You are here

Học được gì qua 25 năm quan hệ Việt – Mỹ?

Cái được khi Việt Nam quan hệ bang giao với Mỹ, có lẽ không cần nói gì thêm, bởi đời sống, kinh tế phát triển, giảm bớt lượng hàng Trung Quốc trên thị trường Việt và những hợp đồng đầu tư, những tấm thẻ du học, một lượng lớn tri thức mang về từ Mỹ, một lượng lớn đô la từ Mỹ… Tất cả đã góp phần làm nên diện mạo Việt Nam hôm nay. Không thể chối bỏ điều này.

Thế nhưng, sau 25 năm, ngồi nhìn lại, dường như cơ hội cũng nhiều mà người Việt ngay từ đầu đã đánh mất rất nhiều cơ hội lớn, tính ăn xổi ở thì đã giết chết một vận hội lớn mà lẽ ra Việt Nam phải nắm bắt được và phát triển theo chiều kích tốt đẹp hơn.

Và để dẫn giải vấn đề cơ hội đánh mất, thì nó quá rộng, bởi nó bao hàm yếu tố chính trị, giáo dục, văn hóa, kinh tế, xã hội học… và cả mỹ học nên nếu thống kê một cách chi tiết thì dung lượng của mười bài viết như thế này vẫn chưa đủ hàm chứa. Nhưng, vẫn có một vấn đề, tuy không đóng vai trò hạt nhân nhưng nó lại có thể phản ánh bao quát câu chuyện. Đó là văn hóa kinh tài. Bởi, mọi ứng xử của văn hóa kinh tài quyết định câu chuyện đằng sau và cả đằng trước nó. Ở đây tôi muốn nói đến lựa chọn văn hóa kinh tài của nhà nước Cộng sản Việt Nam khi họ nối bang giao với Mỹ.

Dù nhắm mắt vẫn có thể dễ dàng nhận thấy, sau khi Việt Nam thiết lập quan hệ bang giao với Mỹ thì việc đầu tiên là hàng loạt công ty bảo hiểm, tập đoàn bảo hiểm nhảy vào Việt Nam, trong đó, các tập đoàn AIG với công ty con là AIA của Mỹ, Chinfon Manulife của Canada, Prudentail của Anh là ba con sói bảo hiểm tại Việt Nam (ở đây nên hiểu là Mỹ như một cái chìa khóa mở cái ổ cuối cùng của chính quyền Cộng sản với phương Tây, Mỹ như một ông lớn dẫn đầu và đại diện cho luồng tư bản), tiếp theo các tập đoàn bảo hiểm là các tập đoàn đa cấp.

Và có một tâm lý chung, một khuynh hướng chung là nhà nhà làm bảo hiểm, nhà nhà làm đa cấp. Trong khi đó, nói cho cùng thì ai làm bảo hiểm? Ai làm đa cấp? Ở tại phương Tây, Mỹ, cơ chế hoạt động của bảo hiểm và đa cấp không rõ có phụ thuộc vào mối quan hệ quyền lực một cách khủng khiếp hay không, nhưng tại Việt Nam, không ai khác ngoài người nhà, thậm chí quan chức Cộng sản tham gia các tập đoàn này. Có người đứng chống lưng cho người nhà làm việc, có người trực tiếp làm việc và đến khi bị chi bộ đảng phát giác thì hoặc hối lỗi, sang tên đổi chủ, hoặc bỏ hẳn chức vụ để đi làm bảo hiểm, làm đa cấp.

Nhưng nếu câu chuyện chỉ dừng ở đó thì có gì đáng bàn? Vấn đề tôi muốn nói tới ở đây chính là văn hóa kinh tài và thái độ lựa chọn. Cũng là việc buôn một bó rau từ vườn ra chợ, nhưng thái độ của người buôn tử tế khác xa với thái độ của con buôn bịp bợp. Và đương nhiên giá thành và chất lượng của bó rau ở chợ lại phụ thuộc vào thái độ của người buôn tử tế hay con buôn bịp bợm. Rất tiếc, người Việt đã chọn cho mình một thái độ văn hóa kinh tài của con buôn bịp bợm!

Bởi hơn mọi loại hình, loại hình bảo hiểm và đa cấp vào Việt Nam thì phát triển như diều gặp gió. Một phần nhờ vào bản chất thị trường Việt vốn là thị trường của các mối quan hệ, người có chức có quyền có thể làm nhân viên đa cấp và nhân viên bảo hiểm rất hiệu quả nhờ vào các mối quan hệ và uy lực với thuộc cấp, một thứ khách hàng thụ động của họ. Điều này giúp họ nhanh chóng giàu phất lên và sự giàu này có thể làm bình phong cho sự giàu khác về sau. Nhưng, người lao động vào các công ty này mong đổi đời thì chỉ thêm đổ nợ. Bởi bản chất của việc tuyển nhân viên của ngành đa cấp và ngành bảo hiểm lại nằm ở chỗ mỗi nhân viên là một khách hàng trực tiếp và bắt buộc của công ty, sau khi mua xong bảo hiểm hay sản phẩm đa cấp cho bản thân hoặc người nhà rồi thì mới đi bán, đi mở rộng thị trường… Và không thiếu nông dân bán bò trâu, heo gà để theo duổi sự nghiệp đa cấp, sự nghiệp bảo hiểm để rồi không theo đuổi nổi, hợp đồng đứt gánh nửa đường, tiền mất, nợ mang. Bởi đóng bảo hiểm mà không đủ sức theo thì xem như mất trắng, làm đa cấp mà không đủ chỉ tiêu thì xem như mình đã mua một sản phẩm cực đắc để về xài một cách miễn cưỡng.

Và ở cả hai lĩnh vữa này, muốn thành công, người tham gia nó phải sắm một bộ vó lịch sự, lịch lãm và luôn đóng vai đại gia, luôn đóng vai nhà tư vấn tài chính để nói chuyện (thực chất là móc hầu bao) với khách hàng. Nói về tính diễn cũng như yêu cầu diễn xuất khi bán hàng ở hai nhóm này phải nói là quá cao, mọi thứ đều không thật, từ việc chăm sóc, chia sẻ với khách hàng, tỏ ra mẫu mực đạo đức hoặc tỏ ra coi trọng tính nhân văn, đặt lòng yêu thương lên hàng đầu… đều xuất phát từ mục đích chốt hợp đồng và lấy tiền của khách hàng.

Câu chuyện không chỉ dừng ở đó, thứ văn hóa kinh tài đầy tính phô diễn này được người Việt tiếp thụ và lan tỏa rất nhanh. Và nó cũng nhanh chóng phát triển cộng hưởng với loại hình cò cuốc đầu đường góc chợ hay bến xe của người Việt. Hai thứ này bổ sung cho nhau tạo thành một thứ văn hóa cò đa cấp ở mọi ngóc ngách xã hội. Đến khi nó đủ phì đại, nó trở thành động lực xã hội. Và cái thứ động lực ấy nhanh chóng đi vào nhà trường, đi vào từng ngóc ngách cuộc sống. Từ việc bác sĩ làm cò cho hãng thuốc cho đến giáo viên cò chạy điểm, cò tình dục cho quan chức, quan chức lại còn ghế cho quan chức khác… Rồi gần đây thì giáo viên cò đất, cò bảo hiểm, chấp nhận để cho các công ty bảo hiểm nhúng tay vào trường học, đứng ra phát thưởng cho trường học, nhúng chân vào hệ thống giáo dục địa phương… Tất cả chỉ vì tiền cùng với lời hứa về các mối quan hệ để kiếm tiền trong tương lai. Và mọi thứ trong xã hội này như một vở tuồng của cò đa cấp.

Đáng sợ hơn là tâm lý cò đa cấp nhảy hẳn vào chính trị, nhảy vào cả những nhà dân chủ và các dư luận viên chống dân chủ. Nghĩa là cấp trên nhận gói lớn, chia ra thành những gói nhỏ và các gói nhỏ tiếp tục chia ra thành các gói nhỏ hơn, khi đến tay người trực tiếp tham gia, dường như tài chính chỉ đủ loay hoay trong bánh mì, phở và trà đá không hơn không kém. Điều này nhanh chóng làm cho mọi chuyện từ chỗ thiêng liêng trở nên tục lụy và nhặng xị, từ chỗ lý tưởng trở thành thực dụng và bôi bát… Nếu không kịp chấn chỉnh, nếu không kịp khắc phục thì câu chuyện sẽ chẳng đi đến đâu được. Cả lực lượng đấu tranh cho dân chủ và lực lượng chống dân chủ đều đang đứng trước nguy cơ cò đa cấp nặng nề. Và giả sử như cả hai lực lượng này làm việc trên nguyên tắc lý tưởng và khoa học thì không chừng, mọi chuyện lại khác rất xa, và lại có tiếng nói chung trên khía cạnh dân tộc. Nhưng rất tiếc, mọi thứ đã bị xé vụn ngay từ trứng nước!

Nói như vậy để thấy rằng, cơ hội khi Việt Nam bang giao với Mỹ không phải là thứ văn hóa kinh tài kiểu cò đa cấp đang phổ dụng tại Việt Nam hay những kiểu dân chủ nửa mùa trong một số nhân tố tại Việt Nam và cả ngay trên đất Mỹ. Mà nói chính xác là Việt Nam, người Việt đã không có cơ hội để học được những thứ tiến bộ của Mỹ. Bởi cánh cửa đón gió văn hóa kinh tài của Mỹ thổi vào Việt Nam đã bị chặn đầu, đã bị chọn lựa và kiểm duyệt ngay từ đầu, người Cộng sản chưa bao giờ muốn loại hình văn hóa kinh tài đích thực của tư bản lọt vào Việt Nam. Và hình như căn cơ của số đông người Việt cũng chưa đủ để đón nhận lấy nó!

Chính vì vậy, sau 25 năm, Việt Nam chỉ có thể giàu thêm về kinh tế (gồm cả tham nhũng, bán tháo tài nguyên và chèn ép hối lộ…) nhưng lại nghèo đi về văn hóa. Đó là sự thật sau 25 năm chơi với Mỹ! Nhưng đừng nên đổ thừa tại người mà tại chính ta đã lựa chọn như thế nào thì đời sẽ ra như thế đó!