You are here

Những con rồng tre: Ngoại giao cây tre hay dây bìm bìm?

Ảnh của nguyenhuuvinh

Những tác phẩm trong công cuộc “thần thánh hóa”.

Trong suốt quá trình lục lọi các câu chuyện thật, giả, tốt, xấu để tô son điểm phấn, để trang điểm cho nhân vật Hồ Chí Minh trở nên thần thánh, trở thành “Người Việt Nam đẹp nhất, danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc”… và đủ thứ danh hiệu gắn cho Hồ Chí Minh, có nhiều câu chuyện được coi như là những thành tích, những điển hình của sự nghiệp hoạt động của Hồ Chí Minh.

Mặc dù Hồ Chí Minh đã đáp ứng nhu cầu tô vẽ, khai thác cá nhân Hồ Chí Minh của hệ thống tuyên truyền của đảng bằng những tác phẩm do chính Hồ Chí Minh viết ra dưới danh nghĩa và tên người khác, nhằm để “tiết lộ” về chính mình với những cái cao đẹp, cái tử tế, cái tài giỏi… qua hai tác phẩm để đời là “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” lấy tên Trần Dân Tiên và tác phẩm “Vừa đi đường, vừa kể chuyện” lấy tên là T. Lan, chính Hồ Chí Minh đóng vai một người đi theo Hồ Chí Minh để mô tả những điều tốt đẹp về Hồ Chí Minh.

Nhưng vẫn chưa đủ.

Hệ thống tuyên truyền của đảng đã tập hợp tất cả “Trí tuệ và tài năng” của cả đất nước nhằm tiến hành công cuộc thần thánh hóa Hồ Chí Minh ở mức cao nhất. Một hệ thống các thợ viết, các văn, nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn, nhà thơ và đủ mọi thứ “nhà” khác được huy động để mà ca ngợi, mà mô tả, mà nâng tầm, mà đưa Hồ Chí Minh lên ngang tầm Chúa, Phật… Đủ mọi loại câu chuyện thêu dệt về Hồ Chí Minh được truyền bá bằng đủ mọi cách, mọi hình thức từ hệ thống truyền thông “chính thống” với cả ngàn tờ báo đài phát thanh truyền hình, đủ mọi loại tuyên truyền viên bằng miệng, dư luận viên… thả sức thêu dệt, miễn là đưa Hồ Chí Minh lên mức cao nhất, kể cả là Danh nhân Văn hóa thế giới cũng chẳng sao.

Những câu chuyện đó, chẳng mấy khi được kiểm chứng một cách khoa học, hoặc nếu có thì cũng là sự thiên kiến, thêu dệt có chủ đích tuyên truyền, nên nhiều khi đã trở thành câu chuyện lố bịch và “gậy ông lại đập lưng ông”, nghĩa là phản tác dụng một cách lố bịch mà hệ thống tuyên giáo đảng không cưỡng nổi.

Chẳng hạn câu chuyện Hồ Chí Minh khi ở Paris làm nghề cào tuyết kiếm sống, đã được Hoàng Chí Bảo - một chuyên gia bịa chuyện để ca ngợi Hồ Chí Minh đến mức được phong hàm “Giáo sư” - kể lại và khẳng định là “Câu chuyện này đã được “Bác” xác nhận khi còn sống”. Rằng Hồ Chí Minh đã lừa một doanh gia tại đó khi nhận hợp đồng viết thơ Tàu lên đồ gốm giả cổ. Nhưng khi nhận hợp đồng xong, viết lăng nhăng những khẩu hiệu chính trị vào đó, xong nhận tiền rồi đổi chỗ ở ngay. Báo hại thương gia đó suýt bị đi tù bởi cảnh sát truy vấn. Nhưng khi tìm đến thì “Bác ta” đã cao chạy xa bay sau khi nhận tiền.

Câu chuyện đó, được Hoàng Chí Bảo kể công khai trên các diễn đàn để ca ngợi sự nhanh nhẹn, thông minh của “bác ta”. Thế nhưng, người ta đã chỉ ra rằng, đó là một điển hình của thói làm ăn lừa đảo mà ngày nay ở Việt Nam, sau một quá trình mấy chục năm “Học tập và làm theo” thì kết quả là đã không chỉ trong lĩnh vực sản xuất hàng giả, mà khắp mọi lĩnh vực từ mạng xã hội đến đời thường, từ lừa đảo đơn giản đến tinh vi, từ những tên đầu trộm đuôi cướp hành nghề cho đến các cán bộ công an của đảng… nhất loạt đã học tập, làm theo xuất sắc.

Con rồng tre năm xưa

Cũng trong quá trình đó, câu chuyện “Con rồng tre” được hệ thống đảng ca ngợi, gắn cho câu chuyện này thuộc tác giả là Nguyễn Ái Quốc mà theo đảng nói, đó là Hồ Chí Minh.

Hẳn nhiên, cũng như cái tên Nguyễn Ái Quốc gắn với những tác phẩm từ tác giả mang tên này, vẫn đang là một đề tài mà người ta bàn cãi. Bởi Nguyễn Ái Quốc từng được coi là một nhóm tác giả gồm dăm sáu người lập ra khi ở Pháp để cùng nhau viết lách, hoạt động chứ không phải là Hồ Chí Minh sau này.

Nhưng, cứ cho là của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh theo sự tuyên truyền của đảng, ta thấy điều gì?

Theo các tài liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh đưa ra, thì tác phẩm “Con rồng tre được cho là Hồ Chí Minh viết dưới bút danh Nguyễn Ái Quốc. Kịch bản Con rồng tre được Nguyễn Ái Quốc viết bằng Pháp ngữ và được Léo Poldes (1891-1970), một nhà báo người Pháp, chủ nhiệm câu lạc bộ Faubourg, cho công diễn tại ngoại ô thành phố Paris.

Nội dung của vở kịch: Một gốc tre được người chơi đồ cổ gọt thành con rồng để trang trí trong phòng khách. Hình dáng rồng nhưng thực chất chỉ là gốc tre.

Mục đích của vở kịch này nhằm để đả kích vai trò của vua Khải Định thuộc triều Nguyễn khi đến thăm Pháp ngày 18/6/1922 để tham gia Hội chợ thuộc địa Marseille.

Theo nhà báo này viết lại, thì "Con Rồng tre" đầu đề kịch bản chỉ một vị Quốc trưởng Á Đông, đớn hèn bất lực và ngu dốt, mà tác giả không hà tiện lời chế diễu một cách cay nghiệt, hóm hỉnh suốt trong ba hồi. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chỉ là câu chuyện mà theo như “đảng ta” khẳng định là có thật, là của Nguyễn Ái Quốc, tức là của Hồ Chí Minh thật, thì đến nay cũng chưa ai biết cái kịch bản đó ra sao.

Đến nay, người ta vẫn chưa tìm thấy văn bản "Con rồng tre" ấy. Những lời được ghi chép kia cũng là những lời đồn đại và được hệ thống tuyên giáo đảng đưa vào để nâng tầm Hồ Chí Minh mà thôi.

Và những con rồng tre hôm nay

Trước những đòi hỏi thiết thực và cấp bách của tình hình chính trị thế giới sau cuộc xâm lược mà Nga tiến hành một cách trắng trợn, phi nghĩa và tàn bạo với một quốc gia độc lập có chủ quyền là Ukraine, cả thế giới đồng thanh lên án Nga, một biểu hiện của Chủ nghĩa phát xít, xâm lược, thì nhà cầm quyền Việt Nam trở nên lúng túng trước con mắt của thế giới và của nhân dân.

Bởi nếu cứ theo truyền thống mở miệng ra là ủng hộ Nga – một “quan thầy truyền thống” của Việt Nam cộng sản, thì trước mắt sẽ ăn nói ra sao với cả thế giới khi vẫn cứ leo lẻo là vì chính nghĩa, phản đối xâm lược, tôn trọng độc lập, chủ quyền…

Bởi vận mệnh và tình trạng của đất nước Ukraine trước Nga, chẳng khác mấy tình trạng Việt Nam trước bọn bá quyền bnfh trướng Bắc Kinh ở phía Bắc luôn rình rập, dòm ngó và chưa bao giờ bỏ ý định xâm lăng đất nước Việt Nam và chúng chẳng giấu diếm ý đồ này. Hàng loạt các lãnh thổ như Hoàng Sa, một số đảo Trường Sa và nhiều địa danh đang dưới gót giày quân xâm lược, kể cả chính thức được “bàn giao quản lý” và kể cả chính thức và không chính thức.

Trong khi đó, mối quan hệ đem lại nhiều tiền bạc và uy tín trên trường quốc tế, giải thoát khỏi sự cô lập với xã hội văn mình của loài người, là mối quan hệ với Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác.

Đó là một sự chọn lựa không hề dễ dàng cho nhà cầm quyền Việt Nam khi “Ý đảng” đang ngược với “Lòng dân”.

Trước những mối quan hệ chính trị, quốc phòng khó có thể chọn lựa dứt khoát giữa một bên là quyền lợi của đảng độc tài cai trị, một bên là cơ đồ, lãnh thổ đất nước, nhà cầm quyền Việt Nam đặt ra cái gọi là “Ngoại giao Cây tre”. Để rồi khi đem ra áp dụng cái đường lối ấy, nghĩa là cách sống nghiêng ngả, uốn éo về phía có lợi cho mình, bất chấp phía đó là tốt hay xấu, đúng hay sai, miễn là có thể thực hiện được điều mà dân gian vẫn còn nhắc lại: “Ngoại giao Vắc Xin” – một cách làm ranh mãnh không cống hiến co sự nghiệp chung của loài người, trái lại chỉ nhăm nhăm để xin xỏ, để thủ lợi cho mình. Vậy mà hớn hở bảo nhau rằng: Vụ xin xỏ ấy, mình được lợi gần cả tỷ đola mà không hề có ngượng.

Với đường lối ngoại giao “Cây tre – Vắc xin” ấy, vừa qua, Việt Nam nâng tầm quan hệ Việt – Mỹ lên hai bậc, và Việt – Nhật lên “Đối tác chiến lược, toàn diện”, mức cao nhất

Hình ảnh cây tre được đem ra cũng không hẳn giống nhau trong mọi trường hợp.

Người ta thấy khi đón tiếp Biden, Tổng thống Hoa Kỳ, thì hình ảnh cây tre đằng sau là những cây tre thẳng thớm, những “đoạn tre” được đưa lên bằng hình ảnh trên màn hình như đang ở trong rừng vậy.

Tuy nhiên, khi đón Tập Cận Bình, thì “cây tre” đã đổi khác. Ở buối đón tiếp Tập Cận Bình, thì cả Trọng và Tập đều được che bóng bơi hai con rồng tre… giả. Đó là những cây tre, cây trúc đã được uốn lượn thành những con rồng giả.

Hai cây tre được bẻ cong để uốn lượn che đầu Tập và Trọng như ý nói lên rằng: Đường lối “Ngoại giao Cây tre” của Việt Nam cũng uyển chuyển, uốn éo tùy từng chủ, từng người chứ không phải khi nào cũng thẳng, cũng là tre, là trúc đâu.

Trong đời sống xã hội Việt Nam, cây tre, cây trúc là loài cây thể hiện sự quân tử, sự đàng hoàng, đĩnh đạc. Tác giả Thép Mới viết rằng: “Tre, nứa, trúc, mai, vầu, mấy chục loại khác nhau, nhưng cũng một mầm non măng mọc thẳng. Vào đâu, tre cũng sống. Ở đâu, tre cũng xanh tốt. Dáng tre vươn mộc mạc, mầm tre tươi nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre ấy trông thanh cao, giản dị, chí khi như người… Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất phục. Người xưa có câu: “Trúc dẫu cháy, đốt ngang vẫn thẳng”. Tre là thẳng thắn, bất khuất”.

Cây tre, là biểu hiện của sự thẳng thắn, sự bất khuất, sự trung thực, dù gió bão chuyển lay, nhổ đi cả bụi tre, bẻ gãy hàng loạt, xô ngả nghiêng bằng những trận cuồng phong, thì “Trúc dẫu cháy, đốt ngang vẫn thẳng”. Điều đó, hoàn toàn ngược lại, khác với thái độ và cách sống lươn lẹo, xu nịnh, cơ hội nhằm kiếm ăn bất chấp liêm sỉ, tư cách của con người.

Thế nên, khi người cộng sản sử dụng hình ảnh cây tre, thì cây tre ấy đã được uốn éo, đã được bẻ cong cho thành rồng, thành phượng, nhưng là đồ giả thì khi đó, mọi vấn đề được người dân hiểu theo nghĩa khác.

Nhìn những hình ảnh ấy, người ta nhớ lại vở kịch được cho là của Hồ Chí Minh “Con rồng tre”. Con rồng tre, tưởng là con rồng, nhưng không là rồng, mà là giả rồng, nghĩa là chỉ là con rối, là bù nhìn, chẳng có tác dụng trong đời sống xã hội.

Vì sao vậy?

Chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình đã kết thúc trong sự thờ ơ, thậm chí khinh bỉ của người dân Việt Nam.

Những ngày Tập đến Việt Nam, là những ngày dâng lên trong dư luận cũng như trên mạng xã hội không chỉ là sự hoài nghi, mà là sự ấm ức, phẫn nộ của nhân dân.

Những hàng cây, những hàng cờ xí rợp trời, một màu đỏ rực lên như nhắc nhở người dân về một mối quan hệ nhuốm tràn màu máu giữa hai quốc gia độc tài cộng sản. Những dòng máu loang lổ ấy, gợi lên trong tâm trí người dân Việt hôm nay máu của những pháo đài Đồng Đăng, Tam Chúc, Hà Giang… là những nơi mà tội ác quân bành trướng còn nguyên vẹn, mùi tanh nồng như còn phảng phất đâu đó.

Những loạt đại bác ở Ba Đình gầm vang như nhắc nhở người dân Việt Nam những loạt đại bác năm nào đã giết chết hàng vạn đồng bào, chiến sĩ ta trên biên giới phía Bắc từ mờ sáng ngày 17/2/1979.

Tội ác ấy, nỗi căm hờn ấy, đã vẫn nguyên trong tâm trí người dân Việt. Bởi mưu đồ bành trướng, bá quyền vẫn còn đó, và âm mưu xâm lược thì chưa bao giờ nguôi ngoai trong những cái đầu nóng Trung Nam Hải.

Những người dân bỗng nhiên bị công an canh cửa, bị giám sát, theo dõi nhằm đề phòng họ có thái độ hoặc hành động chống lại việc rước giặc vào nhà của nhà cầm quyền.

Thế rồi, hôm nay đảng rước giặc vào nhà.

Và người ta hiểu, thật ra, với thái độ đó, với cách hành xử đó, thì bản chất của nền ngoại giao này không phải là “Ngoại giao cây tre” mà là nền ngoại giao “Cây Bìm Bìm”, nghĩa là chỉ cần chờ dậu đổ để mà leo.

Cũng với cách xiên xẹo, lệch lạc cố ý đó, cả Tập và Trọng đều hò hét rằng: “Hai nước Việt – Trung chung vận mệnh”?

Vận mệnh nào để có thể chung giữa bên xâm lược và bên bị xâm lược? Vận mệnh nào để chung khi mà quan chức cộng sản đã trốn tránh trách nhiệm trước lịch sử khi để kẻ cướp cướp mất giang san lãnh thổi để rồi “dành cho con cháu sau này đòi lại”?

Hoàn toàn không. Đất nước, này, dân tộc này hoàn toàn không hề chung vận mệnh với bọn xâm lăng.

Người dân Việt Nam biết rõ một điều: Cái gọi là chung vận mệnh ấy, chỉ dành riêng cho đảng CSVN và đảng CSTQ. Hai cái đảng ấy, sẽ chung một vận mệnh khi lòng dân trào lên thành con sóng nhấn chìm bè lũ ăn hại, gian manh và phản động, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Chúng sẽ đi vào sọt rác lịch sử.

Và những màn đón tiếp, những cuộc hội đàm, những hoạt động huyên náo ấy, chỉ là những màn biểu diễn của vở kịch, mà ở đó, những “Con rồng tre” thời hiện đại đang múa may, quay cuồng.

Dân tộc này, đất nước này không cần những con rồng tre ấy.

26.12.2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh