You are here

Đem thân đi lao động xứ người, làm như nô lệ, tiền không thấy đâu mà còn đổ nợ

Ảnh của songchi

Song Chi.

…Một ngày Gấm bị bà chủ đánh, sau đó hai ngày lại bị con gái bà chủ đánh. Tối khuya hôm đó canh lúc cả nhà ngủ hết, Gấm chạy trốn khỏi nhà chủ, chỉ có một bộ quần áo trên người và một cái điện thoại không xài được vì có Sim nhưng không có tiền. Gấm chạy bộ, vừa đi vừa ngoắc xe xin đi nhờ đến chỗ đồn cảnh sát. Cảnh sát hỏi chuyện rồi gọi điện kêu bà chủ của Gấm đến. Nhưng Gấm chỉ ôm đầu khóc, không chịu về. Người chủ này vẫn còn nợ Gấm 4 tháng 20 ngày tiền lương. Khi chạy khỏi nhà chủ Gấm còn bỏ lại cái vali với quần áo, chút tiền dành dụm được, nhưng bà chủ không trả lại. Không có quần áo, Gấm thấy người ta vứt quần áo trong thùng rác, chị lượm vào, không có xà bông, chị giặt tới giặt lui mấy lần rồi đem phơi cho có bộ quần áo mặc…

xxxxx

Huỳnh Thị Gấm sinh năm 1978, quê gốc Long An. Gấm mồ côi cha từ khi mới 7 tháng tuổi. Người mẹ ở vậy nuôi con. Mẹ Gấm đi cấy thuê, gặt lúa mướn, có lúc lại đi mua ve chai, làm đủ việc để có thu nhập. Gấm học đến lớp 7 thì nghỉ học vì nhà không có tiền đóng học phí. Từ đó, Gấm cũng đi làm mướn, cắt lúa, nhổ cỏ, chăn dê chăn bò…ai thuê gì làm nấy.

Năm 2006 Gấm lập gia đình. Người chồng cũng là dân thợ “đụng” – đụng việc gì làm việc đó. Rồi Gấm sinh được một đứa con trai, năm 2007. Nhà vẫn nghèo, ăn bữa nay lo bữa mai.

Năm 2018, có người quen trên facebook gửi cho đường linh của một công ty môi giới đang tuyển người đi lao động ở Ả Rập Xê Út, với điều kiện, mức lương nghe rất hấp dẫn. 1 ngày làm việc không quá 12 tiếng, 3 tháng đầu lương 12 triệu VNĐ/tháng. Từ sau 3 tháng trở đi lương 15 triệu VNĐ/tháng. Gấm quyết định đăng ký đi. Đó là Công ty Dịch vu Du lịch Thành Đô nằm ở P.14, quận Tân Bình, TP.HCM. Giám đốc là ông C.C. Cường.

2019 Gấm khăn gói lên Sài Gòn tới ăn ở tại công ty Dịch vu Du lịch Thành Đô để học tiếng Ả Rập. Học được 3 tháng thì lên đường. Trên bản hợp đồng ký lại là công ty HAVIMEC ở ngoài Hà Nội.

Gấm đến Saudi Arabi vào ngày 21 tháng 9 năm 2019 và được đón tại sân bay bởi bà T. T. Hiền và ông Aziz, cả hai là nhân viên của Văn phòng Tuyển dụng Qrnmah Alfalah. Gấm được gửi bằng xe buýt đến người sử dụng lao động ở Abha.

Hồi nào tới giờ Gấm chưa bao giờ đi lao động ở nước ngoài. Đến khi sang đến nơi chị mới nhận ra mình bị lừa, giữa hợp đồng và thực tế công việc hoàn toàn khác xa. Hợp đồng nói gia đình chủ nhà chỉ có 4 người, thực tế 9, 10 người. Hợp đồng nói ngày làm việc 12 tiếng, thực tế 18, 19 tiếng, có khi hơn. Ăn uống thì không được đầy đủ. Mỗi ngày Gấm chỉ được ăn một bữa trưa, nhưng đồ ăn chủ nhà cũng không múc ra đàng hoàng cho mà cứ ăn xong còn đồ thừa chị dọn xuống ăn. Ăn được thì ăn, không ăn được thì kệ, chủ không quan tâm.

Cực quá, sau 3 tháng, Gấm xin Văn phòng Tuyển dụng Qrnmah Alfalah cho đổi chủ, theo như điều kiện trong hợp đồng người lao động có quyền đổi chủ trong thời gian 3 tháng.

Trong thời gian 2 năm từ 2019-2021 mà Gấm xin đổi chủ tới 6 lần. Ở nhà nào thì công việc cũng cực, cũng không được đối xử tử tế. Làm việc thì do bất đồng ngôn ngữ nên nếu không hiểu ý, làm không đúng ý chủ thì bị ngắt véo bầm hết tay, bị đánh đập. Có những khi Gấm bị bệnh, sốt, đi không nổi mà cũng không được nghỉ, chủ đưa cho một viên Panadol uống rồi phải làm tiếp cho xong hết việc. Ở nhà ông chủ thứ hai, chị còn bị ông chủ sàm sỡ.

Người mẹ nghèo ở Việt Nam xót con liền chạy ngược chạy xuôi vay nóng để có tiền bồi thường cho công ty môi giới để Gấm được đi về. HAVIMEC hứa sẽ cho Gấm hồi hương trong vòng 45 ngày và buộc mẹ của Gấm ở Việt Nam phải trả hơn 3.500 đô la Mỹ tiền phạt và vé máy bay, nhưng HAVIMEC không giữ lời hứa và không trả lại tiền. Gấm đành phải ở lại làm tiếp.

Trong suốt thời gian làm việc ở Ả Rập Xê Út, chỉ có 3 tháng đầu là Gấm nhận được tiền lương. Chủ đưa 1,500 Riyal, Gấm gửi về nhà được 2 lần, mỗi lần đổi ra tiền Việt chưa được 9 triệu VNĐ, còn một lần chị giữ lại để phòng lỡ khi đói, khi cần cái gì thì còn có tiền mua. Trong khi hợp đồng lúc đầu với công ty môi giới nói là lương 12 triệu, 15 triệu. Nhưng tệ hơn, sau đó chẳng thấy đồng lương nào nữa.

Sau 3 lần đổi chủ, thì văn phòng của Hiền và Aziz không muốn nhận lại Gấm nữa.

Gấm đành phải tới Đại sứ quán Việt Nam, đang mùa dịch Đại sứ quán đóng cửa, Gấm ngồi ngoài cửa chờ từ 2 giờ trưa cho tới 7 giờ tối thì gặp được một viên chức của Sứ quán và được cho vào ngủ đỡ hai đêm.

Sau đó, ông N. Q. Khánh, Bí thư thứ hai của Đại sứ quán giao Gấm quay lại với Hiền và Aziz, hứa rằng sẽ sắp xếp để chị về nhà trên chuyến bay tiếp theo. Văn phòng của Hiền và Aziz bán Gấm cho một văn phòng tuyển dụng khác, không có người Việt. Chị phải ở tại văn phòng chờ việc hơn một tháng, trong thời gian này Gấm đã bị người đàn ông điều hành văn phòng thường xuyên quấy rối tình dục. Sau đó, anh ta gửi đến chủ thứ 4, ở một nơi khá xa. Gấm phải làm việc 22 giờ mỗi ngày. Rồi đến người chủ thứ 5, thứ 6. Có những lúc cực quá, Gấm lén tìm cách mua được một thẻ sim điện thoại và bắt đầu gọi cho N. Q. Khánh và Hiền để được giúp đỡ. Họ đã không bắt máy và cuối cùng đã chặn các cuộc gọi của Gấm.

Chỉ một lần Khánh đáp lại lời cầu xin của Gấm. Ngày 15/12/2020, Gấm nhắn tin cho anh ta giải thích hoàn cảnh của mình và nhắc anh ta về việc hồi hương. Anh ta trả lời sẽ đăng ký tên Gấm cho chuyến bay tiếp theo và khi có thông tin chuyến bay sẽ thông báo cho Gấm biết.

Nhưng rồi cũng chỉ là lời hứa.

Người chủ sau cùng là tệ nhất, một ngày Gấm bị bà chủ đánh, sau đó hai ngày lại bị con gái bà chủ đánh. Tối khuya hôm đó canh lúc cả nhà ngủ hết, Gấm chạy trốn khỏi nhà chủ, chỉ có một bộ quần áo trên người và một cái điện thoại không xài được vì có Sim nhưng không có tiền. Gấm chạy bộ, vừa đi vừa ngoắc xe xin đi nhờ đến chỗ đồn cảnh sát. Cảnh sát hỏi chuyện rồi gọi điện kêu bà chủ của Gấm đến. Nhưng Gấm chỉ ôm đầu khóc, không chịu về. Người chủ này vẫn còn nợ Gấm 4 tháng 20 ngày tiền lương. Khi chạy khỏi nhà chủ Gấm còn bỏ lại cái vali với quần áo, chút tiền dành dụm được, nhưng bà chủ không trả lại. Không có quần áo, Gấm thấy người ta vứt quần áo trong thùng rác, chị lượm vào, không có xà bông, chị giặt tới giặt lui mấy lần rồi đem phơi cho có bộ quần áo mặc.

Cảnh sát đã đưa Gấm đến một nơi tạm trú tại địa phương.

Ngày 22/8, Gấm được chuyển đến Trung tâm SAKAN dành cho người lao động nước ngoài ở tạm trong khi chờ đổi chủ hoặc về nước.

Bên SAKAN hỏi nguyện vọng Gấm ra sao, Gấm nói chỉ muốn được về nước. Nhưng cũng muốn lấy được số tiền lương chủ còn nợ. Họ hứa giúp, còn bảo Gấm làm giấy ủy quyền để lấy dùm nhưng cho đến bây giờ vẫn không lấy được.

Tại SAKAN Gấm gặp được những người lao động Việt khác, tất cả đều đang chờ về nước. Họ cùng nhau làm video đăng lên youtube kêu cứu về hoàn cảnh của những người phụ nữ lao động Việt đang bị kẹt ở Ả Rập Xê Út để mong chính phủ Việt Nam nghe được sẽ tìm cách cho chị em được về. Nhưng từ cái video, hình ảnh chị em chụp chỉ thấy tổ chức BPSOS, rồi Liên Hiệp Quốc, IOM liên hệ giúp đỡ, còn Đại sứ quán Việt Nam ở Ả Rập Xê Út thì đến hăm dọa, đe nẹt, chính phủ Việt Nam thì không thấy giúp gì.

Cuối cùng nhờ Liên Hiệp Quốc giúp đỡ, Gấm và nhiều người đã được về nước. Gấm ra về trên chuyến bay ngày 28.11.2021.

Không tốn tiền vé máy bay nhờ có Liên Hiệp Quốc, nhưng khi về tới sân bay Nội Bài Gấm phải đóng tiền cách ly, tiền test COVID-19. Không có tiền, Gấm lại phải gọi về cho gia đình, mẹ Gấm lại phải đi vay mượn tiền. Tổng cộng tốn khoảng 15 triệu VNĐ.

Số tiền người mẹ nghèo đi vay từ lúc Gấm mới qua chưa bao lâu để bồi thường cho công ty môi giới để Gấm được về Việt Nam là hơn 91 triệu VNĐ, công ty không lo cho Gấm về được nhưng cũng không chịu trả lại tiền. Lại cũng Liên Hiệp Quốc giúp Gấm làm giấy tờ đi thưa kiện, ông Giám đốc C. C. Cường hứa trả dần, trả từ năm 2019 đến tháng 8.2022 cũng chỉ mới được 31 triệu VNĐ, mà cứ phải thường xuyên gọi điện năn nỉ thì mới trả. Trong khi gia đình Gấm từ đó đến nay vẫn phải đóng tiền lời vay nóng số tiền đó là 5 triệu VNĐ/tháng. Nợ cũ chưa trả được, lại thêm món nợ mới vay để trả tiền test COVID, tiền cách ly.

Ngồi giữa căn nhà cấp bốn tuềnh toàng, xuống cấp trầm trọng, trời mưa thì dột phải che mũ ngủ, Gấm nói về chuyện nhờ có tổ chức BPSOS, nhờ có Liên Hiệp Quốc giúp chị mới về được Việt Nam, chứ nếu không tiền đâu mà mua vé máy bay? Gọi là “chuyến bay giải cứu” mà “chém” tiền kinh khủng (và sự thật về những “chuyến bay giải cứu” này ra sao đến nay chúng ta đã rõ). Đúng là nghịch lý, nếu không đi làm còn không vướng nợ, đi làm xa 2 năm vỏn vẹn chỉ được 3 tháng lương, chịu bao nhiêu nhục nhằn mà còn đổ nợ ra.

Nghĩ lại Gấm chỉ mong những ai đang có ý định đi lao động xuất khẩu biết được những câu chuyện, những kinh nghiệm cay đắng tủi nhục của những người đi trước để cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định ra đi. Chị cũng mong sao Liên Hiệp Quốc, các tổ chức nhân quyền quốc tế gây sức ép mạnh hơn với nhà nước Việt Nam để tránh những trường hợp bị lừa, hợp đồng ký một nẻo công việc thực tế đi một đằng, mức lương tính trên giờ làm việc còn thua cả làm công nhân ở Việt Nam, lại còn bị đánh đập, xỉ nhục, có người còn bị cưỡng hiếp, nhưng từ văn phòng phụ trách lao động ở nước ngoài cho tới đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài chẳng bao giờ bênh vực, bảo vệ cho người lao động Việt Nam.

xxxxx

Câu chuyện của Huỳnh Thị Gấm chỉ là một trong vô số câu chuyện với những trải nghiệm thực tế chua xót, tủi nhục khác nhau của những người dân Việt Nam vì hoàn cảnh nghèo khó mà phải chấp nhận đi lao động ở nước ngoài kiếm tiền nuôi bản thân, nuôi gia đình, theo chương trình gọi là “xuất khẩu lao động”.

Phải nói, nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có chính sách buôn người hợp pháp, công khai dưới danh nghĩa Xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài, thường gọi tắt là Xuất khẩu lao động Việt Nam này. Bắt đầu từ năm 1980 dưới hình thức hợp tác lao động với các nước XHCN, chương trình này tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mở rộng thị trường ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nga cho tới Serbia, Ả Rập Xê Út, Jordan, Oman…nơi nào có nhu cầu cần lao động nước ngoài là nơi đó có người Việt Nam. Các công ty xuất khẩu lao động mọc lên như nấm, mà phần lớn là công ty quốc doanh hoặc công ty tư nhân sân sau của các quan chức.

Xuất khẩu lao động đã góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân, nhất là mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho nhà cầm quyền Việt Nam.

Tuy nhiên, mặt trái của chính sách này thì cũng rất nhiều và đã bị báo chí, dư luận bên ngoài đề cập đến từ lâu như người lao động bị lừa đảo, bị bóc lột sức lao động, phải làm việc như nô lệ, bị ngược đãi, thậm chí bị lạm dụng tình dục v.v…Rất nhiều bi kịch đã xảy ra, kể cả có những người đã không thể sống sót để trở về. Nhưng tình trạng này vẫn không hề được cải thiện. Việt Nam đã từng nhiều lần bị đưa vào Danh sách Theo dõi của hạng 2 (Tier 2 Watch List) như năm 2004, 2010, 2011, 2019, 2020. Và vào tháng 7.2022 Việt Nam đã bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa xuống hạng 3 (Tier 3) tức hạng tệ hại nhất về buôn người.