You are here

Chính phủ VN thực thi khuyến nghị nhân quyền LHQ: “Hiểu biết khiếm khuyết, thực thi nửa vời”

Trong một động thái bất ngờ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành quyết định số 1252/QĐ-TTg, phê duyệt kế hoạch thực thi Công ước quốc tế các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, vào hôm 26/9/2019.

Theo quyết định này, các cơ quan ban ngành Chính phủ sẽ phối hợp với Tòa án và Viện kiểm sát tiến hành rà soát các quy định pháp luật hiện hành chưa tương thích với Công ước ICCPR, đồng thời chủ động triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền trong chức năng của mình nhằm góp phần nâng cao sự hưởng thụ của người dân về các quyền dân sự và chính trị.

Theo đó, các quyền vốn bị xem là “nhạy cảm” trước đây giờ được Chính phủ đưa ra xem xét. Có vài lĩnh vực đáng chú ý như: các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; các quy định cấm trong hoạt động tôn giáo; quyền biểu tình, quyền được tổ chức các hội nghị, hội thảo; quyền gia nhập hay thành lập công đoàn theo lựa chọn... sẽ được Chính phủ nghiên cứu và đề xuất hoàn thiện theo quy định của Công ước.

Lộ trình thực thi kế hoạch sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2022, Bộ Tư pháp được giao là cơ quan chủ trì, đôn đốc các bộ ngành liên quan thực hiện, đảm bảo cho kỳ báo cáo Công ước ICCPR lần thứ 4 vào năm 2023 cho Ủy ban Nhân quyền LHQ.

Những vấn đề cần sự giám sát

Nội dung kế hoạch thực hiện thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị theo ICCPR của Chính phủ bao gồm 4 hoạt động cơ bản: (1) sửa đổi luật pháp quốc gia; (2) thực thi có hiệu quả các quy định của pháp luật; (3) đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến và giáo dục; và (4) gia tăng các hoạt động hợp tác quốc tế về nhân quyền.

Ngoài các quy định chung chung thường thấy trong việc đề ra chính sách nhân quyền theo cách thức “rà soát – hoàn thiện”, kế hoạch thực thi chính sách nhân quyền lần này của Chính phủ cũng tạo ra được vài dấu ấn cụ thể.

Đầu tiên là việc xem xét hình sự hóa hành vi tra tấn thành một tội danh riêng, khi Bộ luật Hình sự hiện hành không có tội tra tấn mà chỉ có tội “dùng nhục hình”. Các hành vi “tra tấn theo mệnh lệnh” trong lực lượng công an sẽ không còn được miễn trừ trách nhiệm như theo quy định tại khoản 6 điều 31 Luật Công an Nhân dân, và các tội liên quan đến tra tấn sẽ không được áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm.

Khả năng nghiên cứu ban hành đạo luật về chống phân biệt đối xử lý trên mọi lĩnh vực cũng được Chính phủ xem xét đến. Mà theo tiêu chuẩn quốc tế về chống phân biệt đối xử, việc tuyển chọn cán bộ viên chức tham gia vào bộ máy chính quyền hay hệ thống tư pháp với tiêu chí là đoàn viên hoặc đảng viên Cộng Sản như hiện tại, rõ ràng đã tạo ra một sự phân biệt đối xử nghiêm trọng vì lý do chính trị.

Chính phủ sẽ tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với các tội phạm xâm phạm quyền dân sự và chính trị. Thủ phạm cho các tội danh này thường là các viên chức chính quyền, chẳng hạn ra quyết định ngăn cản một buổi hội họp hay biểu tình ôn hòa. Đây lần đầu tiên, theo kế hoạch thực hiện, Chính phủ sẽ có báo cáo con số thống kê cụ thể hàng năm về việc xử lý tội xâm phạm đến quyền quyền dân sự và chính trị của người dân.

Thực thi “nửa vời”

Kế hoạch thực thi nhân quyền của Chính phủ được ban hành chỉ sau 6 tháng kể từ khi kết phúc phiên điều trần theo Công ước ICCPR tại Geneva là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, xét tổng thể, nội dung kế hoạch thực thi này đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết khi đối chiếu với Nhận xét kết luận của Ủy ban Nhân quyền đưa ra cho Việt Nam hồi tháng 3 vừa qua.

Theo đó, nhiều khuyến nghị trọng tâm của Ủy ban Nhân quyền được nêu ra trong Nhận xét kết luận đã không được tích hợp đầy đủ vào kế hoạch thực thi của Chính phủ.

Đầu tiên, có thể kể đến Chính phủ vẫn tiếp tục thể hiện quan điểm dè dặt, thậm chí là thù địch đối với những Người bảo vệ nhân quyền, khi loại bỏ những Người bảo vệ nhân quyền ra khỏi kế hoạch thực thi cần bảo vệ theo khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền. Theo đó, Ủy ban Nhân quyền quan ngại sâu sắc về các cuộc tấn công có hệ thống trên mạng lẫn ngoài đời nhắm vào những Người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, và yêu cầu nhà nước cần chấm dứt việc đàn áp này.

Về cơ chế giải quyết vi phạm nhân quyền, Ủy ban Nhân quyền khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, phù hợp với các Nguyên tắc Paris, nhưng khuyến nghị này không được Chính phủ đưa vào trong kế hoạch thực thi. Hay như khuyến nghị cải thiện điều kiện ở các cơ sở giam giữ theo Tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp Quốc về đối xử với tù nhân (Quy định Mandela) cũng không được nhắc đến.

Trong hoạt động phổ biến Công ước, Ủy ban Nhân quyền khuyến nghị nhà nước Việt Nam cần dịch Nhận xét kết luận của Ủy ban sang ngôn ngữ chính thức của nhà nước và phổ biến rộng rãi đến công chúng. Nhưng đến nay bản dịch Nhận xét kết luận của Ủy ban chỉ trôi nổi trên các trang tin cá nhân hay các tổ chức xã hội dân sự. Không một trang điện tử nào của nhà nước đăng tải về Nhận xét kết luận của Ủy ban Nhân quyền LHQ, cũng như không một bản dịch chính thức nào của nhà nước được công bố.

Một số khuyến nghị cụ thể về quyền con người, chẳng hạn như quyền bầu cử, Ủy ban Nhân quyền khuyến nghị Việt Nam cần thông qua hệ thống bầu cử đảm bảo đa nguyên chính trị, tránh sử dụng các quy định hình sự để loại bỏ các ứng viên đối lập trong quá trình bầu cử. Nội dung này đã bị loại bỏ trong kế hoạch thực thi của Chính phủ. Thay vào đó, Chính phủ chỉ lưu ý đến quyền bầu cử cho tù nhân trong thời gian sắp tới.

Hiểu biết khiếm khuyết

Đáng lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ ban hành quyết định thực thi nhân quyền theo cơ chế nhân quyền quốc tế, mà trước đó nhiều quyết định tương tự đã được Chính phủ ban hành như Quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR (Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát), hay Quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Chống tra tấn…

Khi các quyết định cải thiện nhân quyền vẫn chưa ráo mực trên giấy thì trong thực tế tình trạng sách nhiễu, tra tấn, bắt bớ và kết án ngày một gia tăng nhắm vào những người chỉ đang thực thi các quyền cơ bản của họ. Danh sách 182 tù nhân lương tâm Việt Nam do tổ chức Ân xá Quốc tế công bố hôm 13/5/2019, cho thấy sự đối xử hà khắc và trấn áp nặng nề dành cho những ai hành động theo lương tâm vì dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

Điều này phản ánh một thực trạng là dù Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều công ước quốc tế nhân quyền, thường xuyên đối thoại nhân quyền từ cấp độ song phương đến đa phương, nhưng mức độ thụ hưởng các quyền của người dân Việt Nam vẫn không được đảm bảo trên thực tế.  

Nguyên nhân của hạn chế này, không thể phủ nhận do cơ chế bảo vệ nhân quyền quốc tế không có cơ quan chế tài để đảm bảo thực thi, nhưng cơ bản - và chủ yếu vẫn là nhận thức của nhà nước về nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền của mình. Thật đáng lo ngại, khi đánh giá về nhận thức nhân quyền của nhà nước Việt Nam, trong Nhận xét kết luận, Ủy ban Nhân quyền viết rằng: “Ủy ban lấy làm tiếc là mức độ hiểu biết về Công ước của nhà nước thành viên còn khiếm khuyết”.

Khi sự hiểu biết về các quyền dân sự và chính trị còn khiếm khuyết, thật khó để dẫn đến hành động tôn trọng và thực thi nhân quyền đúng mực từ phía nhà nước. Nhà nước từ chỗ là chủ thể chính trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, thì họ lại trở thành người vi phạm nhân quyền thô bạo nhất.

------------------ 

Xem thêm tài liệu:

- Quyết định số 1252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực thi Công ước ICCPR và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền LHQ:

    http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&document_id=197943

- Nhận xét kết luận của Ủy ban Nhân quyền LHQ về Việt Nam:

   Bản dịch Tiếng Việt:

   http://www.nhanquyen.vn/modules.php?name=News&op=detailsnews&mid=331&mcid=2

   Bản gốc Tiếng Anh:

   https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/treatybodyexternal/Download.aspx?symbolno=CCPR/C/VNM/CO/3&Lang=En