Song Chi.
Từ khi sống ở Na Uy, tôi bắt đầu thích mùa hè và biết quý ánh nắng mặt trời-thứ tài sản mà ông trời đã ban phát một cách quá hào phóng, quá thừa thãi trên dải đất Việt Nam, đến nỗi người dân Việt Nam ai cũng sợ nắng…nhất là nắng mùa hè! Người nước ngoài đến Việt Nam cứ ngạc nhiên khi nhìn thấy từ phụ nữ đến đàn ông, hễ phóng trên xe gắn máy là mũ bảo hiểm đội trên đầu, khẩu trang che hết mặt mũi chỉ còn hở đôi mắt. Các cô gái thì mang thêm găng tay hoặc mặc luôn những cái áo được thiết kế như kiểu áo choàng có thêm mũ và khẩu trang, tay áo dài phủ kín luôn đôi bàn tay. Trông người Việt Nam đi ngoài đường thật khó mà nhận ra ai với ai!
Trong khi đó, ở một đất nước mà mùa đông dài lê thê với những ngày mới 3, 4 giờ chiều đã sụp tối, kéo dài đến tận 9, 10 giờ sáng hôm sau, và tuyết phủ trắng trời trắng đất, thì mùa hè ngắn ngủi quả là quý như vàng.
Khi mùa hè đến, dân Na Uy từ trẻ đến già đổ ra ngoài trời, ngồi uống café, đi shopping, tắm biển, phơi nắng, đi picnic, chơi các trò chơi thể thao…Cốt để thân thể hứng được càng nhiều nắng càng tốt, bù cho mùa đông da dẻ cứ trong suốt đi vì thiếu nắng. Và hoạt động cho người khỏe mạnh cũng là để bù cho mùa đông.
Thành phố Kristiansand nơi tôi ở là một thành phố biển, nằm tuốt phía Nam, có diện tích và dân số đứng hàng thứ năm thứ sáu gì đó của Na Uy. Có thể hình dung Kristiansand như Nha Trang của Việt Nam nhưng dân số ít hơn- khoảng 85.000 người trên tổng số dân Na Uy chỉ có 4,8 triệu người. Ở đây bay qua Copenhagen của Đan Mạch còn gần hơn bay lên Oslo, thủ đô của Na Uy.
Thành phố nhỏ, xinh xắn, bình yên. Người dân ở Kristiansand nói riêng và Na Uy nói chung có đời sống trầm lặng, êm đềm, đơn giản, thích cuộc sống gia đình và những hoạt động gắn với thiên nhiên. Một phần cũng vì dân số ít mà đất thì rộng, thiên nhiên thừa thãi. Dân ít nên vắng vẻ, mùa đông càng vắng và buồn. Chỉ có mùa hè là vui. Tất nhiên, đừng so sánh với mùa hè ở Paris, London, Roma, Madrid…, những thành phố châu Âu này vốn dĩ quanh năm tấp nập, lúc nào cũng có nhiều cái để xem, để đi.
Mùa hè ở Kristiansand có một ngày lễ lớn nhất trong năm là ngày Quốc khánh của Na Uy 17.5. Người dân Na Uy kỷ niệm ngày Quốc khánh không phải là ngày đất nước được độc lập, tự do như nhiều quốc gia khác, mà là ngày hoàn thành bản Hiến pháp đầu tiên vào năm 1814. Dựa trên Hiến pháp của Pháp và Hoa kỳ, bản Hiến pháp của Na Uy và được đánh giá là rất dân chủ, tiến bộ ngay cả vào thời kỳ đó. Mặc dù khi đó Na Uy vẫn chưa phài là một nước hoàn toàn độc lập. Na Uy thuộc về Đan Mạch (1380-1814) và sau đó, lại hợp nhất với Thụy Điển cho đến năm 1905. Chọn ngày Quốc khánh là ngày hoàn thành bản Hiến pháp cho thấy dân tộc Na Uy tôn trọng bản Hiến pháp của họ, chính quyền và người dân thật sự sống, hành xử và làm việc theo Hiến pháp.
Vào ngày 17.5, ở Kristiansand, từ buổi sáng mọi người đã ăn mặc đẹp đổ xuống khu trung tâm thành phố.
Người dân Kristiansand trong những bộ trang phục truyền thống vào ngày Quốc khánh 17.5.
Từ người lớn đến trẻ em, hầu hết ăn mặc theo kiểu truyền thống. Phụ nữ, con gái mặc những bộ váy áo có những đường diềm, những họa tiết thêu hoa công phu, tỉ mỉ, rực rỡ nhiều màu sắc, có những hột nút, thắt lưng bằng bạc; khoác khăn san thêu hoặc đội mũ, thêm những đồ phụ trang như ví cùng chất liệu và cùng màu với váy áo. Đàn ông mặc áo gi-lê hoặc áo đuôi tôm, quần chẽn ngang đầu gối, mang ủng hoặc vớ len cao, đội mũ các kiểu. Trên mũ và trên quần áo cũng có những họa tiết, những đường diềm thêu, nút bạc, xà tích bạc…Hoặc là mặc complet hiện đại, đi cùng bà vợ ăn mặc kiểu truyền thống. Họ cầm những lá cờ Na Uy trên tay hoặc cài những dải 3 màu xanh, trắng, đỏ-màu cờ Na Uy, trên áo.
Mọi người xuống khu trung tâm xem diễu hành. Diễu hành ở Na Uy không tập trung vào quân đội các binh chủng, cùng với vũ khí, xe tăng…, là một cuộc biểu dương lực lượng quân sự rầm rộ như ở Trung Quốc và cả Việt Nam trong những dịp tương tự. Ở đây trẻ em là lực lượng chính, học sinh các trường từ nhà trẻ tới trung học, trường cho người nước ngoài…Rồi đến hội Thiên Chúa Giáo, các đội văn nghệ như đội kèn, đội kịch, các đội thể thao, aerobic, hội Thiên Chúa Giáo, đội tàu biển, các câu lạc bộ như câu lạc bộ chó đẹp v.v…Nghĩa là một cuộc diễu hành hoàn toàn hòa bình, vui tươi, đủ màu sắc, với trang phục rất đẹp.
Trẻ em là lực lượng chính trong đoàn diễu hành. Hình: fvn.no
Đội kèn.
Đoàn diễu hành tập trung ở quảng trường sau đó đi vòng quanh các khu phố chính. Người dân đứng chật hai bên đường, vỗ tay, cười với người này người kia. Tiếng nhạc, tiếng hát vang lên. Nhiều nhất vẫn là bài quốc ca “Jeg esker dette landet” (Yes, We love this country) . Mọi người có thể tham khảo lời bài hát dịch sang tiếng Anh ở đây: http://fr.wikipedia.org/wiki/Ja,_vi_elsker_dette_landet
Trong đoàn diễu hành, thành phần nhộn nhất và "quậy" nhất là các anh các chị học năm cuối trung học.
Trong đoàn, nhộn nhất và "quậy" nhất là các anh chị quần đỏ, quần xanh.
Ở Na Uy có một truyền thống rất thú vị là học sinh năm cuối, hoặc đủ 18 tuổi-tuổi trưởng thành, sẽ được mặc một bộ quần áo đặc biệt khi đi học hoặc có thể mặc đi ngoài đường (nếu muốn). Một quần yếm màu đỏ có những hình vẽ, chữ hoặc họa tiết khác nhau-nếu là học sinh trường trung học, và màu xanh-nếu là học sinh trường nghề. Vào năm các anh chị này đủ 18 tuổi, họ không chỉ được mặc bộ đồ đánh dấu tuổi trưởng thành mà còn được phép “quậy” trong những tháng cuối cùng trước khi rời trường. Nghĩa là có thể nghĩ ra đủ trò vui, từ mang bánh mì dưới chân, xách cá đi ngoài đường, mặc mỗi đồ lót chạy long nhong và nhiều trò khác, tất nhiên, đừng phạm pháp.
Suốt cả ngày mọi người ở lại ngoài khu trung tâm, nơi có quảng trường, nhà thờ lớn, khu phố chính và hội chợ, tham gia những hoạt động trong ngày này như xem diễu hành, vào nhà thờ dự lễ, nghe ca nhạc ngoài trời, ăn uống, gặp gỡ nhau…Hoặc chỉ là ngồi trên những băng ghế, trên cỏ, ngắm người qua lại và hưởng cái nắng mùa hè. Bây giờ người nước ngoài đến sống ở Na Uy nói chung và Kristiansand khá nhiều nên vào ngày này, có khi người ta lại nhìn thấy những bộ trang phục truyền thống của các nước khác, khiến cho ngày lễ càng thêm nhiều màu sắc.
Ở Krisriansand , người ta cũng hay tổ chức hội chợ, ca nhạc vào mùa hè. Có năm, như năm 2009 có cả một liên hoan ca nhạc của nhiều nước châu Âu được tổ chức nhưng tôi không dự được vì vé phải mua trước từ lâu. Liên hoan phim ngắn, phim tài liệu quốc tế thì thường tổ chức tại thành phố Grimstad, cách Kristiansand độ một giờ xe bus. Gọi là quốc tế nhưng hầu hết là phim của châu Âu, nhất là vùng Bắc Âu. Còn liên hoan phim truyện thì thường là tháng 8, cũng tại thành phố khác. Năm nay ở Kristiansand trong tháng 7 có tổ chức liên hoan phim thiếu nhi.
Nhưng những hoạt động nhộn nhịp đó chỉ thỉnh thoảng. Còn lại, mùa hè ở Kristiansand là mùa thư giãn, hưởng cái thời tiết tốt nhất trong năm và có những niềm vui giản dị như chính thành phố và con người Na Uy.
Như những buổi sáng ngồi đón nắng và nhấm nháp một ly kem bên ngoài quán, nhìn mọi người qua lại trên con đường chính của khu trung tâm-cũng là một con phố đi bộ. Những cặp tình nhân tay trong tay, những đôi vợ chồng đẩy xe nôi em bé hoặc bồng bế con, những cô cậu choai choai… Tất cả đều ăn mặc phong phanh , thoải mái, vừa đi vừa ăn uống, nói cười tự nhiên. Có thể nhìn thấy những con người thuộc các chủng tộc, sắc dân khác nhau từ những quốc gia khác nhau nay trở thành những cư dân mới của Na Uy. Trong đó nhiều nhất là từ những quốc gia Hồi giáo vùng Trung Đông. Trong số 4,8 triệu người Na Uy thì số dân nhập cư là 800.000 và sẽ còn tăng lên nữa.
Từ lâu, ý thức được dân số ít là một trở ngại không nhỏ cho sự phát triển của quốc gia nên chính phủ Na Uy đã mở rộng vòng tay chào đón người nhập cư qua những chính sách di dân có phần cởi mở so với một số quốc gia khác. Kết quả là dân Na Uy ngày nay cũng đủ màu da, sắc tộc chẳng khác nào nước Mỹ.
Nằm phơi nắng hoặc ngồi nghĩ ngơi.
Một thú vui nhẹ nhàng khác trong mùa hè ở Kristiansand là lang thang lên đồi hoặc ra biển và nằm dài trên bãi cỏ xanh mướt hoặc bãi cát, cái earphone nghe nhạc cắm trong tai, lơ mơ đọc một cuốn sách. Hoặc đơn giản chỉ là nằm yên không nghĩ ngợi, ngửa mặt ngắm bầu trời xanh ngắt trên cao rồi ngủ quên trong một cảm giác bình yên khi nắng vẫn tràn trên người. Mùa này người Na Uy rất thích đi tắm biển, phơi nắng, đi chơi tàu. Na Uy vốn từ lâu là một quốc gia mạnh về ngành hàng hải, việc các gia đình người Na Uy có những con tàu riêng để đi chơi mùa hè là chuyện khác phổ biến. Hoặc đi picnic nướng thịt ngoài trời, đi câu cá v.v…
Mùa hè cũng là mùa mua sắm, mùa bán hàng hạ giá. Ở Na Uy có lệ vào ngày thứ Năm đầu tiên của tháng Bảy mọi thứ mặt hàng từ máy móc kim khí, quần áo giày dép, đồ dùng trong bếp…đều bán hạ giá từ 50-70%, thậm chí 80%. Vào ngày đó mọi người đổ ra khu trung tâm hoặc các khu thương mại từ sáng sớm, dành cả ngày để đi mua những thứ mình cần mà ngày thường thì bán quá đắt. Có những mặt hàng như máy chụp hình, máy nghe nhạc, điện thoại di động…phải xếp hàng vì rất đông người muốn tranh thủ mua. Cũng có thể nhân tiện mua áo ấm mùa đông để dành hay mua những thứ cần dùng cho nhà bếp. Có khi chẳng mua gì nhiều nhưng ngắm các thứ và ngắm người ta mua sắm cũng vui.
Nhiều khi ngồi trong nắng nhìn mọi người đang đi qua, sinh hoạt chung quanh, tôi cảm nhận rất rõ sự thong thả, bình yên toát ra từ ánh mắt, khuôn mặt cho đến phong thái của người Na Uy. Sự bình an mà tôi rất ít khi nhìn thấy trên khuôn mặt hay thần thái của người Việt.
Sống trong một xã hội như Việt Nam lâu nay, người Việt cả đời phải chạy theo miếng cơm manh áo vật giá leo thang từng ngày, phài lo toan, đối phó với đủ thứ trời ơi đất hỡi…Từ môi trường thiên nhiên cho đến môi trường xã hội đều không an toàn. Mọi chính sách của nhà nước thì cứ như những trò đùa dai, trêu ngươi, thường xuyên thử thách lòng kiên nhẫn, sức chịu đựng vô hạn của người dân. Còn người dân Na Uy từ khi mới sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, họ chả phải lo lắng, căng thẳng gì nhiều. Mọi thứ đã có …nhà nước lo. Giáo dục, y tế thì hầu như miễn phí. Mọi chế độ an sinh, phúc lợi xã hội cho đến môi trường xanh sạch và sự chăm sóc của chính phủ dành cho người dân luôn luôn đứng vào hàng cao nhất, nhì, ba trên toàn thế giới. Đời sống thì không phải căng thẳng cạnh tranh khốc liệt từng giây từng phút như ở Mỹ hay Nhật. Người Na Uy cứ thế bình tĩnh, thong thả mà sống, chẳng bận tâm phải chạy đua với thời gian hay phải vượt qua chính mình. Điều đó có cái dở là nó tạo nên sức ỳ trong những xã hội Bắc Âu.
Nhưng suy cho cùng, nếu quan niệm hạnh phúc là được sống một cách bình yên, không thường xuyên lo lắng sợ hãi căng thẳng mệt mỏi vì đủ thứ chuyện trên đời thì chả phải người Na Uy hạnh phúc hơn nhiều dân tộc khác sao?
Bài bình luận
Ối dào!
Bat CSVN lam cuoc song nhu NA UY
xhcn
nhìn người ta mà ham. Nếu dân
NỔI ĐAU VIỆT NAM
Na uy dan chu xa hoi
from: blue river
freedom for vitenam
sống một cách bình yên