You are here

Cái chết của Bin Laden: Những biểu tượng và hiện thực

Tomasz Deptuła, “Newsweek” – Lê Diễn Đức dịch
 
Tổng thống Barack Obama mặc niệm các nạn nhân, "Ground Zero" ngày 5/05/2011

 
Cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo, chắc chắn không kết thúc, nhưng phải thừa nhận rằng Hoa Kỳ, mặc dù chi phí rất lớn, đã đạt được mục tiêu của mình, bất kể Bin Laden còn sống hay đã chết. Phải thấy rằng, trong gần 10 năm trôi qua kể từ ngày 11 tháng 9 năm 2001 trên nước Mỹ đã không có bất kỳ cuộc tấn công nào nghiêm trọng của quân khủng bố Hồi giáo.
 
Osama bin Laden đã là một biểu tượng. Biểu tượng cho cú sốc lớn của ngày 11 tháng 9 và một thập kỷ của cuộc chiến chống khủng bố của Hoa Kỳ.
 
Chiến tranh lần thứ hai với Iraq (mặc dù tay siêu khủng bố Bin Laden chẳng có gì chung nhiều với đất nước này), nhưng trên hết - sự hiện diện lâu dài ở Afghanistan. Cái chết của Bin Laden khép lại một kỷ nguyên nào đó, tạo ra cửa ngõ để người Mỹ giữ được thể diện rút ra khỏi khu vực này của thế giới. Những gì thất bại vào năm 2001 trong các hang động tại Tora Bora, nơi Osama bin Laden trong tích tắc đã thoát chết hoặc bị bắt giữ, đã được hoàn thành trong vòng chưa đầy một thập niên sau đó.
 
Thậm chí đối với cái chất "hòa bình" của Obama – một kiểu nói về ông mà các đảng viên đảng Cộng hòa nỗ lực khiêu khích – cũng không có lựa chọn khác: Osama bin Laden phải chết. Những tiếng nói phẫn nộ trước việc tiến hành hoạt động biệt kích trên lãnh thổ của một nước khác chỉ là những giọt nước mắt cá sấu. Và bởi vì đây là lần đầu tiên? Ngay trên cùng lãnh thổ Pakistan, nơi giáp biên giới với nước láng giềng Afghanistan, người Mỹ từ nhiều tháng nay đã thực hiện thành công chiến dịch với sự tham dự của máy bay không người lái. Các cuộc tấn công mang tính "phẫu thuật", nhưng khó lòng tránh được ảnh hưởng tới thường dân, bởi vì không một cơ quan tình báo nào hoàn hảo và không phải mọi tên lửa sẽ bắn trúng mục tiêu dự tính. Nhờ máy bay không người lái người Mỹ đã phá hủy được các cơ sở của al-Qaeda, buộc quân khủng bố phải di chuyển đến Yemen và các miền trú ẩn khác trong bán đảo Ả Rập.
 
Ngoài sự tuôn trào niềm tự hào quốc gia, phần lớn người Mỹ không có bất kỳ sự nghi ngờ nào rằng - 40-phút tấn công của hải kích trước hết là một hành động đúng đắn của công lý. Đây là lý do tại sao mọi người, từ những người theo chủ nghĩa tự do dữ dằn, đến những người ủng hộ phong trào "Tea Party", đều xuống đường phố hát vang bài "God Bless America" ​​và "Star Spangled Banner". Họ hiểu rằng người dân New York đặc biệt ghi nhớ sâu đậm những tàn tích vẫn còn cháy âm ỉ sau khi Trung tâm Thương mại Thế giới bị phá huỷ và chịu đựng rất lâu trong khắp thành phố mùi cháy hôi khét từ asbestine, giây cáp, máy vi tính và cơ thể người.
 

Người Mỹ chờ đón TT Barack Obama, "Ground Zero" ngày 5/05/2011
 
Vượt qua các biểu tượng tất nhiên của thời điểm này – việc chấm dứt 10 năm săn lùng Bin Laden không làm thay đổi bao nhiêu. Mối đe dọa trả đũa là có thật, nhưng thật khó để tin rằng mạng lưới khủng bố ngay lập tức năng động hơn, và bỗng nhiên tổ chức các cuộc tấn công đánh bom ở Mỹ và châu Âu. Sẽ còn phải ở lại Afghanistan thêm một thời gian. Cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo, chắc chắn không kết thúc, nhưng phải thừa nhận Hoa Kỳ, mặc dù chi phí rất lớn, đã đạt được mục tiêu của mình, bất kể bin Laden còn sống hay đã chết. Phải thấy rằng, trong gần 10 năm trôi qua kể từ ngày 11 tháng 9 năm 2001, trên nước Mỹ đã không có bất kỳ cuộc tấn công nào nghiêm trọng của quân khủng bố Hồi giáo.
 

TT Obama và Bộ tham mưu cao cấp nhất theo dõi trực tiếp cuộc công kích tiêu diệt Bin Laden
 
Giết chết Bin Laden là sự thành công không thể phủ nhận của Ngũ Giác Đài và bản thân Barack Obama, người đã ngay lập tức nhảy qua bức rào cản sự ủng hộ của dân chúng. Thế nhưng với tất cả những ai nhân cơ hội này thổi kèn chiến thắng bầu cử cho vị Tổng thống của ngày hôm nay vào năm 2012, cần phải được cảnh báo rằng, còn quá sớm để chào đón với sự ngây thơ này. Trong thời điểm khó khăn, niềm hưng phấn sẽ nhanh chóng biến mất. Người Mỹ sẽ bắt đầu nghĩ tới giá xăng dầu tăng, về sự lạm phát chính thức không tồn tại và về công ăn việc làm đã bị bay qua Ấn Độ và Trung Quốc. Tình trạng tương tự đã được một vị tổng thống khác trải nghiệm, George H.W. Bush (cha), mười mấy tháng trước khi bầu cử vào năm 1992, đã giành chiến thắng ngoạn mục trong cuộc chiến vùng Vịnh. Chỉ số ủng hộ của ông lúc đó cao ngút trời. Một năm rưỡi sau, ông đã bị đánh bại, vì suy thoái kinh tế, cũng như với một Thống đốc trẻ tuổi hơn nhiều của bang Arkansas, Bill Clinton. Lịch sử sau 20 năm có lặp lại không?■
 
Bản Việt ngữ © 2011 Lê Diễn Đức
 
------------------------------------------------------------------------
* Bài được dịch từ nguyên bản tiếng Ba Lan của “Newsweek” (ấn bản Ba Lan), phóng viên Tomasz Deptuła viết từ New York ngày 4 tháng 5 năm 2001. Hình minh hoạ trong bài là của người dịch.