You are here

Phải chăng mô hình dân chủ đang suy yếu, mô hình độc tài đang lên?-P.1.

Ảnh của songchi

Song Chi.

Mỹ và các nước dân chủ phương Tây đang rối ren, Trung Cộng, VN... ổn định chính trị?

Khởi đầu từ cái chết của người đàn ông da đen George Floyd dưới tay viên cảnh sát da trắng Derek Chauvin ở Minneapolis, Minnesota vào tháng 5.2020, phong trào biểu tình «Black Lives Matter» đã bùng lên dữ dội ở Mỹ và nhiều nước phương Tây. Một số kẻ xấu đã lợi dụng những cuộc biểu tình này để cướp bóc, hôi của chỗ này chỗ khác. Ở Mỹ một số nơi còn đòi cắt giảm ngân sách hoặc thậm chí, giải thể lực lượng cảnh sát, giao quyền bảo vệ người dân cho các tổ chức dân sự. Tại khu dân cư ngay trung tâm thành phố Seattle, những người biểu tình đặt rào chắn bao quanh, đặt tên nơi đây là "Khu Tự trị Capitol Hill" (Capitol Hill Occupation Protest, Capitol Hill Autonomous Zone) và thử nghiệm cuộc sống không có cảnh sát. Nhưng sau 3 tuần (8.6-1.7.2020) thì cảnh sát TP Seattle, bang Washington (Mỹ) đã ra quân giải tỏa khu vực «tự trị» sau khi có nhiều vụ xả súng gây thương vong tại khu vực này.

Trong một diễn biến khác, phong trào «Black Lives Matter» lên cao, dẫn tới việc đòi giựt sập/kéo đổ những bức tượng gợi lên những hình ảnh, ký ức về nạn phân biệt chủng tộc và thời kỳ nô lệ ở Mỹ, ở Anh..., trong đó có cả những bức tượng của 3 vị Tổng thống được gọi là «bậc tổ phụ» của nước Mỹ như George Washington, Theodore Roosevelt, Thomas Jefferson, ở Anh thì tượng của Cố Thủ tướng tài ba Winston Churchill và cả tượng Mahatma Gandhi ...cũng không được yên.

Một số người biểu tình còn đi xa hơn, đòi xét lại lịch sử, xét lại những nhân vật lịch sử, chính khách, các gương mặt văn hóa lớn và tác phẩm của họ, thậm chí cả từ ngữ dùng hàng ngày trong mọi lĩnh vực, nếu gợi lên ý phân biệt chủng tộc, là phải điều chỉnh, sửa đổi.

Những điều đó đôi lúc khiến chúng ta lo ngại, liệu phong trào có đi quá xa, biến thành một cuộc cách mạng và làm lung lay tận gốc rễ các thể chế dân chủ?

Theo dõi tình hình thế giới những ngày này, nhiều lúc chúng ta có thể có những cảm giác hoang mang, nản lòng. Một nước Mỹ hùng mạnh, luôn đề cao những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền, luôn lãnh đạo khối tự do chống lại những thế lực đi ngược lại những giá trị đó như Liên Xô và khối XHCN cũ, các tổ chức Hồi giáo khủng bố cực đoan hay các quốc gia độc tài hiếu chiến...dường như giờ đây đang co cụm lại với phương châm «America first!» và những vấn đề, những rối loạn của nước mình. Khối NATO không còn vững chắc như trước kia, thời Chiến tranh Lạnh. Sự đoàn kết giữa Mỹ và các nước đồng minh, giữa các nước phương Tây với nhau dường như cũng lỏng lẻo đi, một phần vì các nước còn đang quay cuồng giữa đại dịch COVID-19.

Trong khi đó thì Trung Cộng, một quốc gia có mô hình thể chế chính trị độc tài độc đảng vô cùng hà khắc lại rất «ổn định» về mặt chính trị, đang ngày càng trở nên hùng mạnh hơn, hung hăng hơn. Là quốc gia bùng phát dịch bệnh COVID-19 đầu tiên sau đó làm lây lan khắp thế giới, nhưng Bắc Kinh đã dốc toàn lực khống chế dịch và bây giờ thì kinh tế của họ lại đang trên đường hồi phục trở lại, mà một trong những sự hồi phục đó đến từ việc...bán khẩu trang, nước sát trùng, thiết bị y tế...cho các nước khác. Thậm chí chỉ riêng ngày lễ Độc Lập 4.7 vừa qua của nước Mỹ, chính phủ và người dân đã tiêu tốn gần 1 tỷ USD cho pháo bông, hơn 90% số đó là nhập từ Trung Quốc!

Và ngay trong những ngày phải đối phó với dịch, Trung Cộng vẫn không ngừng các kế hoạch đường dài để biến biển Đông thành «ao nhà» của mình, hung hăng tập trận với quy mô lớn trên biển Đông, đụng độ với Ấn tại khu vực biên giới giữa hai nước, thông qua Luật An ninh Hong Kong chấm dứt quyền tự trị theo mô hình «một quốc gia, hai chế độ» của lãnh thổ này,...Có nghĩa là dịch bệnh dù có ảnh hưởng đến kinh tế của Trung Cộng, thì cũng không làm chùn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh một chút nào.

Nhìn sang VN thì cũng hết sức «ổn định chính trị». Mọi tiếng nói chỉ trích dù ôn hòa đều bị dập tắt từ trong trứng nước. Còn lại đa số dân chúng chẳng quan tâm gì đến chính trị, chẳng đòi hỏi gì, ngoài việc mưu sinh, lo tương lai cho con cái, lo toan cho tuổi già của mình.

Điều đó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Phải chăng mô hình dân chủ của các nước đang bị suy yếu? Phải chăng các chế độ độc tài sẽ có lợi thế hơn trong việc kìm hãm, chế ngự những cuộc khủng hoảng từ bên trong để tập trung đối phó với bên ngoài hoặc với những mục tiêu khác?