You are here

Nuôi án là gì? Bà Trương Mỹ Lan có bị nuôi án trong vụ Vạn Thịnh Phát?

Ảnh của nguyenvandai

Ngày 20 tháng 6 năm 2023, phát biểu trong phiên thảo luận tổ tại quốc hội. Bộ trưởng CA Tô Lâm cho biết: “Tội phạm ngay ở xã thôi, có mầm mống tội phạm là dân biết hết”.

Với mạng lưới một công an giám sát hơn 30 người dân thì ngành công an nắm rõ mầm mống tội phạm hơn ai hết. Nhưng tại sao hầu hết các băng nhóm tội phạm hình sự hay kinh tế đều hoành hành trong thời gia dài từ nhiều năm tới hơn một thập kỷ mới bị triệt phá?


Trong thời gian hành nghề luật sư từ năm 1997 tới năm 2007, tôi đã nghe nhiều lần các đồng nghiệp nói về vấn nạn “nuôi án” của ngành công an.

Nhưng trong thời gian tôi bị tạm giam ở Trại tạm giam số 1 Công an TP. Hà Nội từ ngày 6 tháng 3 năm 2007 tới ngày 4 tháng 1 năm 2008. Tôi đã bị giam chung với đủ các loại tội phạm như chủ chứa mại dâm, cờ bạc, ma tuý, tội phạm kinh tế,… Tôi đã được nghe những bị can cùng buồng giam kể lại rằng ngay khi họ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì đã bị công an cấp xã, phường và quận huyện phát hiện. Nhưng công an không bắt, mà họ đòi tiền bảo kê hàng tháng. Sau nhiều năm vi phạm pháp luật thì họ bị công an cấp thành phố bắt. Lúc đó, họ mới hiểu rằng họ đã bị “nuôi án”. Tới lúc công an thấy cần phải xử lý thì công an cấp dưới báo cho công an cấp trên bắt để lập thành tích.

Vậy nuôi án là gì và mục đích của nuôi án?

Nuôi án là khi phát hiện những hành vi phạm tội của tổ chức, cá nhân thì ngành công an sẽ không tiến hành vô hiệu hoá hay triệt phá ngay mà để cho nó lớn. Thành tích phạm tội của các tổ chức, cá nhân ngày càng lớn, tới mức có nguy cơ bùng nổ thì lúc đó ngành công an mới tiến hành triệt phá. Hoặc khi ngành công an cảm thấy tội phạm đã quá lớn, quá nguy hiểm thì họ mới tiến hành triệt phá.

Mục đích của nuôi án?

Thứ nhất, với một số loại tội phạm, nếu triệt phá lúc tội phạm mới manh nha thì không có thành tích hoặc thành tích không đáng kể.

Thứ hai, khi công an nuôi án thì sẽ được các tổ chức, cá nhân tội phạm nuôi trở lại bằng cách nộp tiền bảo kê cho công an hàng tháng. Công an và tội phạm trở thành mối quan hệ cộng sinh với nhau.

Ví dụ: Các băng đảng xã hội đen, các tổ chức tín dụng đen, các tổ chức tội phạm kinh tế thường là công cụ của ngành công an, chúng sống dựa vào nhau.

Thứ ba, cấp dưới nuôi án để cấp trên bắt lập thành tích.

Ví dụ: Công an cấp xã, phường nuôi án ma tuý, cờ bạc, mại dâm,… sau khi chúng ăn chán thì thông báo để cấp quận sẽ bắt; cấp quận nuôi thì cấp thành phố sẽ bắt; cấp thành phố nuôi thì cấp bộ sẽ bắt.

Phải nói, nuôi án là một thủ đoạn bất nhân, bất nghĩa của ngành công an. Nhìn về ngoài là thành tích này thành tích nọ, nhưng tự bên trong, những vụ đại án có được là do công an nuôi lớn. Trong thời gian được nuôi, bọn tội phạm có đủ thời gian để gây cho xã hội bất an, và gây ra cho nạn nhân của chúng rất nhiều đau thương và mất mát. Đồng thời giới tội phạm kinh tế, hình sự nuôi béo lực lượng công an.

Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát có được nuôi án không?

Ở cấp Bộ công an và sở công an có cơ quan cảnh sát kinh tế và an ninh kinh tế. Nhiệm vụ của họ là trinh sát, theo dõi mọi hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Cơ quan an ninh và cảnh sát kinh tế với các biện pháp nghiệp vụ và mạng lưới đặc tình thì bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB,… có bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào thì đều bị phát hiện nhanh chóng.

Một bằng chứng rõ ràng nhất đã được báo chí Việt Nam đăng tải công khai là trong phiên toà xét xử cựu đại tá, Phó Giám đốc Công an TP. Hải Phòng là ông Dương Tự Trọng. Ông Dương Chí Dũng là em trai đã ra toà với tư cách nhân chứng. Ông Dương Chí Dũng đã khai rằng ông Dũng đã nhận 1 triệu đô la Mỹ từ bà Trương Mỹ Lan để đưa cho ông Phạm Quý Ngọ, lúc đó là thượng tướng, thứ trưởng Bộ công an.

Mục đích là để ông Ngọ và Bộ công an bỏ qua những hành vi vi phạm pháp luật của bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát trong vụ mua cảng Sài Gòn.

Và lời khai này đã không được Bộ công an tiến hành xác minh, điều tra. Dư luận người dân cho rằng lúc đó bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát đang được những quan chức hàng đầu của TP. Hồ Chí Minh bảo kê.

Nhờ đó mà bà Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát trượt dài trên con đường phạm tội.

Báo công an ngày 11 tháng 1 năm 2023 đưa tin, trong cuộc gặp mặt cựu lãnh ở TP. HCM ngày 10 tháng 1 năm 2023, Bộ trưởng công an Tô Lâm cho biết là Bộ công an đã biết các sai phạm của tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ năm 2017. Và Bộ công an đã vào cuộc từ 4-5 năm qua.

Trong các tội danh mà bà Trương Mỹ Lan bị Cơ quan CSĐT Bộ công an đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp truy tố có tội “tham ô”. Vì bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt khoảng 304.000 tỷ đồng từ SCB.

Tội tham ô chỉ được áp dụng cho những người bên ngoài khu vực nhà nước từ ngày 1 tháng 1 năm 2018 theo qui định tại Bộ luật hình sự năm 2015.

Như vậy những sai phạm nghiêm trọng của bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát và SCB bắt đầu từ năm 2018.

Rõ ràng, Bộ trưởng Tô Lâm và Bộ công an đã biết sai phạm của bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát và SCB từ năm 2017. Nhưng Bộ công an đã không ngăn chặn, xử lý ngay mà còn “nuôi” cho tổ chức tội phạm này lớn mạnh.

Vụ án Vạn Thịnh Phát đã trở thành vụ án kinh tế lớn nhất về qui mô và thiệt hại trong lịch sử Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.

Những kẻ chuộc lợi trong việc “nuôi án” chính là ngành công an và các quan chức từ địa phương tới trung ương bảo kê cho Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát.

Nạn nhân là hàng chục ngàn người dân vô tội, nền kinh tế của đất nước và môi trường kinh doanh bị nhiễm độc bởi nạn tham nhũng.