You are here

Chấn hưng văn hóa

Ảnh của nguyenvubinh

     Thời gian gần đây, bộ Văn hóa Việt Nam đã đưa ra chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035, với số tiền dự chi là 350 ngàn tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia này là để triển khai thực hiện các nghị quyết của đảng, cụ thể hóa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa của đất nước. Trên thực tế, với chương trình này, nhà cầm quyền Việt Nam đã có những mục tiêu cho những lĩnh vực văn hóa cụ thể: “Cũng theo Chương trình mà Bộ VHTT&DL đang trình, đến năm 2030 đạt các mục tiêu cụ thể sau: 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 03 loại hình thiết chế chế văn hóa, cấp huyện, cấp xã có Trung tâm văn hóa hóa - thể thao; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; Ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa; Hằng năm có khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước; Tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa; các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP; đầu tư cho văn hóa hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm.” (Cần 350.000 tỷ đồng để chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam- Báo Công Lý online ngày 10/9).

     Có một vấn đề rất quan trọng thuộc về văn hóa nhưng không thấy bộ Văn Hóa và các nhà “văn hóa” nhắc tới. Đó là vấn đề nền tảng đạo đức xã hội ở Việt Nam hiện nay. Thực ra cũng không có gì khó hiểu, sau 93 năm đảng cộng sản có mặt ở Việt Nam, sau 78 năm đảng lãnh đạo một nửa đất nước, và sau 48 năm đảng thống nhất lãnh đạo đất nước, nền tảng đạo đức xã hội đã bị phá hủy hoàn toàn. Đây mới là lĩnh vực văn hóa cần phải chấn hưng mà chương trình mục tiêu quốc gia hoàn toàn không nhắc tới. Có thể nói rằng, để thiết lập và duy trì độc quyền lãnh đạo, sự thống trị của đảng cộng sản với người dân Việt Nam, đảng cộng sản đã từng bước phá hủy những nền tảng đạo đức mà người dân Việt Nam xây dựng hàng nghìn đời. Đến nay về cơ bản đã hoàn thành.

     Như vậy, việc chấn hưng văn hóa cũng chính là chấn hưng nền tảng đạo đức của xã hội. Với thực trạng nền tảng đạo đức xã hội ngày nay, cần thực hiện ít nhất bốn vấn đề để từng bước khôi phục nền tảng đạo đức xã hội. Nếu tinh ý, chúng ta có thể thấy, bốn vấn đề này cũng chính là những bước đi của đảng cộng sản phá hủy nền tảng đạo đức xã hội.

     Thứ nhất, khôi phục vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội, phục hồi tự do tôn giáo. Tôn giáo có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội. Tôn giáo chăm sóc đời sống tâm linh của nhân dân. Các tôn giáo đều rao giảng và thực hành tình yêu thương giữa người với người, là nền tảng của đạo đức xã hội. Con  người Việt Nam hôm nay, hầu như đã vắng bóng tình yêu thương, sao có thể nói đến văn hóa được. Mục tiêu của nhà cầm quyền là tiêu diệt tôn giáo, sau đó không tiêu diệt được thì chuyển sang chiến lược làm biến chất các tôn giáo. Các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay không còn chăm sóc đời sống tâm linh của nhân dân, cũng không còn rao giảng và thực hành tình yêu thương nữa. Chính vì vậy, muốn khôi phục nền tảng đạo đức xã hội, trước tiên cần phục hồi vai trò, vị thế của tôn giáo, thực thi tự do tôn giáo ngay lập tức tại Việt Nam.

     Thứ hai, khôi phục tính trung thực xã hội. Tính trung thực xã hội đã biến mất từ khi đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo ở Việt Nam. Có thể nói rằng, người Việt Nam hiện nay hoàn toàn không còn đức tính trung thực. Từ quan chức cho tới những cháu thiếu niên vừa tốt nghiệp phổ thông đã nói dối một cách thuần thục. Khi các cháu được gia đình chạy điểm thi vào đại học, dù biết rõ bản thân được nâng điểm mới đỗ đại học, thủ khoa trường này trường kia, các cháu vẫn nói dối một cách thản nhiên, như thật về thành tích của mình. Nói dối như một bản tính của người Việt hiện nay, sao có thể nói đến văn hóa? Sự thiếu trung thực bắt nguồn từ hệ thống chính trị, thẩm thấu vào hệ thống quản lý và lan tỏa ra toàn xã hội. Vậy nên, muốn phục hồi đạo đức xã hội, không thể không khôi phục tính trung thực xã hội.

     Thứ ba, xây dựng lại các giá trị, các chuẩn mực đạo đức, các tiêu chí. Xã hội ngày nay các giá trị đã bị đảo lộn, tiêu chuẩn đánh giá con người cũng không còn đúng, chuẩn mực. Những gì là đúng là sai, là tốt là xấu, là hay là dở, con người là giỏi, là dốt đều đã không thể phân biệt được và bị biến dạng. Chúng ta chứng kiến những quan chức, miệng rao giảng đạo đức, tay tham nhũng đã phải vào tù. Những anh hùng sống của chế độ đều đang trong ngục tù vì ăn cướp, ăn cắp của nhân dân. Không có tiêu chuẩn, chuẩn mực đúng đắn làm sao có thể biết đúng sai, tốt xấu mà có thể nói đến văn hóa. Xây dựng lại các giá trị, các chuẩn mực là yêu cầu bắt buộc để khôi phục nền tảng đạo đức xã hội.

     Thứ tư, khôi phục tính chân thật của lịch sử. Lịch sử đã bị bóp méo để phục vụ sự thống trị của đảng, cả lịch sử cận hiện đại và cổ xưa. Khi chúng ta không biết được sự thật lịch sử, chúng ta không kết nối và gắn bó được với truyền thống của nhân dân và đất nước. Các truyền thống sẽ bị mai một. Những giá trị chân chính bị bóp méo thành cổ hủ, lạc hậu và xóa bỏ. Ngược lại, những yếu tố cần loại bỏ lại được tôn vinh, cổ súy dẫn tới sự lệch lạc, chỉ có lợi cho tầng lớp thống trị. Tính chân thật của lịch sử cần được khôi phục để người dân kết nối với quá khứ, vun đắp truyền thống để phục hồi nền tảng đạo đức xã hội.

     Chấn hưng văn hóa là việc vô cùng cần thiết đối với xã hội Việt Nam hiện nay. Nhưng chấn hưng văn hóa cần phải đúng lĩnh vực cần chấn hưng. Đồng thời phải xác định đúng hiện trang và nguyên nhân để thực hiện việc chấn hưng văn hóa. Ngoài ra, nhưng việc khác chỉ là duy trì sự độc quyền lãnh đạo của đảng và sự kiếm chác của quan chức mà thôi./.

Hà Nội, ngày 22/9/2023

N.V.B