You are here

Bản năng yêu thương và chế độ chính trị

Trong trận hỏa hoạn chết người khủng khiếp tại Khương Hạ, Hà Nội vào ngày 12/9, hình ảnh một chàng thanh niên shipper xông vào đám cháy, bất chấp nguy hiểm, chết chóc để cứu người, và chàng đã cứu được mười mạng người thoát khỏi đám cháy, có thể nói rằng đây là một hành động anh hùng và chất chứa đầy yêu thương, dám xả thân cho đồng loại. Hình ảnh này hiếm hoi, nó hoàn toàn đối lập với một hệ thống chính trị máu lạnh và vô cảm hiện hành.

Tại sao khi nhắc đến hình ảnh người anh hùng xông vào đám cháy, tôi lại nhắc đến chế độ chính trị? Bởi không chỉ riêng hình ảnh chàng trai cứu mạng mười người, mà ở Việt Nam, đã có rất nhiều người từng có hành động anh hùng, nhân văn và sẵn sàng xả thân. Trước đây hơn hai mươi năm, giữa trận lụt kinh hoàng năm 1999 ở Thừa Thiên Huế, một thanh niên đã bơi ra giữa dòng chảy để cứu hai mươi em học sinh bị lật ghe và hai mươi mạng sống nhỏ nhoi giữa dòng chảy cuồng xiết ấy đã được cứu sống. Chàng trai ấy là một nhà thơ, sau này là chủ bút một tạp chí văn học nổi tiếng ở miền Trung. Có lẽ chìa khóa câu chuyện cũng là đây.

Sau khi được các báo đưa tin, khen ngợi và được để ý, cuộc sống của nhà thơ từng xả thân cứu người này thay đổi hoàn toàn, bài vở của anh được các báo tranh nhau đăng và sự nghiệp văn chương của anh thăng tiến một cách không tưởng tượng nổi. Từ chỗ một nhà thơ phố huyện không mấy ai biết, anh nhanh chóng trở thành chủ bút một tạp chí văn nghệ lớn nhất nhì miền Trung và nghiễm nhiên trở thành quan chức nhà nước.

Sau khi trở thành quan chức nhà nước, tính mê tín dị đoan của anh nổi lên, cơ quan trở thành nơi anh thờ đủ các bát nhang, rằm, mùng một âm lịch hằng tháng, cái cơ quan của anh toàn mùi nhang khói. Bên cạnh đó, anh đàn đúm, rủ bạn bè lên rừng, xuống biển, ăn của ngon vật lạ, không ngoại trừ những con vật đã đưa vào danh sách đỏ.

Trong một hình ảnh khoe lên mạng xã hội, cho thấy anh đang cùng bạn bè nướng một con vật nằm trong danh sách đỏ để nhậu, nó là một dạng huơu quí hiếm, chỉ còn vài cá thể ở bán đảo Đông Dương. Khi cộng động mạng nổi sóng, anh nói trớ rằng đó là con dê nhưng sự tránh trớ của anh không những phản tác dụng mà nó tạo ra sự thất vọng rộng lớn khi người ta biết được rằng anh từng là một anh hùng cứu hai mươi mạng người trong lũ lớn.

Tại sao lại ra nông nỗi như vậy? Và có cần thiết nhắc đến hệ thống chính trị trong vấn đề nhân cảm xã hội hay không?

Mở rộng vấn đề nhân cảm xã hội, trong các lần thiên tai, dịch bệnh, dường như Việt Nam không thiếu những anh hùng xả thân vì đồng loại. Thế nhưng cũng chính những anh hùng ấy, khi tiếp xúc với họ trên lĩnh vực kinh tế, quyền lực, họ lại có những thay đáng đáng sợ. Vì đâu? Vì họ đã bị cuốn theo một dòng chảy khác, theo một sinh quyển khác, nó hoàn toàn xa lạ so với bản năng yêu thương gốc mà họ có được. Giả sử như có bao nhiêu người đã xả thân trong đợt dịch Covid-19 vừa qua thì sẽ có bấy nhiêu người nổi nóng và căm phẫn trước cách làm việc ầu ơ của hệ thống chính trị, thậm chí họ thù hận, chết không nhắm mắt trước sự lừa dối của những quan chức đã làm giàu trên xương máu và chết chóc của nhân dân.

Trở lại vấn đề anh hùng trong hoạn nạn, vì họ cũng là con người, họ có lòng trắc ẩn, có lòng yêu thương và có cả sự hi sinh, họ sẵn sàng xả thân, xông pha khi đồng loại gặp nạn và bằng mọi giá, vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm để cứu đồng loại. Thế nhưng khi trở lại cuộc đời bình thường, bằng phẵng, họ có nỗi lo cơm áo gạo tiền, gia đình và mọi thứ thiết yếu của con người. Nhưng đây cũng không thể là lý do hay động cơ để họ trở nên tha hóa và xấu xí.

Mà nguyên nhân chính nằm ở chỗ hệ thống họ đang tuân thủ và tồn tại. Giả sử nếu như người anh hùng cứu hai mươi đứa trẻ trong lũ lụt kia trở về nhà và làm nhà thơ bình thường như bao nhà thơ khác, kiếm sống bằng công việc nào đó, thi thoảng nhận vài đồng nhuận bút còm thì có thể nói rằng giá trị nhân văn, nhân bản của anh vẫn mãi được lưu giữ trong tâm hồn vốn yếu đuối và nhạy cảm của anh.

Thế nhưng ở đây, một thứ cơ hội từ trên trời rớt xuống, anh bước vào thế giới quyền lực, nhất là quyền lực văn nghệ, một thứ quyền lực hữu danh và biểu thị bằng miếng ăn, “ăn cơm chúa múa tối ngày”, ở đó, anh phải biết kèn cựa, cạnh tranh, đấu đá, thủ đoạn, diễn trò... Hàng trăm thứ bản năng xấu của anh bị đánh thức để tồn tại, vô hình trung nó che khuất bản năng thiện lượng vốn từng hiển lộ ở anh. Và cuối cùng là một cuộc sống mới với đầy đủ các giá trị thực dụng, tồi tệ và đồi bại trong lớp vỏ công chức, quan văn, nghệ sĩ nhà nước đã hiện hữu, tồn tại cùng anh.

Nói rộng ra về mặt xã hội, trong một xã hội, nhất là xã hội từng trải qua chiến tranh, đau đớn, chết chóc như Việt Nam, tình yêu thương, nỗi đau đớn và nước mắt là không thiếu. Có bao nhiêu lòng thù hận ắt có bấy nhiêu lòng yêu thương, có bao nhiêu đau đớn sẽ có bấy nhiêu sự kiên cường, vững chãi, có bao nhiêu mất mát ắt có bấy nhiêu đứng lên làm lại cuộc đời, có bao nhiêu oan khiên ắt có bấy nhiêu bao dung và vị tha... Có, xã hội Việt Nam có đầy đủ các giá trị yêu thương, nó được ban bố, chia sẻ một cách trong sạch, vô tư và nó xuất hiện ở bất kì nơi nào đang phát ra tiếng kêu cứu của đồng loại, nó xuất hiện ở bất kì nơi nào không có mưu toan, không có tính toán và diễn xuất của bọn lợi dụng, thừa nước đục thả câu... Và, chính sự vô tư này cũng sẽ là nguyên cớ để tổn thương lâu dài một khi lòng tốt bị lợi dụng, bị mua bán, bị đánh đố.

Trong một hệ thống chính trị dối trá, đánh đố, tráo trở và lợi dụng lòng tốt của nhân dân, thì lòng tốt sẽ nhanh chóng bị chuyển hóa, đổi màu để thích ứng với thực tại.

Thử hỏi, liệu người dân có bao nhiều lòng tốt để chịu đựng và chấp nhận với một chính quyền mà ở đó, mỗi cán bộ nếu không là kẻ cướp cạn thì cũng là kẻ xin đểu và kẻ trộm tài sản nhân dân?

Thử hỏi, lòng vị tha của nhân dân có bao nhiêu cho đủ trước sự tắc trách cũng như tính lưu manh của bọn quan chức đã lợi dụng cái chết, cơn khốn cùng của nhân dân để làm giàu?

Thử hỏi, tính xả thân của nhân dân bao nhiêu cho đủ trước việc các quan chức chính quyền làm việc bất minh, tráo trở và luôn mang đến tai họa cho người dân trong mỗi công trình, mỗi nơi chốn, bất kì ở đâu cũng mang dấu vết bọn rút, rút ruột đến tận xương tủy của nhân dân?

Thử hỏi, bao nhiêu sự hi sinh, xả thân hay chia sẻ của nhân dân cho đủ trước núi rác hành chính và quyền lực nhà nước, trước lũ quan tham vô độ, trước một đám cán bộ luôn hành xử hỗn láo, vô văn hóa với người dân, phách lối, trịch thượng, cửa quyền luôn là đặc trưng của bọn họ?

Thử nghĩ, nhân dân này còn bao nhiêu sức vóc để gánh chịu cái núi tội lỗi do cán bộ và quan chức nhà nước gây ra? Còn bao nhiêu sức lực để chịu đựng nỗi thống khổ mà lẽ ra họ không có?

Một dân tộc luôn gánh trên đôi vai nội tâm sự mâu thuẫn khôn cùng, sự đối đầu giữa thiện và ác, thật thà và gian manh, xảo trá và lương thiện... Sự mâu thuẫn bền bĩ và khôn cùng này sẽ dẫn dân tộc này đi đến đâu? Một câu hỏi không lối thoát!