You are here

Vụ nổi dậy ở Đắc Lắc cho thấy điều gì?

Ảnh của nguyenhuuvinh

Choáng váng

Ngày Chúa nhật 11/6/2023 một tin tức rúng động xã hội Việt Nam: Nửa đêm, hai đồn Công an xã tại Đắc Lắc đã bị tấn công bởi những người mang theo súng làm gần chục cán bộ, công an, dân thường chết và bị thương.

Những thông tin ban đầu báo chí đưa lên rồi rút xuống để chờ chỉ đạo của Công an, càng làm cho sự tò mò, tính nghiêm trọng của vụ việc kích thích xã hội hướng về Đắc Lắc. Ngay lập tức, những văn bản báo cáo bị rò rỉ cho người ta thấy được mức độ nghiêm trọng của nó.

Bản tin đầu tiên cho biết đã có 4 công an chết, hai bị thương, hai cán bộ là chủ tịch và Bí thư đảng ủy hai xã và hai dân thường bị thương tử vong.

Đây là bản tin làm nóng xã hội ngay lập tức.

Trước hết, đây được coi là một cuộc thảm sát có tổ chức hẳn hoi, mà mục tiêu, là hai đồn Công an, là lực lượng “Còn đảng, còn mình”, là lực lượng ăn cơm dân, mặc áo dân, lấy tiền dân, nhưng chỉ biết trung thành với đảng. Những thông tin ban đầu đưa lên rồi rút xuống để đưa những bản tin có tính chất định hướng dư luận, nhưng đằng sau những tin tức đó, người dân đọc được tính chất khốc liệt của vấn đề.

Và người dân Việt Nam xưa nay chỉ thấy dân bị đánh chết trong đồn công an, chưa chưa bao giờ thấy công an bị dân đánh chết trong đồn công an bao giờ.

Thế nên đây là sự lạ. Thế nên càng được dư luận chú ý hơn.

Và đằng sau sự khốc liệt ấy, ẩn chứa điều gì tạo nên động lực mạnh mẽ đến mức người dân nổi lên tập thế. Nguồn gốc của việc phẫn nộ tạo nên ngọn sóng trào dâng của những người dân ở Tây Nguyên hôm nay là gì?

Lúng túng và dè dặt

Mấy ngày sau, Bộ Công an vẫn không nghĩ ra được kịch bản để đưa ra cho phù hợp với những tình huống sẽ phải đối mặt. Và chắc cũng rút kinh nghiệm với việc kịch bản tồi ở những vụ việc dính đến Công an, nhưng khi đưa kịch bản ra đã ngay lập tức bị dân tình bóc mẽ như vụ Đồng Tâm, nên Bộ Công an dè dặt đưa tin tức trong vụ này ngay từ đầu.

Chẳng thế mà cho đến nay, mỗi khi nghe giải thích về một tội ác nào đó, một vụ việc nào đó từ phía công an, người dân nhắc lại đến 4 kịch bản đều từ miệng người phát ngôn Bộ Công an về lý do nổ súng thảm sát Đồng Tâm.

Chẳng thế mà cho đến nay, mỗi khi nói đến sự tinh nhuệ, kỹ thuật điêu luyện và khả năng của lực lượng công an ra sao, người dân vẫn mỉa mai nhắc đến việc chỉ để xông vào nhà giết một ông già 84 tuổi đã gãy chân mà 3 chiến sĩ công an đè nhau chết thê thảm. Mỗi khi nhắc đến trình độ khoa học, khả năng tư duy của Bộ Công an, người dân vẫn nhắc lại lời kết tội người dân Đồng Tâm đổ xăng ra chậu, bật lửa châm lên rồi bê cả chậu xăng bốc lửa ấy đổ vào công an. Người dân cho rằng: Làm được điều ấy, may ra chỉ có Tề Thiên đại Thánh bên Tàu.

Ở vụ đó, thông tin đưa ra là dối trá để che lấp tội ác, nên ngành công an nhận quả đắng của dư luận.

Điều đó cũng dễ hiểu, bởi vụ Đồng Tâm, là sự chủ động tiến hành kế hoạch thảm sát người dân lúc nửa đêm bằng hàng ngàn công an, chó và thiết bị đủ loại. Và chỉ vì trí tuệ của đảng thì quả là siêu việt trong việc bịa đặt cũng như tuyên truyền giả dối. Nhưng Sự Thật lại chỉ có một nên mọi kịch bản đưa ra đều không kín kẽ và dễ dàng bị dư luận bóc mẽ bằng sự phẫn nộ tột cùng. Thế nên, những kịch bản của Bộ Công an đưa ra qua miệng Tô Ân Xô đã trở thành bài học kinh nghiệm xương máu của ngành công an phải rút kinh nghiệm.

Ở vụ Đồng Tâm, Công an có kế hoạch, có đầu tư dự án thảm sát hẳn hoi mà còn vậy, huống chi đây thì ngược lại, nửa đêm công an bị một số người dân tấn công.

Thế nên, khác với những vụ việc trước đây công an nhanh nhẩu đưa tin về thế lực thù địch, về kẻ thù, về âm mưu, về những thủ đoạn và hành động nọ kia tạo dư luận xã hội ủng hộ Công an. Còn ở vụ này, những vấn đề mâu thuẫn, động cơ, mục đích của cuộc tấn công, cũng như xuất thân của những người dân nổi lên cầm súng kia từ đâu, vì sao họ buộc phải cầm súng… tất cả đều bị ngâm lại để tìm một kịch bản thích hợp.

Và như vậy là dư luận hoang mang, là hệ thống báo chí bẽ mặt khi có cả ngàn tờ báo, đài truyền hình nhưng chỉ ngồi thúc thủ chờ công an cho đưa dòng tin nào thì được đưa dòng đó.

Bởi công an chưa cho phép thì báo chí Việt Nam thì như nhà nước nói là có đủ tự do, độc lập nhưng bố bảo cũng chẳng dám đưa tin nếu không muốn chuốc lấy vạ vào thân.

Bởi đã là một luật lệ riêng ở Việt Nam, những vụ này, liên quan đến an ninh, liên quan đến súng đạn và nhất là dính với lực lượng vũ trang, lại là những tin tức mà qua đó, người dân dễ dàng đọc được sự thật, thì nhất nhất phải chờ Công an phát ngôn và báo chí chỉ việc đưa lại.

Những hình ảnh người dân đưa lên mạng xã hội thì ngay lập tức bị hệ thống công an, an ninh mạng bắt bớ và phạt bằng mọi cách xóa bỏ với cái cớ: “Đưa tin sai sự thật” mặc dù cái sự thật là gì, thì chính những kẻ đi phạt người ta cũng chẳng biết. Hàng trăm người đã bị bắt bị phạt như vậy đủ nói lên sự khốc liệt mà nhà cầm quyền muốn giấu.

Và cả xã hội chỉ thấy rằng với các văn bản bị tiết lộ về vụ việc, với những hình ảnh mà công an bắn súng, bắt người vô tội vạ, những hình ảnh người từ xe công an xông xuống vung dao chém thẳng tay vào đầu người đi đường chỉ vì họ mặc bộ quần áo rằn ri, thì đủ biết hệ thống công an rầm rập, dày đặc đang hành động ra sao đối với đồng bào dân tộc ít người khi họ đã khoanh vùng khu vực đó lại.

Thế rồi sau khi công an đã bắt đến gần trăm người, Công an mới cho báo chí lên dàn đồng ca “vạch trần tội ác” và “ca ngợi chiến công” – một trò vốn đã rất cũ nay diễn lại.

Nguyên nhân từ đâu?

Khi không có những câu hỏi từ cơ quan có thẩm quyền, thì người ta tìm tòi và suy đoán. Người ta đọc lại những bài báo cũ, tìm hiểu những vấn đề liên quan địa danh Huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) và người ta thấy lộ ra nguyên nhân sự việc.

Ngày 12/05/2022 tờ Tuổi Trẻ cho biết: Trong tháng 5/2022, UBND huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) quyết định sẽ cưỡng chế 64 căn nhà mà nhà nước cho là xây trái phép cạnh quốc lộ 27. Chính chủ tịch huyện Cư Kuin nói: "một bộ phận người dân chấp nhận đầu cơ, bỏ ra một số tiền lớn để mua bán đất trái phép, xây dựng nhà để ở và kinh doanh, buôn bán (rửa xe, sửa xe, làm lốp, mở quán ăn, quán cà phê, nước giải khát...) và bỗng nhiên họ bị cưỡng chế, bị cướp đất thì không uất ức mới là lạ.

Cũng theo ông Chủ tịch Huyện Cư Kuin, thì để xảy ra tình trạng trên, nguyên nhân do trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương từ huyện đến xã; UBND xã… Vậy mà đến nay cứ đè đầu thằng dân mà cướp, thì ai chịu được.

Thế nhưng việc cưỡng chế đã không thực hiện được. Mãi đến ngày 28/02/2023 báo chí nhắc lại lời đe dọa rằng cưỡng chế sẽ diễn ra trong tháng 3/2023. Rồi ngày 4/3/2023, tờ báo Đắc Lắc cho biết là sẽ dừng cưỡng chế tại đây. Bài báo viết: “Theo kế hoạch, UBND huyện Cư Kuin sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất và giải phóng mặt bằng vào ngày 3/3/2023. Tuy nhiên, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của Thường trực Huyện ủy, sự điều hành quyết liệt, kịp thời và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động của UBND huyện và các ban ngành, địa phương, mặc dù chưa đến thời gian thực hiện cưỡng chế, 29/29 hộ dân đã đồng thuận, tự giác bàn giao mặt bằng để thi công dự án.

Được biết, người dân trên địa bàn huyện Cư Kuin rất phẩn khởi và ủng hộ việc triển khai thi công dự án theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước”

Và hôm nay, thì sau cái sự “người dân đã đồng thuận và rất phấn khởi” kia, là súng, là đạn, là cả chục mạng người. Bởi người dân tộc thiểu số họ nói đi đôi với làm. Có thể đó cũng là một lý do để đẩy đến hành động tập thể của một cộng đồng đã bị đẩy vào ngõ cụt cuộc đời với chính sách cướp đất của đảng.

Cũng đến nay, thì Công an mới có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố đến 84 người dân về tội khủng bố và các tội liên quan. Cũng đến lúc này, thì người ta mới thấy Công an cho biết rằng vụ này là khủng bố chống chính quyền, do một người từ tổ chức chống Việt Nam có trụ sở ở Hoa Kỳ đã về Việt Nam đạo diễn.

Thế khó cho “thế lực thù địch bên trong”.

Kịch bản chuẩn bị kỹ càng thế, chương trình quyết liệt vậy, nhưng Bộ Công an cũng không cách nào trả lời được đầy đủ những thắc mắc của người dân về vụ việc.

Cái khó cho Bộ Công an ở đây, là những người tấn công giết chế công an tại đồn, đó là những người dân. Họ chỉ là những người dân chất phác, suốt ngày chăm chỉ làm ăn, không gây thù oán chẳng trộm cắp của ai. Vậy nên chẳng thể đổ cho “thế lực thù địch bên ngoài” là chính họ. Còn nếu thế lực bên ngoài chỉ bằng có một người mà về tổ chức được cho người dân trong cả tỉnh nổi dậy quyết chết như thế, thì quả là Tề thiên đại thánh hiển linh chăng?

Vậy hóa ra cả hệ thống chính quyền của dân, do dân, phục vụ dân bao đời nay lại không có uy tín với dân bằng một cái tổ chức ất ơ nào đó tận bên Mỹ mà đảng không dám gọi tên kia? Hóa ra những cuộc vận động quần chúng đêm ngày học tập làm theo, tháng năm qua biết bao tiền của cấp cho hệ thống tuyên tuyền không hiệu quả bằng một đứa nào từ nước ngoài về lén lút rỉ tai đồng bào?

Còn cái thế lực thù địch bên ngoài mà công an tuyên bố, rằng là tổ chức Fulro đã xúi giục người dân nổi dậy, lại càng vả vào miệng chính quan chức cộng sản. Bởi cách đây 18 năm, nhà cầm quyền đã tuyên bố tổ chức Fulro đã hoàn toàn bị xóa sổ.

Thế nên, cái “thế lực thù địch bên ngoài” đương nhiên bị xóa bỏ và không hề thuyết phục được ai.

Thế nhưng, tìm một nguyên nhân để đổ lỗi là không dễ để cho sự việc được giải thích cách logic nhất.

Mà đã không có thế lực thù địch bên ngoài, thì hẳn là có thế lực thù địch bên trong. Và cũng hẳn nhiên là lực lượng nào chống lại nhân dân, thì đó là kẻ thù của nhân dân.

Cuộc tấn công của những người dân, cho đến nay dù đã bị khởi tố, đã được tuyên truyền bằng nhiều cách. Nhưng may ra chỉ làm thỏa mãn được những bộ óc mê cuồng không biết phân biệt phải trái mà chỉ biết nghe, biết vâng dạ mà thôi. Còn đối với người dân, thì nhà nước vẫn chưa dám nói rõ, nhìn thẳng vào nguyên nhân đằng sau vụ việc là gì và thế “lực thù địch bên trong” là ai, đang ở đâu thì Công an không dám chỉ rõ.

Và người dân lại thắc mắc, lại đi tìm nguyên nhân vì sao đồng bào nổi dậy?

Bởi, chẳng ai lại tự nhiên đi mua súng đạn để xông vào giết người mà ở đây là mấy chục con người chứ không chỉ một số nhỏ.

Điều mà ai cũng biết rõ, là chẳng có dân nào phản phúc bao giờ. Cha ông ta đã chẳng dạy rằng:

Thương dân, dân lập bàn thờ
Hại dân, dân đái ngập mồ, thối xương.

Thế nên, điều được khẳng định vụ việc này, là sự phản trắc của hệ thống chính trị cầm quyền đối với người dân tại đây nói riêng và đất nước, dân tộc nói chung thể hiện qua chính sách cướp đoạt đất đai, tài sản của họ.

Và đó cũng là tiếng chuông là cảnh tỉnh cho hệ thống chính trị thối nát và mục ruỗng hiện nay: “Con giun xéo lắm cũng quằn”.

22.06.2023

J.B Nguyễn Hữu Vinh