Lời Giới Thiệu: Trần Đông Đức của blog RFA tiếp tục giới thiệu phần tiếp theo của "Phóng Sự Lý Sơn" của Mẹ Nấm. Mẹ Nấm và những người bạn trong nhóm đã đến tận đảo Lý Sơn để làm một chương trình phóng sự về ngư dân đã từng sống nhờ vào ngư trường trên quần đảo Hoàng Sa nay đang bị Trung Quốc xâm chiếm. Xin cám ơn Mẹ Nấm đã cho phép đăng tải những thông tin và hình ảnh đến cho độc giả của blog RFA trong và ngoài nước.
AI ĐANG BẢO VỆ NGƯ DÂN?
Trong bài viết trước "Ai đang bám biển cùng ngư dân?" tôi có chia sẻ cùng mọi người câu chuyện của những người thân trong gia đình ngư dân Lê Văn Huy.
Hôm nay, viết tiếp những dòng này, tôi xin chia sẻ cùng mọi người, những khó khăn và những mối băn khoăn thực sự của những con người đang ngày đêm bám biển đảo quê hương.
Bạn và tôi, chúng ta đã được dạy yêu quê hương qua từng tấc đất, thì với những ngư dân này, họ yêu biển, yêu ngư trường bởi ngoài ý nghĩa quê hương, đó còn là máu thịt, là cuộc sống của họ. Họ ra biển, đối mặt với thử thách thiên tai bằng kinh nghiệm đi biển. Và day dứt bởi rất cần "sự bảo lãnh" từ phía chính quyền để "vô tư đi làm" và đối mặt với những "rủi ro vì bị bắt".
Có hay không chuyện "môi giới chuộc người"?
Cùng là nghề đi biển, nhưng ngư dân lại phân loại thành 2 nghề khác nhau: nghề lặn và nghề lưới. Những đội tàu làm nghề lặn có vẻ khá giả hơn đội tàu làm nghề lưới. Nói khá giả hơn, không có nghĩa là những người đi lặn giàu hơn những người làm lưới. Bởi bản chất của nghề lặn nguy hiểm và cực khổ hơn nghề lưới rất nhiều. Có lẽ vì thế mà sau khi khai thác, sản phẩm thuđư ợc của nghề lặn được trả giá cao hơn. Khi có sự cố nhân tai xảy ra, các tàu lặn thường trở về sau khi "nậu" (tức người bỏ tiền ra bao trọn sản phẩm đánh bắt trên tàu) đồng ý bỏ ra một khoản tiền lớn cùng với chủ tàu để chuộc tàu về. Mỗi con tàu "bị chuộc", sẽ được cấp cho một giấy chứng nhận là đã nộp phạt, để lần sau nếu bị bắt, có may mắn thì sẽ được tha. Với những người đi lưới thì khó hơn một chút, nên đa phần họ chấp nhận bị bắt, bị đánh, bị tịch thu ngư cụ. Đa số ngư dân trên đảo Lý Sơn chọn nghề lặn mưu sinh, trong khi đó ngư dân Quảng Ngãi lại chọn nghề lưới làm ngư nghiệp cho mình.
Theo chị Võ Thị Tam, vợ anh Lê Văn Huy cho biết, khi anh bị bắt giam, chị đã phải vất vả thuê xe lên tận thành phố Quảng Ngãi, để tìm "người môi giới" ở đây tiến hành "đàm phán thả người" giúp chị. Mỗi lần đi lại như thế rất tốn kém, vì phải mời cơm nước và "lót tay" cho họ. Người môi giới ở đây có thể là người biết tiếng Trung Quốc ở Quảng Ngãi, nhưng cũng có thể là người có kinh nghiệm và nắm rõ các trình tự "chuộc người" ở Đà Nẵng.
Tất cả những việc này đều do gia đình những người bị nạn tự lo, theo đúng con đường "ngoại giao nhân dân" với hải quân Trung Quốc (nhưng hoàn toàn vắng bóng nhân viên Bộ ngoại giao), để chuộc lấy người thân của mình về.
Ngư trường truyền thống và đường lưỡi bò :
Chúng ta - những người có điều kiện tiếp cận với báo chí với Internet hàng ngày, được nghe, được thấy nhiều về cái gọi là "yêu sách đường lưỡi bò" trên bản đồ hải giới của Trung Quốc. Nhưng với những ngư dân bám biển, họ khó có thể hình dung được việc này. Với họ, ngư trường truyền thống là vùng biển mà nơi bao thế hệ người Việt xưa này đã đến và khai thác ở đó. Thử lắng nghe bạn nhé.
Theo lời anh Võ Văn Tư, em vợ của ngư dân Lê Văn Huy: "Vùng biển Việt Nam mình đây rất là rộng lớn chứ không phải hẹp đâu. Nhưng mà bây giờ thằng Trung Quốc nó xâm chiếm nhiều quá. Trên tuyến đường mình đi ra, Việt Nam gọi đó là đảo Tri Tôn đó, khi mình muốn chạy qua vùng biển của Trung Quốc đó, thì mình phải đi dưới đảo của nó rất là xa mình mới đi qua được. Đó là những chiếc tàu lớn đi thẳng ra Trung Sa để làm, còn những chiếc tàu nhỏ thì phải đi trong vùng biển Hoàng Sa để khai thác, chứ tàu nhỏ quá không thể đi ra Trung Sa thì không được sẽ nguy hiểm đến tài sản và tính mạng.
Việt Nam mình nói vùng đảo Hoàng Sa là của Việt Nam thì ngư dân mình cứ ra đó khai thác mà khai thác thì cuối cùng cứ bị tàu của Trung Quốc nó bắt miết. Hễ mà nó bắt thì anh nào có tiền nộp thì về, anh nào không có thì nó bắt nhốt ở bển. Nên đời nó có những cái đặc biệt như vậy".
Những sự đặc biệt khó hiểu trong đời ngư phủ của mình như anh Tư tâm sự buông khẽ cuối câu, có thể không quá lạ với anh - với những người phải đối mặt với mối nguy hiểm đến từ "người láng giềng" trên biển thường xuyên, nhưng nghe xong, chúng tôi thấy thật đắng lòng.
Giải pháp nào cho ngư dân Việt?
Khi được hỏi: "Nếu có điều kiện để tiếp tục nghề làm biển thì anh (chị) hy vọng điều gì?"
Tôi đã nhận được câu trả lời: "Đảo Việt Nam phải có dân Việt Nam, nhưng mà người dân ở đây ra đó thì bị bắt hay bị đánh đập gì đó mà anh không can thiệp được thì người dân họ phải băn khoăn chứ? Sắp tới đây anh lại ra biển làm ăn, người dân ở đây chỉ mong được nhà nước che chở cho những người dân lao động nếu có xảy ra rủi ro tai nạn".
Toàn những băn khoăn thắc mắc mà tôi, một công dân nước Việt Nam như anh, không thể nào trả lời.
Trách nhiệm này thuộc về ai?
Khi những người Việt Nam tại Sài Gòn và Hà Nội đồng loạt xuống đường trong tháng 6, tháng 7 và tháng 8 vừa qua để bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi gây hấn, xâm lược của Trung Quốc và đòi hỏi phải có chính sách bảo vệ ngư dân trên biển Đông bị dè bĩu bằng những cụm từ đánh tráo khái niệm như "đi ngang qua", "tụ tập đông người", "gây rối trật tự nơi công cộng"... trong đất liền. Thì ngoài biển xa, những người Việt Nam chọn cho mình nghiệp mưu sinh bằng cách bám biển vẫn phải tự mình đương đầu với tên láng giềng xấu bụng tham lam.
Khi những người tham gia biểu vẫn còn tiếp tục bị sách nhiễu, bị thẩm vấn, bị buộc phải thôi việc vì bày tỏ tình yêu với đất nước và sự đồng cảm với đồng bào mình. Thì có lẽ, câu trả lời cho câu hỏi "Trách nhiệm này thuộc về ai?" và "Ai bảo vệ ngư dân?" không còn là một sự câm lặng khó hiểu.
Nó đã được trả lời bằng một cách khác - đau đớn hơn và tủi nhục hơn.
Về đâu ngư dân Việt Nam ngay trên chính ngư trường truyền thống của mình?
Mẹ Nấm
Bài bình luận
Nhân Dân tự quản
them mot ti
Da' da'o công sãn viêt nam