Kết quả phán quyết của tòa án Quốc tế buộc Việt Nam phải trả cho ông Trịnh Vĩnh Bình tổng cộng hơn 45 triệu đô la không những là tiếng chuông công lý cảnh báo hệ thống tư pháp Việt Nam mà còn mở mắt cho đại bộ phận người dân Việt Nam biết rằng họ không phải sống trong ốc đảo thông tin và mọi diễn biến trên thế giới sẽ gây tác động tới từng gia đình Việt Nam mặt này hay mặt khác.
Là một Việt kiều Hà Lan, Trịnh Vĩnh Bình đã nổi tiếng từ thập niên 90 của thế kỷ trước vì đã về Việt Nam rất sớm để đầu tư vào bất động sản và sản xuất thủy sản tại Vũng Tàu. Trong một thời gian chưa tới 10 năm ông đã tạo dòng vốn của mình hơn 8 lần lúc ban đầu đã làm lòng tham của chính quyền địa phương để ý và kiếm cách chiếm đoạt. Trong một vụ kiện do ông Bình là nguyên đơn kiện người thân và nhân viên đã sai trái trong vấn đề thu chi khi đại diện cho ông vận hành những cơ sở sản xuất bề thế. Công an Bà Rịa Vũng Tàu đã vào cuộc và bị cáo biến thành người vô tội còn ông Bình trở thành người gian lận thuế và “vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai".
Tòa án tuyên phạt ông 13 năm tù giam sau đó “ân xá” xuống còn 11 năm. Công an đã cố tình thả ông bằng cách cho ông tại ngoại 7 ngày và làm ngơ để ông trốn về Hà Lan, nơi ông vốn mang quốc tịch thứ hai sau khi vượt biên vào năm 1976.
Ông Trịnh Vĩnh Bình kiện chính phủ Việt Nam nhằm lấy lại tài sản hợp pháp còn vướng lại Việt Nam cũng như những mất mát tù đày bất công đối với ông. Trong khi chờ đợi, Việt Nam đã thỏa thuận trả cho ông 15 triệu đô la và hứa sẽ giao lại tài sản của ông tại Việt Nam cũng như cho phép ông kinh doanh trở lại.
Tuy nhiên hai năm sau ông Trịnh Vĩnh Bình lại tái khởi kiện vì Việt Nam thất tín không giữ lời hứa. Tòa án Quốc tế tiếp tục thụ lý và kết quả được tuyên vào ngày 10 tháng 4 buộc chính phủ Việt Nam phải trả cho ông Bình 37.581.596 đôla thiệt hại và gần 7,9 triệu đôla án phí.
Báo chí trong nước tuy tiếp cận được thông tin này từ các hãng thông tấn nước ngoài nhưng hoàn toàn không có lấy một dòng nào trên báo giấy hay báo mạng. Hai ngày sau Bộ Tư pháp Việt Nam ra thông cáo về bản án này trong đó có nội dung: “Theo quy định của tố tụng trọng tài, các bên có trách nhiệm giữ bí mật Phán quyết. Tuy nhiên, hiện nay, một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội đưa tin, phản ánh không chính xác nội dung của Phán quyết cùng với những diễn giải, suy đoán chủ quan gây hiểu nhầm trong dư luận. Bộ Tư pháp đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và Công ty Luật đại diện cho Chính phủ Việt Nam nghiên cứu kỹ nội dung Phán quyết để thực hiện các bước tiếp theo phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của Chính phủ Việt Nam.”
Người dân biết rõ vụ việc hơn Bộ Tư pháp vì thông tin của vụ án tràn ngập mạng xã hội cũng như trên các phương tiện truyền thông Việt Ngữ nước ngoài. Người dân không bất ngờ khi bản thông báo nhấn mạnh tới điểm “Theo quy định của tố tụng trọng tài, các bên có trách nhiệm giữ bí mật Phán quyết” như một lời cáo buộc, một phản hồi bản án và có vẻ đây là tiền đề để chính phủ không tuân thủ phán quyết của Tóa án Quốc tế.
Văn bản này rơi vào sự dửng dưng của người đọc vì nó không mang một thông tin nào khả dĩ làm cho dân chúng tin rằng phán quyết này đi ngược lại công lý hay ít ra Việt Nam sẽ còn có cơ hội yêu cầu một phiên xử khác. Trách nhiệm giữ bí mật nếu có sẽ được tòa cho phép trong khi phiên tòa còn đang diễn tiến vì tránh những thông tin bất lợi cho bị cáo. Hai nữa các bên có trách nhiệm giữ bí mật phán quyết nếu có sự đồng thuận của nguyên đơn, mà trường hợp Việt Nam gặp gỡ với ông Trịnh Vĩnh Bình tại Singapore là một ví dụ, thì phán quyết ấy mới có giá trị.
Ông Trịnh Vĩnh Bình đã công khai việc khởi tố chính phủ Việt Nam trên các báo đài ngoại quốc từ nhiều năm trước, ông không chịu trách nhiệm gì về việc giữ bí mật như Bộ Tư pháp Việt Nam cố tình gán ghép như một sự bất cẩn của tòa án đối với kết quả phiên tòa.
Trong thông báo này Bộ Tư pháp đã trình bày ngắn gọn nguyên nhân xảy ra vụ kiện nhưng lờ đi vụ chi trả 15 triệu đô la cho ông Trịnh Vĩnh Bình vào năm 2006 tại Singapore. Sự giấu giếm này cho thấy chính phủ Việt Nam vẫn còn có tư duy không chịu thua cuộc đối với người dân, kể cả thỏa thuận rồi nuốt lời đối với người thắng cuộc. Tâm lý xem thường trọng tài quốc tế vẫn đè nặng lên đầu các quan lại cộng sản và họ chỉ chịu thua khi thông tin chính thức tung ra trên các cơ quan thông tấn nước ngoài.
Người ta từng có nghi ngờ các quan chức trong guồng máy chính trị hiếm có người nào biết facebook là gì, nếu các quan chức Bộ Tư pháp biết rằng ngay sau khi phán quyết được công bố, chỉ 15 phút sau chính ông Trịnh Vĩnh Bình đã vui mừng công bố cho toàn thế giới mà mạng Facebook tại Việt Nam tràn đầy hình ảnh lẩn thông tin của vụ án.
Xem thường sự hiểu biết của dân chúng là lề thói của cán bộ các cấp và đổi lại chính người dân tủm tỉm cười trước sự ngây ngô và “tự hào” của hệ thống thông tin Việt Nam. Bài học về sự tráo trở đối với giới kinh doanh trong lẫn ngoài nước vẫn không làm Việt Nam sáng mắt, bởi họ tin như đinh đóng cột rằng “cứ lập lại nhiều lần một lời giả trá thì cuối cùng dân sẽ tin đó là sự thật”
Câu nói kinh điển này chỉ đúng đối với Bắc Triều Tiên, nơi được xem là ốc đảo thông tin, còn với Việt Nam, không những điện thoại, internet và bây giờ lại có thêm facebook thì e rằng câu nói ấy chỉ dành cho cán bộ với nhau mà thôi.
Bài bình luận gần đây