You are here

Đi tù như đi nhà nghỉ?!

Trần Văn Dự - cựu Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08) Bộ Công an, nói trước toà: "Tôi số đen, không may thì thôi trả lại cho Nhà nước cũng được, không sao cả". Ông cũng nói lại lời nói của ông với vợ: ""Em chuẩn bị ba tỷ và anh sẽ đi nghỉ dưỡng một thời gian rồi sẽ về". Trong nhiều diễn biến khác, trong đó có một vụ người chồng đến đón vợ ra khỏi trại tạm giam (mà lẽ ra cô này phải tiếp tục ra tòa và thụ án vì tội cầm cái lô đề có tổ chức), anh chồng cũng tuyên bố khi thấy vợ khóc sụt sịt vì được thả rằng “khóc chi mà khóc, vào đó cũng giống như đi nhà nghỉ thôi!”... Điều này khiến tôi phải đặt câu hỏi: Nhà giam tại Việt Nam dân chủ, văn minh và hiện đại giống như nhà nghỉ chăng?

Từ trước tới giờ, hình ảnh tù nhân được tắm nắng, nằm ghế massage đọc báo và được hưởng các chế độ dành cho tù nhân khá đặc biệt chỉ có ở quốc gia Đan Mạch, Thụy Sĩ và những quốc gia thuộc vào dạng tiến bộ bậc nhất địa cầu. Đương nhiên, với các quốc gia này, việc đi tù là ghê gớm, bởi một công dân đánh mất tự do, bị giam hãm, không được đi du lịch, không được gặp gỡ bạn bè và không được hưởng thụ theo ý muốn của mình ở khắp mọi nơi mình muốn là một sự ghê gớm. Bởi họ giàu có, họ dân chủ và họ quá tiến bộ. Nhưng, với quốc gia “dân chủ gấp vạn lần các nước dân chủ” như Việt Nam thì sao?

Thử nghĩ, ở một quốc gia được người dân (có quan tâm đến tự do và dân chủ) xem như một nhà tù lớn, và mọi thứ, mọi hành vi, mọi sinh hoạt của con người đều đặt trên nên tảng công an trị, mọi thứ đều bị đặt để dưới sự giám sát vô cùng gay gắt và hà khắc của đảng Cộng sản, thì việc bước thêm vào một nhà tù nhỏ bên trong nhà tù lớn ấy có được xem như đi nghỉ mát hay không? Có và Không.

Có, vì trong một đất nước mà hệ thống quản lý sâu mọt, tham nhũng, đục khoét, lạm dụng quyền lực và bất chấp, bất lương... Hay nói khác đi là hệ thống quản lý ấy thực dụng và coi trọng đồng tiền nhưng thiếu vắng nhân tính, thì việc bỏ tiền ra để mua “chỗ nghỉ mát” trong lúc thi hành án (một bản án cũng được mua bán bằng tiền trước đó) là chuyện không có gì xa lạ. Nói nôm na, chỉ cần có tiền, có càng nhiều tiền thì việc ngồi tù cũng giống như đi nghỉ mát, thậm chí có người bưng cơm đến hầu, có người hầu hạ tận giường và có người để sai vặt khi muốn. Mọi thứ đều có thể diễn ra trong nhà tù Việt Nam, thậm chí, có chế độ chăm sóc tù nhân như khách sạn năm sao cũng không chừng! Bởi cái nơi thực thi công lý ấy, kỳ thực chỉ là chốn trao đổi, mua bán mọi thứ khi có đủ lượng tiền ấn định, mặc định từ trước. Làm gì có công lý ở một quốc gia mà công lý chính là điều lệ đảng và cơ quan thực thi công lý là cái chợ đổi tiền?!

Nhưng Không với những ai? Với các tù nhân lương tâm, với những tù nhân nghèo, với những tù nhân bị án oan mười năm, hai mươi năm mà không biết kêu oan từ đâu, từ ai và kêu như thế nào. Họ, ngay từ lúc ở “nhà tù lớn” đã chịu quá nhiều thiệt thòi, bất công và vô lý, sự bất công và vô lý khi đủ lớn, đủ sức công phá đối với số phận họ đã đẩy họ vào “nhà tù nhỏ” để từ chỗ này, họ gặm nhấm nỗi đau thân xác, nỗi đau tinh thần và nỗi đau tâm hồn bị tổn thương khi xét trên bình diện con người - quê hương - dân tộc. Và đơn giản, với họ, đó là đỉnh cao, là cực hình của tù đày, bởi họ không có gì khác ngoài niềm xác quyết vào công lý, nhưng, làm gì có công lý ở cái nơi thực thi công lý nói riêng và trên đất nước này nói chung, nên họ mãi mãi không có gì khác ngoài thứ niềm tin và bi khốn bản thân, họ chỉ có thống khổ, đau khổ, thảm khốc, mệt mỏi, bóng tối lê thê... vì họ không có tiền. Nếu có tiền như bao kẻ đang xông xênh kia, thì họ không đến nỗi vào tù, và nếu có tiền, thì họ cần gì phải chờ đợi công lý! Hơn nữa, dường như ở xứ sở này, chỉ có thể dùng tiền mà mua mọi thứ, công lý cũng là một món hàng trao tay cho những kẻ có tiền.

Điều đó cho thấy rằng tay quan chức kia và tay chồng của người đàn bà cầm cái lô đề kia đã chạm chân lý trên xứ sở này, họ biết dùng tiền, họ biết cách lấy tiền trên mồ hôi, xương máu đồng loại và xài nó, hưởng thụ trên nó cho dù đến khi vào tù, vào trại giam hay nhà tạm giam chăng nữa, với họ, đó cũng chỉ là chuyến nghỉ mát hơi tốn kém một chút nhưng không hề hấn gì. Điều này khiến tôi nhớ đến một lời phát biểu (đã bí mật ghi vào điều lệ để đồng bọn công bố) khiến người nghe rùng mình của con lợn Squealer trong tác phẩm Trại Súc Vật của George Orwell rằng “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con vật khác". Một đất nước như một trại súc vật mà ở đó, có những con vật được bình đẳng hơn những con vật khác.

Chữ bình đẳng ở đây cũng phải hiểu rằng đó là sự hưởng thụ, sự được, đặc quyền đặc lợi của kẻ có tiền, biết léo hánh và biết sử dụng đồng tiền đã đào trên mồ hôi nước mắt của đồng loại. Nó cũng giống như lời phát biểu của một trong nhiều bị cáo (trong đó có 54 bị cáo đã được đưa ra trước vành móng ngựa) khi đối chấp trước tội lỗi rằng “đó cũng chỉ là việc đi nghỉ mát”. Chỉ riêng câu nói này đã cho thấy kẻ nói ra đã hoàn toàn mất tính người, bởi hơn ai hết, y thừa hiểu rằng số tiền mà y đã nhận, đã hưởng thụ chính là mồ hôi, nước mắt và máu của đồng loại, đồng bào, của biết bao đứa trẻ phải chịu cảnh tang tóc, mồ côi, của biết bao con người phải trốn chui trốn nhủi nơi xứ người để bán mồ hôi, bán nước mắt, ki cóp từng đồng mà về nước, của biết bao số phận trong cơn bão dịch chết chóc... Bất kì kẻ nào có ý định lợi dụng lúc nguy khốn, lúc chết chóc, lúc cả dân tộc, cả thế giới cuống cuồng chống dịch, chạy trốn cái chết... để kiếm ăn, để làm giàu thì đích thị đó là giống máu lạnh, còn thua cả súc vật.

Thế nhưng có kẻ đọc thơ, lẩy Kiều, có kẻ nói như triết lý, giảng đạo khi đối chấp trước tội lỗi của mình. Phải thực lòng mà nói rằng hình như thiếu vắng con người trong phiên tòa này, nếu không muốn nói đó là một vở diễn của loài hổ báo, ruồi xanh!

Những kẻ, thậm chí nhiều kẻ, vô số kẻ tự tin rằng mình sẽ được hưởng thụ, sẽ đi nghỉ mát khi thụ án là những kẻ máu lạnh. Nhưng, nền công lý đã gieo rắc niềm tin cho những kẻ ấy và đã tạo ra sân chơi, chỗ nghỉ mát cho những kẻ ấy thì đích thị là nền công lý dao kéo, công lý chợ búa, một thứ công lý mạo danh và rởm đời. Và, những kẻ cố ý tạo ra nền công lý theo định nghĩa của họ, đương nhiên họ không thể là con người. Rất tiếc, chúng ta đang sống trong một nền công lý như thế! Và cho đến bao giờ dân tộc này chạm được nền công lý thực thụ, có lẽ đó là câu hỏi không những gây đau đầu mà còn là câu hỏi sống còn của một dân tộc.

Bởi, một dân tộc tốt đẹp khi và chỉ khi dân tộc đó có một nền giáo dục tử tế, một nền công lý trong sáng trên nền tảng một cơ chế chính trị tự do và tôn trong những điều thiêng liêng do giáo dục và công lý mang lại.