You are here

Thông tin ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện “không chính xác” ở chỗ nào.

                                                                                                                                                      Nguyễn Tường Thụy 

 

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Cơ quan báo chí đầu tiên đưa tin về việc ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Tin đưa ra ngày 11/4/2019 và ngay sau đó được báo chí nước ngoài đưa lại và bình luận làm rộn ràng công luận, khiến VN (nhà cầm quyền Việt Nam) không thể “ngậm tăm”.

Mạng xã hội trong nước cũng bình luận rất hồ hởi. Có một nghịch lý là khi chính phủ thua kiện, thất bại hay lãnh đạo, quan chức qua đời, người dân lại phấn khởi và nguyền rủa. Điều này, có lẽ chỉ có ở Việt Nam.

Chiến thắng của ông Trịnh Vĩnh Bình là một thất bại đau đớn của phía VN và vì vậy, không một tờ báo hay một quan chức nào của VN dám đưa tin hay đề cập khi chưa có chỉ đạo hoặc phát ngôn chính thức của nơi có trách nhiệm.  Ngay ngày 11/4 tại Washington, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã từ chối bình luận khi phóng viên VOA hỏi về sự kiện này.

Phía Việt Nam không thể im lặng khi sự kiện trở thành tâm điểm của công luận. Ngày hôm sau, 12/4, Bộ Tư pháp ra một thông cáo báo chí rất ngắn, bác bỏ thông tin ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện. Thông cáo có 2 nội dung chính:

Một là “Theo qui định của tố tụng trọng tài, các bên có trách nhiệm giữ bí mật Phán quyết”.

Hai là thông tin trên báo chí "phản ánh không chính xác nội dung của Phán quyết”.

Về nội dung thứ nhất, đành rằng qui định cả hai bên đều phải giữ bí mật nhưng rõ ràng thông tin về kết quả một phiên tòa có tranh chấp thì bên thua mới cần giữ bí mật còn bên thắng thì không. Xem ra qua sự trách cứ này, phía VN tỏ ra rất cay đắng (đã bảo bí mật lại còn nói ra). Thử đặt ra tình huống, nếu phía VN công bố Phán quyết thì ông Bình liệu có trách phía VN không? Chắc chắn là không. Việc này tương tự như thỏa thuận giấu cuộc chiến tranh Trung - Việt 1979, người cần giấu là Trung Quốc chứ không phải Việt Nam, vì cuộc chiến tranh ấy, phi nghĩa là ở phía TQ và thất bại cũng là ở phía TQ.

Ông Trịnh Vĩnh Bình khẳng định ông không cung cấp số tiền phải bồi thường theo phán quyết cho bất cứ ai nhưng khẳng định thông tin ông chiến thắng là đúng. Vì vậy, phía VN không thể trách cứ ông về việc tiết lộ thông tin. Còn phía VOA, bằng cách nào họ có thông tin ấy, chỉ họ mới biết được.

Về nội dung thứ hai, Bộ Tư pháp nói trên báo chí “phản ánh không chính xác”. Vậy không chính xác ở chỗ nào? Tại sao họ không chỉ ra?

Tựu trung, bản tin của VOA chỉ đưa ra số tiền VN phải bồi thường cho ông Trịnh Vĩnh Bình và án phí phía VN phải chịu, cụ thể đến hai con số thập phân, tức là cụ thể đến từng cen. Con số Việt Nam phải “bồi thường cho ông Bình 27.518.596 đôla cho phần tài sản đã chiếm của ông, 10 triệu đôla cho ‘thiệt hại tinh thần’, 786.672,71 đôla cho án phí ở Tòa án Quốc tế và 7.111.170,94 đôla cho chi phí pháp lý, luật sư” không ai có thể bịa ra được.

Đây là nội dung duy nhất của thông tin. Nếu thông tin sai, VN có thể kiện VOA, đòi VOA bồi thường tổn thất về tinh thần, đặng kiếm chút mà trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình? Nhưng chắc chắn, phía VN không thể phủ nhận những con số ấy. Còn việc kiện VOA đã tiết lộ thông tin thì không thể, vì VOA không có trách nhiệm phải giữ “bí mật quốc gia” cho họ.

Vậy, thông tin không chính xác ngầm ý của VN là ở chỗ nào?

- Không thể bác bỏ con số mà VOA đưa ra. Nhưng phải chăng họ căn cứ vào con số này mà cho rằng VN đã thắng kiện, vì ông Trịnh Vĩnh Bình đòi bồi thường những 1,25 tỉ Mỹ kim mà tòa chỉ quyết cho từng ấy. Rõ ràng là ông Bình thất bại chứ còn gì nữa? Mà ông Bình thất bại, đồng nghĩa với VN thắng. Và cứ thế suy ra thì VN đã... thắng.

- Cũng có thể, từ con số đòi bồi thường cao đến con số được bồi thường thấp hơn, VN tự an ủi rằng như vậy là hai bên cùng thắng, kết thúc việc tranh chấp kiện cáo mấy chục năm ròng rã. Ông Bình thằng vì được bồi thường, còn VN thắng vì không phải trả con số tới 1.25 tỉ đô la Mỹ.

- Và, với lập luận VN thắng hay hai bên cùng thắng thì khi nói ông Trịnh Vĩnh Bình chiến thắng như ông Bình xác nhận hay VOA đưa tin là “không chính xác”.

Ngoài ra thì thông tin trên báo chí về vụ này không còn nội dung nào nữa để có thể nói rằng sai.

Ấy là căn cứ vào máu ăn thua, cay cú, hay lấp liếm của VN tán ra thế cho vui, chứ chắc họ không thể cù nhầy mà nói như vậy. Nghĩa là, nếu cố tìm mọi lý do để cho rằng thông tin ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện là không chính xác đều đi vào bế tắc

Xưa nay, VN vốn rất coi trọng tuyên truyền, nhất là những tuyền truyền nhồi sọ, sai sự thật. Thắng lợi thì khuyếch trương nhưng thất bại thì giấu nhẹm, không giấu được thì lấp lửng như vụ thua kiện lần này. Họ có thể nhận mặt này mặt khác yếu kém nhưng rất khó để họ nhận sai. Đó là do căn tính kiêu ngạo cộng sản của họ mà ra. Tinh thần AQ luôn luôn thường trực trong mỗi lãnh đạo, quan chức Việt Nam, dẫn đến tầm nhìn hạn hẹp, và vì thế đất nước mới nát bét như hiện nay.

Việc ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện là một sự thật hiển nhiên. Thông cáo báo chí của phía VN cho rằng thông tin ấy “không chính xác” mà không chỉ ra được không chính xác ở chỗ nào đã biến thông cáo thành một hình thức thừa nhận thua cuộc một cách cay đắng.

 

13/4/2019