Nói gì thì nói, cho dù nhìn ở góc độ nào, đứng trên biên kiến nào, cũng phải chịu buồn mà thừa nhận rằng: Máu thù hận của người Việt quá cao. Và hệ lụy của chuyện này chẳng nhỏ một chút nào, nếu không muốn nói rằng nếu còn nuôi giữ máu thù hận lớn như đang thấy, kinh tế càng phát triển thì Việt Nam càng nhanh xuống hố. Và đến một lúc nào đó đủ giàu có, chúng ta sẽ tự diệt vong!
Vì sao?
Trước nhất, phải giải thích vì sao nói rằng máu thù hận của người Việt quá cao? Vì lẽ, sau hơn 40 năm kể từ biến cố 30 tháng Tư năm 1975 đến nay, dường như những người tưởng nhớ về ngày ấy như một mốc lịch sử buồn để tiếp tục bước đi thì rất ít, mà người xem đó như một ngày thù hận của cả hai phía thì rất đông. Dù đứng trên góc độ nào, đây cũng là một sự thất bại xét trên góc độ tình tự dân tộc và lòng yêu thương, tính vị tha, bao dung giữa người với người. Hơn nữa, đây là người cùng một dân tộc!
Phía Cộng sản thì ăn mừng đình đám và thay vì xem đó là ngày kỉ niệm thống nhất để từ đó nói lên tiếng nói quê hương, nắm tay cả những người thắng cuộc và không thắng cuộc trên tinh thần tôn trọng, yêu thương, hòa giải và hòa hợp… Để cùng nhau xây dựng tương lai đất nước thì họ vẫn giữ ngôn ngữ, giọng điệu đầy cừu thù, thậm chí ông Thủ tướng Việt Nam cũng không thoát được giọng điệu này!
Bên thắng cuộc thì ích kỉ, cố chấp muốn duy trì quyền lực theo kiểu “sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” và đẩy thân nhân, người thân của bên thua cuộc vào chỗ thấp cổ bé miệng, vào chỗ không còn chốn dung thân.
Ngược lại, bên thua cuộc, thù hận Cộng sản là lẽ tự nhiên, không có gì đáng bàn bởi chính Cộng sản đã đẩy cả một thế hệ tinh hoa của dân tộc ra biển, lưu vong xứ người và lưu vong ngay bản xứ. Nhưng, vấn đề đáng bàn ở đây là trọng trách, sứ mệnh “diệt Cộng” mà các bậc cao niên đã ký thác, gửi gắm vào thế hệ sau. Bởi nếu chống Cộng, chống cái xấu, chống cái ác là lẽ tự nhiên thì hà cớ gì phải giao trọng trách này cho con cháu? Cứ để con cháu phát triển một cách tự nhiên nhất trên một quốc gia có nền giáo dục ưu việt, có nền dân chủ hàng đầu thế giới và có nền khoa học cấp tiến của thế giới. Thụ đắc nền giáo dục, hưởng thụ mọi giá trị xã hội tiên tiến một cách thấm nhuần, con cháu sẽ biết họ phải làm gì. Và chưa chắc đấu tranh theo kiểu các bậc cao niên đã thành công.
Giả định “chưa chắc” này cũng giống như một giả định khác rằng chưa chắc con cháu Cộng sản đã muốn duy trì chế độ Cộng sản. Có thể có những vụ nổi cộm về “cha truyền con nối” nhưng nên nhớ rằng để chiếm được miền Nam, có đến hơn 10 triệu người Cộng sản thực hiện, đến khi chiếm được miền Nam thì chỉ còn chưa tới 3 triệu đảng viên Cộng sản được hưởng lợi. Và có hàng vài chục triệu con người gồm cả đảng Cộng sản và người của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trả giá cho cái mốc lịch sử 30 tháng 4.
Nếu như người bên ngoài vẫn giữ thái độ xem những người bên trong Việt Nam là những người Cộng sản, là kẻ lấm bụi Cộng sản hoặc là ăn cơm Cộng sản lâu ngày… Thì tất yếu, người bên trong cũng rất khó gần với người bên ngoài. Và giả sử có những liên minh để đạp đổ Cộng sản diễn ra, thì đó mãi mãi là những liên minh giả tạo, người ta lợi dung nhau trong một giai đoạn thấy đôi bên còn có lợi cho nhau chứ chưa bao giờ có chung chí hướng. Bởi chí hướng gồm cả chí và hướng. Cùng chung chí nghĩ là cùng chung lòng yêu thương, cùng chung chiến tuyến, cùng chung quyết tâm và nhiệt huyết để hướng đến cái hướng mà cả hai bên cùng chung. Nếu chỉ cùng chung hướng mà không cùng chung chí, người ta dễ dàng lợi dụng và đạp lên nhau.
Tình trạng hiện tại giữa người Việt bên trong và người Việt bên ngoài, có vẻ như cùng chung hướng và khó để cùng chung chí, đó là sự thật! Sở dĩ còn cái sự thật này bởi lòng thù hận của người Việt quá cao, cho dù đang sống tại Việt Nam hay bất kì nơi nào, thù hận như một thứ vô thức tập thể đã tích tập từ nhiều đời nhiều kiếp, từ thời tổ tiên, ông bà và đến chúng ta, nỗi phân li, sự mất mát bởi “bên ni bên nớ” vẫn chưa nguôi đau, và càng đau, người ta càng thù hận! Và càng thù hận, người ta càng dễ dàng lợi dụng nhau cho dù trả giá cho việc ấy cao chừng nào, người ta vẫn chấp nhận và làm điều ấy như một thứ sứ mệnh mơ hồ.
Và giả sử chúng ta bớt thù hận?
Đây là câu hỏi khó, chẳng khác nào đặt câu hỏi cho một người bị bệnh sắp chết rằng giả sử ông/bà/cô/chị/.anh/em… khỏe mạnh và bước ra võ đài. Điều này là viễn vông và vô nghĩa. Nhưng, cũng không có câu hỏi nào khác cho người Việt Nam trong lúc này nếu như chúng ta còn nghĩ đến tương lai, con cháu của chúng ta!
Bởi lòng thù hận “bên ni bên nớ” vẫn không ngừng chảy trong dòng máu của người Việt suốt nhiều thế kỉ nay chứ không riêng gì giai đoạn Cộng sản nổi lên. Bởi lòng thù hận đã ăn lan sang thế hệ trẻ, chúng luôn nhìn cuộc sống bằng ánh mắt thù hận và luôn muốn mình là kẻ chiến thắng mặc dù chúng không hiểu được vì sao lại phải thù hận và chiến thắng để làm gì, có ý nghĩa gì…!
Bởi không có gì đáng sợ hơn khi người ta trở nên có nhiều tiền bạc với một bầu thù hận nuôi sẵn trong tâm hồn. Lúc đó, người ta sẽ dễ dàng mua những thứ để phục vụ cho lòng thù hận. Và cái giá phải trả cho một dân tộc sống trong thù hận là nồi da xáo thịt, người đứng ngoài sẽ ung dung hưởng lạc trên máu xương của những kẻ thù hận chém giết nhau.
Việt Nam đã trả giá quá nặng cho chiến tranh, cho lòng thù hận và cho cả những oan khiên máu xương, không có lý do gì để phải trả giá thêm cho lòng thù hận. Và hơn bao giờ hết, chúng ta phải vui vẻ, bao dung, tha thứ cho tha nhân và cho cả chính mình. Để con cháu chúng ta có cơ hội nắm tay nhau mà xây dựng quốc gia, dân tộc!
Có gì phải ngại ngần khi con của một người cộng Hòa nắm lấy tay con của một người Cộng sản và xây dựng đất nước trên tinh thần hòa ái, yêu thương, vì con cháu, vì tương lai vững mạnh của dân tộc, quốc gia? Có gì phải ngần ngại khi con cháu của một người Cộng sản chung tay với con cháu của một người cộng Hòa thiết lập nên một chế độ chính trị mới, chế độ không Cộng sản cũng không Cộng Hòa, ở đó chỉ có quyết tâm xây dựng đất nước lành mạnh, văn minh và cường thịnh? Có gì phải ngạc nhiên khi hai người lính già của Cộng sản, Cộng Hòa qua đời và cùng thiêu chung một hỏa lò? Có gì phải ngạc nhiên khi lòng yêu thương lãnh đạo dân tộc, quốc gia đi đến tương lai?!
Và hãy tin chắc rằng, khi con cháu chúng ta đủ tin yêu và sáng suốt, đủ quật cường và phồn thịnh, đủ tiến bộ và bao dung, lúc đó, tự thân những cái xấu sẽ chết đi và sức mạnh dân tộc lại quay về. Nhưng muốn được vậy, người lớn ơi, xin hãy bỏ lòng thù hận và nghĩ đến con cháu Việt Nam!
Bài bình luận gần đây