Từ đầu thế kỷ XX, đặc biệt từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) đến trước biến cố tháng Tám năm 1945, trong phong trào yêu nước Việt Nam (ở cả trong nước và hải ngoại) đã xuất hiện một số chính đảng với những tư tưởng và phương thức tổ chức khác nhau. Xét theo tiêu chí chính đảng, các chính đảng ở Việt Nam chỉ xuất hiện sau chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc. Tuy nhiên, trước đó đã có những tổ chức chính trị mang màu sắc của một đảng chính trị hiện đại. Ra đời sớm nhất trong số các tổ chức “tiền đảng phái” là Duy Tân hội và Việt Nam Quang Phục hội do Phan Bội Châu thành lập. Tại Trung Quốc, Tâm tâm xã, tên chính thức là Tân Việt Thanh niên đoàn (Lê Hồng Phong sáng lập) được thành lập ở Quảng Châu vào mùa xuân năm 1923. Tại Pháp, có có ba tổ chức của người Việt tại Pháp là: Hội đồng bào thân ái, Hội những người Annam yêu nước và Đảng Việt Nam độc lập. Tại Việt Nam, mà chủ yếu tại Nam Kỳ có các tổ chức: Thanh niên Cao vọng đảng, Đảng Thanh niên. Những tổ chức chính trị này dù có những tên gọi và hình thức tổ chức khác nhau, thậm chí một số tự nhận mình là “đảng”, nhưng đều chưa thể gọi là “chính đảng” vì không có hệ tư tưởng độc lập, cương lĩnh, không có tổ chức ổn định cũng như số lượng đảng viên đông đảo cần thiết. Tuy nhiên, những tổ chức chính trị này là những nét mới trong đời sống chính trị ở Việt Nam, mở đường cho sự ra đời của những chính đảng thực thụ.
Xét theo tiêu chí chính đảng (trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam thời kỳ cận đại), chỉ có thể xem Đảng Lập hiến Đông Dương (1923, Bùi Quang Chiêu sáng lập) và ba tổ chức chính trị ra đời vào những năm 1920 là chính đảng: Tân Việt Cách mạng đảng (1925, Tôn Quang Phiệt sáng lập), Việt Nam Quốc dân đảng (1927, Nguyễn Thái Học) và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, 1925 - Nguyễn Ái Quốc thành lập). Sau đó, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập năm 1930 trên cơ sở tổ chức tiền thân: HVNCMTN và bộ phận tách ra từ Tân Việt Cách mạng đảng.
Sau năm 1930, đặc biệt là những biến cố chính trị trên thế giới và tại Đông Dương trong những năm chiến tranh thế giới 1939-1945 đã tạo ra môi trường chính trị thuận lợi cho sự ra đời của hàng loạt đảng phái tại Việt Nam cũng như hải ngoại như: Đại Việt Quốc dân đảng (1939, Trương Tử Anh), Đại Việt Dân chính đảng (Đảng Hưng Việt, 1938 - Nguyễn Tường Tam sáng lập), Đại Việt Duy dân Cách mệnh Đảng (1943, Lý Đông A), Đại Việt Quốc gia Xã hội Đảng (1936, Nguyễn Xuân Tiếu), Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội (1942, Nguyễn Hải Thần), Đại Việt Phục hưng hội (1942, Ngô Đình Diệm), Đảng Dân chủ Đông Dương (1936, Nguyễn Văn Thinh), Đảng Dân chủ Việt Nam (1944, Dương Đức Hiền), v.v... Mục tiêu chung của các đảng phái này đều là giành độc lập dân tộc và quyền lực cho tổ chức mình.
I/ Bối cảnh ra đời của các đảng chính trị ở Việt Nam trước năm 1945
1/ Đất nước trong vòng đô hộ, đảng chính trị ra đời là mong muốn kết hợp của những người yêu nước để giải phóng dân tộc
Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX đã trải qua nửa thế kỷ đô hộ của thực dân Pháp. Với truyền thống yêu nước từ ngàn xưa, người Việt Nam từ khi lọt lòng cho tới ngày trưởng thành chỉ có một tâm nguyện cháy bỏng, đó là giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ, thuộc địa. Đã có rất nhiều nhân sĩ yêu nước thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc theo cách thức truyền thống, tức là nổi dậy khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp. Đó là phong trào Cần Vương với hơn 10 cuộc khởi nghĩa của các trí thức, nho gia ở khắp cả nước. Cùng với đó là hàng chục cuộc khởi nghĩa khác của người dân, các thủ lĩnh địa phương khắp ba miền bắc, trung, nam. Các cuộc khởi nghĩa này đã động viên tinh thần yêu nước của người dân, nhưng đều không thành công bởi nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là hai lý do sau.
Thứ nhất, các cuộc khởi nghĩa chỉ có tính chất địa phương,chưa quy tụ, tập hợp thành một khối thống nhất đủ mạnh để chống Pháp. Các lãnh tụ khởi nghĩa chỉ có uy tín tại nơi họ xuất thân, tinh thần địa phương mạnh mẽ làm họ chống lại mọi sự thống nhất phong trào trên quy mô lớn hơn. Khi các lãnh tụ bị bắt hay chết thì quân của họ hoặc giải tán hay đầu hàng.
Thứ hai, các cuộc khởi nghĩa của các thủ lĩnh địa phương dựa trên nền tảng sản xuất lạc hậu, kém phát triển vì vậy vũ khí thô sơ không thể chống lại vũ khí hiện đại của Pháp.
Khi các cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra nhưng không thành công, những người đi sau đã rút kinh nghiệm để tìm ra phương thức đấu tranh mới. Cùng với việc giao lưu quốc tế và công cuộc khai hóa văn minh thuộc địa, các trào lưu tư tưởng văn minh tiến bộ đã tràn vào Việt Nam. Các tư tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền cùng với các mô hình kinh tế, chính trị và quản lý xã hội mới của thế giới cũng được phổ biến và học tập tại Việt Nam
2/ Ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng và mô hình chính trị phương tây
Những tư tưởng dân chủ tư sản phương Tây đến Việt Nam sớm nhất vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, không phải trực tiếp qua sách vở phương Tây mà gián tiếp thông qua Tân văn, Tân thư từ Trung Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh con đường Trung Quốc và Nhật Bản, còn một ngả đường nữa đưa trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản đến Việt Nam một cách trực tiếp: đó là từ nước Pháp - quê hương của cách mạng dân chủ tư sản điển hình mà cũng là nước đô hộ Việt Nam.
Khi đã tiếp xúc với văn minh phương tây, những người yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ còn nhận ra thêm một nhiệm vụ mới, ngoài việc giải phóng dân tộc, đó là giải phóng người dân ra khỏi tư tưởng, văn hóa và chế độ phong kiến, tức là đem lại tự do cho nhân dân. Như vậy, cùng lúc, cuộc cách mạng ở Việt Nam cần giải quyết hai nhiệm vụ dân tộc và dân chủ. Đây là một trong những lý do khiến cho việc sắp xếp các thứ tự ưu tiên, cũng như kết hợp giải quyết hai mục tiêu của các đảng phái vô cùng khó khăn, lúng túng.
Cùng với những tư tưởng tiến bộ, nhân bản khi Việt Nam giao thương với thế giới, còn có các tư tưởng độc hại, nguy hiểm luôn rình rập, chờ đợi. Chủ nghĩa cộng sản cũng đã theo chân những người yêu nước gieo rắc và phủ kín Việt Nam. Điều đáng nói là, trong khi các chính đảng còn đang loay hoay về chiến lược bảo đảm sự hài hòa và chuẩn xác trong việc kết hợp giải quyết hai mục tiêu dân tộc và dân chủ, thì với những chiêu bài mị dân, đảng cộng sản đã thu hút được rất nhiều người dân cùng khổ trên khắp mọi miền đất nước. Với sự hậu thuẫn của Quốc tế Cộng sản và các đảng cộng sản tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, đảng cộng sản Việt Nam đã phát triển thành một đảng đại chúng có chân rết ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước, điều mà không một đảng phái quốc gia nào làm được.
II/ Đặc trưng của các chính đảng quốc gia trước tháng 8/1945
Do hình thành trong thời kỳ Pháp đang đô hộ Việt Nam, nên các chính đảng quốc gia gặp khó khăn rất lớn trong việc hợp thức hóa và phát triển lực lượng. Mặt khác, người dân Việt Nam khi đó dân trí còn rất thấp, tỷ lệ người biết chữ chỉ mấy phần trăm dân số, cuộc sống lại vô cùng nghèo khổ. Giới tư sản chỉ mới bắt đầu hình thành, chưa trở thành tầng lớp để có sự kết hợp bảo vệ quyền lợi cho mình. Các kiến thức về tư tưởng, văn hóa phương tây còn tản mạn, chắp nối và được mỗi giới, mỗi cá nhân hấp thụ theo một cách khác nhau nên thiếu sự thống nhất... Tất cả những nguyên nhân đó đã tạo ra đặc trưng của các chính đảng quốc gia như sau.
1/ Các chính đảng chỉ có quy mô, lực lượng ở phạm vi vùng, miền, chưa có quy mô toàn quốc
Đây là đặc trưng chung của các chính đảng quốc gia. Đặc trưng này có nhiều nguyên nhân: trước hết, về cương lĩnh, đường lối của các đảng chưa đủ sức thuyết phục được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; giới trí thức khi đó cũng chưa phát triển được ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước; đảng chính trị cũng là điều mới mẻ đối với phần lớn người dân; sự nghi kỵ và đàn áp của nhà nước bảo hộ Pháp; cơ sở hậu thuẫn về tài chính, kinh tế chưa đáp ứng được so với yêu cầu phát triển lực lượng. Tóm lại, các đảng chính trị hình thành trong thời điểm trước năm 1945 chưa có đủ các điều kiện cần và đủ để phát triển bình thường và lớn mạnh thành chính đảng có quy mô quốc gia....
(còn nữa)
Hà Nội, ngày 20/3/2019
N.V.B
Bài bình luận gần đây