Không hiểu sao lúc gần đây tôi đâm ra bi quan lạ lùng bởi những hiện tượng xảy ra dồn dập được báo chí mô tả. Các vở kịch đời ngày một nhiều hơn các pha đâm chém, đầu độc nhau và rồi người bị nạn cũng như người đọc báo cảm thấy quen dần với các hình ảnh bạo lực một cách tiệm tiến.
Các phóng sự đầy máu me trên trang mạng, lề phải lẫn lề trái, cho thấy xã hội Việt Nam đang trong lúc đảo điên hơn các nước khác, đặc biệt những nước phương Tây, nơi vũ khí được cho phép sử dụng công khai dưới danh nghĩa tự vệ, hay gần hơn là các nước trong khu vực không nước nào có con số bạo động giết người rùng rợn và bất nhân như Việt Nam mấy lúc gần đây.
Bên cạnh những trường hợp giết người rồi phân thây nạn nhân để phi tang, báo chí đưa tin các vụ giết nhau bằng cách phóng hoả, dùng độc dược hay sử dụng dây để xiết cổ nạn nhân đến chết…các vụ này nhiều đến nỗi cảm giác của người đọc trở nên nhạt dần sự thương xót hay căm phẫn mà thay vào đó là thái độ gần như dửng dưng, vô cảm của một số lớn độc giả ngày nay.
Cảm giác đọc một vụ giết người cũng bình thường như đọc một vụ tham nhũng, như một vụ ngoại tình hay cay đắng, hơn giống như một vụ lường gạt của các đại gia…đã làm tôi giật mình.
Nguội dần đi, mòn dần đi tính nhân bản của người đọc báo thấy rất rõ qua các ý kiến dưới mỗi bài viết: ngày càng ít dần hơn các góp ý với tờ báo trong các vụ giết người.
Thế nhưng một vụ giết người mới đây làm tôi hụt hẫng. Hụt hẫng vì tính chất tàn bạo mà bài tường thuật không nói tới. Tàn bạo nhất từ trước tới nay bởi bản chất và chi tiết của vụ giết người này.
Thông thường người ta giết người do động cơ bức bối nội tại không giải quyết được bằng cách nào khác, hoặc sự nóng giận làm mất cả trí khôn. Người ta cũng có thể giết người khi lòng tham nổi lên hoặc giết người để phi tang hành động mờ ám. Giết người vì điên cuồng, vì giận dữ, vì ghen tuông…nhưng không ai giết người vì thấy người khác tụ tập để biểu tình, đình công như hai trường hợp rất giống nhau, một của Việt Nam, và một của Trung Quốc sau đây:
Vào ngày 10 tháng 5 theo tin từ báo đài ngoại quốc loan tải, một tài xế Trung Quốc đã lái chiếc xe tải chở than đâm thẳng vào một đám đông người sắc tộc thiểu số Mông Cổ tại Nội Mông khi nhóm người này tập trung chống lại các xe tải chở than làm ô nhiễm khu vực của họ đang sinh sống.
Vụ đâm xe này làm một người chết tại chỗ cùng nhiều người khác bị thương đã làm dấy động lòng căm phẫn của dân chúng sắc tộc thiểu số Mông Cổ sống tại đây khiến họ nổi lên biểu tình chống chính quyền Bắc Kinh. Vụ biểu tình này có nguy cơ dấy động phong trào bạo động như ở Tân Cương vài năm trứơc. Chính quyền lập tức bắt giam và đưa ra bản án tử hình cho người tài xế bất lương này cũng như người phụ xế bị án chung thân.
Vụ thứ hai rất giống vụ thứ nhất đã xảy ra tại Việt Nam.
Câu chuyện phát xuất từ một chiếc xe tải đến Công ty Giai Đức để chở phế liệu. Đám đông công nhân đang đình công tại công ty này nhất định không cho xe qua cổng nên tài xế phải ngồi yên trong cabin. Khoảng 5 phút sau, tổ trưởng tổ bảo vệ Công ty Giai Đức Việt Nam là Lê Tuấn Minh mở cổng, kéo anh tài xế ra khỏi cabin rồi tự mình nhảy lên ôm lấy tay lái lao thẳng chiếc xe vào các công nhân đang ngồi đình công bên ngoài cổng.
Kết quả, 1 nữ công nhân tử vong và 7 người khác bị thương, trong số đó có hai nữ công nhân đang mang thai.
Hai hành động giết người này đáng ghi nhận ở mức tàn bạo của nó khi một con người bình thường lại có can đảm cầm tay lái cán chết những con người khác dưới bốn bánh xe một cách lạnh lùng.
Cái chết của hai nạn nhân rất giống nhau. Oan ức và bi ai như trong một cuốn tiều thuyết. Hai kẻ sát nhân máu lạnh xuất phát từ hai nhà nước cũng giống nhau như hai giọt nước, một kẻ giết người vì bực tức với người khác chủng tộc, kẻ giết người thứ hai khai rằng bị thúc giục từ chủ công ty. Hai chế độ với những bức bách nội tại giống nhau đã sản sinh ra bi kịch không thể khác nhau hơn.
Có điều khác nhau là người dân thiểu số Mông Cổ mạnh mẽ tranh đấu cho người chết, còn người dân Việt Nam không thấy có phản ứng gì khi vụ việc xảy ra.
Báo chí đưa tin có thể tạm giam kẻ sát nhân ba tháng để khởi tố.
Vụ án này cho thấy sự nhẫn tâm của kẻ giết người cao hơn tất cả các vụ sát nhân khác. Kẻ thủ ác trở thành một icon cho sự lãnh đạm của người dân nay đã trở nên báo động. Phản ứng của cộng đồng quá yếu ớt làm cho chúng ta ngạc nhiên. Có phải chúng ta đã sống quá lâu trong cái hủ nút đen tối do độc tài toàn trị đã xiên chiếc khoen sắt vào ý nghĩ của mọi người khiến niềm tin cũng trượt dài như sự sợ hãi?
Nhiều người, trong đó có tôi tin rằng xã hội vẫn còn rất nhiều người tốt, rất nhiều người thầm lặng phía sau các hiện tượng mài mòn niềm tin này. Nhưng tôi cũng có câu hỏi đặt ra với xã hội: tại sao chúng ta không lên tiếng, không kết án những kẻ dung dưỡng đám sát nhân đang ngày một nhiều hơn như một loại giặc châu chấu sẵn sàng tàn phá hệ thống đạo đức đã được xây dựng hàng ngàn năm qua trong cộng đồng? Tôi cũng có câu hỏi: tại sao gần như tất cả mọi người trong đó có một phần của tôi lại lật rất nhanh các trang giấy mô tả những cảnh giết người như muốn trốn chạy trách nhiệm trong xã hội dân sự?
Hỏi và tự trả lời, câu trả lời rất buồn: Vì tôi yếu đuối.
Và buồn hơn: kẻ sát nhân lẫn người bị hại không ai là người thân của tôi cả.
Bài bình luận
Thế cánh cò có thấy ở miền nam không?
Người Việt bây giờ hèn lắm.
Gần mực