You are here

Cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 đã thay đổi Hoa Kỳ và cả thế giới

 
Lê Diễn Đức
 
 New York 10 năm trước, ngày 11 tháng 9 năm 2001

 
Đế chế Liên Xô sụp đổ và Pax America
 
Cuộc bầu cử tự do đầu tiên tại Ba Lan ngày 4/6/1989 và bức tường Berlin bị phá bỏ tháng 11/1989, đã tạo nên hiệu ứng domino, làm sụp đổ thành lũy cộng sản châu Âu. Hàng loạt các nước Đông Âu giành lại tự do, dân chủ sau gần nửa thế kỷ dưới chế độ độc tài toàn trị Xô Viết.
 
Ngày 28/2/1991, Tổng thống Hoa Kỳ H. W. Bush (Bush cha) tuyên bố kết thúc chiến dịch quân sự “Cơn bão sa mạc” (Desert Storm) với hơn nửa triệu quân, đã đè bẹp Saddam Hussein, giải phóng Kuweit. Chiến thắng dễ dàng trước Iraq làm các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nhận thấy đủ sức mạnh để tiến hành những cuộc can thiệp quân sự khác, nếu cần thiết, vào Trung Đông.
 
Ngày 28/3/1991, hàng trăm ngàn người Nga tập trung tại quảng trường Mayakovsky (Moscow) ủng hộ Boris Jeltsin. Cảnh sát, công an án binh bất động. Hàng trăm lá cờ Nga tung bay cùng với các biểu ngữ: “Hỡi các bà mẹ, đừng sinh ra những người cộng sản nữa; Đảng Cộng sản Liên Xô, đống tro tàn của lịch sử; Boris, hãy nắm lấy quyền hành; Tất cả nước Nga cho Boris”.
 
Ngày 24/8/1991, đài phát thanh phát đi bản tuyên bố của Michail Gorbachev từ chức Tổng Bí thư và lệnh cho nhà nước sở hữu toàn bộ tài sản của Đảng Cộng sản Liên Xô.
 
Sau 73 năm của kỷ nguyên siêu thực và đẫm máu, đế chế cộng sản Liên Xô cáo chung.
 
Nhưng chính đây cũng là mốc khởi đầu của tham vọng về một thế giới đơn cực và vai trò cảnh sát quốc tế của siêu cường quốc còn lại Hoa Kỳ.
 
Chưa đầy mười năm sau, năm 1999, khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Hoa Kỳ lãnh đạo, không gặp trở ngại nào, đã mở rộng sát biên giới nước Nga, bao gồm 3 nước thuộc Hiệp ước Quân sự Vác-sa-va của phe cộng sản cũ là Ba Lan, CH Czech và Hungary, phát tín hiệu cho cuộc bành trướng không nhân nhượng về phía Đông.
 
Ngạo nghễ trên đống đổ nát của Liên Xô, không cần đến súng, Chú Sam đã phủ rợp Cờ Hoa lên khắp ngõ ngách của hành tinh với một nhịp độ chưa từng thấy bằng các thương hiệu nổi tiếng: Hollywood, CNN, Microsoft, IBM, Citi Bank, Exxon Mobile, Procter & Gamble, Johnson & Johnson, Boeing, Ford, GM, Chrysler, AIG, Coca Cola, Pepsi Cola, Marlboro, McDonald’s, Burger King, KFC, Pizza Hut, Starbucks Coffee, v.v…
 
Chiến tranh lạnh chấm dứt, vào năm 2000, với bội thu ngân sách hàng trăm tỷ đôla và vóc dáng của người thủ lĩnh, Hoa Kỳ đã đứng trên đỉnh điểm vinh quang.
 
Từ khủng bố đến... khủng hoảng  
 
Ngày 11/9/2001 đã làm cả Hoa Kỳ và thế giới bàng hoàng.
 
Đang thăm trường tiểu học ở Frorida, khi được thông báo chiếc máy bay đầu tiên đâm vào toà Tháp đôi của Trung tâm Thương Mại (WTC – World Trade Center) tại New York, Tổng thống W. Bush, như nhiều người Mỹ khác, nghĩ rằng, do thời tiết xấu, hoặc phi công bị mất kiểm soát. Nhưng khi được thông báo chiếc thứ hai cũng đâm vào WTC, ông thấy ngay sau lưng mình Andrew Card nói thì thầm vào tai với giọng của vùng Massachusetts: “Hoa Kỳ bị tấn công!”.
 
Tấn công toà Tháp đôi (Twin Towers), quân khủng bố đã tấn công vào một trong những biểu tượng của Hoa Kỳ. Trong gần 35 năm hiện diện tại khu Manhattan, Twin Towers đã làm nền cho nhiều bộ phim nổi tiếng của Hollywood trong các thập niên 70, 80 và 90, như “King Kong”, “Corkodile Dundee”, “When Harry Met Sally”, “Superman”, “Kevin Alone In New York”, “Independence Day”...
 
Những chiếc máy bay dân sự bị quân khủng bố biến thành bom tự sát tấn công WCT và Lầu Năm Góc ở Virginia, được xem là một trong những vụ khủng bố gây thiệt hại nhiều nhất về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa và quân sự trong lịch sử Hoa Kỳ, cũng như những nơi khác trên thế giới. Đã có tới 2.974 người chết, 24 người mất tích trong vụ tấn công này.
 
Ngay lập tức, Tổng thống Hoa Kỳ W. Bush tuyên bố chiến tranh chống chủ nghĩa khủng bố. Các đồng minh của Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác lên tiếng ủng hộ.
 
Những dòng người xếp hàng đông nghẹt, hành lý xách tay, áo khoác, giày dép, thắt lưng… phải bỏ ra để qua khâu kiểm tra nghiêm ngặt tại các sân bay. Nhân danh cuộc chiến chống khủng bố, cơ quan an ninh của Hoa Kỳ có quyền nghe trộm điện thoại, ngó mắt vào các trương mục cá nhân tại ngân hàng. Đất nước được xem là thiên đường của quyền tự do cá nhân bỗng chốc nảy sinh những vấn đề vi phạm nhân quyền gây tranh cãi.
 
Ngày 20/09/2001, Tổng thống George W. Bush gửi tối hậu thư cho quân Taliban đòi nộp các nhà lãnh đạo của Al Qaeda đang ẩn náu ở Afghanistan và trả tự do cho các công dân nước ngoài đang bị giam giữ, trong đó có 16 người Mỹ, đồng thời phá bỏ trại huấn luyện quân sự.
 
Ngày 21/09/2001, Taliban bác bỏ tối hậu thư.
 
Ngày 17/10/2001, Hoa Kỳ và Anh quốc cho máy bay đánh phá các mục tiêu của Taliban, mở màn cuộc chiến Afghanistan.
 
Tháng 3 năm 2003, lấy lý do vũ khí hủy diệt hàng loạt nằm trong tay Saddam Hussein, Hoa Kỳ phát động cuộc chiến tranh Iraq lần thứ hai.
 
Có 22 nước đồng minh cùng tham chiến gồm Australia, Azerbaijan, Bulgaria, Czech Republic, Đan Mạch, El Salvador, Estonia, Fiji, Georgia, Hungary, Italy, Kazakhstan, Latvia, Netherlands, Ba Lan, Romania, Slovakia, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thái Lan, Ukraine, Anh quốc, nhưng có quân số lớn nhất sau Hoa Kỳ là Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha, Australia, Đan Mạch, và du kích sắc tộc Kurd.
 
Lý giải về các mục tiêu của cuộc chiến, chính phủ của W. Bush cho rằng, lật đổ chế độ độc tài Saddam Hussein, thiết lập nền dân chủ tại Iraq sẽ là một ví dụ tốt, tạo nên chất xúc tác cho những thay đổi tương tự ở các nước Hồi giáo khác và cuối cùng dẫn đến việc loại bỏ nguyên nhân khủng bố. Tuy nhiên, các mục tiêu này không bao giờ được đưa ra chính thức mà chỉ biết ở hậu trường.
 
Những người phản đối chiến tranh đã không đồng ý với lập luận của chính phủ Bush, cho rằng, các mục tiêu này không khả thi và chỉ nhằm mục đích tuyên truyền.
 
Các nhà khoa học chính trị ở những quốc gia khác thì cho rằng, mục tiêu chiến tranh của Hoa Kỳ thực sự là: kiểm soát dầu mỏ và khí đốt của Iraq, giữ độc quyền đồng đô la trên thị trường nhiên liệu (Iraq là một trong số ít quốc gia thanh toán nhiên liệu bằng đồng euro), chứng minh Hoa Kỳ có khả năng kiểm soát nguồn tài nguyên thế giới, ngăn chặn tăng giá nhiên liệu toàn cầu, duy trì và mở rộng ngân sách cho quân sự, bảo đảm thực hiện cuộc "chiến tranh" của Tổng thống Bush được phổ biến như là phản công lại cuộc tấn công của quân khủng bố ngày 11/9/2001, loại bỏ các chính phủ không thuận lợi cho Israel và bao vây chiến lược Iran.
 
Chế độ của nhà độc tài Saddam Hussein bị xóa sổ nhanh ngoài mức tưởng tượng, nhưng tham vọng của Hoa Kỳ đã không suôn sẻ như mong muốn.
 
Sau gần một thập kỷ vật vã vì chính sách sai lầm thời hậu chiến, cộng với xung đột triền miên của các giáo phái Iraq và sự phá hoại không ngừng của Al Queda, Iraq hôm nay mới tạm đi vào ổn thoả với một quốc hội đa đảng bao gồm hầu hết đại diện các phe phái tôn giáo và một chính phủ liên hiệp sau gần một năm khó khăn tìm đồng thuận. Báo chí tự do cùng với những định chế dân chủ đang manh nha hình thành, nhưng con đường dân chủ còn dài với nhiều thách thức.
 
Chi phí của cuộc chiến tại Iraq trong năm 2003 là 48 tỷ đô la, năm 2004 đã 59 tỷ, năm 2005 là 81 tỷ, năm 2006 gần 100 tỷ. Tới năm 2007, Hoa Kỳ đã chi cho Afghanistan và Iraq 170 tỷ đô la, năm 2008 140 tỷ, nhiều hơn cả 8 năm tham chiến tại Việt Nam (1965-1973). Theo kinh tế gia Joseph Stiglitz, tổng chi phí cho hai cuộc chiến này có thể đạt tới 1 đến 3 ngàn tỷ đôla.
 
Cuộc chiến Iraq đã làm thiệt mạng khoảng 650 ngàn thường dân Iraq, hơn 3,5 ngàn lính Mỹ, hàng chục ngàn khác bị thương, hàng triệu người Iraq bỏ nước di tản. Còn cuộc chiến Afghanistan vẫn dai dẳng, tốn kém, cho đến nay chỉ mới thấy một chút tia sáng mong manh ở cuối đường hầm, mặc dù trong những tháng gần đây, quân Taliban bị suy yếu đáng kể, nhất là sau khi trùm khủng bố Bin Laden Osama, được xem là tác giả của cuộc khủng bố ngày 11/9, bị biệt kích Hoa kỳ giết chết tại Pakistan đầu tháng 5/2011.
 
Hai cuộc chiến tranh đẩy giá dầu thế giới tăng mạnh, giá cả thị trường náo loạn và kéo theo lạm phát. Chi phí quân sự đã tác động lớn lên thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ và các vấn đề về lãi suất và tín dụng.
 
Bất đồng nội bộ nổi cộm giữa những đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ trong khối quân sự NATO. Pháp và Đức đã tỏ thái độ quay lưng không giấu diếm.
 
Thế giới nhìn Hoa Kỳ với hình ảnh một tay cao bồi xứ Texas hung hăng, thích áp đặt đạo đức cho người khác. Bài học xuất khẩu dân chủ bằng quân sự của chính phủ W. Bush được đưa ra mổ xẻ tàn nhẫn nhất.
 
Rồi hoạ vô đơn chí! Cơn bão Katrina năm 2005 đã hủy hoại gần 80% thành phố New Orleans, thiệt hại vật chất tới hơn 81 tỷ đôla, 1.836 người chết, 705 người mất tích, nhiều ngàn người phải ở trong những căn nhà tạm bợ.
 
Nhưng khủng khiếp hơn cả Katrina là cơn bão tài chính, bắt đầu từ tháng 9 năm 2008. Sự sụp đổ không tiền lệ hàng loạt các ngân hàng mà tiêu biểu là “Lehman Brothers” đã làm chấn thương không chừa một ai.
 
Thị trường chứng khoán thế giới ngã quỵ. Từ Mỹ qua châu Âu, từ châu Âu qua châu Á, châu Phi, tới Australia, không nền kinh tế nào không bị ảnh hưởng. Cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất kể từ cuộc Đại Khủng Hoảng những năm 30, chấn động toàn cầu với những câu hỏi lớn về vai trò kiểm soát của nhà nước trong kinh tế thị trường. Các triết gia kinh tế làm cuộc hành trình tự vấn.
 
Hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan đã làm nền kinh tế Hoa Kỳ lâm bệnh nghiêm trọng! Uy tín của Tổng thống W. Bush tuột dốc từ hơn 70% sau biến cố 11 tháng 9, chỉ còn khoảng 20% khi rời khỏi Nhà Trắng năm 2009.
 
“Change We Can Believe In”?
 
Trong bối cảnh người Mỹ thất vọng, lòng tin bị đổ vỡ và mong muốn thay đổi quyết liệt, thượng nghị sĩ Barack Obama ra tranh cử Tổng thống vào tháng 11/2008.
 
Với khẩu hiệu “Change We Need”, “Yes We Can”, được sự ủng hộ của ba phần tư dân số, Barack Obama đã giành thắng lợi tuyệt đối, bỏ xa đối thủ, trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong trong lịch sử Hoa Kỳ giữ chức Tổng thống.
 
Nhưng Barack Obama đã vào Nhà Trắng với một gánh nặng trên cả sức mình.
 
Vài tháng sau khi nhậm chức, chính phủ của Barack Obama đã phải bơm vào dòng chảy tiền tệ hơn 700 tỷ đôla lấy từ tiền thuế của dân để cứu vãn các tập đoàn tài chính và ngân hàng khỏi phá sản và chích thêm những liều thuốc cực mạnh hàng chục tỷ đôla khác để vực một số ngành công nghiệp, đứng đầu là kỹ nghệ xe hơi.
 
Cuối tháng Hai 2009, giữ cam kết bầu cử, Barack Obama đã công bố kế hoạch rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Iraq. Ngày 1/9/2010 ông tuyên bố hoạt động chiến đấu của Mỹ tại Iraq tới hồi kết và thừa nhận rằng, Mỹ “đã trả giá đắt cho cuộc chiến để tương lai của Iraq nằm trong tay người Iraq” và “không chỉ vì lợi ích của Iraq, mà còn của chính chúng ta”.
 
Khoảng 50 ngàn binh sĩ Hoa Kỳ còn ở lại Iraq với nhiệm vụ huấn luyện quân đội, cảnh sát Iraq cũng như hỗ trợ tác chiến chống khủng bố và sẽ triệt thoái hoàn toàn cho đến cuối năm 2011.
 
Thành tích trong cuộc chiến chống khủng bố của Tổng thống Barack Obama được 62% dân số Hoa Kỳ xác nhận, trong đó phải kể đến tình hình lắng dịu tại Iraq, trùm khủng bố Bin Laden và một số lãnh đạo chủ chốt khác của Al Qaeda bị giết chết và Al Qaeda bị thiệt hại nặng.
 
Nhưng đáng tiếc, trong lĩnh vực kinh tế dường như ông “lực bất tòng tâm”!
 
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đến nay, chưa thấy dấu hiệu nào khả quan. Mức mội chi ngân sách năm 2011-2012 tăng cao, bế tắc, đến giờ chết (deadline) quốc hội mới thông qua. Nợ công đang có nguy cơ làm kinh tế Hoa Kỳ suy sụp, tỷ lệ thất nghiệp vẫn 9-10%.
 
Trong khi đó, thị trường vốn, sức khoẻ của nền kinh tế, từ tháng 8/2011 giảm mạnh đến mức các phương tiện truyền thông phi tài chính cập nhật tình hình gần như từng phút.
 
Nhìn những bảng chỉ số trên các sàn chứng khoán toàn cầu của một tháng trước đây đủ thấy được quy mô của sự hủy diệt. Biểu đồ là hình đốc của ngọn núi mà các chỉ số trượt dốc hầu hết dưới hơn 20% so với các đỉnh điểm trong năm (kể cả DAX của nước Đức), coi như chính thức báo hiệu khởi đầu của một sự sụp đổ. Các chỉ số quan trọng nhất của Hoa Kỳ, may mắn vẫn còn trên 20%, nhưng đang chịu áp lực nặng và có lẽ sẽ nhảy qua lằn ranh này chưa biết lúc nào.
 
Một số nhà bình luận cho rằng, sự suy giảm của thị trường chứng khoán là do Standar & Poor hạ thấp uy tín tín dụng của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, luận chứng này chỉ đúng một phần. Sự suy giảm xuất phát từ hàng loạt yếu tố khác vào cùng một thời gian ở hai khu vực quan trọng bậc nhất của thế giới là Hoa Kỳ và EU (với GDP gần bằng 1/2 cả thế giới): Nợ công khổng lồ của Hoa Kỳ và nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái (theo một số nhà bình luận thì đúng hơn là đang trong tình trạng suy thoái); vấn đề tài chính châu Âu với sự phá sản của Hy Lạp chỉ còn là thủ tục; sợi giây kinh tế của Italia, quê hương giàu có của Pizza, căng sắp đứt với chương trình thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu 41,6 tỷ euro đề được Ngân hàng Trung ương Âu châu ECB cứu viện. Mọi thứ diễn ra trong bối cảnh cỗ xe kinh tế của cả khu vực Âu châu di chuyển ì ạch với mức tăng trưởng gần bằng không.
 
Tệ hơn, các chỉ số vĩ mô bị suy yếu trên toàn thế giới, kể cả Trung Quốc. Chỉ số PMI (hay ISM) của EU và Trung Quốc đu đưa ở con số 50 (dưới 50 là biểu hiện của suy thoái). Còn ở Mỹ, chỉ số ISM cho ngành công nghiệp ở mức 50,6, nhưng là nhờ tăng trưởng hàng tồn kho, chẳng có gì để an ủi (tồn kho tăng lên với kinh tế suy yếu, thì người mua ít hơn).
 
Số phận kinh tế thế giới giờ đây không còn nằm trong tay của G7, nhóm các quốc gia phát triển và thịnh vượng nhất thế giới nữa.
 
Trên sân chơi hôm nay những tay chơi quan trọng khác phải vào cuộc, vì nếu không “Trạng chết Chúa cũng băng hà”.
 
Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Thổ Nhĩ kỳ, Nam Phi, Australia… cùng G7 tập hợp trong nhóm G20, mà cuộc họp Thượng đỉnh vào tháng 4/2009 tại London như là tất yếu để cùng tìm ra giải pháp.
 
Thế giới hôm nay sẽ không bao giờ còn giống như trước khi tòa Tháp đôi của WTC sụp đổ và trước khi “Lehman Brothers” sụp đổ nữa!
 
Đám mây trên lễ kỷ niệm 10 năm
 
Lễ kỷ niệm 10 năm cuộc tấn công khủng bố vào Hoa Kỳ diễn ra vào Chủ nhật ngày 11/9/2011 tại Ground Zero, nơi khánh thành Memorial Center, Trung tâm tưởng nhớ nạn nhân.
 

Hai cột ánh sáng của World Trade Center Memorial tại New York

 
Việc loại bỏ các biểu tượng tôn giáo và các giáo sĩ không được mời làm lễ năm nay gây tranh cãi lớn trong dư luận. Nhà chức trách của New York có lẽ đã hơi thái quá với thời trang chính trị. Đành rằng, nên chú ý sự bình đẳng giữa các tôn giáo, nhưng không khí thế tục của buổi lễ chắc chắn sẽ làm các gia đình các nạn nhân không mãn nguyện, bởi vì với người đã chết, tín ngưỡng là một điều rất long trọng.
 
Vấn đề xây dựng nhà thờ Hồi giáo (gần khu vực Ground Zero), rồi dự tính đốt kinh Koran của Mục sư Terry Jones, cùng sự vắng mặt của Barack Obama ở New York, như bóng mây trùm trên ngày lễ. Báo chí cho hay, rất có thể chỉ Phó Tổng thống Joe Biden sẽ có mặt ở New York, còn Tổng thống Barack Obama tham dự lễ tại Lầu Năm Góc, Washington D.C.
 
Các nhà quan sát suy đoán rằng không có sự hiện diện của Tổng thống Obama tại New York là do tình hình bất đồng về nhà thờ Hồi giáo. Những người ủng hộ và phản đối tuyên bố tổ chức biểu tình gần Ground Zero.
 
Ba ngày trước lễ kỷ niệm, Tổng thống Obama đã phát biểu trên tờ "USA Today" rằng:
 
"Một trong những điều mà chúng ta sẽ nói là cuộc tấn công khủng bố tệ hại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ đã làm bật ra những gì tốt nhất trong đất nước chúng ta. Lính cứu hỏa, cảnh sát, nhân viên cấp cứu đã nhanh chóng, bất chấp nguy hiểm để cứu những người khác. Người Mỹ tập trung cùng nhau thắp nến cầu nguyện, trong nhà và trên các bậc thềm của Capitol. Các tình nguyện viên xếp hàng đợi hiến máu và đi khắp nơi trên toàn quốc sẵn sàng giúp đỡ. Học sinh gom tiền tiết kiệm, các nhóm tôn giáo và các doanh nghiệp thu góp thực phẩm và quần áo. Là những người Mỹ, chúng ta đã đoàn kết”.
 
Nhưng liệu Barack Obama có đủ tài và sức tập hợp sự đoàn kết của người Mỹ trong “cuộc chiến chống khủng hoảng”, khi mà con số ủng hộ ông hôm nay đã dưới ngưỡng 50%?
 
Hôm 8/9, hai ngày trước lễ kỷ niệm, Barack Obama nói Hoa Kỳ đối mặt với “cuộc khủng hoảng quốc gia" và kêu gọi Quốc hội chấp thuận ngay lập tức kế hoạch tạo việc làm mới của ông.
 
Barack Obama có ý định “bơm” tiếp vào nền kinh tế gần 500 tỷ đôla bằng các ưu đãi và cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp. Ông thấy cần thiết một liệu pháp gây sốc. Với một nửa thuế đã nộp sẽ trở lại vào túi của các doanh nghiệp, theo ông, sẽ tăng đáng kể việc làm mới trong ngành xây dựng và giáo dục.
 
Một đề nghị quan trọng khác của kế hoạch là “giải phóng” các khoản thế chấp mà vì nó hàng triệu người Mỹ đã phải ngừng đầu tư và chìm vào vòng xoáy của các khoản vay tín dụng. Điều này chắc chắn sẽ được đón nhận lạc quan ở nước ngoài, bởi vì kể từ khi thị trường bất động sản sụp đổ, Hoa Kỳ chưa có bộ luật nào xoá hoặc giảm nợ đối với các hợp đồng mua nhà.
 
Lời kết
 
Thật không may, Barack Obama không ở trong tình thế thuận lợi. Quốc hội với đảng Cộng hòa chiếm đa số nắm giữ các con bài. Và có lẽ những người của đảng Cộng hoà muốn chờ đón “sự sụp đổ” của Obama trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới, hơn là hỗ trợ ông.
 
Vào dịp 100 ngày Tổng thống Obama nhậm chức, trên Union Square của New York, nghệ sĩ Michael D’Antuono đã cho triển lãm bức tranh chân dung Barack Obama mang tên “The Truth”.
 

Bức tranh "The Truth" của nghệ sĩ  Michael D' Antuono

 
Barack Obama được thể hiện trong hình dáng của Jesus Christ, với hai cánh tay giang rộng, có thể hiểu đang vén bức màn lên, nhưng cũng có thể hiểu đang khép lại?
 
Lúc bấy giờ nghệ sĩ Michael D’Antuono hoài nghi: “What’s your truth?”!
 
Phải chăng người Mỹ đã mong đợi Barack Obama như là một “Đấng Cứu Thế” vén rộng màn che, đưa nước Mỹ ra khỏi cơn khủng hoảng từ di sản của Tổng thống W. Bush? Hay là, “Đấng Cứu Thế” Barack Obama đã bất lực, đành khép lại nước Mỹ với các tham vọng bất thành của mình?
 
Sự thật dường như có chiều hướng nằm ở vế thứ hai!■
 
 
© 2011 Lê Diễn Đức – RFA Blog