You are here

Tìm hiểu về những vấn đề liên quan Hội nghị Thành Đô (tóm lược cuộc phỏng vấn chương trình livestream Đối Diện 122) tiếp theo

Ảnh của nguyenvubinh

     …   

     Câu hỏi 3: Về mặt chính thống, công khai thì Hội nghị Thành Đô bàn về chuyện gì, các văn kiện của đảng cho biết điều gì được bàn bạc và ký kết ở Hội nghị Thành Đô?

     Trả lời: Theo ông Trần Quang Cơ, thứ trưởng bộ Ngoại giao khi đó, Hội nghị chỉ bàn về các vấn đề Campuchia và bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc: “kết quả được ghi lại trong một văn bản gọi là "Biên bản tóm tắt" gồm 8 điểm. Khi nghiên cứu biên bản 8 điểm đó, chúng tôi nhận thấy có tới 7 điểm nói về vấn đề Campuchia, chỉ có 1 điểm nói về cải thiện quan hệ giữa hai nước mà thực chất chỉ là nhắc lại lập trường cũ Trung Quốc gắn việc giải quyết vấn đề Campuchia với bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong 7 điểm về Campuchia, 2 điểm là những điểm có tính chất chung về mặt quốc tế mà 2 bên đang còn tranh cãi (giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Campuchia; rút hết quân Việt Nam ở Campuchia có dẫn chứng), còn 5 điểm thì hoàn toàn là đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc."

     Câu hỏi 4: Thưa nhà báo, bắt đầu từ đâu, và từ bao giờ có thông tin, dư luận về thỏa thuận bí mật, mật nghị giữa hai phái đoàn cao cấp Trung Quốc và Việt Nam ngoài những văn kiện được công bố, và đó là thỏa thuận gì?

     Trả lời: Có lẽ xuất phát điểm những dư luận về Hội Nghị Thành Đô (HNTĐ) từ bài viết của bloger Kami, người hiện đang viết cho đài RFA.Tác giả này đã đưa ra thông tin nói nguồn từ các bức điện mật mà WikiLeaks tiết lộ. Bài viết của tác giả Kami từ tháng 12/2010. Điều lạ là sau đó anh ta lại nói lại, là thông tin đó không có thật mà chỉ là do anh ta đưa ra để tuyên truyền, ý là tố cáo chế độ cộng sản bán nước.

      Sau đó, vào thời điểm 2014, khi tàu Trung Quốc, Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (Ngày 02/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía Nam, cách đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam khoảng 120 hải lý về phía Đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển quốc tế năm 1982), đã dẫn tới các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, có một số nguồn tin nói tờ báo Hoàn Cầu đã đăng công khai về “kỷ yếu hội nghị Thành Đô”  trong đó có nội dung giống với dư luận đã đưa ra trước đó.

     Một số nguồn tin nói đã xác minh các thông tin trên và tất cả chỉ có một nguồn từ bloger Kami.

     Câu hỏi 5: Dư luận về thỏa thuận bí mật, hay mật nghị Thành Đô như thế nào? Số người tin và thỏa thuận bí mật có nhiều không? Số người không tin, phản đối ra sao?

     Trả lời: Có thế nói, số người tin vào dư luận ban đầu không nhiều, đó thường là nạn nhân của chế độ cộng sản. Những người đã trải quan những năm tháng tù đày, gia đình đã từng bị khủng bố và đàn áp bởi chế độ. Một số nhà nghiên cứu ở hải ngoại, thuộc Việt Nam cộng hòa trước đây tin rằng có thỏa thuận bí mật ở Hội nghị Thành Đô.

     Số người không tin vào thỏa thuận bí mật là rất nhiều, nhất là giai đoạn ban đầu mới có thông tin này. Tuyệt đại đa số họ là những người trong nước, và những người trước đây từng sống trong chế độ cộng sản ở bắc Việt Nam. Tuy nhiên, theo thời gian, số người tin dư luận có thật ngày càng tăng. Đồng thời số người nghi ngờ cũng tăng lên rất nhiều. Trong số những người nghi ngờ, có rất nhiều cán bộ cao cấp của chế độ, các tướng lãnh về hưu.

       Chúng ta biết được rằng, ngày 2 Tháng 9 năm 2014, khoảng 20 cựu giới chức quân nhân gửi kiến nghị lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu công bố những ký kết giữa Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc mà đến nay vẫn là bí mật. Họ cho rằng những cam kết đó tổn hại đến chủ quyền đất nước. Ký tên trong lá thư ngỏ có Trung tướng Lê Hữu Ðức, Thiếu tướng Trần Minh Ðức, Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương, Thiếu tướng Lê Duy Mật, Thiếu tướng Bùi Văn Quỳ, và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh.

      Tóm lại, theo thời gian, quan sát những nhượng bộ về đất đai, lãnh hải lãnh thổ, và nhiều những ưu đãi bất ngờ, cũng như sự yếu hèn trong việc phản đối những o ép, sách nhiễu ví dụ bắn giết ngư dân, cấm đánh bắt cá ở biển Đông, tàu HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, vụ bãi Tư Chính… số người tin vào thỏa thuận bí mật tăng lên nhanh chóng, số người nghi ngờ cũng tăng cao.

     Câu hỏi 6: Những người tin có mật nghị Thành Đô dựa trên những cơ sở nào, lập luận của họ ra sao?

     Trả lời: Những người tin có mật nghị Thành Đô dựa trên cơ sở ứng xử của đảng cộng sản Việt Nam trong quá khứ. Dựa trên những thông tin của các cấp lãnh đạo Việt Nam nói bóng gió, than thở về Hội nghị Thành Đô. Điển hình là ông Nguyễn Cơ Thạch, người bị gạt ra ngoài rìa của cuộc họp lịch sử này, đã phải than thở: “Thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu!”. Dựa vào các hiệp định biên giới về đất đai, lãnh hải bị mất khi phân định lại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Họ cũng dựa vào những ưu ái mà chế độ CSVN dành cho các công ty Trung Quốc, các vị trị hiểm yếu về an ninh quốc phòng rơi vào tay Trung Quôc. Việc đề xuất thành lập ba đặc khu cho Trung Quôc thuê 99 năm (sau rút xuống còn 70 năm), các hiệp định về tiền tệ, về dẫn độ… Nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Trần Anh ở Hoa Kỳ nêu ra 20 câu hỏi thắc mắc và lập luận, nếu không có hội nghị Thành Đô tại sao có những việc như vậy xảy ra. Tóm lại, dù biết rằng không thể có, không thể tìm ra được văn bản thỏa thuận bí mật, nhưng căn cứ vào những việc làm của chế độ, ứng xử của chế độ với Trung Quốc, các công ty, con người Trung Quốc và các hiệp định đã ký kết, nhiều người đã tin rằng có thỏa thuận bí mật ở Hội nghị Thành Đô…

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 12/10/2019

N.V.B