You are here

Dự án dầu khí Junin 2 Venezuela: Trách nhiệm thuộc về ai?

Sau khi Liên Xô tan rã, các nhà lãnh đạo Việt Nam từ đó cho đến nay luôn có chủ trương tìm đồng minh và các đối tác kinh tế có chung ý thức hệ Xã hội Chủ Nghĩa. Việc các tập đoàn Nhà nước lớn như PVN và Viettel tham gia các liên doanh ở nước ngoài, với các đối tác ở các nước có thể chế độc đoán tương đồng như Cuba, Angola, Myanmar, một số quốc gia trong khu vực Liên Xô cũ và Venezuela. Đáng chú ý tình hữu nghị đặc biệt với Venezuela, một quốc gia trong những năm gần đây đang theo đuổi mô hình Xã hội Chủ nghĩa, đã được đặt ngang tầm với Cuba, một đồng minh ý thức hệ cộng sản lâu năm của Việt Nam.

Từ đó để thấy rằng, việc Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đầu tư khai thác dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela thất bại hoàn toàn, là do sự áp đặt, coi đó là nhiệm vụ chính trị thay vì một dự án đầu tư hoàn toàn mang tính kinh tế của ban lãnh đạo đảng CSVN. Chính yếu tố này cộng với nguyên tắc lãnh đạo "tập thể lãnh đạo, cá nhân chịu trách nhiệm" đã khiến cho việc truy cứu trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân ở các cấp trong mọi vụ việc bê bối nói chung và Dự án đầu tư khai thác dầu khi lô Junin 2 - Venezuela của PVN nói riêng.

Tuy vậy, phân tích bối cảnh đưa đến việc hai bên bên Việt Nam và Venezuela ký kết hợp đồng trong thương vụ vụ đầu tư khai thác dầu khí tại Venezuela, để thấy trách nhiệm của từng cá nhân lãnh đạo các cấp phía Việt Nam là việc làm cần thiết. Đồng thời để thấy rõ hơn, trong cái cơ chế Kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa nửa nạc, nửa mỡ hiện nay đang tồn tại ở Việt Nam thì ngân sách quốc gia - được thu từ những đồng thuế chắt chiu của người dân sẽ bị ném qua cửa sổ một cách không thương tiếc. Song chẳng ai trong ban lãnh đạo cao cấp nhất phải chịu trách nhiệm. Việc lỗ lã của những quả đấm thép Vinashin, Vinaline, PVN... là những ví dụ điển hình.

Ngược lại dòng thời gian của những sự kiện quan trọng liên quan đến Dự án Junin 2 sẽ thấy như sau:

Hai nước nước Việt Nam và Venezuela thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ ngày 8/9/1989. Tháng 3/2006 Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An thăm nước này mở ra chuyến thăm chính thức đầu tiên. Tiếp đến tháng 8/2006, tổng thống Hugo Chavez thăm Việt Nam, cùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký 3 văn kiện hợp tác cấp chính phủ, trong đó có vấn đề hợp tác dầu khí.

Sau đó là các chuyến viếng thăm Venezuela liên tiếp của Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải (10/2006); Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (5/2007); Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết (11/2008). Đáng chú ý, trong chuyến thăm của ông Nông Đức Mạnh hai bên ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện, trong đó có đề cập đến vấn đề hợp tác năng lượng, dầu khí. Cũng như trong chuyến thăm của Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết, hai bên Việt Nam và Venezuela đã ký 15 Hiệp định, thoả thuận hợp tác. Trong đó có Hợp đồng giữa Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc thiết lập liên doanh khai thác dầu khí công suất 200.000 thùng/ngày tại vành đai Orinoco thuộc Venezuela, nơi được coi là khu vực có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.

Ngoài trách nhiệm chung của tập thể Bộ Chính trị trong các chủ trương lớn của đảng, có thể thấy, trong giai đoạn đầu của Dự án Junin 2, trách nhiệm lãnh đạo cao cấp là các ông Nông Đức Mạnh và Nguyễn Minh Triết. Còn trách nhiệm phía Chính phủ thuộc về ông ông Hoàng Trung Hải, là người chịu trách nhiệm tham mưu, triển khai trong vai trò Bộ trưởng Công nghiệp khi đó.

Vào năm 2010, Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch Đầu Tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Bộ Tài Chính Võ Văn Ninh đã đề nghị PVN phải trình dự án ra Quốc Hội cho ý kiến. Với lý do vì tổng mức đầu tư cho dự án thuộc diện phải trình Quốc Hội theo quy định. Lưu ý, cho đến lúc này ông Hoàng Trung Hải giữ vai trò là Phó Thủ tướng phụ trách công nghiệp (gồm cả dầu khí).

Khi đó, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng đã cho rằng, theo quy định thì dự án đã triển khai trước 2010 thì không cần báo cáo Quốc Hội. Sau đó Bộ Bộ Kế Hoạch Đầu Tư lại tiếp tục lưu ý PVN, theo các quy định trước đó từ năm 2006 của Chính phủ và Quốc Hội, thì dự án Junin 2 vẫn phải trình Quốc Hội. Tuy nhiên đến những năm 2009-2010, cho dù chưa trình Quốc Hội nhưng ngày 29/06/2010 dự án Junin 2 đã được đàm phán và ký kết hợp đồng với Venezuela. Tham gia lễ ký kết hợp đồng và đại diện cao nhất Việt Nam đi chứng kiến ký kết là ông Hoàng Trung Hải.

Trước sự đã rồi, tháng 8/2010, Bộ Bộ Kế Hoạch Đầu Tư và Bộ Tài Chính đã có văn bản gửi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị phải lưu ý đến rủi ro chính trị và rủi ro tài chính của dự án. Song bất chấp những cảnh báo nói trên, PVN một lần nữa đã rút tổng mức đầu tư dự án chỉ còn 29,9% để trốn việc trình Quốc Hội đồng thời phía Việt Nam đã chuyển tiền cho phía Venezuela 442 triệu USD, vào các năm 2011 và 2012. Đẩy sự việc vào thế đã rồi. Việc người đứng đầu Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó làm ngơ, đồng lõa hay khuyến khích PVN cố tình vi phạm là điều có thật và không thể không chịu trách nhiệm.

Tại thời điểm đó ông Võ Hồng Phúc Bộ trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu tư, cho biết, bản thân ông phải chịu những sức ép ghê gớm từ một số người, ép buộc ông phải ký giấy chứng nhận đầu tư cho dự án. Trong tình thế lưỡng nan ký thì sai luật, không ký thì đi ngược lại ý kiến chỉ đạo, ông buộc phải có văn bản báo cáo Bộ Chính trị. Kết quả Bộ Chính trị đã họp với kết quả đa số ủng hộ bỏ qua việc Dự án Junin 2 phải thông qua Quốc hội, với sự có mặt của Chủ tịch Quốc Hội khi đó là ông Nguyên Phú Trọng.

Tóm lại, có thể thấy trong Dự án Junin 2, các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết phải chịu trách nhiệm chính trị; ông Nguyễn Tấn Dũng chịu trách nhiệm trong việc quản lý chung của Chính phủ; ông Nguyên Phú Trọng phải chịu trách nhiệm về việc thiếu kiên quyết để Junin 2 lọt lưới "quốc hội" trong vai trò Chủ tịch Quốc Hội; còn các ông Hoàng Trung Hải, Đinh La Thăng chịu trách nhiệm quản lý và triển khai.

Qua đó để thấy, vì sao dự án Junin2 lại được Bộ Chính trị thông qua một cách khẩn trương, đồng thuận cao, kể cả việc PVN lách luật để trốn Quốc Hội cũng như phớt lờ những cảnh báo của các Bộ, nghành có liên quan. Vì thế, việc truy cứu trách nhiệm của một vài nhân vật cao cấp cỡ tứ trụ như nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ 2006 -2011 là điều không tưởng.

Trong những ngày này, vụ việc Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đầu tư khai thác dầu khí Venezuela thất bại, lại nóng lên. Việc một số nhà báo đã tập trung xoáy vào trách nhiệm của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ 2006 -2011. Với trọng tâm là khoản tiền phí tham gia dự án là 584 triệu USD trong dự án Junin 2, và phải chuyển ngay 300 triệu USD theo quy định của Venezuela. Với chi tiết ác ý là số tiền 584 triệu USD đó phải được thanh toán bằng tiền mặt. Ngay lập tức điều đó đã khiến dư luận dư luận xã hội đã hiểu rằng, việc truy cứu trách nhiệm của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hay kể cả ông Nông Đức Mạnh là không tránh khỏi.

Lâu nay, báo chí nhà nước ở Việt Nam bị dẫn dắt bởi những thế lực chính trị trong nội bộ đảng, để phục vụ cho cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực là điều không phải bàn cãi. Trong vụ việc C03 của Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ các sai phạm trong Dự án Junin 2, với trọng tâm làm rõ những điều khuất tất của khoản "phí tham gia"584 triệu USD gây xôn xao dư luận thời gian gần đây trong dự án Junin 2 tại Venezuela.

Cứ xem thông cáo báo chí của PVN ngày 21/3/2019 (bit.ly/2TRQWlq) sẽ thấy sự đổi trắng thay đen của đám nhà báo cơ hội. Nó hoàn toàn khác với những gì họ cố tình bóp méo. Họ quên rằng, Venezuela là một nhà nước pháp quyền, đa đảng với một hệ thống giám sát quyền lực tốt đủ để ngăn chặn những vụ việc tham nhũng, hối lộ cấp quốc gia. Chắc chắn phe đối lập ở Venezuela không dễ gì bỏ qua việc PVN "gửi giá" để lấy lại phần tiền hoa hồng 25% trên tông số 584 triệu USD tiền gọi là lại quả như họ đang làm rùm beng.

Trích thông cáo báo chí của PVN ngày 21/3/2019:

""Về việc này ("tiền hoa hồng" ở các hợp đồng dầu khí - PV), có lẽ nhiều người đã hiểu sai về khoản tiền gọi là “Participant Bonus” hoặc cũng có nơi dùng từ “Signature Bonus”. Nếu hiểu theo nghĩa đơn giản, chữ Bonus nghĩa là tiền thưởng (“tiền hoa hồng”) thì không đúng với bản chất của từ ngữ. 
Thực chất, khoản tiền này là khoản tiền mà nhà thầu phải trả cho nước chủ nhà khi ký hợp đồng dầu khí. Có thể giải thích một cách nôm na rằng, khoản tiền này giống như tiền ta đi mua hồ sơ thầu, giá trị của khoản tiền này nhiều hay ít tùy thuộc vào giá trị tổng thể của gói hợp đồng. Có nghĩa là khi công ty dầu khí nước chủ nhà giao tài liệu cho ta thì ta phải trả tiền, khoản tiền này cũng như một loại tiền đặt cọc để buộc tham gia dự án. Đây là một thông lệ bình thường ở quốc tế. 
Các công ty nước ngoài vào Việt Nam khai thác dầu cũng phải trả khoản tiền này. Ví dụ, BHP (Anh) đã phải trả quyền khai thác ở mỏ Đại Hùng 90 triệu USD, hoặc khi chúng ta liên doanh với phía Nga khai thác dầu ở mỏ Nhenhetxky thì cũng phải trả phí tham gia hợp đồng gần 100 triệu USD. 
Do cách hiểu và cách dịch có khác nhau nên mọi người dễ nghĩ đây là tiền “lại quả”. Việc thanh toán khoản phí này cũng theo luật dầu khí của từng nước mà không thể làm khác được. Trong dự án Junin 2, khoản tiền phí tham gia dự án này là 584 triệu đô và phải chuyển ngay 300 triệu đô theo quy định của Venezuela. Không thể nào có chuyện chúng ta chuyển tiền cho Venezuela rồi họ lại cắt xén, chia chác, lại quả với nhà đầu tư Việt Nam. 
Còn ở Venezuela, Nga cũng phải chi cho PDVSA 1 tỷ USD tiền phí tham gia hợp đồng. Trung Quốc cũng đã chi 1 tỷ USD cho cái gọi là “hoa hồng chữ ký”… 
Sự thật về chuyện “tiền hoa hồng” chỉ là như vậy!"

Chưa hết, "Thậm chí Quốc hội Venezuela quyết định nếu dự án chưa đạt hiệu quả kinh tế cao thì bất luận lý do gì, Quốc hội sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án cho phía Việt Nam. Sau khi ông Hugo Chavez mất, Tổng thống Nicolás Maduro lên nắm quyền. Khi sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, ông cũng đã chia sẻ với những khó khăn mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang gặp phải khi thực hiện dự án Junin 2. Và chính phủ Venezuela sẵn sàng cho Việt Nam lựa chọn một lô khác nếu Việt Nam thấy thuận lợi hơn, có hiệu quả kinh tế cao hơn." . Vẫn theo thông cáo báo chí của PVN ngày 21/3/2019.

Điều này hoàn toàn phù hợp với ý kiến của các chuyên gia trong nghành dầu khí Việt Nam khi cho biết, "Luật Dầu khí Venezuela cực kỳ khắt khe, và sang chảnh, bởi Venezuela quá nhiều dầu, nên nhiều công ty khai thác dầu mỏ khắp nơi trên thế giới đổ xô đến. Chính vì thế, Venezuela không bao giờ phải đi xin xỏ, quỵ lụy ai, mà ngược lại, chỉ có người khác đến cầu cạnh họ".

Sự góp mặt của các nhà báo Nguyễn Công Khế, Hoàng Hải Vân... cựu lãnh đạo báo Thanh Niên trong những ngày này cũng phần nào cho người ta thấy, ông Trương Tấn Sang là người đứng sau vụ việc khuấy đảo dư luận này. Điều đó xuất hiện đúng vào thời điểm công tác chuẩn bị nhân sự chủ chốt cho Đại hội đảng CSVN Khóa 13 dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2021. Với mục đích hạ uy tín nhằm ngăn chặn một số nhân vật đang được dự kiến cơ cấu trong danh sách tứ trụ của khóa 13 mà thôi.

Không thể bác bỏ vai trò của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ 2006 -2016 đã tàn phá nền kinh tế Việt Nam trầm trọng đến mức không thể kể hết. Với cách thức quản lý vô trách nhiệm, tùy tiện đã sản sinh ra biết bao những Đinh La Thăng; Phùng Đình Thực; Nguyễn Xuân Sơn..., "những kẻ vén tay áo xô đốt nhà táng giấy" dính vòng lao lý. Nguyên nhân chính thuộc về chính sách kinh tế sai lầm của đảng CSVN, khi lấy kinh tế nhà nước là trọng tâm trong lúc không chú trọng và bỏ qua vai trò của kinh tế tư nhân. Song điều quan trọng hơn cả là thiết chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực trong hệ thống chính trị ở Việt Nam đã bị vô hiệu hóa và tê liệt. Trong đó có phần trách nhiệm của người dân chúng ta.

Ngày 21 tháng 3 năm 2019

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA