Trong tuần qua, việc ông Nguyễn Duy Chiến, phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia Việt Nam “hành” phương Nam để nói về những tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc tại các cơ quan nhà nước và báo đài đã cho thấy tính chất căng thẳng của vụ việc.
Cuộc nói chuyện với chủ đề Thực thi chủ quyền biển đảo, ông Chiến đã công bố nhiều thông tin mà lâu nay được xếp vào “nội bộ”.
Nếu như trên đất liền, biên giới Việt-Trung có khoảng 231 km vuông bị tranh chấp, mà sau khi giải quyết, Việt Nam được 115 km vuông, thì trên biển phức tạp hơn rất nhiều. Vì đơn giản, biển rộng người thưa, kinh nghiệm giữ biển yếu. Dù thực chất, phần đảo nổi của Trường Sa, Hoàng Sa không rộng, mỗi nơi chỉ có tổng khoảng 10 km vuông, nhưng khi tính lãnh hải bao bọc thì cả một vấn đề. Và nhìn ra hết các đảo, hơn 16 vạn người sống ở đó.
Việt Nam có chiều dài bờ biển hơn 3.260 km, nếu đem nhân với chiều rộng lãnh hải là 360 km thì diện tích rất đáng kể. Nếu xét trung bình, cứ l00 km vuông đất liền thì có l km bờ biển; trung bình của thế giới là 600 km vuông đất liền/1 km bờ biển.
Cũng nên biết rằng, hơn 1/3 dân số Việt Nam sống ven biển và gần ½ GDP quốc gia được sinh ra từ kinh tế biển. Cho nên, nếu không bảo vệ biển hiệu quả, cương quyết, thì nguy cơ đưa đất nước đến chỗ nghèo đói hơn nữa là điều dễ nhìn thấy. Trong khi “anh cả” của khối xã hội chủ nghĩa (với vài nước le que còn lại) thì chẳng bao giờ chơi đúng luật, chẳng tôn trọng công ước quốc tế.
Ông Chiến nói rằng, lâu nay các vấn đề tranh chấp biên giới, nhất là trên biển Đông, vẫn là chuyện khá bí mật của Việt Nam, ngay đến bộ công an cũng chỉ có 2 cục (an ninh, tình báo) được biết, những cục khác khá mù mờ. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi phần đông đảng viên đảng cộng sản Việt Nam cũng không thể biết mình phải ứng xử ra sao, suy nghĩ thế nào.
“Điều này cần phải được thay đổi dần dần, dù ở cấp độ nội bộ”, ông Chiến nói.
Từ câu chuyện này, mới thấy rằng, việc tiếng nói của người dân, của những người biểu tình chống Trung Quốc trong mấy tuần qua là chuyện khá “đơn phương”. Đơn phương theo nghĩa, cả đoàn biểu tình và phần chính của lực lượng kiềm giữ việc biểu tình đều không thể biết động thái thực sự của nhà nước là gì. Vì đó là bí mật.
Nếu một thời gian nữa, Việt Nam công khai việc biểu tình thì lực lượng kiềm giữ hóa ra cả tháng qua làm việc rỗi hơi, ruồi bu, chẳng có tích sự gì. Bởi nếu không công khai, thì việc ông Chiến âm thầm đi “thuyết pháp” về căng thẳng này để làm gì?
Cho nên, cũng có thể nói rằng, các phát ngôn công khai của Bộ ngoại giao cũng chỉ là nói cho có, chỉ phản ánh một phần nhỏ sự thật đã bị bóp méo, xuyên tạc.
Tại sao sự thật chỉ thuộc về một số người, trong khi vận mệnh dân tộc là nỗi lo chung? Chỉ có thể trả lời bằng thực tế: trong một cơ chế và bộ máy độc quyền, chuyện gì cũng phải độc quyền noi theo.
Bởi độc quyền nắm giữ bí mật sự căng thẳng với Trung Quốc có thể đẩy đất nước tới lâm nguy, nhưng có khi lại sinh lợi khổng lồ cho vài cá nhân lãnh đạo nào đó. Trong khi bạch hóa thì toàn dân cùng lo, gánh nặng được chia ra, nên cơ hội kiếm chác riêng tư cũng sẽ mất.
Trong các cuộc nói chuyện, ông Chiến cũng đề cập đến việc sắm 6 tàu ngầm của Việt Nam và việc nâng cấp vũ khí.
Đây là những khoản tiền khổng lồ, nếu việc mua sắm không được kiểm soát tốt, tiền vào túi riêng cũng khó tránh khỏi. Trong quá khứ đã từng cho thấy, nhóm phụ trách khí tài quốc phòng từng môi giới để mua những vũ khí lỗi thời với giá tiền sản xuất mới, lợi ai hưởng thì khỏi cần nói.
Nói rộng ra như việc đài truyền hình HTV, lớn nhất nhì Việt Nam nhưng hiện nay vẫn phát sóng âm thanh mono là vì từ hơn 10 năm trước, vị giám đốc đương nhiệm đã tranh thủ sắm đầu phát sóng để hưởng phần trăm, nay quá lỗi thời cũng đành phải chịu. Mà ai chịu, đương nhiên là dân chịu.
Ông Chiến cũng tỏ ra lo lắng rằng tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc (với gần 70 tàu ngầm hiện có) là quá chênh lệch. Nói điều này có 3 lý do: 1) Chỉ nhìn vào hiện trạng thực tế mà run rợ, muốn người yêu nước phải run sợ theo, để họ “nằm im” đừng phản ứng; 2) Vô tình cổ vũ cho việc mua sắm thêm vũ khí, “trúng kế” của những người phụ trách và ký lệnh mua sắm khí tài; 3) Hoặc tiếp tay cho việc rung cây nhát khỉ để kiếm lợi từ Trung Quốc.
Trong khi ông Chiến và những người hay so sánh lực lượng hải quân quên rằng, trong lĩnh sử loài người và cả Việt Nam, xét về tương quan lực lượng, có khi yếu hơn lại thắng. Bởi chiến tranh là một cái chợ buôn bán vũ khí kiếm lời, nếu có cầu, thì ắt có cung.
Đó là chưa xét tới câu hỏi, lúc này Trung Quốc có thực sự thích chiến tranh không? Hay trên đà phát triển kinh tế, con cá mập này cứ giả vờ gây hấn, để nước nào khiếp vía thì bành trướng luôn, chứ không cần phải đánh nhau thật sự?!
Chính vì vậy, vấn đề biển Đông hiện nay là chuyện của các làn sóng ngầm, người yêu nước đi biểu tình cũng bị xem là ngầm, mà nội bộ lãnh đạo nhà nước cũng sóng ngầm theo - tất cả đều thiếu thông tin, đều không được vài chóp bu ủng hộ. Chỉ khi nào nhà nước xác định các thông tin trên biển là vấn đề sống còn, bạch hóa cho toàn dân cùng lo nghĩ, thì lúc ấy căng thẳng với Trung Quốc mới có nguy cơ bớt đi. Bởi cục diện lịch sử trên biển đảo đang thuộc về Việt Nam, không quyết liệt và rõ ràng, Trung Quốc sẽ cả vú lấp miệng em.
Căn cứ để làm điều này là khi nhìn vào cục diện và lợi ích chung, Việt Nam không muốn chiến tranh là đương nhiên, mà Trung Quốc cũng thế, đang trên đà giành ngôi quán quân về kinh tế thế giới, nếu đánh nhau thì thật khó khăn.
Bài bình luận
hongha
Mot bai viet co chieu sau