You are here

Tại sao người Thượng ở Tây Nguyên muốn ly khai để thành lập Nhà nước Đề Ga độc lập?

Ảnh của nguyenvandai

Trong phiên toà xét xử 100 bị cáo của vụ án Đắk Lắk vừa diễn ra, các cơ quan tiến hành tố tụng và bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền CSVN đã cáo buộc những người Thượng đã gây ra cái gọi là vụ “khủng bố” 11 tháng 6 và có âm ưu ly khai để thành lập Nhà nước Đềga độc lập.

Trước hết chúng ta tìm hiểu xem ly khai, chủ nghĩa ly khai là gì?

Ly khai hay chủ nghĩa ly khai là một hành động dân tộc chủ nghĩa của một dân tộc hay một nhóm người nào đó muốn đòi tách ra khỏi chính quốc để thành lập một quốc gia riêng, độc lập. Các phong trào ly khai thường nhìn thấy ở các quốc gia đa tôn giáo, đa dân tộc.


Nguyên nhân dẫn đến ly khai hay chủ nghĩa ly khai?

Nguyên nhân thứ nhất là do sự phân biệt đối xử về sắc tộc. Các dân tộc bản địa bị chính quyền trung ương và địa phương tước đoạt các quyền lợi về chính trị, kinh tế, đất đai, văn hoá xã hội. Họ bị phân biệt đối xử và bị thiệt thòi trong các chính sách kinh tế, xã hội.

Thứ hai, có thể do bất đồng khi phải sống chung với nhau trong một quốc gia khi mà nhiều nhóm người trong quốc gia đó có nhiều dân tộc với các nét văn hóa khác nhau nên khi sống chung có thể họ sẽ đối đầu nhau về sự khác biệt phong tục, tôn giáo, chính trị dẫn đến xung đột sắc tộc, tôn giáo,... và phải sống riêng bằng cách bỏ phiếu ly khai.

Với một hoặc nhiều nguyên nhân nêu trên đã dẫn đến các phong trào đấu tranh đòi ly khai để thành lập quốc gia độc lập. Bởi vì những người muốn ly khai cho rằng khi họ có một quốc gia độc lập thì tất cả các dân tộc bản địa sẽ có được tất cả các quyền lợi về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội,…, mà họ đã bị tước đoạt.

Các phong trào ly khai trên thế giới và giải pháp để chống lại việc ly khai?

Nhiều thế hệ và tổ chức chính trị của người dân Scotland, Vương Quốc Anh đã vận động, thông qua trưng cầu dân ý để tách Scotland ra khỏi Vương Quốc Anh. Nhưng tất cả đều thất bại.

Chính quyền trung ương của Vương Quốc Anh đã trao cho Scotland rất nhiều các quyền lợi về chính trị và kinh tế đã khiến cho đa số người dân Scotland rất hài lòng và không muốn tách ra khỏi Vương Quốc Anh.

Ví dụ: Scotland có ngân hàng trung ương và đồng tiền riêng, nhưng có cùng giá trị được sử dụng trên toàn bộ Vương Quốc Anh. Scotaland có quốc hội, chính quyền, ngân sách, chính sách xã hội,… độc lập với Vương Quốc Anh. Scotland chỉ không có Bộ ngoại giao và Quốc phòng.

Hay như xứ Catalunya muốn ly khai khỏi Tây Ban Nha để có nền kinh tế phát triển hơn. Nhưng chính quyền trung ương Tây Ban Nha thực thi cùng lúc hai chính sách: Một là đàm phán và chấp nhận cho xứ Catalunya thêm nhiều đặc quyền về kinh tế, chính trị, xã hội; thứ hai là trừng trị nghiêm những người kích động phong trào ly khai.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã đối xử với đồng bào người Thượng ở Tây Nguyên ra sao để dẫn đến phong trào ly khai đòi thành lập Nhà nước Đềga độc lập?

Tây Nguyên gồm 5 đơn vị hành chính cấp tỉnh bao gồm: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng với diện tích 54.451,5km2, có đường biên giới với Lào và Cam-pu-chia; trên địa bàn có 54 dân tộc cùng sinh sống, dân số khoảng 5,7 triệu người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 33%.

Vùng đất Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh của Việt Nam.

Đáng lẽ ra với tầm quan trọng của Tây Nguyên như vậy thì nhà cầm quyền CSVN phải có các chính sách ưu đãi, ưu tiên về chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội cho các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. Giúp đồng bào các dân tộc Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ về kinh tế, góp phần phát triển và bảo vệ đất nước.

Nhưng kể từ sau 30 tháng 4 năm 1975, nhà cầm quyền CSVN đã thực hiện các chính sách hà khắc và vô nhân đạo với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên.

Thứ nhất, chính sách di dân và thành lập các nông trường quốc doanh tước đoạt đất đai của đồng bào người Thượng;

Thứ hai, chính sách đàn áp tôn giáo. Nhà cầm quyền CSVN đã cướp đoạt và đốt phá các cơ sở tôn giáo, cấm đồng bào người Thượng thực hành các quyền tự do tôn giáo. Hiện nay, thì nhà cầm quyền CSVN đã đàn áp và cưỡng ép các tổ chức Tin Lành độc lập phải gia nhập vào các Tổ chức Tin Lành do nhà cầm quyền bảo hộ. Nhiều đồng bào người Thượng đã bị bỏ tù hoặc phải chạy trốn ra nước vì bảo vệ niềm tin và cách sinh hoạt tôn giáo độc lập của họ.

Thứ ba, nhà cầm quyền CSVN dung túng cho các công ty, tập đoàn tư nhân, nông lâm trường cưỡng đoạt đất đai của đồng bào người Thượng và bồi thường cho họ với giá rẻ mạt. Điều này gây ra sự phẫn nộ của các dân tộc bản địa.

Thứ tư, nhà cầm quyền dung túng cho các quan chức hủ bại, đại gia, các doanh nghiệp tư nhân cấu kết với ngân hàng để chiếm đoạt đất đai của người dân thông qua việc cho vay.

Thứ năm, nhà cầm quyền CSVN với các quan chức hủ bại đã thực hiện các chính sách kinh tế, phúc lợi xã hội bất bình đẳng giữa những người dân di cư với những đồng bào dân tộc bản địa.

Tất cả các yếu tố trên đã gây ra sự bất bình và phẫn nỗ của đồng bào người Thượng ở Tây Nguyên.

Điều đã dẫn đến những tư tưởng đòi ly khai và được các tổ chức chính trị của người Thượng khai thác và vận động.

Làm sao để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, không để cho chủ nghĩa ly khai có đất để tồn tại?

Thứ nhất, phải tiến hành dân chủ hoá triệt để ở Việt Nam. Tôn trọng quyền con người, quyền tự do, dân chủ của tất cả mọi người Việt Nam trong đó có đồng bào Thượng và các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.

Thứ hai, có các chính sách ưu tiên đặc biệt về chính trị, pháp luật, kinh tế, văn hoá xã hội cho đồng bào người Thượng và các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.

Thứ ba, cho phép thành lập cơ quan đại diện của tất các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.

Đảng và nhà cầm quyền CSVN có đủ tâm, tầm và bản lĩnh để thực hiện không?

Theo quan điểm của tôi thì đảng và nhà cầm quyền CSVN không có đủ tâm, tầm và bản lĩnh để thực hiện các kiến nghị trên.

Bởi vậy, người dân Việt Nam muốn bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại chủ nghĩa ly khai một cách hiệu quả thì con đường duy nhất là phải đấu tranh đòi lại quyền làm chủ đất nước và quyền tự quyết dân tộc.