Theo tự điển mở của Wikipedia định nghĩa thì “Thần tượng là hình ảnh hay một vật chất khác tượng trưng cho một vị thần được hướng đến để thờ phụng, tôn sùng trong tôn giáo, hoặc còn có thể là bất kỳ người nào hay thứ gì được quan tâm bằng sự ngưỡng mộ, yêu mến hay sùng bái”.
Trong lĩnh vực con người thần tượng được định danh qua tài năng, sự nổi tiếng cũng như con đường hoạt động trên một lĩnh vực nào đó được cộng đồng chia sẻ và tôn vinh. Thần tượng có thể là một ca nhạc sĩ, một nhà hoạt động chính trị, một tỷ phú thành tựu bởi năng lực làm việc hay một nhà khoa học cống hiến sự nghiệp của mình cho nhân loại.
Ở Việt Nam có một loại thần tượng khác mà thế giới chưa hoặc không có, thần tượng được cả triệu người trẻ tôn vinh bởi tài năng “chửi bới” được nâng lên hàng “thánh chửi” hoặc tệ hơn, kẻ được tôn làm thần tượng được báo chí lăng xê, vinh danh tới điểm cao nhất là người của “quốc tế”.
Thánh chửi có Khá Bảnh và Dương Minh Tuyền, hai nhân vật từng làm cho sinh viên học sinh cả nước sôi lên từng ngày qua các video clip chửi bới, hằn học, lên án mọi thứ. Những người theo dõi như lên đồng với từng câu chửi rủa của hai nhân vật này và hơn hai triệu người theo dõi đã khiến cho Khá Bảnh ngang hàng với Bi Rain, một ngôi sao Hàn Quốc từng làm điên đảo tuổi trẻ Việt Nam nhiều năm trời. Câu hỏi đặt ra cho các nhà phân tâm học về hiện tượng này và phần lớn câu trả lời đều cho rằng xã hội Việt Nam xuống thấp vì nhận thức lệch lạc của giới trẻ qua phương tiện thông tin của mạng Internet đã ảnh hưởng sâu đậm tới tư duy của họ.
Nhưng câu hỏi tiếp được đặt ra: tại sao chỉ một mình Việt Nam là có hiện tượng này trong khi cả thế giới đều có hệ thống Internet trong từng gia đình?
Lại nữa, không chỉ người trẻ cuồng lên với hiện tượng Khá Bảnh hay Dương Minh Tuyền mà có chỉ dấu cho thấy một sự cuồng khác từ những người “không còn trẻ” qua câu chuyện của Lê Hoàng Anh Tuấn, người được Trường THPT Nghi Lộc 3 đón về như một thần tượng vì Tuấn từng là cựu học sinh của ngôi trường này. Nhà trường bắt hơn 1,400 em học sinh ngồi nghe "cựu học sinh lừng danh" kể chuyện gương thành công của anh dưới tấm biểu ngữ trên khán đài ghi rành rành cho nội dung buổi lễ: “Chào mừng nhà báo quốc tế, thạc sĩ Luật học Lê Hoàng Anh Tuấn. Tiến sĩ cựu học sinh khóa 1995-1998, Tiến sĩ danh dự từ Vương quốc Anh. Tổng Biên tập tạp chí Chống tham nhũng.”
Trong buổi lễ “vinh quy” tại trường THPT Nghi Lộc 3 có mặt Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam Mai Đức Lộc, Ông Nguyễn Thành Lợi, PGS, tiến sỹ, uỷ viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, TBT Tạp chí Người làm báo. Chính ông này đã ca ngợi hết lời Lê Hoàng Anh Tuấn chẳng khác lấy danh dự của riêng ông ra bảo kê cho tên tuổi của Lê Hoàng Anh Tuấn.
Những tưởng Lê Hoàng Anh Tuấn tự tôn vinh mình qua một danh sách dài ngoằn những chức danh cùng với hai chữ “quốc tế” do sự háo danh đã thành dịch tại Việt Nam thì cũng không đáng làm lạ, đằng này cả hệ thống báo chí cũng thi nhau nâng Lê Hoàng Anh Tuấn lên tới đình vinh quang thì đáng phải suy gẫm. Lê Hoàng Anh Tuấn cũng viết lách và được tờ báo quốc doanh cao cấp là báo Nhân Dân trân trọng đăng bài “Chống tham nhũng, câu chuyện từ Xin-ga-po” vào tháng 9 năm 2018 là một quả lừa cay đắng cho tờ báo vốn mang tiếng nhất nước này.
Còn nhiều bài báo vinh danh anh ta rải rác trên báo chí “cách mạng” không đếm xuể, tựu trung nhằm xác nhận danh vị của anh ta là nhà báo “quốc tế’ để dễ dàng hù dọa người không biết chuyện cũng như tạo ra một thần tượng cho giới trẻ Việt Nam với ảo tưởng về sự thành công vượt qua khó nghèo của một nhân tài đất Việt.
Một tờ báo đã mạnh dạn phỏng vấn Nguyễn Hoàng Anh Tuấn và giới thiệu rằng anh “thông thạo 4 ngoại ngữ tiếng Anh, Séc, Slovakia, Ba Lan, Lê Hoàng Anh Tuấn có 10 năm học tập và nghiên cứu tại Séc về kinh tế học, ngôn ngữ học, báo chí học. Đầu năm 2018, anh được Hội đồng các Nhà khoa học quốc tế của Tạp chí Chống tham nhũng & Hợp tác quốc tế bầu chọn làm Phó Tổng Biên tập, đồng thời được cấp thẻ Nhà báo quốc tế thông qua các bộ ngành và hợp pháp hóa lãnh sự của Đại sứ quán Việt Nam tại Séc. Anh cũng từng đoạt nhiều giải quán quân thể thao các môn Boxing, Karate, đua ô tô hạng A1 và từng là niềm tự hào lớn của cộng đồng người Việt tại Séc”.
Điều đáng nói hơn là Tuấn được Học viện Chính trị quân sự và một số trường khác trong đó có Học viện Báo chí mời về dạy như một giáo sư có kinh nghiệm. Vậy Lê Hoàng Anh Tuấn là ai và những danh hiệu anh ta được trưng bày một cách trang trọng là có thật đáng để học sinh trường THPT Nghi Lộc lấy đó làm tiêu biểu cho một thần tượng mà các em nên theo?
Không may cho anh ta, câu chuyện bị phanh phui và người ta biết được chính xác tên tuổi, nghề nghiệp, công ăn việc làm của Lê Hoàng Anh Tuấn không phải là nhà báo “quốc tế” như báo chí PR, cũng không phải là Tiến sĩ hay Thạc sĩ như nhà trường Nghi Lộc 3 bị lừa mà anh là một tài xế Taxi, từng đi xuất khẩu lao động tại Cộng hòa Séc, sau đó lấy một cô vợ làm việc trong ngành công an, sau bị cô vợ phát hiện anh ta là người lừa đảo nên chủ động ly hôn vì sợ ảnh hưởng tới công việc trong ngành công an. Hiện nay Tuấn đang lái xe cho cục Phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ.
Vời thành tích lửa đảo như thế Tuấn vẫn hiên ngang đứng giữa trường Nghi Lộc 3 nơi anh ta từng học những ngày đầu tiên nói về những điều không có thật về mình với sự tiếp tay của báo chí mà cụ thể là hai ông Mai Đức Lộc và Nguyễn Thành Lợi, những cây đa cây đề trong ngành báo chí Việt Nam thì xã hội tất phải lên tiếng vì hành vi lừa đảo có tổ chức này.
Nếu lừa để kiếm tiền thì luật pháp sẽ lấy lại số tiến ấy bằng những bản án phù hợp nhưng lừa học sinh ngây thơ bằng ảo tưởng một thần tượng thi di hại của nó làm sao trả lại cho các em, những người sẽ đặt niềm tin đầu đời của mình vào một thứ thần tượng giả?
Người lớn trót bị lịch sử lừa qua không ít thần tượng giả đã dẫn dắt đất nước ra khỏi u tối của phong kiến thực dân, hôm nay chỉ biết chịu đựng sự thật phô trần những dối trá mà thần tượng được tôn vinh như thánh sống. Trẻ nhỏ tiếp tục bài học lịch sử ấy qua sự tiếp tay của báo chí lề phải để mỗi ngày thâm nhập tư tưởng phải làm theo gương của những thần tượng ngụy tạo thì đất nước này sẽ trôi về đâu trên dòng nước đục ngầu đầy sự giả dối ấy?
Bài bình luận gần đây