You are here

Vấn nạn lừa đảo và lừa đảo trực tuyến

Ảnh của nguyenvubinh

     Có thể nói, vấn nạn lừa đảo nói chung và lừa đảo thông qua mạng Internet, mạng xã hội đang ngày càng trở nên trầm trọng, gây bức xức với tất cả người dân và cộng đồng mạng. Chỉ vừa gõ cụm từ lừa đảo, đã có 32.600.000 kết quả trong 0,50 giây, thật khủng khiếp! Bộ công an Việt Nam vừa đưa ra cảnh báo hiện có ba nhóm lừa đảo với khoảng 24 hình thức lừa đảo. Riêng về lừa đảo trực tuyến, theo ghi nhận của cục An toàn thông tin bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 37,82 so với 6 tháng cuối năm 2022… (Bộ công an cảnh báo về 24 thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng – vietnamplus.vn ngày 10/7/2023).

     Trên thực tế, rất nhiều người đã từng là nạn nhân của lừa đảo, hoặc có người thân, bạn bè là nạn nhân. Đi đến đâu, gặp ai cũng nói chuyện đến lừa đảo và cảnh báo nhau về việc lừa đảo. Tại sao ở Việt Nam hiện nay, lừa đảo lại nở rộ như vậy và tại sao vấn nạn lừa đảo ngày càng gia tăng, không hề có dấu hiệu giảm bớt?  

     Vấn nạn lừa đảo nói chung và lừa đảo trực tuyến nói riêng trước hết xuất phát từ một môi trường xã hội hỗn loạn, băng hoại về đạo đức, sự bất minh của pháp luật, sự tha hóa của các cơ quan công quyền và quan chức. Một quốc gia muốn giữ được trật tự, sự lương thiện và tình người của người dân thì trước hết luật pháp phải nghiêm minh, những người thực thi công quyền phải trong sáng, công lý luôn được hướng tới và thực thi. Khi mà người dân không còn tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật, sự trong sáng của các cơ quan nhà nước, người dân thấy các quan chức tham nhũng, hối lộ và tổ chức cưỡng đoạt tài sản của người dân thông qua việc cướp đất, chuyến bay giải cứu và đại án Việt Á… họ đã thấy sự lừa đảo ở cấp cao nhất. Theo quy luật, “thượng bất chính hạ tắc loạn”, những người giữ trọng trách của đất nước không trong sáng, không là tấm gương thì người dân cũng sẽ làm theo, bắt chước và đất nước hỗn loạn là lẽ đương nhiên.

     Một nguyên nhân nữa dẫn tới vấn nạn lừa đảo, đó là sự khó khăn cùng cực trong tìm kiếm công ăn việc làm và thu nhập của người dân. Có thể nói, từ khi đất nước mở cửa, đổi mới đến nay, chưa có giai đoạn nào người dân lại chịu sự khó khăn đến như vậy. Sau khi cấu trúc toàn trị được tái lập hoàn toàn vào khoảng những năm 2010, cùng với sự tha hóa của hệ thống cai trị, việc hối lộ, đút lót và tham nhũng đã giúp cho guồng máy kinh tế vẫn còn vận hành được một thời gian. Đến khoảng những năm 2016-2017, công cuộc chống tham nhũng đi vào chiều sâu, những trục trặc trong guồng máy kinh tế cũng bắt đầu. Đến giai đoạn đại dịch, khó khăn khách quan do dịch bệnh đem lại, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khung cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn dẫn tới khó khăn thực sự cho nền kinh tế. Nhưng khó khăn đó cũng chỉ là khó khăn chung, có thể khắc phục được nếu nền kinh tế có nền tảng, lành mạnh và thông suốt. Tuy nhiên, do sức ép từ công cuộc “đốt lò”, tất cả những chất liệu bôi trơn (hối lộ, đút lót, tham nhũng) đã bị dừng lại và giảm tới mức tối đa, hệ thống kinh tế đã gặp trục trặc nghiêm trọng. Sự kiểm soát của các ngành, các cấp khi không có sự bôi trơn đã trở thành thảm họa. Rất ít doanh nghiệp và đơn vị kinh tế có thể vận hành được trong môi trường hiện nay. Thất nghiệp và thiếu công ăn việc làm tăng đột biến. Người dân không biết làm gì ra tiền để tồn tại, việc đi lừa đảo, cướp của nhau như một hệ quả tất yếu.

     Vấn nạn lừa đảo ngày càng gia tăng trước hết do hai nguyên nhân nói trên vẫn đang ngày càng trở nên trầm trọng. Mặt khác, việc xử lý các trường hợp lừa đảo cũng không hết và không triệt để. Chúng ta biết rằng, có rất nhiều trường hợp người dân bị lừa không trình báo, do không tin tưởng vào các cơ quan bảo vệ pháp luật (không tin vụ việc của mình được giải quyết, và khi giải quyết thì cũng mất gần hết giá trị bị lừa đảo, còn mang bực dọc vào người). Các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, không phải vụ án nào họ cũng giải quyết. Phải là những vụ có quy mô lớn, nguồn tiền thu về lớn và qua đó có lợi ích thì họ mới ra tay giải quyết. Tóm lại, một số lượng lớn các vụ lừa đảo không được trình báo, và một số lượng có trình báo cũng không được giải quyết. Chính vì vậy mà vấn nạn lừa đảo ngày càng gia tăng theo thời gian./.

Hà Nội, ngày 10/7/2023

N.V.B