Chủ Nhật tuần qua 28.8 Hà Nội yên ắng, sau hơn 2 tháng liên tiếp có những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc. Và theo suy đoán của riêng cá nhân tôi, có lẽ phong trào này sẽ tạm dừng lại một thời gian, cho đến khi có những diễn biến tiêu cực mới trong mối quan hệ Việt-Trung hoặc từ trong chính sách của phía Trung Quốc đối với biển Đông.
Đế có lý do dẹp biểu tình, Hà Nội tuyên bố qua bản thông báo ra ngày 18.8 rằng những cuộc biểu tình “gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đến hình ảnh thủ đô – Thành phố Vì hòa bình; tiềm ẩn các yếu tố gây mất ổn định chính trị; tác động tiêu cực tới việc thực hiện đường lối, quan hệ ngoại giao của Đảng, Nhà nước ta”. Ngoài ra, “…số đối tượng chống đối trong và ngoài nước đang ráo riết lợi dụng vấn đề trên để tiến hành các hoạt động chống Đảng, nhà nước. Âm mưu, ý đồ của họ là chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, kích động hằn thù dân tộc chia rẽ quan hệ Việt-Trung, kích động, tập hợp lực lượng gây mất an ninh trật tự và ổn định chính trị đất nước”
Chỉ cần quy chụp những cuộc biểu tình tự phát, tự giác xuất phát từ lòng yêu nước của người dân có những kẻ xấu lợi dụng, hay các thế lực thù địch xúi giục là có lý do dẹp biểu tình. Nỗi ám ảnh về các “thế lực thù địch”, “diễn biến hòa bình” là nỗi lo sợ lớn nhất của nhà cầm quyền VN lâu nay, nhưng họ lại đem nó ra làm con ngáo ộp để đe dọa, cản trở mọi hoạt động, mọi quyền hạn hợp pháp của người dân. Những cụm từ này người dân nghe đã quen, như ngày xưa đồng bào miền Bắc suốt ngày nghe nói về tội ác của “đế quốc Mỹ xâm lược cướp nước, ngụy quyền Miền Nam bán nước”. Mọi thứ tồi tệ của xã hội, mọi nỗi khổ của nhân dân là do cái lũ cướp nước, bán nước này gây ra. Bây giờ thì không biết ai mới thực sự có âm mưu cướp nước, ai mới là bán nước đây.
Vẫn cái kiểu “vừa đánh vừa xoa”, chính quyền thành phố Hà Nội một mặt thì đàn áp, bắt bớ những người biểu tình ngày 21.8, cho báo chí, TV viết bài, đưa tin bôi nhọ, xúc phạm những người biểu tình, mặt khác lại đồng ý gặp gỡ để đối thoại với nhân sĩ, trí thức. Cái trò đối thoại này ai chả biết, chỉ là trò mỵ dân. Cứ để trí thức nói cho họ giải bày tấm lòng, xả bớt bức xúc, cũng ra vẻ lắng nghe, còn thực hiện hay không lại là chuyện khác. Từ trước đến nay bao lời nói phải, bao nhiêu kiến nghị có tình có lý của ngay chính những nhà lão thành cách mạng, đảng viên đảng cộng sản cho đến giới nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước với chính quyền chỉ như nước đổ lá khoai. Đảng và nhà nước cộng sản VN đã, đang và vẫn luôn luôn đặt quyền lợi của đảng, chế độ, thậm chí của một thiểu số con người lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc.
Bằng chứng mới đây nhất là tại cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng-an ninh Việt-Trung diễn ra ngày 29/8 tại Bắc Kinh, ông Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã nhấn mạnh những ý sau đây với người đồng cấp, Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc:
…"Việt Nam không có ý định quốc tế hóa các vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc”
…"Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa láng giềng…”
…"Có một thực tế là Trung Quốc cam kết không lấy đất, lấy biển của Việt Nam và Việt Nam cũng không bao giờ nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền. Và Việt Nam cũng không bao giờ dựa vào bất kỳ một nước nào để chống Trung Quốc".
…"trong lúc chưa phân định được, hai bên tuyệt đối không được sử dụng vũ lực và thậm chí cũng không được nghĩ đến việc sử dụng vũ lực".
(theo VNExpress “Tướng Vịnh: VN không nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền”, ngày 30.8.2011)
Có nghĩa là đảng và nhà nước cộng sản VN tiếp tục chủ trương đối thoại song phương về lãnh thổ lãnh hải với Trung Quốc, không cần đến bất cứ nước nào, tiếp tục tin tưởng vào mối quan hệ hữu hảo với TQ!
Không hiểu ông Nguyễn Chí Vịnh và cả cái nhà nước VN này họ nghĩ gì mà cứ tiếp tục cái đường lối ngoại giao đầy nguy hiểm như thế!
Có thể nào tin vào những cam kết của TQ “không lấy đất, lấy biển của VN” và “không sử dụng vũ lực” hay không? Khi thực tế bao nhiêu lần đã cho thấy giá trị những lời nói, sự cam kết của đảng và nhà nước cộng sản TQ từ xưa đến nay cũng như thực chất mối quan hệ Việt-Trung là như thế nào. Nào TQ sẵn sàng phản bội Bắc Việt Nam tại Hội nghị Genève năm 1954, khi có thời cơ TQ sẵn sang đem quân đánh chiếm Hoàng Sa, Trường Sa mà nói đó là của họ, sẵn sàng vẽ bản đồ hình lưỡi bò và nói phần lớn biển Đông thuộc lãnh hải của họ, sẵn sàng xua quân qua biên giới “dạy cho VN một bài học” năm 1979, 1984. ..Trong mối quan hệ giữa hai nước, VN luôn luôn bị TQ chơi ép, chơi xấu, sử dụng nhiều phương cách để lũng đoạn chính trị, lũng đoạn kinh tế, trục lợi, vơ vét tài nguyên, khoáng sản, trong khi biến VN thành một nơi tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, độc hại, thành một công trường với rất nhiều nhà thầu xây dựng từ TQ…Ngoài khơi thì ngư dân VN vẫn thường xuyên bị tàu TQ đánh cướp, bắt cóc, đòi tiền chuộc mới cho về…
Có thể tin vào họ không?
Hay thực tế vì hiện nay họ chưa đủ sức đương đầu với Hoa Kỳ và các nước phương Tây nên họ còn tạm thời giữ cái vỏ “phát triển hòa bình”. 5, 10 năm sau khi họ mạnh hơn, nền kinh tế của họ vượt qua Hoa Kỳ thì họ sẽ lấy cho bằng được vùng biễn Đông này mà trước hết là Trường Sa của VN. Sao VN có thể tuyên bố không cần đến bất cứ nước nào khác?
Chưa kể, tại cuộc đối thoại này, ông Trung Tướng còn long trọng hứa với TQ về chủ trương “kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn”. Bình về chuyện này, nhà văn Nguyên Ngọc đã phải lên tiếng trong bài “Thôi nhé, hiểu rõ quá rồi”.
Vâng, thế là người dân VN một lần nữa, hiểu rõ đường lối đối ngoại đối nội trước sau như một của đảng và nhà nước cộng sản VN.
Có một thực tế rằng trong khi nhà nước VN tiếp tục hy vọng và bám vào mối quan hệ 16 chữ vàng với nhà cầm quyền Bắc Kinh, tiếp tục nhìn các nước phương Tây và Hoa Kỳ bằng cặp mắt nghi ngại, thì người dân VN lại luôn luôn nhìn ông bạn láng giềng phương Bắc bằng cặp mắt cảnh giác.
Mối nguy từ TQ về nhiều mặt, là lớn nhất, khiến người VN trong nước dù sợ bị đàn áp vẫn phải xuống đường biểu tình, người VN ở nước ngoài phải viết thư kiến nghị bày tỏ nỗi lo ngại bởi vì ba lý do sau đây:
1. Sự không tử tế, nói ngược, nói một đàng làm một nẻo, cùng với âm mưu thôn tính VN từ ngàn xưa đến nay của Bắc Kinh.
2. Sự bất tương xứng trong mối quan hệ giữa hai đảng, hai nhà nước và sự hèn yếu của ĐCSVN trước ĐCSTQ. Ngày xưa, khi đánh Pháp đánh Mỹ, ĐCS không đến nỗi hèn, nay thì họ quá sức hèn. Ngày xưa mục tiêu lớn nhất của họ là giành chính quyền, trong tay những người cộng sản hầu như không có gì ngoài lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, nay thì mục tiêu lớn nhất của họ là giữ chính quyền, cũng còn là giữ tài sản riêng, quyền lợi riêng bằng mọi giá.
3. Sự bạc nhược, vô cảm của một bộ phận người dân do phải sống quá lâu trong một chế độ bưng bít thông tin, không hiểu hết được thực trạng đất nước, thực chất mối quan hệ Việt-Trung.
Nên người có lỏng phải lo lắng gấp bội.
Mà đảng thì nhất định không chịu thay đổi trong đường lối chính trị lẫn ngoại giao!
Có mua thêm vũ khí, hiện đại hóa hải quân thì ăn thua gì so với TQ? Khi ngân sách dành cho quốc phòng, quân sự của TQ lớn gấp bao nhiêu lần VN, hiện lớn thứ nhì trên thế giới chỉ thua Hoa Kỳ và đang tăng hàng năm. Muốn giữ nước chỉ bằng thực lực đơn độc của mình là điều rất khó. Còn muốn chơi với Hoa Kỳ và các nước mà cứ tuyên bố kiểu không cần đến ai, không muốn thay đổi cái thể chế chính trị độc tài chuyên chế, hà khắc với nhân dân thì ai muốn chơi?
Thời đại ngày nay là thời đại toàn cầu, trong đó mỗi nước đều có ảnh hưởng đến các nước khác và ảnh hưởng đến cả thế giới nói chung. Muốn cho TQ kiềng mặt chỉ có hai cách, tự mình giàu mạnh lên và có những người bạn, đồng minh lớn. Nhưng khi kinh tế VN còn đi theo đường lối nửa thị trường nửa quốc doanh với sự ưu tiên cho những tập đoàn kinh tế nhà nước và những nhóm lợi ích, không minh bạch, rõ ràng, tham nhũng tràn lan, điều hành yếu kém thì còn chưa khá nổi, và tiếp tục lệ thuộc vào TQ. VN lại tự trói tay mình trong mối quan hệ với TQ, không có những người bạn thật sự.
Tóm lại, dù muốn dù không, người VN cũng phải nhìn thẳng vào sự thật: không thay đổi thể chế chính trị thì không thoát khỏi hiểm họa TQ. Còn chờ mong vào sự tự thay đổi của ĐCS ư, khó lắm!
Bài bình luận
Bệnh Lưỡi Bò Điên
noi to
Thu' tuong' chan vit tru'ng ma'nh