Lê Diễn Đức
Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague (ICC) trong ngày 27 tháng 6 năm 2011 đã ban hành lệnh bắt giữ đối với Muammar Gaddafi, con trai của ông ta Saif al-Islam và Giám đốc tình báo Abdullah asl-Senussi.
Cả ba người đều bị cáo buộc phạm tội ác chống nhân loại.
Công tố viên trưởng của Tòa án là Luis Moreno-Ocampo đã nộp đơn đề nghị Toà ra lệnh bắt giữ từ hồi tháng Năm. Ông luận cứ rằng, Gaddafi đã chỉ thị cho an ninh và quân đội tấn công vào thường dân. Theo công tố viên, nhà độc tài của Libya cũng phải chịu trách nhiệm về việc bắt giữ và tra tấn các nhà đối lập chính trị.
Đây là trường hợp thứ hai Tòa án Hình sự Quốc tế ra lệnh bắt giữ đối với một tổng thống đương nhiệm. Lần đầu tiên xảy ra với Tổng thống Sudan Omar el-Bashir, là người bị cáo buộc tội diệt chủng ở Darfur.
Gaddafi cầm quyền lực "tuyệt đối và quyền kiểm soát không thể tranh cãi" toàn bộ bộ máy nhà nước và lực lượng an ninh Libya - Bà Sanji Monageng Mmasenono, thẩm phán từ Botswana, cắt nghĩa lý do bắt giữ.
Bà thẩm phán nói thêm rằng Gaddafi và con trai của mình "đã lên kế hoạch ngăn chặn và đàn áp bằng mọi giá tất cả các cuộc biểu tình của công dân" chống lại chế độ, và Senussi, giám đốc tình báo, sử dụng vị trí của mình để cung cấp thông tin và ra lệnh tấn công người biểu tình.
Lệnh bắt giữ của ICC xuất phát từ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ). Trước khi có lệnh bắt giữ, nhà chức trách Libya nói không thừa nhận thẩm quyền của tòa án và không sợ bị bắt.
Libya là quốc gia không ký kết Quy chế Rome năm 1998 mà theo đó ICC đã ra đời. Tuy nhiên, theo công tố viên Moreno-Ocampo, nhà chức trách Libya có nhiệm vụ hợp tác với ICC, bởi vì Libya là thành viên của LHQ.
Theo hãng Reuters, thực hiện lệnh bắt giữ có thể khó khăn. ICC không có cảnh sát riêng, tuy nhiên IIC sẽ dựa vào các nước công nhận quyền tài phán của nó, ví dụ Hoa Kỳ hay các nước của đồng minh NATO.
Lệnh bắt giữ đã được Ngoại trưởng Anh William Hague'a ngay lập tức ủng hộ. Theo quan điểm của ông, thêm một bằng chứng rằng Gaddafi đã mất quyền cai trị và ngay lập tức phải giao trả quyền lực.
Toà án Hague cũng kêu gọi các quan chức Libya rời bỏ nhà độc tài và chỉ ra rằng những kẻ gây "tội ác" sẽ phả chịu trách nhiệm.
Cuộc nội chiến ở Libya diễn ra kể từ tháng Hai năm nay. Sau nhiều tháng chiến đấu, quân nổi dậy đã kiểm soát phía đông của đất nước, một phần phía tây và được gián tiếp hỗ trợ bởi sự can thiệp của NATO bằng các cuộc không kích, kéo dài từ cuối tháng Hai.
Cầm cự rất mệt mỏi trong thời gian qua do bị Hoa Kỳ và phương Tây phong toả từ nguồn tài chính, không vận và hải phận, đến khai thác dầu mỏ, lại cộng thêm những trận ném bom dữ dội vào thẳng thủ đô Tripoli, lệnh bắt giữ của IIC là một thông tin rất xấu cho Gaddafi.
Dân biểu Hoa Kỳ Mike Turner cho biết, trong một cuộc trò chuyện, Đô đốc Samuel Locklear, vị chỉ huy hoạt động của NATO tại Naples thừa nhận rằng NATO đang cố gắng giết chết nhà độc tài Libya. Những nỗ lực nhắm trực tiếp vào Gaddafi trong thời gian gần đây được “gia tăng nghiêm trọng”.
Nếu để ý đến câu chữ của công tố viên ICC, ta thấy tội danh của nhà độc tài Gaddafi mà ICC cáo buộc giống hệt những hành vi của nhà chức trách Hà Nội đã làm với những người tham gia biểu tình phản đối Trung Quôc xâm lược trong năm 2007 và trong các ngày 5, 12, 19 và 26 tháng 6 vừa qua, tuy ở mức độ thấp hơn.
Thiết nghĩ, trong tương lai nếu nổ ra những cuộc biểu tình rầm rộ của dân chúng chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam đã phản bội nhân dân, bán rẻ chủ quyền và an ninh của dân tộc cho Trung Nam Hải, mà bị đàn áp thô bạo, là thành viên của Liên Hiệp Quốc, chắc chắn nhà nước cộng sản Việt Nam cũng khó lòng thoát khỏi trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
Cho nên, lệnh bắt giữ của Toà án hình sự quốc tế ICC đối với Gaddafi, một người bạn gần gũi, thân thiết của Hà Nội và Bắc Kinh từ nhiều thập niên qua, là tín hiệu rõ ràng, cảnh báo các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trước những mưu toan dùng bạo lực, dập tắt dã man các cuộc phản kháng ôn hoà của nhân dân. Tình thế và bối cảnh quốc tế ngày hôm nay đã khác xa với bối cảnh nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp đẫm máu thanh niên, sinh viên xuống đường đòi cải tổ chính trị và tự do, dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989. ■
------------------------------------------------------
Nguồn: Tổng hợp tin từ báo chí nước ngoài ngày 27 tháng 6 năm 2011.
* Đây là Blog cá nhân của Lê Diễn Đức. Nội dung bài viết thể hiện quan điểm độc lập của tác giả.
Bài bình luận gần đây