, nhiều khi bị đối xử phân biệt tàn tệ.

Đó là chưa nói đến những áp lực về tiền bạc, nợ nần mà họ phải cầm cố, vay mượn khi ra đi bán thân ở nước ngoài cũng như những khó khăn của gia đình, người thân ở quê hương.

Đó là chưa kể đến những hậu quả, những vấn nạn gia đình khác khi những người vợ, người mẹ phải lìa chồng ra đi xa kiếm ăn nuôi mình, nuôi gia đình và nuôi đảng.

Đó là những người chồng, người cha phải lìa xa vợ con, quê hương, cha mẹ để “bán thân đổi mấy đồng xu” ở nước ngoài thậm chí nhiều khi trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Ở đó, mọi bi kịch cuộc sống đều rất dễ diễn ra và những khi đó, người dân Việt ngấm hết “con đường bác và đảng đã chọn” có sự cay đắng đến nhường nào.

Nhưng, ngược lại, trong việc xuất khẩu lao động này, chỉ có đảng thực hiện xuất sắc phương châm là “Không mất gì mà được thì được tất cả” – theo đúng lý thuyết cách mạng của Chủ nghĩa Mác – Lenin.

31.01.2024

J.B Nguyễn Hữu Vinh