You are here

Việt Nam từ Đổi Mới (1986) tới trước Cuộc chiến Thương mại Mỹ - Trung (6/2018) (tiếp theo và hết)

Ảnh của nguyenvubinh

     …

     IV/ Bước ngoặt lớn khi thế giới thức tỉnh trước hiểm họa Trung Cộng, mở đầu là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

     Để hiểu được quá trình thức tỉnh của thế giới trước hiểm họa Trung cộng, cần đi ngược thời gian để tìm hiểu quá trình Trung cộng gia nhập nền kinh tế thế giới cũng như bước vào sân chơi và dòng chảy chung của thế giới. Khi các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chỉ còn lại Trung Quốc và một số ít quốc gia theo chế độ cộng sản. Khi đó, Trung Quốc xin được tham gia vào tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Lãnh đạo của các quốc gia dân chủ cũng như giới trí thức, chính trị thế giới dựa theo những nghiên cứu lý thuyết về nguyên lý kinh tế quyết định chính trị. Họ hi vọng sự phát triển về kinh tế sẽ dẫn tới sự thay đổi về chính trị đối với các nước độc tài toàn trị cộng sản. Lập luận của họ là, khi kinh tế phát triển sẽ xuất hiện một tầng lớp trung lưu, và tầng lớp trung lưu này sẽ có những nhu cầu về các quyền tự do ngôn luận, tự do cơ bản và tự do dân sự. Từ nhu cầu của tầng lớp trung lưu, cộng với nội lực của mình, sẽ đòi hỏi các quyền con người và dân sự cho mình. Khi đó, các chế độ độc tài sẽ phải thay đổi do yêu cầu của tầng lớp trung lưu có tiếng nói quyết định trong xã hội. Tuy nhiên, mọi việc đã không diễn ra như kỳ vọng của những người có tiếng nói quyết định để Trung Quốc hội nhập với thế giới. Có những lý do sau đây để giải thích vấn đề này. Thứ nhất, khi tham gia WTO, có những điều khoản liên quan, liên đới tới việc nới lỏng và mở cửa các lĩnh vực nhạy cảm như truyền thông, vấn đề công đoàn… Trung Quốc và các nước cộng sản đã không thực hiện đúng cam kết những vấn đề này; thứ hai, toàn bộ cấu trúc toàn trị của các nước cộng sản và của Trung Quốc (như hệ thống tuyên truyền, hệ thống an ninh mật vụ, hệ thống các tổ chức đoàn thể, hệ thống giáo dục được chính trị hóa…) đều được giữ nguyên để giám sát, kiểm soát người dân và dùng để gây áp lực lên những người cất lên tiếng nói phản biện, đấu tranh cho tự do và dân chủ; thứ ba, nhà cầm quyền Trung Quốc và các nước cộng sản thẳng tay đàn áp các ý kiến phản biện, đối lập và đấu tranh cho tự do, dân chủ. Chưa bao giờ các nhà nước cộng sản cầm quyền dừng việc đàn áp những người bất đồng chính kiến, cái khác với thời kỳ chưa mở cửa, chưa hội nhập chỉ là mức độ tàn ác có giảm đi, và cách thức, tính chất đàn áp có thay đổi… nói tóm lại, các nhà nước cộng sản thể hiện cho người dân hiểu rằng, họ chỉ có thể được nới lỏng, cởi trói trong làm ăn kinh tế, ngoài ra, nếu họ bước sang lĩnh vực chính trị, ngay lập tức sẽ bị trừng trị không thương tiếc.

     Nếu chỉ có việc Trung Quốc cũng như các nước cộng sản không thể chuyển đổi sang các nền dân chủ thì vấn đề cũng chưa có gì nghiêm trọng. Ngược lại, Trung Quốc đã lợi dụng việc hội nhập, với những cơ hội kinh tế, giao thương để (ngoài việc phát triển nền kinh tế) thực hiện một âm mưu lũng đoạn và thống trị thế giới bằng các thủ đoạn nham hiểm và nhơ bẩn. Có hai vấn đề lớn mà Trung Quốc đã thực hiện có thể đưa thế giới vào thảm họa. Đó là âm mưu lũng đoạn thế giới bằng việc: 1. Tạo ra hàng hóa giá rẻ, trở thành công xưởng của thế giới bóp chết nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp của quốc gia đối tác; 2. Chất lượng hàng hóa thấp, nhái thương hiệu của các quốc gia khác, hàng hóa có tồn dư hóa chất độc hại; 3. Đánh cắp sở hữu trí tuệ; 4. Hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước về vốn, giá, vật tư… để doanh nghiệp tạo ra hàng hóa giá cực rẻ nhằm chiếm lĩnh thị trường.

     Ghê gớm hơn, Trung Quốc đã xây dựng một đại chiến lược, một kịch bản để chiếm lĩnh và thống trị thế giới, đó là chiến lược Nhất Đới, Nhất Lộ (Một vành đai một con đường) với tham vọng đến năm 2045 sẽ thống trị toàn bộ thế giới. Nội dung của chiến lược này bao gồm: 1. Lấy tiền tài thu nhân tâm. Vào những năm Mỹ mất cảnh giác, TQ đã đầu tư và lôi kéo các nước Đông Nam Á, Châu Phi, Bắc Âu, Mỹ-la-tinh và cả Mehico vào vòng ảnh hưởng của mình; 2. Nhất lộ, Nhất đới là phải thông suốt nên tạo mối hợp tác cơ sở kinh tế liên hoàn, vận tải thuỷ liên hoàn, vận tải bộ liên hoàn; 3. Xây dựng hệ thống doanh nghiệp trực thuộc chính phủ, dùng sức mạnh quốc gia mang của “đi đổ” để tạo bẫy nợ và bắt vạ bằng cảng biển, lãnh thổ và rừng núi; 4. Thực hiện các chính sách di dân mềm dẻo; 5. Thủ tiêu nguồn lực công nghệ các quốc gia tiềm năng; 6. Liên minh quân sự với chiêu bài bảo vệ các thành quả kinh tế chung của Nhất đới, Nhất lộ.

     Thế giới đã phần nào nhận biết được tham vọng và mưu đồ của Trung cộng, tuy nhiên, phải đến khi nước Mỹ xuất hiện một vị tổng thống đặc biệt D. Trump, toàn bộ hiểm họa từ Trung Quốc mới được vạch trần và lên án mạnh mẽ. Nhận thức rõ hiểm họa Trung cộng, tổng thống D.Trump đã khởi phát một cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc mà ban đầu là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Một cuộc chiến mà Mỹ cũng bị ảnh hưởng và tổn thất, tuy nhiên, với quyết tâm xóa sổ các nước cộng sản còn lại trên thế giới (tổng thống D.Trump đã công khai tuyên chiến tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc), nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phải thay đổi thể chế chính trị hoặc sụp đổ trong hỗn loạn.

     Việt Nam là đồng minh ý thức hệ của Trung Quốc, có cơ chế, cấu trúc kinh tế, chính trị giống hệt Trung Quốc và cũng thặng dư thương mại với Mỹ (quy mô nhỏ hơn) nhưng Mỹ chưa thực hiện chiến tranh thương mại. Ngược lại, tổng thống D.Trump vẫn đang ưu ái Việt Nam trong nhiều vấn đề. Ẩn dấu đằng sau những ưu ái này là mong muốn Việt Nam trở thành đồng minh của Mỹ. Việt Nam đang đứng trước lựa chọn sống còn, sẽ phải đứng về một trong hai bên của cuộc chiến này chứ không thể còn đu dây như truyền thống trước đây được nữa. Việt Nam sắp bước vào một khúc quanh lớn của lịch sử do những biến động của tình hình thế giới và khu vực. Hi vọng lần này, Việt Nam sẽ có được tự do và dân chủ, khát vọng cháy bỏng của nhân dân hiện nay./.

Hà Nội, ngày 28/9/2019

N.V.B