You are here

Những yếu tố cơ bản kìm hãm nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân

Ảnh của nguyenvubinh

     Trong câu chuyện thời sự mới đây nhất, 42 người Việt Nam bị dụ sang Campuchia làm việc cho sòng bạc của người Trung Quốc đã phá cửa sòng bạc, bơi qua sông về Việt Nam. Kết quả là 1 người chết đuối, 11 người bị bắt lại và 40 người trốn thoát nhờ sự giúp sức của một số người bên phía bờ Việt Nam đi thuyền và bơi ra cứu giúp. Một câu hỏi đặt ra, tại sao người Việt lại phải đi sang Capuchia làm việc trong điều kiện tủi nhục, khổ sở như địa ngục vậy? và không chỉ những người đi Campuchia làm thuê, mà người Việt còn đi khắp thế giới làm thuê, rơi vào những cảnh thê thảm (39 người chết trong thùng lạnh ở Anh!) không khác gì những người vừa bơi qua sông về Việt Nam.

     Câu trả lời ai cũng biết rất rõ, vì ở nhà họ không có công ăn việc làm, không có thu nhập để đủ sống và giúp gia đình. Tại sao ở Việt Nam họ lại không có công việc và thu nhập đủ sống? bởi vì chế độ cộng sản, bởi vì nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, bởi vì nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân bị bóp nghẹt đến mức doanh nghiệp, người dân không thể làm ăn nổi, nên phần lớn người dân không có công ăn việc làm, không có thu nhập đủ sống. Vì vậy, họ phải tha phương cầu thực, rơi vào những hoàn cảnh vô cùng thê lương.

     Vậy đâu là những yếu tố cơ bản đã kìm hãm, bóp nghẹt nền kinh tế Việt Nam, không cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, không cho người dân Việt Nam làm ăn tồn tại được ngay chính trên quê hương, đất nước mình?

     Trước hết, đó là nền tảng của nền kinh tế Việt Nam, không phải là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa (mời tham khảo bài viết cũng trên blog này: nền kinh tế thị trường và nền kinh tế Việt Nam). Các nguyên lý của nền kinh tế bị vi phạm, bóp méo, cấu trúc nền kinh tế lệch lạc giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, môi trường thể chế kìm hãm và việc trục lợi chính sách của các quan chức tham nhũng… đã là những nền tảng của nền kinh tế bị bóp méo, biến dạng. Nói cách khác, xuất phát điểm để các doanh nghiệp và người dân sản xuất kinh doanh đã là rất khó khăn và thua thiệt. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động kinh doanh và làm ăn, còn có các yếu tố trực tiếp kìm hãm, bóp nghẹt người dân và doanh nghiệp.

     Thuế, phí của Việt nam quá cao và nhiều khoản vô lý. Trong một khảo sát về thuế mới đây, Việt Nam bị xếp vào nhóm các nước có thuế cao nhất thế giới, với mức khoảng 19% trong khi mức trung bình của thế giới là khoảng 14%. Không ai thống kê hết được những khoản thuế, phí vô lý mà người dân Việt Nam phải chịu ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và hoạt động của mình. Một điển hình là việc đánh thuế ô tô nhập khẩu, gấp 3-4 lần giá trị một chiếc xe khi người dân mua sử dụng. Đành rằng, ô tô tính là mặt hàng xa xỉ, và hệ thống đường bộ Việt Nam còn yếu kém nhưng không thể đánh thuế tới mức gấp 3-4 lần giá trị xe như vậy được. Một con gà thịt ở Việt nam cũng có kỷ lục cõng 14 loại phí, theo thống kê của chính bộ Nông Nghiệp! Như vậy, thuế phí quá cao và vô lý đã là một yếu tố cơ bản bóp nghẹt nền kinh tế và hoạt động của mọi thành phần trong nền kinh tế.

     Các quy định không phù hợp thực tế và vô lý. Trong tất cả các ngành nghề, các quy định được các quan chức của các bộ ngành đưa ra cho các hoạt động của doanh nghiệp và người dân, hầu như tất cả đều không phù hợp với thực tế hoạt động của người dân và doanh nghiệp, không phù hợp với môi trường Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta thấy các doanh nghiệp và người dân vẫn hoạt động kinh doanh. Lý do là, tất cả các doanh nghiệp, hoặc cá nhân kinh doanh đều vi phạm các quy định của ngành, địa phương đề ra. Khi vi phạm mà vẫn được hoạt động đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp và cá nhân phải đút lót các cơ quan, đơn vị để tồn tại và hoạt động. Ví dụ như các cơ sở kinh doanh Karaoke, nếu thực hiện đúng quy định về phòng cháy chữa cháy mà cơ quan chức năng phòng cháy chữa cháy đề ra thì không có một doanh nghiệp, cá nhân nào hoạt động nổi, nên họ phải đút lót các quan chức phòng cháy chữa cháy. Vì không thực hiện các yêu cầu tối thiểu về phòng cháy chữa cháy mà các cơ sở Karaoke khi gặp sự cố, đã bị cháy gây hậu quả rất nặng nề. Tất cả các ngành nghề, lĩnh vực khác đều như vậy. Nguyên nhân có các quy định không thực tế và vô lý, là do các quan chức và công chức trong các ngành nghề không đủ ăn, phải tạo ra các quy định khó khăn để doanh nghiệp và người dân đút lót và phụ thuộc vào họ. Các quy định không thực tế, vô lý cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng hãm hại doanh nghiệp và người dân.

     Cuối cùng, đó là sự sách nhiễu của các đơn vị ngành, địa phương và cá nhân các quan chức. Chúng ta đã từng nghe, và hiện trạng vẫn không có gì thay đổi, đó là cứ “xuân thu nhị kỳ”, Tết, mùng 2/9, 30/4… các đơn vị thuộc ngành, các địa phương, như phường xã, quận huyện đều đến các doanh nghiệp, chỗ thì có công văn, chỗ thì xin miệng… tất cả đều phải chung chi cho các đơn vị, cho các quan chức. Ở mức thấp hơn, các hộ kinh doanh cá thể, bị thu “phế” theo tháng… nạn mãi lộ của cảnh sát giao thông đã trở thành huyền thoại…

     Có thể nói rằng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang phát huy hết tác dụng. Chính vì vậy mà hiện nay, nguồn vốn không thể đưa vào sản xuất kinh doanh bình thường (ở mức vô cùng thấp so với tiềm năng) mà chỉ loanh quanh ở hai lĩnh vực, bất động sản và thị trường chứng khoán. Chúng ta đã và đang chứng kiến, nền kinh tế bị đại dịch hoành hoành, các doanh nghiệp và người dân không làm ăn được trong đại dịch nhưng chỉ số của thị trường chứng khoán đã tăng gần gấp đôi. Nền kinh tế Việt Nam đã hoạt động bất chấp tất cả các quy luật của nền kinh tế thị trường từ xưa tới nay. Không hiểu một nền kinh tế như vậy sẽ tồn tại được bao lâu nữa?!?

Hà Nội, ngày 23/8/2022

N.V.B