Đó là câu hỏi trong một bài viết trên báo Người Lao Động nói về hành vi của một số người ném chất bẩn trước cổng nhà ông Linh ở Đà Nẵng và xịt sơn lên đó.[1]
Câu hỏi được đưa ra dưới dạng tu từ. Hỏi đấy mà trả lời rồi đấy, rằng vợ con ông Linh nào có tội tình gì đâu mà bị cư xử như vậy.
Nói một cách ngắn gọn, người có quan điểm trên cho rằng ai làm người nấy chịu. Đây cũng quan điểm của một bộ phận công luận, gồm cả những người có chuyên môn về luật, theo hướng bảo vệ cho tài sản và người thân của ông Linh.
Ai làm người nấy chịu là một quan điểm không thể đúng hơn xét từ góc nhìn của pháp luật. Trước pháp luật, chỉ người nào có hành vi vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm pháp lý. Bởi thế, người thân của người đó nếu không liên quan thì không phải chịu trách nhiệm pháp lý nào cả.
Tuy nhiên, ngoài pháp luật còn có các hệ thống quy phạm khác đồng thời tồn tại để điều chỉnh hành vi của con người và để xác định đúng/sai, đó là lẽ thường, đó là quy phạm đạo đức, đó là quy phạm xã hội, đó là quy phạm tôn giáo, và nhiều quy phạm khác.
Từ góc nhìn của lẽ thường và quy phạm đạo đức, do có sự liên đới, chúng ta thấy người thân của mình làm gì đều ảnh hưởng đến chúng ta, ít hay nhiều, tiêu cực hay tích cực, tối thiểu là về đạo đức. Chẳng hạn, chồng có hành vi xấu thì vợ xấu hổ, cha có hành vi xấu thì con xấu hổ, anh có hành vi xấu thì em xấu hổ, v.v.
Theo cách này, chúng ta không thể bác bỏ sự liên đới về trách nhiệm đạo đức của vợ con ông Linh trước hành vi xấu mà ông gây ra. Ngay cả khi họ không thúc đẩy hành vi của ông hay bao che cho ông, thì sự liên đới về trách nhiệm đạo đức đã có sẵn ở đó.
Tất nhiên, tôi không có ý nói rằng hành vi ném chất bẩn và xịt sơn là thỏa đáng cho vợ con ông Linh. Tôi chỉ có ý nói rằng ai làm người nấy chịu là một quan điểm sai, hay chí ít là không hẳn đúng, xét từ góc nhìn của lẽ thường và quy phạm đạo đức mà thôi.
Có một chủ đề triết học đạo đức đã và có lẽ vẫn đang gây tranh cãi ở phương Tây là 'Chúng ta có phải chịu trách nhiệm cho những gì mà mình không gây ra?' Chủ đề này đã được bàn đến trong cuốn sách nổi tiếng 'Justice: What's the right thing to do?' (đã được dịch sang tiếng Việt với tiêu đề 'Phải trái đúng sai') của Michael Sandel.
Câu trả lời có 2 hướng. Một là phủ định, với lý do như trên, đó là ai làm người nấy chịu. Hai là không phủ định hoặc thiên về khẳng định, với lý do có phần phức tạp hơn.
Khơi mào cho chủ đề này có lẽ là các lời kêu gọi xin lỗi công khai về các bất công trong quá khứ. Trong nhiều năm, nước Đức đã xin lỗi và nhận trách nhiệm về quá khứ phát xít của mình. Tương tự, nước Nhật, dù miễn cưỡng, cũng xin lỗi về các tội ác chiến tranh do mình gây ra. Xin lỗi vì sự bất công với người bản địa từ xa xưa cũng được gợi lên tại Úc.[2]
Có nhiều câu chuyện như vậy về việc các chính phủ xin lỗi cho các tội ác hay sai lầm của chính phủ nước mình trong những giai đoạn trước. Nếu thay chính phủ bằng chủ thể khác, như cá nhân hay tổ chức, và nếu mở rộng phạm vi từ thời gian trong các ví dụ trên ra cả không gian, thì bản chất của vấn đề vẫn không thay đổi.
Nếu đồng ý với câu trả lời phủ định, rằng chúng ta không phải chịu trách nhiệm cho những gì mà mình không gây ra, chúng ta sẽ không thể hiểu được, hay đồng tình được với các hành động xin lỗi kể trên, vì đơn giản, các chính phủ ngày nay không gây ra các tội ác hay sai lầm trong quá khứ.
Nhưng, sở dĩ chúng ta không thể đồng ý với câu trả lời phủ định một cách dứt khoát là vì có những lý lẽ đằng sau cho các hành động xin lỗi đó.
Mỗi đơn vị trong tổng thể, dù là một cá nhân, một tổ chức, hay một chính phủ, không phải là một đơn vị độc lập để không chịu ràng buộc bởi các mối quan hệ hỗ tương, cả trong không gian và thời gian. Và khi tồn tại trong các mối quan hệ, chúng ta chia sẻ chung những căn cước, tư tưởng, tình cảm, và vì vậy, cả những trách nhiệm nhất định, trong đó có trách nhiệm đạo đức.[3]
Chỉ khi thừa nhận sự ràng buộc này, chúng ta mới thấy có lý do để cùng vui hay buồn trước chiến thắng hay chiến bại của một giải đấu mang màu cờ sắc áo của quốc gia, để cùng tự hào hay xấu hổ trước các vinh quang hay nhục nhã của đồng bào của mình dù ở nơi nào trên thế giới…
Lấy ví dụ về Việt Nam, chúng ta đã từng tự hào trước Ngô Bảo Châu, trước H'Hen Niê, và chúng ta đã từng xấu hổ trước nhiều "tấm gương" xấu về người Việt ở nước ngoài… Ấy là vì lẽ gì? Chẳng phải vì chúng ta có chung căn cước, tư tưởng, tình cảm nào đó của người Việt hay sao?
Trở lại với câu chuyện về ông Linh, nếu đồng ý với lý lẽ và ví dụ trên, chúng ta không thể phủ nhận rằng gia đình ông Linh có sự liên đới về trách nhiệm đạo đức vì họ có chung một căn cước, tư tưởng, tình cảm của thành viên một nhà. Do đó, dù họ không phải chịu trách nhiệm pháp lý chung với ông, song phải chịu trách nhiệm đạo đức chung với ông do hành vi xấu mà ông gây ra.
Cho nên, giả sử – tuy giả sử nhưng rất nghiêm túc, rằng nếu có dịp liên hệ hay tiếp xúc với gia đình của bé gái bị ông Linh sàm sỡ, người thân của ông Linh nên xem đó là một dịp để xin lỗi, một cách thật lòng, cho hành vi của ông Linh, bới, sự liên đới về trách nhiệm đạo đức là lý do cho lời xin lỗi đó.
Chú thích:
[1] Ném chất bẩn, xịt sơn nhà cựu viện phó sàm sỡ bé gái là vô pháp!
https://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-nem-chat-ban-xit-son-nha-cuu-vien...
[2] Các ví dụ này đều được nêu trong cuốn sách 'Justice: What's the right thing to do?' của Michael Sandel
[3] Trong cuốn sách của mình, Michael Sandel nêu lý lẽ về bản sắc chung (mà ở đây, người viết thay thế bằng căn cước chung) và sự ràng buộc giữa những thành viên trong một cộng đồng, như hai cơ sở chính của trách nhiệm đạo đức liên đới
Bài bình luận gần đây