You are here

Một năm kinh tế buồn…

Ảnh của nguyenvubinh

     Đại dịch virus Corona xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc đã quét qua hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ngoài nỗi sợ hãi, nhân mạng mà đại dịch gây ra, cướp đi thì nền kinh tế thế giới nói chung, và nền kinh tế từng quốc gia cũng đã bị ảnh hưởng nặng nề. Đại dịch gây ra sự gián đoạn công việc của cá nhân, sự đứt gãy quy trình sản xuất của từng nhà máy, xí nghiệp và công ty. Sự phong tỏa của các địa phương, các tỉnh thành, thậm chí quốc gia cũng đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, giá trị của một nền kinh tế thế giới đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhau giữa các quốc gia.

     Đối với tất cả các nền kinh tế, và nền kinh tế thế giới nói chung, những ngành nghề đầu tiên chịu ảnh hưởng của đại dịch Corona virus là các ngành vận tải, ngành vận chuyển hành khách, ngành du lịch, các ngành nghề dịch vụ… và tất cả những ngành nghề sản xuất có chuỗi cung ứng liên quan đến đại công xưởng của thế giới: Trung Quốc. Với tình trạng chung của suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch, các quốc gia có nền kinh tế phát triển, có thực lực chống đỡ bằng việc tung các gói hỗ trợ kinh tế trực tiếp cho người dân, cho doanh nghiệp nhằm giảm bớt phần nào những thiệt hại cho người dân trong cơn đại dịch. Ví dụ, Hoa Kỳ chi 2000 tỷ đô la hỗ trợ người dân và doanh nghiệp…

     Đối với các nước có nền kinh tế nhỏ, yếu ớt và mong manh, sự tàn phá của đại dịch sẽ làm một thảm họa không thể lường hết nổi. Việt Nam là một trong số các nước như vậy. Kinh tế Việt Nam trước đại dịch đã là một nền kinh tế ăn đong từng ngày. Tổng số nợ gấp 3-4 lần GDP của nền kinh tế, tức vào khoảng 700-800 tỷ đô la. Chỉ riêng việc trả lãi cho các khoản vay này cũng đã là quá sức đối với nền kinh tế. Chính vì vậy, khi các khoản nợ đáo hạn, việc huy động trả nợ, sẽ có một phần vay mới để trả nợ cũ. Và như vậy, nợ mới chồng nợ cũ, số nợ ngày càng phình to.

     Sự nguy hiểm của nền kinh tế Việt Nam trong lần đại dịch này còn ở chỗ, nền kinh tế Việt Nam quá lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, nước bị tàn phá khủng khiếp nhất của đại dịch tính đến giờ phút này. Sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc thể hiện trên mấy yếu tố. Thứ nhất, nguyên nhiên vật liệu sản xuất của hầu hết các ngành nghề đều có tỷ trọng lớn đến từ Trung Quốc; thứ hai, rất nhiều khu vực, ngành nghề và dự án lớn do Trung Quốc thâu tóm; thứ ba, lượng hàng hóa lớn nhập khẩu hàng năm, phần lớn là hàng tiêu dùng giá rẻ bị ách tắc sẽ ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế. Đồng thời, việc xuất khẩu sang Trung Quốc cũng đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Chưa kể, lượng khách du lịch Trung Quốc hàng năm chiếm tỷ lệ rất lớn du khách tới Việt Nam…

     Biểu hiện sự đi xuống của nền kinh tế do đại dịch thể hiện rõ trên các chỉ số kinh tế. Đầu tiên là thị trường chứng khoán, trước đại dịch chỉ số chứng khoán (VN Index) liên tục ở các mức sát ngưỡng 1000 điểm, đến mấy ngày gần đây, đáy của VN Index là trên dưới 660 điểm, như vậy đã mất 1/3 số điểm trên thị trường. Số khách du lịch quốc tế tháng 2/2020 giảm 40% (tháng 3 chưa thống kê, tháng 3 bùng phát dịch đợt II, hủy và cấm nhiều chuyến bay quốc tế). Báo Tuổi trẻ đưa tin, hơn 15% số doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất vì Covid-19 (ngày 20/3)…vv… và tất cả chúng ta đều biết rằng, những tác động, ảnh hưởng của đại dịch mới chỉ là bắt đầu.

     Đối với vấn đề lây nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng người dân của đại dịch, thật may mắn cho Việt Nam chúng ta. Đến hôm nay, khi mà đại dịch đã đi qua được gần 3 tháng, có thể khẳng định một điều. Việt Nam chúng ta đã quá may mắn có một vùng khí hậu, và cơ địa người Việt Nam hoàn toàn không tương thích với virus chết người đang hoành hành ở châu Âu hiện nay, cũng như ở Trung Quốc cách nay vài tháng. Các số liệu nhà nước đưa ra, tất nhiên là không tin được. Nhưng có một điều chắc chắn, đã không có sự bùng phát dịch như ở Vũ Hán, Hồ Bắc và Trung Quốc cũng như không có sự bùng phát như ở châu Âu hiện nay. Hoàn toàn không phải do công tác phòng chống dịch của Việt Nam (nếu có thì công tác phòng chống dịch cũng chỉ chiểm tỷ lệ rất nhỏ, nếu chúng ta nhìn vào quang cảnh, cách thức các khu cách ly hiện nay), mà đó là do khí hậu và cơ địa người Việt Nam không tương thích với con virus corona đó! Nếu có sự bùng phát dịch như ở Trung Quốc trước đây và châu Âu hiện nay, nhà cầm quyền hoàn toàn không thể bưng bít nổi.

     Chế độ cộng sản Việt Nam đã trải qua nhiều lần thoát hiểm kỳ lạ và kỳ quặc. Lần này, tác động của đại dịch về sức khỏe và tính mạng con người hầu như không đáng kể. Tuy nhiên, về kinh tế thì đây là một đòn chí mạng vào nền kinh tế và chế độ cộng sản Việt Nam. Một yếu tố cũng được nhắc đến, các lần nguy ngập trước của chế độ, luôn có “bạn vàng” với tiềm lực lớn đứng ra bảo trợ về tinh thần và vật lực. Lần này, “bạn vàng” cũng đang ngắc ngoải, mà cú đòn lại lớn gấp nhiều những lần trước đây, đảng cộng sản Việt Nam liệu có cú thoát hiểm ngoạn mục nữa hay không? chúng ta hãy chờ xem./.

Hà Nội, ngày 26/3/2020

N.V.B